bởi Nho Nhỏ

50
14
2424 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

1.2


Nhiều lúc tôi nghĩ, dường như trí não tôi có liên hệ mật thiết với cảm xúc. Tôi chưa đến tuổi bị gọi là đãng trí, cũng chưa từng có tiền sử nào liên quan đến các bệnh về trí nhớ. Nhưng chỉ cần tôi muốn quên đi, hay tự lừa gạt bản thân rằng những chuyện đó chưa từng tồn tại, chỉ là cơn ác mộng mà thôi, thì não tôi sẽ tự 'delete' hay tạm thời khóa kín chúng vào một ngăn nào đó. Tôi không nhớ trước đây mình có ước không bao giờ nhớ lại chuyện đó hay không. Tôi đã sống vật vờ giữa nhớ nhớ và quên quên suốt khoảng thời gian qua như thế này ư...

Ngồi sụp xuống góc phòng, tôi chả còn sức đâu để gượng dậy nữa. Có lẽ tôi sẽ yên ổn sống trong giả dối, nếu không có cuộc điện thoại với Yên ngày hôm qua, không có tờ giấy ly hôn để trong ngăn tủ. Không... Không phải! Tất cả chỉ là ngụy biện! Tôi biết rõ bản thân chỉ đang trốn chạy. Tôi không dám đối mặt với nàng. Thật hèn nhát...

Bóng tối trong căn phòng chưa được bật đèn bao trùm lấy tôi. Vậy cũng tốt. Sẽ chẳng ai phát hiện ra đôi mắt ầng ậc nước và tiếng khóc bị kìm nén nơi cổ họng. Cũng chẳng ai hay, ngay lúc này đây, chính bản thân tôi còn không biết, mình còn oán giận nàng hay không? Hay xấu hổ không dám đối diện với nàng?

"Chú Bình ơi."

Đột nhiên có giọng trẻ con khẽ gọi. Tôi hoảng hốt, cảm nhận rõ nhịp tim vọng lên trong tai. Tôi không thể để cho bất kì ai thấy bộ dạng thảm hại này của bản thân. Tôi vội vàng vịn vào tường, gượng đứng dậy. Nước mắt nước mũi làm tầm nhìn của tôi trở nên nhòe nhoẹt. Kéo áo lên lau qua loa xong, tôi cố lấy giọng bình tĩnh nhất có thể.

"Ơi! Đợi chú tí."

"Nhanh lên! Không lát bố mẹ cháu về."

"Chưa về được đâu. Yên tâm! Chú ra ngay đây."

Tôi đáp vậy rồi chạy vội vào nhà vệ sinh, hất nước mấy cái lên mặt. Rồi vội vàng ra mở cửa. Cổng tôi không khóa, nên tụi nhỏ đi một mạch từ ngoài vào.

"Eo ôi! Trong này tối thế!" Một đứa nhó đầu vào, lè lưỡi lắc đầu bảo tôi.

"Chú quên chưa bật đèn thôi. Thế, mấy đứa tìm được 'quan' chưa?"

"Ơ, sao nãy chú bảo chú có 'quan' to lắm mà?" Chúng nó nhao nhao hỏi, xong ra vẻ trách móc tôi. Tôi bần thần một lúc. Đầu óc mơ hồ không nhớ được mình định lấy cái gì làm 'quan'. Thấy tôi đứng ngây ra như phỗng, bọn trẻ con sốt ruột. Có đứa không đợi được nữa, xì một tiếng rồi trách.

"Chú chả giữ lời gì cả!"

Anh không giữ lời nữa rồi.

Tôi như chết trân tại chỗ. Đột nhiên quay phắt sang bên cạnh như thể có người đang đứng đấy. Âm thanh ấy, âm thanh trong vắt ấy, cứ như thể là thứ dội lên từ tiềm thức. Tôi nhìn chăm chăm vào khoảng không trước mặt, nước mắt vô thức rơi xuống má. Nóng hôi hổi. Nó nóng bỏng như thứ gì đó đang trực trào từ lồng ngực tôi.

Tôi loạng choạng quay trở vào trong, lần tìm chùm chìa khóa xe. Tôi cần gặp nàng! Tôi muốn gặp nàng! Bấy lâu trốn chạy, bấy lâu tự lừa gạt bản thân, như thế là quá đủ rồi! Quá đủ cho chúng tôi.

Trên đường đi, tôi tự tưởng tượng ra khoảnh khắc gặp lại nàng sau mấy tháng dài xa cách. Tôi sẽ ôm chặt lấy nàng, mặc kệ những ánh mắt hiếu kỳ xung quanh. Tôi sẽ vuốt ve khuôn mặt nàng, giắt lại vài lọn tóc mai ra sau gáy, rồi đặt một nụ hôn lên vầng trán. Giống hệt như những gì tôi vẫn làm ngày chúng tôi còn hẹn hò. Rồi nàng sẽ cười bẽn lẽn, giả vờ đánh một cái lên ngực tôi. Sau đó nàng xòe tay ra đếm: "Lần thứ 103 giữ lời. Chúc mừng anh", rồi phá lên cười. Chúng tôi sẽ đan tay vào nhau, cùng vào một quán ăn gần đó, gọi món mì xào cà chua lẫn thịt bò. Rồi tôi sẽ kể cho nàng nghe khoảng thời gian qua mình đã làm gì. Tôi sẽ nói với nàng, không sao cả đâu, chỉ cần nàng ở bên cạnh tôi là đủ. Vườn cà chua tôi không thể chăm sóc một mình được. Không có nàng, tất cả đều dập nát hết.

Nhưng có lẽ, những thứ đẹp đẽ vẫn mãi chỉ là mộng tưởng...

"Cậu Bình, nghe chị nói này..." Chị Huệ - đồng nghiệp thân thiết của Yên kéo tôi ra hành lang. Bàn tay cởi khẩu trang y tế thoáng run rẩy. Bỗng dưng, tim tôi đánh thót một cái, môi mấp máy mà chẳng nói được lời nào. Tôi nhìn chằm chằm vào mặt chị Huệ, rồi chờ đợi.

"Tuần trước, Yên điều trị cho một bệnh nhân nữ mắc bệnh truyền nhiễm, nhưng không thành công. Sau khi thông báo cho gia đình bệnh nhân, người chồng đã đến làm ầm lên, xé cả đồ bảo hộ của cô ấy. Cô ấy..." Nói đến đây, chị Huệ tự dưng nghẹn ngào: "Cô ấy bị nhiễm bệnh. Mặc dù tụi chị cũng đã rất cố gắng, nhưng mà rạng sáng hôm nay, cô ấy... cô ấy..."

Chị Huệ bật khóc, nhưng không dám khóc to. Tôi mặc kệ tâm trạng chị không ổn định, lay mạnh vào vai chị: "Vậy Yên đâu? Yên đang ở đâu?"

Tôi không nhớ mình đã hét lên những gì sau đó. Chỉ có cơn đau như muốn nổ tung ở phổi và cổ họng bỏng rát như bị thiêu đốt là rõ ràng nhất. Tôi như con mãnh thú muốn xổng chuồng, bị đè bẹp xuống sàn bởi mấy người bảo vệ. Nhưng tôi phải đi! Tôi muốn đi! Đâu cũng được, miễn là gặp nàng!

*

"Tỉnh rồi à? Có thấy đau ở đâu không?" Giọng chị tôi phảng phất bên tai. Đầu tôi đau như phát sốt, còn toàn thân tê dại cả đi. Tôi cố gắng gượng ngồi dậy. Chị vội vàng kê gối vào sau lưng cho tôi dựa.

"Sao em lại ở đây?"

Chị ngừng động tác gọt táo, sau đó lại tiếp tục. Chị không nhìn vào mắt tôi, chỉ chép miệng.

"Tại mày lao lực quá nên ngất đi đấy. Chị đã bảo rồi, làm gì thì làm cũng phải giữ gìn sức khỏe mà mày có chịu nghe đâu."

Giọng chị trách cứ y như hồi chúng tôi còn bé, tôi tiếp thu bài chậm, hay bị chị gõ vào đầu. Nhớ tới những cú đánh giả vờ đó, tôi muốn cười mà không còn sức để cười.

"Yên đâu?"

Chị bổ táo, suýt thì bổ cả vào tay, nhưng may đã dừng dao kịp. Chị gượng cười, bảo tôi.

"Yên còn công việc của nó. Đang mùa dịch, nó không đến đây được đâu."

Tôi nghe mà lòng chua chát. Tôi chợt bật ra tiếng cười. Cũng chẳng biết ý vị trong tiếng cười đó rốt cuộc là gì.

"Mấy người còn định lừa em đến khi nào nữa?"

Chị đột nhiên ngẩng phắt đầu lên, nhìn tôi rồi lại cúi đầu xuống. Tôi nhìn ra ý ngượng nghịu trong đáy mắt chị.

"Em đi gặp cô ấy."

Tôi nói thế rồi nặng nhọc bước xuống giường. Chị đỡ lấy tôi, có chút hơi lưỡng lự. Nhưng rồi, chị cũng để tôi đi. Lúc kéo cửa phòng bệnh ra, tôi nhìn thấy người nhà tôi, cả chú Hùng và mấy người hàng xóm đều ngồi chật kín cả hành lang. Trông thấy tôi, vẻ mặt ai nấp đều căng thẳng, rồi vờ cười nói, hết hỏi han đến an ủi. Toàn những lời giả dối cả.

Thấy tôi im lặng, những tiếng rì rầm nhỏ dần rồi cũng im bặt. Khi thấy tôi hướng về phía khoa truyền nhiễm, có mấy người đứng chắn trước mặt tôi. Tôi ngước mắt lên nhìn. Ánh mắt lúc này chắc hẳn muốn ăn tươi nuốt sống bất cứ ai cản đường. Họ dè chừng rồi lùi lại vài bước. Tôi thoáng thấy chị gái tôi lao ra, lắc lắc đầu ra hiệu với tất cả. Biết thì đã sao? Không biết thì đã sao? Với họ, tất cả chỉ là những con chữ với định nghĩa khô khan. Nhưng với tôi, đó là một đời, là một người...

Tôi bước chân đến nhà xác lạnh lẽo, nhìn nàng nằm yên lặng trên chiếc giường đơn điệu. Tôi cúi xuống ôm lấy nàng, mặc kệ đống đồ bảo hộ rườm rà. Tôi muốn nàng cảm nhận được hơi ấm của tôi, nhịp tim thổn thức của tôi. Tôi cầm lấy tay nàng, đập lên ngực mình vài cái. Tôi muốn nghe thấy giọng trách yêu của nàng: "Anh đến muộn rồi nhớ. Nhưng mà vì anh giữ lời nên em tha cho anh một lần."

Tôi vuốt ve gương mặt nàng, rồi vén những lọn tóc mai ra sau tai. Tôi thì thầm vào tai nàng.

"Anh đến rồi đây... anh đến rồi! Tụi mình đi ăn mì xào đi..."

Tôi chờ nàng trả lời.

Chờ đợi.

Nhưng tôi biết, biết rất rõ. Cả đời này tôi đã không đợi được nàng.

Không, là chúng tôi không thể đợi được nhau nữa.

*

"Ngày 12 tháng 2,

Chúng mình ly hôn được hai tuần rồi. Thú thật, cảm xúc mình vẫn chưa ổn định, và có lẽ sẽ không bao giờ ổn định lại như xưa nữa. Nhưng mình là một bác sĩ, phải lý trí cho những quyết định quan trọng. Mình sẽ chỉ chiều theo bản thân trong những dòng nhật ký viết vội này thôi. Hãy tự coi như đây là cách giúp mình không stress...

Mình nghĩ là, anh Bình còn giận mình nhiều lắm. Mình cũng nghĩ, sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho bản thân. Chị Huệ và mấy chị em trực cùng lại bảo, mình không sai. Cứu chữa kịp thời giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch là bổn phận và trách nhiệm của lương y. Đúng thế, từ lúc vào nghề mình đã luôn tâm niệm như vậy. Nhưng mà, trên đường về sau ca cấp cứu ấy, mình đã mất con... đứa con đầu lòng của hai đứa mình...

Có những chuyện, trên đời này, có lẽ không bao giờ biết được là đúng hay là sai."

"Ngày 15 tháng 4,

Gần một tháng sau khi tụi mình ly hôn. Mình mới nhận được tin, anh Bình có những vấn đề về mặt tâm lý. Cứ lúc nhớ lúc quên về những chuyện trước đây. Mình có nói với chị cho anh đi khám ở khoa thần kinh xem sao. Mới nãy chị có gọi cho mình, bảo rằng mọi chỉ số của anh đều bình thường, trưởng khoa khám cho anh cũng xác nhận anh không có bệnh gì về thần kinh hay trí nhớ. Chị bảo, để đặt lịch với bác sĩ tâm lý xem sao. Mình lo quá! Nhưng mình đã hứa với chị và gia đình bên ấy là sẽ không gặp mặt anh nữa, nhất là trong khoảng thời gian nhạy cảm này. Mình nên làm gì đây...?"

"Ngày 20 tháng 4,

Phải mấy ngày sau mình mới liên lạc được với chị. Có vẻ chị cũng ngập ngừng không muốn cho mình biết tình trạng của anh. Nhưng mình không thể yên lòng được.

Chị bảo, anh bị chấn thương tâm lý và não bộ tự động xóa đi những ký ức đau khổ anh không muốn nhớ lại, hoặc có hại cho tinh thần anh. Mình nghe xong mà cảm thấy lòng nặng trĩu... Cảm giác tội lỗi càng đè nặng lên ngực mình..."

"Ngày 14 tháng 7,

Suốt khoảng thời gian qua, mình không có đủ thời gian để viết nhật ký nữa. Không phải vết thương trong lòng mình đã nguôi, nó vẫn ở đấy, dai dẳng mãi không dứt. Mà là dạo gần đây, mình bận thật sự. Những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm không hiểu sao lại đột nhiên tăng lên. Tình trạng bệnh cũng trầm trọng hơn lúc trước. Mình cần tập trung chữa trị cho họ. Còn về phía mình, mình sẽ tạm gạt chuyện bản thân sang một bên."

"Ngày 22 tháng 7,

Đột nhiên, hôm nay anh gọi cho mình. Đã lâu mình không nghe giọng anh, mình mừng phát khóc, nhưng phải cố kìm nén lại. Anh vẫn nói chuyện bình thường như thể bọn mình chưa từng xa nhau. Mình có chút vui, lại có chút buồn. Mình cũng không hiểu tại sao nữa. Chúng mình đã kéo dài việc nhớ nhớ quên quên này một khoảng thời gian rồi. Mình bắt đầu nghĩ, giá như mình cũng có thể quên đi giống như anh. Mình mệt mỏi thật sự... Lòng mình còn đau đớn hơn cả lúc trước."

*

"Bình ơi! Tao mới tậu được giống cà chua bi này. Mày ra đây mà xem, đảm bảo thích mê!"

Giọng chú Hùng sang sảng vọng đến. Tôi vội vàng tắt bếp, cởi tạp dề vứt tạm lên ghế, khấp khởi chạy ra.

"Mua được thật hả chú? Đâu đâu?" Tôi vừa hỏi vừa ngó nghiêng vào chậu cây để trong túi nilon. Chú Hùng đánh một cái vào bắp tay tôi: "Cứ bình tĩnh, rồi của chú mày tất! À mà sao tự dưng muốn trồng thêm cà chua bi thế?"

"Hà hà! Yên bảo ăn cà chua bi sống ngon lắm, cháu muốn thử xem sao. Cứ trồng thật nhiều đợi cô ấy về, tha hồ mà ăn."

Chú Hùng cười gượng, rồi cũng phụ họa theo: "Ờ! Nó đi tiến tu ở nước ngoài, mấy năm trôi qua nhanh không ấy mà."

Chú Hùng láu táu vác xẻng ra vườn trước. Tôi ôm chậu cà chua lên, ngoái đầu lại nhìn quyển sổ nhật ký để bên cửa sổ, cảm giác như có đôi mắt thân thuộc đang dõi theo, lòng chợt thấy bình yên lạ.