bởi Lạc

14
6
3019 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

1.2


Ba tháng sau nàng Thương hạ sinh một đứa bé trai khôi ngô, nhìn ra thì có đến bảy phần là giống thầy nó.

 

 

Đứa bé trai được thầy đặt tên là Nghĩa, mặc dù bận việc buôn bán cùng đồng áng nhưng Lý Nhân dạy dỗ nó rất cẩn thận. Niềm vui lại càng đong đầy vì tiếng cười đùa của trẻ thơ, tình cảm vợ chồng lại càng mặn nồng hơn trước.

 

Cho đến khi đứa trẻ lên hai, Lý Nhân có việc trở về Cao Bằng, chàng dặn mẹ con nàng ở nhà giữ gìn sức khỏe, khi về sẽ mang quà về cho hai mẹ con.

 

Quả nhiên lúc trở về chàng mang theo một con ngựa gỗ nhỏ làm quà cho con, một túi bồ kết và một cây trâm gỗ cho vợ.

 

Lúc bước qua hàng rào thì thấy con đang chơi trong sân, mẹ nó đang xối nước gội đầu. Chàng tiến đến bồng con lên, hôn cho thỏa nỗi nhớ mấy ngày qua.

 

"Ta mang về cho nàng túi bồ kết, một cây trâm gỗ, tuy không phải đồ đắt tiền nhưng cũng là thứ tinh xảo."

 

Nàng Thương đang gội đầu nói với lại: "Chàng mua cho em nhiều thế này thì con nó phân bì. Chàng lại đây xối nước cho em đi, chàng đi lâu quá, em và con chờ xoắn hết cả ruột gan."

 

Lý Nhân bỏ con xuống, đi đến bên nàng. Tính vợ chàng biết rõ, bình thường luôn đứng đắn trước mặt người ngoài nhưng trước mặt chàng sẽ trêu đùa, có lúc lại làm nũng, đáng yêu đến mức chàng không thể phòng bị nổi.

 

Bao nỗi niềm nhung nhớ như dòng suối róc rách êm đềm, cuốn chàng và cả nàng vào trong đó. Họ cười đùa, dịu dàng nhìn nhau, tưởng chừng như trong mắt họ là ánh lửa tình bập bùng cháy mãi không tắt.

 

Chàng cầm chiếc gáo múc nước, xối xuống dòng nước mát lạnh, có điều nó cũng khiến lòng chàng lạnh theo. Từ phía bên trái đầu đến tai trái của vợ chàng là một vết sẹo, tuy không to nhưng nhức mắt đến mức khiến chàng suýt té ngã.

 

"Vết sẹo này... Từ đâu mà có?"

 

Nàng Thương vẫn chưa nhận ra thái độ khác lạ của chồng, nàng thành thật kể. "Hồi bé nhà em có hai anh em, trong lúc anh trai chặt mía thì lưỡi dao rơi ra khỏi cán, lại có lực vung sẵn nên vô tình rơi trúng đầu em..."

Lý Nhân chỉ nghe đến đây đã đoán được đoạn kết, sao mà quen thuộc, sao mà bi thương! Hỡi ôi ông trời! Chàng cảm thấy các tế bào trong cơ thể đột nhiên cứng đờ, dường như quên cả hô hấp, quên cả đáp lời nàng.

 

Chàng đứng sững người như một pho tượng đá, đến cử động tay chân cũng khó khăn. Thế giới tình yêu màu hồng của chàng, lửa tình nóng bỏng của chàng, thời khắc này bị sự xuất hiện của vết sẹo đập cho tan tành, dập cho nguội lạnh. Thứ tình cảm mặn nồng trước kia khiến chàng đắm say bao nhiêu, bây giờ lại vỡ ra từng mảnh từng mảnh ghim vào tim chàng đau đớn bấy nhiêu.

 

Những hình ảnh tăm tối nhất cuộc đời chàng, đay nghiến kiếp người của chàng suốt mấy chục năm qua ùa về như thác lũ. Trấn Kinh Bắc quê cũ, hai anh em, người anh vung dao lên, người em lập tức ngã xuống, máu chảy lên láng một góc sân. Nhịp tim của người anh như dừng lại, cái cảm giác y hệt thời khắc này! Trớ trêu thay chàng lại trải qua cảm giác khủng khiếp đó một lần nữa! Giống như năm đó, chàng muốn trốn chạy, muốn lẩn tránh, muốn bỏ lại mớ dây oan nghiệt này mà chạy thật xa, thật xa.

 

Tất cả mọi thứ, làm ơn, xin ơn trên hãy thức tỉnh chàng, đánh thức chàng giữa cơn mộng mị này. Chàng nguyện vùi chôn xác thân, bỏ qua kiếp người chỉ để thoát khỏi cảnh tuần hoàn khủng khiếp này.

 

Một con người sao có thể yêu một người chung huyết thống, sao có thể cùng người chung máu mủ ruột thịt sinh con đẻ cái!

 

Rồi trong cơn giày vò tâm trí, chàng cay đắng nhận ra đây là sự thật, không phải giấc mộng hoang đường, chàng thực sự lấy nhầm em gái ruột! Cả hai còn thề non hẹn biển, ân ái sinh con!

 

Sao có thể! Tại sao chàng lại là Tô Văn, tại sao nàng lại là Tô Thị! Loại chuyện đi trái với luân thường đạo đức này làm sao một người học chữ thánh hiền như chàng có thể chấp nhận, làm sao có thể tồn tại trong xã hội ngoài kia?

 

Cứ ngỡ là tình yêu chân chính, không ngờ lại là cấm kỵ tội lỗi. Đớn đau, tê dại, rướm máu, ái tình gieo xuống làm sao mà gỡ! Chao ôi thứ tình yêu nghiệt ngã này đè ép lồng ngực chàng nhức nhói.

 

Sự tình này vượt ngoài tầm kiểm soát của chàng, vượt ra ngoài phạm vi chịu đựng của nhân loại, nó là loạn luân! Là cái mà xã hội hết mực lên án, bài trừ! Rồi nàng và con sẽ phải sống như thế nào? Phải đối mặt ra sao khi mà lễ nghi còn đè nặng lên vai? Nàng sẽ ghê tởm chính bản thân mình? Ghét bỏ đứa con do chính mình dứt ruột sinh ra? Rồi tương lai của con chàng sẽ đi về đâu, khi mà thầy u nó lại cùng chung huyết thống, nó có thể phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác sao? Hay phải cúi đầu cam chịu sự trừng phạt của số phận?

 

Mẹ con nàng không có lỗi, lỗi là ở người làm cha, làm chồng, làm anh như chàng. Chàng sẽ không để nàng biết được sự thật này, sẽ không để nàng phải chịu bất kỳ loại khinh miệt nào từ miệng lưỡi người đời.

 

.

 

Từ đợt đi Cao Bằng về, Lý Nhân tiều tụy trông thấy, cả người cứ như có bệnh, ít khi nói khi cười như trước, chỉ thỉnh thoảng bế con dạy nó đọc chữ mới thấy chàng cười.

 

Nàng Thương thấy chồng ngày một hốc hác mà xót, định bụng khi dọn hàng nem về nhà sẽ mua ít thịt lợn tẩm bổ cho chồng.

Nhưng mà cái chờ nàng không phải sự niềm nở của chồng, cũng không phải một cái ôm ấm áp.

 

Chồng nàng đang bế con, chiếc áo đang mặc trên người lại xa lạ và ngỡ ngàng đến nỗi nàng không nói nên lời.

 

Là áo lính của triều đình!

 

Nụ cười bên môi từ từ cứng lại, miếng thịt được treo trên tay cũng rơi xuống đất. Nàng đứng chôn chân tại hàng rào tre, đôi mắt mở to nhìn chồng.

 

Hai người nhìn nhau một hồi lâu, cuối cùng Lý Nhân bất lực mà cười, từ từ bế con tiến đến gần nàng.

 

Chàng giao đứa trẻ qua tay nàng, nàng máy móc đưa tay ra đón lấy, đến bản thân muốn hỏi cái gì, muốn nói cái chi cũng không thể mở lời được.

"Ta đã đăng lính, nàng ở nhà nuôi con, phần nàng cũng nên tự định liệu. Lần đi này không hẹn được ngày về..."

 

Nàng Thương nghe oành một tiếng, là tiếng tim gan nàng vỡ nát, đau đớn và chua xót như muốn nhấn chìm nàng.

 

Nàng muốn nói thật nhiều điều, muốn buông lời trách cứ chồng thật nhiều, nhưng cuối cùng lời đến bên miệng lại chẳng thể thốt ra, chỉ có thể chua xót hỏi.

 

"Tại sao?"

 

Câu hỏi của nàng như cứa vào lòng Lý Nhân, chàng cũng muốn nói thật nhiều, giải thích thật nhiều, cuối cùng lại không thành thật trả lời.

 

"Vận nước đang lâm nguy, trai tráng như ta ra giúp sức là lẽ đương nhiên."

Nàng biết rõ chồng là người học chữ thánh hiền, trong lòng đã khắc sâu bốn chữ trung quân ái quốc, có điều câu trả lời nàng muốn nghe không phải câu này.

 

Nàng lặp lại lần nữa: "Em hỏi chàng tại sao? Tại sao không nói trước cho em biết mà tự ý đăng lính!?"

 

Lý Nhân không trả lời, chàng thực sự không thể trả lời, chàng luôn tự huyễn hoặc bản thân mình đang làm tròn trách nhiệm với vua, với nước, nhưng thật ra đó chỉ là cái cớ cho sự hèn nhát muốn trốn chạy của chàng.

Nàng Thương không rõ chàng nghĩ gì, nàng chỉ biết rằng chàng đang muốn làm tròn chí trai, trung với vua, với nước giống như sách nho chàng hay đọc.

 

Rồi nàng gắng gượng cười: "Em hiểu rồi, chàng cứ đi làm cho xong lí tưởng của chàng, nhưng nhớ phải bảo trọng, sớm về với mẹ con em." Nàng Thương một tay bế con, tay còn lại nắm lấy cánh tay chàng bịn rịn nói.

 

Đôi mắt to tròn của nàng nhìn chồng sớm đã đỏ ửng, nhưng nàng lại cố kiềm không cho nước mắt chảy ra. Lý Nhân nhìn người vợ tào khang, dáng vẻ mà ngày đêm chàng vẫn hằng thương nhớ, nào ngờ ông trời trêu ngươi.

 

Đêm qua chàng trằn trọc suy nghĩ về đạo lý luân thường, làm sao để ngăn cản lầm lỗi này, thế mà trong khoảnh khắc bắt gặp dáng hình nhỏ bé chật vật ôm con đã khiến mớ suy nghĩ kia hoàn toàn trôi tuột. Vợ chàng, người cùng chàng đầu ấp tay gối, sao có thể là em gái chàng?

 

Hà cớ gì ông trời lại dằn vặt vợ chồng chàng như thế? Đến thời khắc chia ly cũng không thể nào thôi băn khoăn, nếu còn ở đây thêm một ngày, chẳng biết chàng sẽ lấy cái gì để đối mặt với người con gái ấy.

 

Gió bắt đầu thổi mạnh, thân ảnh nàng càng đơn bạc côi cút, lúc này Lý Nhân chỉ muốn buông tay nải, buông xuống tất cả trói buộc huyết thống luân thường, chỉ cần có thể tiến đến ôm lấy thân thể gầy yếu kia cũng đủ để chàng mãn nguyện.

 

Cuối cùng trong một khắc lý trí còn ngự trị, chàng đã lựa chọn níu kéo, níu kéo chút nhân tính còn sót lại bên trong con người khô héo. Rồi chàng tự thở than trong tâm, dứt khoát gạt đi bàn tay gầy gò đang nắm lấy ống tay áo mình, quay lưng bước theo đoàn hành quân.

 

Để một đi không ngoảnh lại, người nam tử ấy không biết đã khổ sở đến nhường nào.

 

Bước chân của chàng dồn dập như trốn chạy, nàng Thương bế con chạy theo nhưng lại không đủ sức, cả mẹ cả con đều ngã nhào ra đất.

Bụi đất lấm lem áo quần, đá cứa chân nàng rỉ máu, đứa bé ngã đau bắt đầu mếu máo, hai mẹ con cứ ngồi ôm nhau khóc trên con đường bụi mịt mờ dẫn lối chàng đi xa.

 

Ông trời đùa giỡn xong phận người lại đem lòng tiếc thương mà nổi cơn giông gió, cuồng phong bốn phía rít gào, những bộ quần áo nàng phơi trên sào cũng theo gió đi về nơi xa.

 

Quần áo của chồng nàng, những chiếc áo nàng may bằng yêu, thêu bằng thương, tên chồng, tên con, tên nàng,... Rồi cũng bỏ nàng mà bay theo chân trời.

 

Nàng ngồi dưới đất hồi lâu, nước mắt cạn khô không còn đủ cho nàng khóc nữa, bên má chỉ còn lại chút hơi lạnh cùng cơn gió giá buốt cắt da cắt thịt.

 

Hàng cây già cuối thôn lay lắt cố bám trụ lấy chút đất khô cằn càng khiến quang cảnh thê lương cô tịch.

 

Lòng người cũng hóa đá.

 

.

 

Lần đi này chẳng biết kéo dài bao lâu, vợ trẻ con thơ chẳng biết chờ đến bao giờ.

 

Một năm, hai năm, ba năm.

 

Nàng Thương gắng gượng mở lại hàng nem nuôi con, chỉ tiếc người nàng đây nhưng hồn nàng đã sớm đi biệt theo chồng.

 

Cuộc sống của hai mẹ con vây trong cảnh khốn cùng, đứa con nhỏ vừa lên năm nhưng thể chất ốm yếu, dáng người nhỏ gầy hơn rất nhiều so với những đứa trẻ cùng tuổi, lại hay đau ốm liên miên.

 

Cái khắc khổ của cuộc đời cộng hưởng với nỗi nhớ chồng da diết càng làm nàng thêm u uất, không khi nào nở một nụ cười.

 

Trong ba năm qua nàng chỉ như một cái xác không hồn, việc thường làm nhất chính là bồng con ra vách núi chờ chồng và bồng con lên chùa Tam Thanh để cầu an.

 

Người trong thôn vẫn thường thấy nàng bế con ra vách núi vào những buổi chiều tàn, khi mà mặt trời bắt đầu lặn, hàng nem đã hết khách. Dáng hình người phụ nữ trẻ ôm con chờ chồng đã được ba năm, thỉnh thoảng người ta còn nghe được nàng nỉ non khúc hát ai oán.

 

"Ba năm mà ngỡ mười năm

Đêm nào cũng lạnh căm căm nhớ chồng

Nhớ anh đến bạc má hồng

Nhớ anh đến bạc tấm lòng héo hon

Tình còn tình cạn bao nhiêu

Nhớ anh đâu phải sớm chiều đếm đong

Một lòng một dạ nhớ mong

Hỡi người biên ải biết trông thì về..."

 

Người ta nghe được chỉ lắc đầu, than trách chiến tranh loạn lạc chia cắt đôi trai tài gái sắc.

 

Xác thân nàng ngày càng héo hon gầy guộc, ngày xưa là giai nhân nức tiếng, bây giờ đóa hoa đó đã bị gió mưa làm cho bầm dập, tả tơi.

Hóa ra tất cả xuân thì của người con gái chỉ cần ba năm để lụi tàn.

 

.

 

Hôm nay nàng Thương lại đi chùa, số lần nàng đến đây trong ba năm qua nhiều không kể xiết.

 

Mà trời hôm nay, cũng âm u hệt như lòng nàng.

 

Giông gió kéo tới, bầu trời phủ một lớp màn đen kịt, cơn mưa nặng hạt bắt đầu trút xuống mặt đất, như tức giận cũng như khóc than cho phận người bọt bèo.

 

Nàng lại chẳng mang theo nón để che mưa.

 

Nàng đứng nép bên cổng chùa, trong màn mưa dày đặc nhìn thấy một bóng người đang hớt hải chạy đến.

 

Là chị Cẩm! Lúc trưa nàng đã gửi bé Nghĩa cho chị để lên chùa.

 

Nàng Thương cảm nhận được tim mình đập nhanh như muốn nhảy ra khỏi lòng ngực, đứa con bé nhỏ của nàng chẳng lẽ có chuyện gì sao?

 

"Chị..." Nàng đội mưa chạy đến gần Cẩm.

 

"Thằng bé Nghĩa con em..." Cẩm chưa kịp nói hết câu thì nàng Thương đã chạy đi, bóng lưng đơn bạc bị màn mưa nhấn chìm.

 

Đường mưa trơn trượt khiến nàng gục ngã hai, ba lần, nhưng chẳng kịp bận tâm xem có rướm máu hay không, nàng chỉ biết cố hết sức mà chạy về nhà.

 

Về đến nhà, nàng thấy thân thể nhỏ bé của con mình nằm co lại ở một góc phản, cả cơ thể nó tím tái nhưng vẫn chưa lạnh hẳn.

 

Đứa trẻ khốn khổ không còn hơi thở, nàng Thương chỉ biết khóc con, đau đớn quặn cả ruột gan.

 

Dường như chuyện này đã rút cạn sinh khí của nàng.

 

Lúc Cẩm đuổi kịp đến nhà thì mẹ con nàng Thương chẳng thấy đâu nữa, cả gian nhà tranh liêu xiêu trong mưa bão không bóng người, toát lên vẻ đìu hiu xơ xác khiến người ngoài như chị cũng thấy chạnh lòng.

 

Cẩm sợ nàng nghĩ quẩn mà làm ra chuyện dại dột, bèn nhờ cả thôn đi tìm.

Mưa mỗi lúc một to, sấm chớp đánh đì đùng vang dội cả chân trời, tiếng ồn như tiếng thét gào xé toạc bầu không, cỏ cây chen nhau giãy giụa như muốn gọi nàng trở về.

 

Có tìm cỡ nào cũng không thấy, mưa suốt cả đêm dài, nặng hạt đến mức làm lòng người trĩu nặng.

 

Ngày hôm sau, người ta phát hiện một hòn đá có hình dạng một người phụ nữ bế còn đứng chênh vênh trên vách núi.

 

Bây giờ thì chồng nàng không cần phải về nữa, nàng cũng không cần phải nhọc lòng chờ đợi.

 

Người trong thôn khóc than cho phận nàng hẩm hiu, người đời truyền miệng nhau về câu chuyện chờ chồng hóa đá, họ ca ngợi tấm lòng son sắc của nàng, còn phần nàng thì mãi mãi đứng lại nơi vách núi kia.

 

Còn về chồng nàng? Sau khi chiến trận kết thúc, chàng hối hận tìm về quê cũ, chỉ tiếc cảnh còn mà người đã mất, vợ con chờ chàng đến hóa ra đá lạnh, từ đó về sau không ai thấy bóng chàng ở đâu nữa.

 

Ngày nay người ta hay truyền miệng nhau bài thơ khuyết danh khi nhớ đến tích nàng Tô Thị chờ chồng mà hóa đá:

 

"Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.

...." (Khuyết danh Việt Nam)

 

Tôi kể một đoạn chuyện xưa dang dở, đâu đó có những kiếp người dở dang.

 

Vicamcam_ (Lạc)

9.4.2020