bởi Lạc

26
9
2312 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

1.1


"Bốn bề nước biếc non xanh,

Kỳ Lừa đẹp nhất nơi danh thắng này.

Văn thư xe ngựa đua tay,

Cửa nhà tiếp nối hàng bày lụa tơ."

(Thơ Ninh Tốn)

 

Chợ Kỳ Lừa xứ Lạng nổi danh gần xa, bốn bề bao quanh là non xanh trùng điệp ẩn hiện trong lớp sương khói mờ ảo. Có người nói, nơi đây là chốn phồn hoa sầm uất bậc nhất cái xứ này, đi qua xứ Lạng mà không thăm thú chợ Kỳ Lừa thì coi như cũng bỏ không.

 

Ở chợ Kỳ Lừa có một thứ mà nhất định phải thử một lần, đó là nem nàng Thương.

 

.

 

Lý Nhân mang thuốc từ Cao Bằng đến đây để bán, được dịp ghé ngang dạo chợ, người bạn đi cùng vừa kéo chàng đi vừa nói: "Anh đã đến xứ này rồi, thế có biết tiếng nem nàng Thương không đấy?"

 

Lý Nhân cười cười, thật thà trả lời: "Có nghe thấy, mấy người khách của tôi cứ khen nem ngon, bà chủ hàng nem đẹp người đẹp nết."

 

Người bạn kia chọc ghẹo: "Thế anh chưa thử nem ở đó bao giờ à? Tôi đưa anh đi, biết đâu anh lại vớ được bà chủ ở đấy."

 

Lý Nhân cười, chàng cũng đến tuổi thành gia lập thất mà chưa có mối nào, quanh năm chỉ lo bôn ba ngược xuôi với mớ thuốc đắng nghét. Mà nàng Thương ấy à, nghe danh là người con gái đức hạnh, đoan trang, lại có cái tài làm nem ngon nức tiếng cả cái chợ Kỳ Lừa này, biết đâu trời cao tác hợp lại nên duyên vợ chồng.

 

Giây phút đầu tiên nhìn thấy nàng Thương, Lý Nhân đã như rơi vào mộng đẹp, chao ôi dáng người nhỏ nhắn, mái tóc đen dài buông xõa qua eo, đôi mắt to tròn lúng liếng cùng đôi môi xinh xắn khéo ăn khéo nói đã hớp hồn chàng, dường như vừa nhìn đã trót say.

 

Hàng nem của nàng vừa mở bán đã chật ních khách, đa số là họ say cái nét mộc mạc dịu dàng của nàng mà tìm đến chứ có đoái hoài gì đến mớ nem nàng làm. Có người buông lời chọc ghẹo, nàng chỉ cười khách sáo rồi đối đáp có lễ, người ta thấy lòng nàng kiên định không cũng không dám quá phận.

 

Chàng lân la kéo người bạn đi cùng lại gần, hỏi mua ít nem để lấy cớ đứng nhìn nàng, đôi mắt si mê nóng hừng hực khiến nàng Thương phải chú ý ngước nhìn, có điều ánh mắt quá đỗi mãnh liệt đó khiến nàng cũng ngại ngùng mà rũ mắt.

 

Đợi buổi trưa vãn khách, chàng mới đi đến ngồi xuống chiếc ghế tre được bày sẵn, buông lời chọc ghẹo.

 

"Má em hây hây đỏ

Giữa bầu trời nắng to

Lòng anh nàng có tỏ

Thì theo để anh lo."

 

Nàng Thương nghe xong chỉ mỉm cười, không đáp lại, cũng không nhìn chàng mà chỉ lo dọn dẹp hàng nem của mình.

 

Ngày hôm đó chàng thất vọng ra về, định bụng sáng mai sẽ lên đường về Cao Bằng, nhưng mà duyên đã bén thì đâu dễ buông. Trong giấc ngủ chập chờn vì lạ chốn, chàng lại nhìn thấy nàng Thương của chàng, nàng vận áo tứ thân chấm đất, mang đôi guốc mộc mà bước đến gần mình.

 

Tiếng guốc "lộc cộc" nện lên nền đất, dáng hình nhỏ bé ấy càng ngày càng gần, chàng đưa tay ra nắm thì choàng tỉnh, tay nàng Thương không nắm được mà lại vô tình trúng vào người bạn ngủ cùng.

 

"Anh Lý Nhân! Anh nằm mộng thấy gì mà vả tôi bôm bốp thế hả?"

Lý Nhân ngơ ngác nhìn xung quanh, không có nàng Thương, không có hàng nem, chỉ có căn phòng trống vắng đơn sơ mà chàng thuê tạm để qua đêm.

 

"Xin lỗi tôi say quá." Lý Nhân mờ mịt nói, dường như vẫn chưa tỉnh hẳn.

Người bạn tỏ vẻ ngạc nhiên: "Say? Anh có uống giọt rượu nào đâu mà say?"

 

"Không, tôi say tình, say Thương." Lý Nhân đáp, chắc hẳn chàng cũng chẳng biết mình nói cái gì, bởi vì hồn đã bay tận đến hàng nem của nàng rồi.

 

Người bạn nghe xong cười lớn, khoái chí vỗ vai chàng. "Đấy, đây là triệu chứng chung của số người đã gặp qua nàng Thương, không giấu gì anh, tôi là bà con xa của nhà ấy, nếu anh muốn thì tôi bày cách cho."

"Nàng khó lắm, phải làm gì đây?"

 

"Nàng ấy không thích bị chọc ghẹo đâu, muốn theo đuổi nàng thì anh phải thành tâm, cho người ta thấy được cái tâm của anh."

 

Lý Nhân nghe xong thầm than thôi xong rồi, nàng vốn không thích mấy lời trêu ong ghẹo bướm, thế mà chàng lại làm y không thiếu cái gì.

 

Người bạn kia nói xong vài câu thì lại tiếp tục ngủ, chàng Nhân suy tư gác tay lên trán cả đêm, cuối cùng lại não nùng mà thở dài, để cưới được vợ chưa bao giờ là dễ dàng cả.

 

Từ dạo đó Lý Nhân cứ ở lì cái xứ ấy, chàng gom tất cả tiền bạc mình dành dụm được thuê một mảnh đất nhỏ, ngày ra hàng nem ngóng giai nhân, chiều về lại ra đồng.

 

Cái tiếng si tình vang xa khắp Đồng Đăng, khắp chợ Kỳ Lừa, ai cũng biết có chàng buôn thuốc người Trùng Khánh, Cao Bằng bỏ hết quê hương, thuốc than chỉ để trụ lại cái xứ này, âu cũng là vì mến mộ một người con gái.

 

Người ngoài ca tụng bàn tán bao nhiêu thì người trong cuộc lại càng nóng mặt bấy nhiêu. Người ta nói nàng dùng bùa chú để hớp hồn, thế nên đàn ông khắp Đồng Đăng mới thi nhau tới hàng nem của nàng mà cò, mà cưa.

Nàng Thương chỉ có cái sắc đẹp đằm thắm cùng cái nết dịu hiền, chồng còn chưa có thì nói gì đến bùa chú mê hoặc ai? Mọi sự chỉ tại cái người buôn thuốc kia, bám riết không buông.

 

.

 

Nàng dọn hàng nem như mọi khi, chỉ có mới là từ dạo kia, không dưng lại xuất hiện thêm chàng Lý Nhân, người thì cũng khôi ngô, dáng thì cũng khỏe mạnh, trông cũng thích mắt, người này không chọc nàng, không ghẹo nàng, mỗi ngày chỉ im lặng ngắm nhìn nàng, đem cho nhà nàng con cá, mớ rau mà chàng ta kiếm được.

 

"Này chàng kia, sao cứ bám riết lấy tôi, đã thế ngày nào cũng đem quà đến biếu?"

 

"Tôi làm tới mức này, nàng không tỏ cho cái lòng tôi hay sao?"

 

"Thế còn nhà anh ở Cao Bằng thì sao? Thầy u anh không lo lắng hở? Anh đâu thể ở mãi xứ này, tôi cũng đâu thể bỏ thầy tôi mà theo anh. Hay là anh sớm dứt tâm đi thôi."

 

Lý Nhân chưa kịp đáp lời thì chị Cẩm cạnh nhà nàng đã hớt hải chạy tới, hai tay chị vịn vào hàng nem, nói không ra hơi.

 

"Em Thương về mau đi... Thầy em ở nhà, không xong rồi, về mau..."

 

Nàng Thương đang buộc nem lên giàn, chưa kịp làm cho xong thì đã rơi hết xuống, còn bóng dáng nàng cũng không thấy đâu. Ngoài trời đổ nắng to, mặt đất bị hun thành một vỉ nướng nóng bỏng, nàng đi vội đến độ không kịp mang nón, mang guốc, đường về nhà lại xa nên chân đã sưng đỏ, Lý Nhân chỉ biết chạy theo hướng nàng rời đi.

 

Ông cụ kia tuổi đã cao, sinh bệnh cũng lâu rồi, có lẽ không qua khỏi khắc này.

 

Chỉ khổ nàng Thương, thân gái gánh gồng buôn bán vừa nuôi thân, vừa nuôi thầy, nếu ông cụ đi thật thì nàng biết làm sao. Nhưng trời không chiều lòng người, lúc nàng về đến thì ông cụ đã héo hon nằm đó, gương mặt khắc khổ do năm tháng mài mòn vẫn chưa giãn ra, bao nhiêu điều muốn nói với đứa con gái cũng chưa kịp nói, hơi thở đã sớm tiêu tan.

 

Nàng ngồi gục bên thi thể chưa lạnh của thầy khóc nấc, Lý Nhân đứng ở cửa thấy nàng khóc mà quặn hết ruột gan. Nàng Thương luôn đoan trang giữ lễ, có bao giờ chịu rơi nước mắt trước mặt người ngoài, lúc này lại òa lên như một đứa trẻ.

 

Nàng khóc hồi lâu, cuối cùng không còn sức mà khóc nữa, đôi mắt sưng lên nhưng nàng cũng không thấy rát, bởi vì ánh mắt đã trống rỗng tự bao giờ.

 

Lý Nhân không nỡ nhìn người mình thương khóc đến sức cùng lực kiệt như thế, chàng tiến đến ôm lấy thân thể bé nhỏ đang run rẩy của nàng, nhỏ giọng nói.

 

"Đừng khóc, lúc trước nàng hỏi tôi, bây giờ tôi nói cho nàng nghe, thầy u tôi ở Cao Bằng cũng không còn, tôi tình nguyện ở lại xứ ngày, che chở nàng, chăm lo cho nàng, chúng ta nương tựa nhau mà sống, nàng có bằng lòng với tôi không?"

 

Nàng Thương đang trong cảnh khốn cùng, thân gái cũng cần có một bến đỗ, người này xuất hiện sao mà đúng lúc, chọc sao mà đúng chỗ.

 

Khách tới hàng nem đa số đều là vì nhan sắc nàng, mặc dù hay buông lời trêu ghẹo nhưng chẳng có mấy ai thật lòng, thế mà Lý Nhân lại khác. Cái người gì mà kiên trì lại quá đỗi si tình, chàng ta vì nàng mà bỏ nghề buôn thuốc, từ chốn quê hương ruột thịt để dọn đến cái xứ này, ngày ngày đều ra phụ nàng dọn hàng, có ai quá phận với nàng đều bị chàng ta tính sổ.

Thôi thì trai chưa vợ, gái chưa chồng, hoàn cảnh lại côi cút chẳng người thân thích, đến bên nhau mà nương tựa nhau cũng là duyên trời tác hợp.

 

.

 

Lý Nhân phụ nàng lo việc ma chay cho thầy tươm tất, chờ một thời gian cho nguôi ngoai mất mát hai người mới dám tính tới chuyện trăm năm.

Mãn tang thầy, cuối cùng sau bao công sức chàng cũng rước được nàng về dinh. Giai nhân nức tiếng chợ Kỳ Lừa cũng bỏ lại cuộc chơi mà theo chồng.

 

Đám cưới thôn quê giản đơn, sính lễ cũng là những thứ như trầu cau, lợn gà, bà con khắp Đồng Đăng đều đến chúc phúc cho đôi trai tài gái sắc. Quanh đi quẩn lại mấy mùa xuân, thế mà họ cũng bên nhau được năm cái tết.

 

Nàng Thương bây giờ đã mang thai, đôi vợ chồng đều vui mừng vì sắp có được mụn con. Lắm lúc ôm chiếc bụng đã khá to ngồi trên cái chõng mắc trước nhà, nàng lại nhớ về chuyện năm xưa.

 

Năm xưa nàng cũng coi như là một đóa hoa đẹp, hoa tuy kiều diễm nhưng lại quá đỗi kiêu ngạo, đứng trước bao nhiêu lời trêu ghẹo cũng không xiêu lòng.

 

Thế rồi gặp lúc thầy mất, thân gái một mình bấp bênh như đóa hoa rơi trôi nỗi giữa dòng Kỳ Cùng, không biết đi về đâu lại sợ bị sóng to vùi dập. Nhưng làm sao mà vùi, mà dập được khi đã có sẵn bến chờ, chàng Nhân xuất hiện chân thành và dịu dàng giữa một rừng tạp niệm, khiến kẻ phàm phu tục tử cũng phải tránh xa. Rồi tình đưa duyên đẩy, nên duyên vợ chồng, rồi trời cao ban phước, cho ra trái ngọt tình yêu là đứa bé chưa chào đời này.

 

Nàng dịu dàng xoa bụng, nói: "Chàng đã nghĩ ra tên con chưa?"

 

Lý Nhân đang ngồi sửa lại cái ghế bên cạnh cũng dịu dàng trả lời: "Ta đã sớm tính tới chuyện đó rồi, nếu là con trai thì đặt là Nghĩa, ở đời người ta trọng đạo nhân nghĩa, lấy nhân nghĩa làm đầu mà đối nhân xử thế, sau này ra làm việc lớn giúp ích cho non sông. Còn con gái thì đặt là Trinh, tấm lòng trinh bạch, kiên trinh với đất nước."

 

"Em ít học nên cứ theo chàng hết đi, chàng đọc nhiều sách biết chữ thánh hiền, đợi khi đứa bé chào đời thì hãy viết tên em, tên con, tên chàng ra, em thêu vào cổ áo cho bé, cho chàng."

 

Chàng buông cái ghế ra, đứng dậy đi rửa tay, xong lại trở vào nhà mang ra cốc nước mát đưa cho vợ. "Nàng đang có mang, đừng để mình vất vả quá, muốn ăn cái gì cứ nói với ta, không được cố sức đâu đấy."

 

Nàng uống nước xong để cốc qua một bên, từ từ vịn vào vách nhà đứng dậy, hơi dang cánh tay ra. "Chàng xem, con nó nhớ chàng này, nếu chàng cũng cảm thấy thì đến ôm một cái đi."

 

Lý Nhân biết vợ đang làm nũng, chàng dịu dàng tiến đến gần, ôm trọn hai mẹ con vào lòng. "Thầy biết rồi, con không được hư làm u đau đâu nhé."

Nàng rúc vào lồng ngực ấm áp của chồng, hồi lâu sau mới gạt nước mắt thốt ra một câu. "Cảm ơn chàng."