1.2
Chỉ hai ngày sau khi lấy lời khai, phía cảnh sát đã đến gặp mẹ tôi để thông báo về tiến trình điều tra. Trích xuất từ camera giám sát ở cầu thang cho thấy, chiều ngày hai sáu tháng Bảy không phải là lần đầu tiên tôi lên sân thượng chung cư. Trước đó đã có rất nhiều lần tôi lên đấy, một số lần có Vĩ đi sau, còn một số lần thì không. Vào hôm xảy ra vụ việc, ngoài Vĩ là nhân chứng tiếp xúc với tôi ra, còn có một nhân chứng khác trông thấy cảnh tôi chơi vơi giữa không trung còn Vĩ thì nắm lấy bàn tay tôi. Nhân chứng này sống ở tòa nhà phía đối diện, tình cờ nhìn thấy và hô hoán mọi người phía dưới nhưng chẳng thay đổi được gì. Điểm mấu chốt là hai nhân chứng không hề quen biết nhau đều cho lời khai trùng khớp, vì thế lời khai có mức độ tin cậy rất cao. Nhưng có một điều vẫn còn bỏ ngỏ mà phía cảnh sát cần mẹ tôi xác nhận.
- Khám nghiệm hiện trường cho thấy không có dấu vết ẩu đả, nhưng chúng tôi phát hiện ra, chỗ lan can mà con chị rơi xuống có bốn thanh sắt được làm rất ẩu. Người thợ đã không làm sạch chúng hoàn toàn trước khi hàn mối nối. Những vết gỉ sét đã khiến cho mối hàn bị rỗ, cộng thêm việc thường xuyên phải chịu một lực tác động lớn xuất phát từ sở thích cá nhân của con chị đã khiến các thanh sắt đột ngột bung ra. - Mặc kệ điều tra viên ngồi bên cạnh từ tốn giải thích, mẹ tôi vẫn giữ vẻ mặt điềm nhiên như không có chuyện gì, cũng chẳng đáp lại câu nào.
Điều tra viên liếc người đồng nghiệp phía đối diện rồi nói tiếp:
- Việc để xảy ra sơ suất trong quá trình thi công công trình là trách nhiệm thuộc về quản lý chung cư. Họ sẽ phải bồi thường thiệt hại cho gia đình mình.
Khi nghe đến đây, mẹ tôi đang cắn hạt dưa thì bỗng dưng dừng lại, sau đó quay sang nhìn điều tra viên rồi gật đầu:
- Vậy thì tốt quá.
Một câu nói vỏn vẹn bốn chữ được thốt ra với giọng nhẹ tựa lông hồng, nhưng đủ sức hóa thành mũi dao sắc nhọn đâm thẳng vào lồng ngực tôi. Tôi áp người vào cánh cửa, nhắm mắt lại để thứ chất lỏng mằn mặn không trào ra, cố gắng lắng nghe tiếng đập của trái tim. Tôi đã chờ rất lâu, nhưng chẳng nghe thấy gì hết. Một linh hồn thì làm gì còn trái tim nữa, vậy thì tại sao tôi vẫn cảm thấy đau?
Ngoài phòng khách, giọng nam trầm của điều tra viên lại vang lên. Tôi hé mắt qua khe cửa, cố gắng trấn an bản thân để tiếp tục theo dõi.
- Nhưng vụ việc này thuộc diện sự cố công trình dẫn đến chết người hay diện nhảy lầu tự tử thì vẫn cần xác minh. Chị… có nghĩ đến nguyên nhân nào khiến con chị nghĩ quẩn không? - Người điều tra viên ngồi quay lưng lại với tầm nhìn của tôi đã hỏi câu này với giọng khá ngập ngừng. Đây có lẽ cũng là câu mà tôi rất muốn mẹ xác nhận. Bởi chỉ cần mẹ phủ nhận việc tôi có ý định tự tử và yêu cầu phía cảnh sát điều tra lại thì tôi vẫn còn cơ hội đưa tội ác của Vĩ ra ánh sáng. Tôi hồi hộp chờ đợi. Vậy mà mẹ lại cao giọng, gắt lên:
- Tôi mà biết thì có để nó tự tử không? Các anh đang xúc phạm người làm mẹ như tôi đấy! - Sau đó, mẹ chẳng còn giữ vẻ điềm tĩnh nữa. Mẹ ngồi thẳng lưng, hất mặt lên rồi bắt đầu lên giọng rao giảng về trách nhiệm nặng nề của những bà mẹ đơn thân, đồng thời chêm vào những câu trách móc hai điều tra viên.
Thái độ và những câu nói như ong chích ấy khiến má và hai tai của điều tra viên ngồi cạnh mẹ đỏ bừng lên như màu cà chua chín. Họ cũng đã có được thông tin cần biết do mẹ tôi lỡ miệng xác nhận trong lúc tức giận nên chẳng còn lý do gì để ở lại đây, tiếp tục nghe mẹ tôi “lên lớp” cả. Sau khi hai điều tra viên lần lượt rời đi, tôi ra khỏi phòng mình rồi nhìn mẹ trân trối. Sâu trong lòng, tôi vẫn luôn mong được thấy một sự biến chuyển nào đó từ mẹ, nhỏ nhặt thôi cũng được. Nhưng nhìn dáng vẻ lãnh đạm y hệt như lúc tôi rời khỏi nhà này, rốt cuộc tôi cũng hiểu được ý nghĩa câu nói hôm ấy của mẹ.
Dẫu đã trở thành linh hồn rồi nhưng những cảm xúc của con người vẫn ám lấy tôi, khiến tôi phải dằn vặt khổ sở y như lúc còn sống. Tôi chưa từng có ý định biến mất khỏi thế giới này. Tôi còn rất nhiều việc phải làm. Tôi không cam lòng cứ như vậy mà chết đi.
Có lẽ, chính vì không cam tâm nên tôi cứ lẽo đẽo ám theo Vĩ, liên tục hỏi nó vì sao lại buông tay tôi ra, vì sao có thể nhẫn tâm xuống tay giết chết người mà nó luôn miệng gọi là tri kỷ. Nhưng tâm trí của Vĩ giống như một thành phố mù sương, tôi không thể nhìn thấu suy nghĩ trong đầu nó. Tôi nhận ra, Vĩ có gì đó rất khác so với những gì tôi biết về nó. Mặc dù chúng tôi cao xấp xỉ nhau nhưng từ bé, thể trạng của Vĩ đã thuộc diện yếu rớt mùng tơi. Nó rất dễ đổ bệnh, lại còn kén ăn. Tôi nhớ, năm nó lên tám, mẹ Vĩ làm món trứng rán ngải cứu để bồi bổ, nó đã nôn ngay khi cho miếng đầu tiên vào miệng rồi cứ thế òa khóc giữa bữa cơm. Nhưng giờ, nó có thể ăn ngon lành món đó mà không hề nhăn mặt. Nhìn nụ cười trên môi nó, nhìn đôi mắt ánh lên vẻ dịu dàng của mẹ Vĩ, tôi bất giác chạnh lòng. Cùng là bữa cơm gia đình hai người, nhưng tại sao lại có sự khác biệt lớn đến thế? Mẹ chưa bao giờ chấp nhận ngồi ăn cùng tôi…
Vào khoảnh khắc tôi âm thầm so sánh tình cảnh của mình với nó, ký ức ngủ quên nào đó chợt lóe lên trong tâm trí. Tôi bàng hoàng nhận ra, Vĩ đã từng nói, nó rất ghen tị với tôi. Ký ức ấy khiến tôi cảm thấy thật nực cười. Bởi trong mắt của nhiều người, Vĩ mới là hình tượng đáng để người khác phải sinh lòng đố kỵ. Vì thế, tôi rất muốn biết ý nghĩa ẩn sau câu nói đó của Vĩ, và biết đâu, tôi sẽ tìm ra lý do thực sự mà nó đã buông tay tôi ra? Suy nghĩ ấy thôi thúc tôi đưa ra một quyết định liều lĩnh: chiếm lấy thân xác của Vĩ.
*
Thời gian chỉ thực sự có nghĩa lý khi bản thân còn sống. Tôi đã ngộ ra điều này vào một buổi sáng đầu thu, khi sắc trời vẩn lên màu trắng đục còn hơi lạnh sương muối đã lùa qua khe cửa và vờn lên da từ lúc nào. Cơn rùng mình đến như một phản xạ khiến tôi ngây ngẩn cả người. Tôi ngồi im trên giường, đưa mắt nhìn từng món đồ thân thuộc trong phòng của Vĩ rồi đặt tay lên ngực trái, nhắm hờ mắt lại. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi nhận ra, những nhịp đập nhỏ rất dễ bị nuốt chửng ấy lại có thể khiến khóe mắt cay xè như phải bỏng.
Tôi đã nằm lòng thói quen sinh hoạt của Vĩ nhờ khoảng thời gian ám theo quan sát nó. Nhưng khi ngồi vào bàn ăn sáng, nghe chính miệng mẹ Vĩ nhắc đến việc nó xin nghỉ làm một tuần vì cú sốc trước cái chết của tôi, tôi cố tình lùa vào miệng đũa phở thật to khiến cơ thể này suýt chết nghẹn. Mẹ Vĩ vội vàng vươn tay vỗ lưng cho tôi, miệng mắng yêu vài câu. Bà còn chu đáo đến mức chuẩn bị sẵn một cốc chanh mật ong ấm để tôi uống cho nhuận giọng. Tôi đỡ lấy cốc nước, nhìn sâu vào đôi mắt nâu trầm đã xuất hiện vài vết chân chim quanh khóe mắt, cảm thấy như có dòng nước mát lành len vào cõi lòng đã khô cằn tựa hoang mạc. Nhưng khi đầu lưỡi cảm nhận được vị chua thanh ngọt, tôi bỗng nhận ra mình không thích thức uống này. Vĩ thì khác, bởi nó hay bị khản giọng nên đây chính là phương thuốc bí truyền được mẹ làm riêng cho.
Tôi nhắm mắt rồi nốc một hơi thấy đáy, chẳng kịp cảm nhận được hương vị gì nhưng vẫn cố kéo khóe miệng lên, vẽ ra nụ cười hài lòng hòng qua mắt mẹ Vĩ. Sau đó, tôi rời khỏi nhà và đến chỗ Vĩ làm. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm với tấm bằng xuất sắc, Vĩ được nhận thẳng vào dạy ở một trường cấp Ba cũng là điều dễ hiểu. Nhưng trong ký ức của tôi, Vĩ chưa bao giờ thích làm giáo viên. Tôi bảo nó có thể nối nghiệp mẹ, có người đi trước hướng dẫn thì chẳng lo vấp ngã. Vậy mà hôm đó, nó đáp lại thiện chí của tôi bằng nụ cười đầy vẻ thương hại và câu kết luận sắc như dao:
- Anh đúng là chẳng hiểu gì sất.
Giờ nghĩ lại, đúng là tôi chẳng hiểu gì thật. Bởi nếu tôi là đứa có đầu óc thiên bẩm như nó, tôi sẽ lựa chọn đi một con đường dễ dàng đã trải sẵn hoa hồng. Nhưng đáng tiếc, tôi chỉ biết làm những công việc tay chân. Tôi lại chẳng được mồm mép như Vĩ, cho nên đổi việc liên xoành xoạch là chuyện xảy ra như cơm bữa. Mỗi một lần thay đổi công việc, vì có thêm trải nghiệm mới nên dần dà, tôi lại thích kiểu sống “xê dịch” như thế này hơn. Nhưng với nhiều người, đặc biệt là trong mắt mẹ, tôi chẳng khác nào một thằng lông bông không có việc làm ổn định. Mà chính vì cứ nay đây mai đó, liên tục chạy theo yêu cầu của chỗ làm mới đã khiến mẹ từ mặt tôi. Mẹ chưa bao giờ lớn tiếng quát mắng, nhưng từng chữ bà nói ra vào ngày đuổi tôi đi khiến tôi nhận lấy nỗi đau như xẻ thịt lột da.
- Đi khỏi đây như cách bố anh đã làm ấy. Đừng bao giờ quay về nhìn mặt tôi nữa.
Tôi đã rời khỏi tổ ấm của mình như thế, cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài, chỉ biết tự trôi nổi trong dòng người tấp nập và thỏa mãn thú khám phá cái mới của bản thân. Ngoại trừ việc không được mẹ công nhận ra, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình là một kẻ thảm hại. Lần tôi được nhận vào làm trong tiệm bánh gần khu chung cư cũ, vì lòng tự tôn, tôi không quay về nhà để hứng lấy ánh nhìn lạnh nhạt của mẹ. Nhưng niềm vui mà chẳng thể chia sẻ cùng ai sẽ là một niềm vui không trọn vẹn. Vì thế, vào hôm thực hiện thành công thao tác tạo hình hoa hồng bằng túi bắt kem, tôi đã quay về gặp Vĩ rồi kể cho nó nghe những trải nghiệm thú vị suốt thời gian qua. Lúc đó, có lẽ vì quá hào hứng với câu chuyện của mình, tôi đã lờ đi quầng thâm dưới đôi mắt lờ đờ của nó. Nhưng Vĩ vẫn đối xử với tôi như thể hai đứa chưa từng xa nhau nên tôi chẳng mảy may bận tâm đến những thay đổi ấy.
Có một lần, sau khi nghe tôi huyên thuyên xong, Vĩ đã nở nụ cười thật buồn rồi bảo tôi:
- Thật ra… chỉ cần anh chú tâm thì việc gì cũng có thể làm tốt.
Tôi nghe xong thì ngây người ra, vỗ vai nó rồi bảo đừng đùa quá trớn. Nụ cười trên môi Vĩ tắt ngấm, nó khịt mũi một cái rồi vội vàng chạy ùa về phía cửa. Trước khi tiếng xoay tay nắm vang lên, tôi nghe rõ giọng Vĩ run rẩy:
- Những người vô tư thật đáng ghen tị.
Ký ức ùa về ngày càng nhiều khiến tôi dần trở nên sợ hãi. Tôi phát hiện ra, hóa ra tôi không phải dạng “ngu si tứ chi phát triển” như đã từng lầm tưởng. Mặc dù không học Đại học, nhưng sở thích đọc các loại sách chuyên ngành đã giúp tôi hoàn thành công việc dở dang của Vĩ một cách suôn sẻ. Không nhớ đó là ngày bao nhiêu tôi ở trong thân xác của Vĩ, khi nhìn dáng vẻ chàng trai mặc áo sơ mi trắng nghiêm chỉnh phản chiếu trong gương, tôi bỗng cảm thấy thật xa lạ. Có lẽ, chiếm lấy thân xác của Vĩ là một ý tồi. Bởi từ đó đến giờ, tôi chẳng cảm thấy sung sướng như mường tượng.
Hôm ấy, tôi đã làm một việc thật vô vọng. Đó là cố gắng tìm kiếm một món đồ nào đó thuộc về tôi trong phòng của Vĩ. Giống như nhiều người ở chung cư này, mẹ Vĩ cũng không thích tôi. Vĩ kể, bà đã mang mọi thứ có liên quan đến tôi đi, tránh nó “học đòi” theo tôi. Lúc ấy, tôi nhớ rõ bản thân đã nói những gì trong điện thoại. Tôi cay đắng hỏi nó, tại sao không ngăn mẹ lại. Đáp lại tôi chỉ là sự im lặng kéo dài, nhưng tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Rốt cuộc, Vĩ cũng chịu lên tiếng. Nó cười mà như khóc:
- Vì anh là đồ thất hứa.
Tôi đã hứa cái gì với nó? Có phải vì thế mà nó nhẫn tâm giết tôi không? Tôi vừa lục lọi các ngăn tủ, vừa suy nghĩ đến mức đầu muốn nứt ra. Cuối cùng, khi soi đèn pin vào gầm giường, tôi moi ra được một tấm ảnh được gấp làm đôi. Giây phút nhìn rõ những gương mặt trong ảnh, thế giới trước mắt tôi như sụp đổ.
Tôi vội vàng lao lên sân thượng, gió lộng chực đẩy lùi bước chân nhưng tôi vẫn cố chấp đi tiếp. Thời gian như đảo ngược về buổi chiều cuối hạ ấy, trước mắt tôi nhoáng lên tấm lưng gầy, cô độc. Nó đứng dang hai tay ra, ngẩng đầu nhìn hoàng hôn đang điểm. Nghe thấy tiếng tôi gọi, nó quay người lại, thở phào một hơi rồi cười rộ lên. Mặt trời màu đỏ trứng gà phía đỉnh đầu sắp bị mây nuốt chửng nhưng vẫn cố lóe lên chút hơi tàn, rọi xuống bả vai nó thứ nắng vàng rực rỡ. Nó vẫn giữ nụ cười trên môi rồi hít vào một hơi thật sâu, sau đó dần ngửa người về phía sau.
Tôi đã do dự. Khi nhấc chân chạy về phía trước, tôi đã có một giây chần chừ. Một giây ấy khiến tôi chỉ có thể nắm được bàn tay của nó. Nhưng đối mặt với sự hoảng loạn và tiếng gào khóc của tôi, nó chỉ cười nhẹ nhàng:
- Vĩnh biệt Vũ…
Giọng nói dịu dàng ấy vẫn vương vấn bên tai khiến cổ họng tôi nghẹn bứ. Lò dò bước lại gần nơi Vĩ đã buông trôi bản thân, đôi chân tôi bỗng dưng mềm nhũn. Tôi quỳ sụp xuống, siết chặt tấm ảnh trong tay, cắn môi đến khi cảm nhận được vị tanh nồng lan tỏa trong khoang miệng.
- Vĩ à…
Giọng nói đầy trìu mến của mẹ bất ngờ vang lên sát bên tai khiến cơn run trong lòng tôi cuộn trào. Tôi bật khóc như thể nửa đời còn lại không cần phải rơi giọt nước mắt nào nữa. Mẹ ôm lấy tôi, dịu dàng vỗ lên lưng:
- Xuống nhà với mẹ nhé. Mẹ vừa làm xong món trứng rán ngải cứu đấy. - Mẹ vừa nói vừa níu lấy cánh tay, kéo tôi dậy. Tôi nhìn gương mặt tươi cười hiền hòa của mẹ, đôi môi run rẩy mà không thể nói được tiếng nào.
Tấm ảnh trên tay tôi rơi xuống cạnh chân. Tôi thấy rõ, mẹ đã cúi đầu nhìn tấm ảnh đó rất lâu. Khi gió thổi đến, lật mặt sau của tấm ảnh lên, cả hai chúng tôi đều nhìn được dòng chữ xiêu vẹo trên mặt giấy nhàu nát. Tôi thoáng thấy mẹ mím môi, nhưng khi nhìn về phía tôi, bà lại cười như chẳng hề biết gì:
- Đi thôi, Vĩ.
Tôi nhìn bàn tay gầy guộc đang giơ về phía mình, bên tai dường như nghe thấy có gì đó vụn vỡ. Đôi chân từng bôn ba khắp mọi nẻo đường bỗng chốc như biến thành đôi chân của đứa trẻ mới tập đi. Tôi lẫm chẫm bước lên từng bước, bỏ tấm ảnh gia đình có gương mặt hai bé trai giống hệt nhau đang toét miệng cười lại sau lưng, bỏ lại cả dòng chữ viết vội: “Mang em theo với, Vũ…” Tôi run run nắm lấy bàn tay của mẹ, cảm nhận rõ hơi ấm đang dần rời xa thân thể.
Chẳng biết đó là ngày bao nhiêu của tháng mấy, tôi đã tự tay kết liễu chính mình.