bởi Nho Nhỏ

76
13
2796 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

1.1



Tôi quay trở lại vườn cà chua vào những ngày đầu tháng Bảy, cái nắng miền Bắc vẫn còn hanh vàng sau trận mưa rào như trút nước. Mùa hạ không thoáng qua, mà còn nấn ná níu kéo mãi, có khi đến tận tháng Chín, tháng Mười vẫn còn le lói chút nắng nhạt là điều bình thường. Là một người trồng cà chua được bốn, năm năm (thật ra có khi hơn mà tôi không nhớ rõ lắm), tôi không ghét hơi nóng sà xuống mặt đất rồi phà lên mặt, nhiều lúc gay gắt đến độ đốt cháy bầu không khí làm phổi tôi chẳng đủ ô xi để hít thở. Nắng thì tốt cho sự sinh trưởng của cà chua, tất nhiên là dưới bàn tay chăm sóc kĩ càng. Cái tôi thấy phiền hà, đó là những cơn mưa rào bất chợt. Đã là bất chợt thì nào có gì dự báo trước. Có khi mới thấy trời xanh trong veo với từng cụm mây như những con cừu non chen chúc nhau, ngoảnh đi ngoảnh lại, nắng đã biến đâu mất, và mưa bắt đầu rơi từng giọt lộp bộp.

Khu đất tôi mua nằm hẳn ở một vùng quê cách Hà Nội hơn hai tiếng đi xe. Ngôi nhà một tầng chia làm ba gian không có gì đặc biệt, miễn là thuận tiện cho việc sinh hoạt. Phần đất còn lại là vườn hết, chủ yếu để trồng các loại rau và cây ăn quả. Sau nhiều năm sống ở thành phố, tôi đã chán ngấy cái xô bồ và bon chen nơi phố thị, cho nên một cuộc sống tự cung tự cấp giữa thiên nhiên trong lành sẽ xoa dịu tâm hồn cằn cỗi của tôi. Tôi trở thành một tay ưa trồng trọt cũng bắt đầu từ dạo ấy.

Nói ra thì cũng chẳng có gì vẻ vang lắm. Nhưng mà, chậc, ai mà chẳng có lúc "vạn sự khởi đầu nan" cơ chứ? Một kẻ "tay lái lụa" ở thành thị, vậy mà không biết cầm xẻng xúc đất sao cho đúng. Nhớ lại những ngày ấy, tôi thật chả biết giấu mặt đi đâu. Nhưng cũng may, mấy người hàng xóm xung quanh đây đều tốt bụng cả. Hoặc giả, họ cũng biết ý tứ mà không cười thẳng vào mặt hay dè bỉu tôi. Hay là do vợ tôi đối nhân xử thế khôn khéo cho nên đi đến đâu cũng được lòng mọi người? Nói không phải gì, chứ nhờ có nàng mà không ít chuyện trong đời tôi tính đến giờ được xuôi chèo mát mái.

Nhưng lần này thì tôi phải giận nàng thực sự.

"Không được rồi Bình ạ! Kiểu này phải thuê thêm người đến dọn dẹp thôi, chứ tao vừa đi một vòng, chả còn mống cà chua nào sống đâu. Dập nát hết cả!" Chú Hùng - hàng xóm phía sau nhà, vừa dứt lời thì vứt luôn cái cuốc đất xuống chân. Trời không nắng gắt, nhưng oi, chú cởi trần trùng trục, vắt cái áo hờ trên vai. Có vẻ chú đã xem xét rất kĩ lưỡng vườn cà chua, cả người lúc này nhễ nhại mồ hôi. Chú đứng thở, rút cái áo trên vai xuống lau mặt, lau cổ. Tôi vội vàng chạy xuống bếp bưng ra cốc chanh đá đã pha từ trước, để trong tủ lạnh. Chú Hùng nốc một hơi hết sạch, xong lấy áo quệt mồm. Tính chú bỗ bã, tôi cũng đã quen rồi. Nhưng được cái, chú hiền và thật thà lắm.

"Cháu cũng biết là hư hại, nhưng không ngờ lại hư hại đến mức này. Có khi phải bỏ hết đợt cà chua này đi trồng lại thôi chú ạ..."

Có lẽ chú nghe ra sự tiếc nuối trong giọng điệu của tôi, chú chỉ vỗ vai thay cho câu trả lời. Từ lúc bắt đầu trồng cà chua đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi bị thiệt hại lớn như thế. Thật ra tôi không kinh doanh, cũng dư dả về tiền bạc. Nhưng khi đã gắn bó với thứ gì một khoảng thời gian, nảy sinh tình cảm cũng là điều dễ hiểu, đúng không? Một quả cà chua dập nát tôi còn tiếc, huống hồ...

"Cũng tại Yên hết đấy! Đang yên đang lành phải về viện Hà Nội để trực gấp. Đang có dịch hay gì mà rõ lâu không thấy quay lại... Để tí nữa cháu gọi điện sạc cho một trận!"

"Thôi thôi! Tao xin mày! Nó làm ở bệnh viện chứ có phải ở công viên đâu mà lúc nào cũng kè kè cái điện thoại. Với lại... mà thôi, đợt này hỏng thì trồng sang đợt sau, cà chua có phải giống khó trồng đâu mà mày lo."

Lời chú Hùng nói không phải không có lý. Thực ra, tôi mới là người hiểu điều đó rõ hơn cả. Nhưng nỗi bực dọc cứ âm ỉ khó chịu trong lòng khiến tôi ngứa ngáy không sao chịu được. Tháng vừa rồi, tôi phải sang nước ngoài có việc gấp. Mẹ tôi tuổi đã cao, nhưng chết cái, bà lại đam mê du lịch. Bất chấp sức khỏe có hạn, bà vẫn cố đi nốt một chuyến đến Paris - thành phố của tình yêu, rồi đổ bệnh luôn ở đó. Hại con cháu trong nhà túm năm tụm ba tức tốc đặt vé sang Paris ngay trong đêm. Đợi tình trạng của mẹ ổn định, tôi có gọi mấy cuộc điện thoại về cho Yên. Nàng là kiểu người ít khi cầm điện thoại bên mình, điều này đã khiến chúng tôi cự nự nhau mấy lần. Nhưng đó là không gian riêng tư của nàng, tôi cũng chẳng cách nào cấm cản. Sau mấy lần kết nối không thành công, cuối cùng nàng cũng bắt máy. Tôi thở phào nhẹ nhõm, báo cho nàng về tình trạng sức khỏe của mẹ xong, tôi dặn dò nàng về việc thay tôi trông coi vườn cà chua sắp vào mùa thu hoạch. Nàng có hơi lưỡng lự, nhưng cũng vui vẻ đồng ý.

Nhưng nào ngờ mọi chuyện lại thành ra thế này?

Thâm tâm tôi biết rõ, dù có yêu thích cái vườn cà chua kia thế nào đi nữa, tôi vẫn có thể bỏ đi trồng lại, thậm chí thay bằng một khu vườn mới toanh. Cái khiến tôi khó chịu, đó là Yên không còn đặt tôi ở vị trí ưu tiên trong lòng nàng nữa. Vườn cà chua chỉ là một cái cớ, tôi biết. Nhưng tôi vẫn quyết dùng cái cớ này để gọi cho nàng.

"Tút... tút... tút"

Cuộc gọi thứ năm và vẫn là những tiếng tút dài. Tôi ngán ngẩm thở dài một hơi, bấm gọi lần thứ sáu.

"Alo?"

Không hiểu sao vào khoảnh khắc này, khi nghe thấy giọng nói nhỏ nhẹ sát bên tai, lòng tôi có chút run rẩy vì xúc động.

"Ai đấy ạ?"

"Ơ kìa! Anh đây mà."

Đột nhiên có khoảng lặng khó hiểu giữa chúng tôi. Tôi không biết phải mở lời thế nào. Những dự định về việc trách móc nàng đã bỏ mặc vườn cà chua bỗng chốc tan biến như gió thoảng mây bay. Tôi cứ đứng ngây ra như phỗng, gãi gãi cổ, rồi ậm ừ. Phải tìm chuyện gì để nói bây giờ?

"Anh Bình này." Cuối cùng, lại là nàng lên tiếng trước.

"Ừ?"

"Em mong từ giờ anh đừng liên lạc với em nữa."

"Ơ kìa? Em nói gì kì lạ vậy? Sao lại..."

"Chúng mình ly hôn rồi mà... năm tháng trước ấy. Anh quên à...?"

Tôi vừa nghe cái gì ấy nhở? Vành tai tự dưng nóng rát, còn lỗ tai thì như ù cả đi chả nghe rõ gì nữa. Cái nắng tháng Bảy chả hề gay gắt, thế mà đầu óc tôi cứ xoay mòng mòng.

"Yên à..."

Lúc cất tiếng, tôi mới nhận ra cuộc gọi đã kết thúc. Không biết tôi đã đứng ngây ra trước lối vào vườn cà chua bao nhiêu lâu. Đến khi định thần nhìn xuống chiếc điện thoại, tôi mới sửng sốt nhận ra mình đã siết chặt nó đến nỗi vỡ cả màn hình. Có mảnh vỡ nhỏ đâm vào đầu ngón tay tôi chảy máu. Chả biết bị thế từ lúc nào, máu đã khô cả lại rồi. Phổi tôi căng lên như dây đàn, rồi tiếng thở dài nặng nhọc trút ra. Tôi có cảm giác, cứ như thể thứ vừa thoát ra khỏi mũi mình không phải là hơi thở, mà là cái gì đó rút cạn linh hồn. Tôi quay gót trở vào nhà khi giọt nắng cuối ngày bắt đầu lẩn quất sau những tán cây. Tôi không còn tâm trạng nào để ngắm hoàng hôn nữa, dẫu đó là khoảnh khắc mà tôi luôn cho rằng đáng giá nhất trong ngày.

Bữa tối đơn điệu chỉ là một bát mì xào vội với quả trứng gà ốp lết. Loay hoay mãi mới xong được, nhìn bãi chiến trường ngổn ngang, lòng tôi chợt thấy chua chát. Đúng thật là nàng đã đi rồi...

Nhưng lúc đổ mì ra, không hiểu sao cứ như một thói quen, tôi lại lấy ra hai cái đĩa. Vì đặc thù công việc là bác sĩ chuyên khoa cho nên giờ giấc của nàng không bao giờ cố định. Món nàng thích nhất cũng là mì xào, dẫu rằng lúc nào nàng cũng than sợ mọc mụn, xấu thì tôi không yêu nữa. Haha, đúng là suy nghĩ ấu trĩ!

Tôi chả nhớ rõ mùi vị của gói mì với dòng chữ "100% khiến bạn điên cuồng" in ở vỏ. Chắc do tôi lỡ cho hơi nhiều hạt tiêu nên ăn xong chỉ thấy sống mũi cay cay. Lúc mang đĩa đi rửa, không cẩn thận lại làm vết thương ở tay rách sâu hơn. Tôi ngán ngẩm dán băng cá nhân một cách qua loa rồi quyết định đi ngủ sớm. Chỗ vùng quê nên đèn điện không nhiều như thành phố, cảm giác bóng tối đổ ụp xuống nhanh hơn bình thường. Mới bảy rưỡi, tám giờ mà tối om và vắng vẻ như đã quá nửa đêm. Mấy người dân xung quanh đây cũng đi ngủ sớm lắm. Ngủ sớm mà dậy cũng sớm, gà chưa gáy họ đã lục tục í ới gọi nhau đi làm rồi. Lúc mới đầu về đây, tôi không thể chịu nổi giờ giấc quái đản như thế. Mang tiếng là đi ngủ sớm, nhưng tôi toàn ôm nàng rồi luyên thuyên đến khuya. Đến lúc nàng ngủ thiếp đi, bắt đầu nói mớ thì tôi mới yên tâm chìm vào giấc ngủ.

Hôm nay là ngày quỷ quái gì không biết! Cứ liên tiếp chuyện nọ đến chuyện kia rủ nhau kéo đến làm tôi thao thức không sao ngủ được. Rõ ràng ban ngày trời nóng, oi là thế, vậy mà đến đêm lại se se lạnh. Gió lùa qua khe cửa làm tôi nổi da gà. Đắp chăn dày thì nằm một lúc lại nóng, mà đắp chăn mỏng thì vẫn rùng mình tỉnh giấc. Tôi cuộn chăn lại, hết xoay bên này lại xoay bên kia, lòng trống trải cứ thấy thiếu thiếu cái gì đó. Đúng là buồn cười...

Tôi không biết mình đã thiếp đi từ lúc nào, hay bao lâu. Nhưng tôi cứ mê man mãi không sao tỉnh lại được. Trong cơn mơ màng, bên tai lại loáng thoáng nghe thấy tiếng trẻ con cười khanh khách. Tiếng cười làm lòng tôi như đóa hoa rung rinh trước gió, tôi vươn tay dụi dụi mắt, cảm nhận rõ khóe miệng mình đang nhếch lên. Tôi như con ong bị hấp dẫn bởi mật ngọt, cứ nương theo tiếng trẻ con lúc rõ lúc không mà dò dẫm bước từng bước. Đèn trong nhà cũng chẳng buồn bật, tôi lò dò mở then cài cửa. Ánh sáng ban ngày tràn vào trong khi tôi khẽ đẩy cánh cửa ra. Thứ màu sáng trắng lóa lên trước mắt làm tôi có hơi chao đảo trong vài giây. Tôi lắc lắc đầu, nheo mắt lại cho quen. Lúc tầm nhìn đã ổn định, hoặc là cơn ngái ngủ đã chịu buông tha một chút, tôi thấy thấp thoáng bóng dáng mấy đứa trẻ con hàng xóm đang đua nhau nhặt nhạnh sỏi đá ven đường ngay ngoài cổng nhà tôi. Chúng nó ngồi xổm, mấy cái đầu chụm vào nhau. Có đứa đưa tay lên miệng làm dấu ra hiệu im lặng. Có đứa vừa lấm lét sợ hãi vừa hét không thành tiếng: "Nói bé thôi nhớ. Nói bé thôi". Chắc tụi nhỏ sợ bố mẹ phát hiện chưa ăn sáng mà đã trốn đi chơi. Chúng nó chăm chú đến độ lúc tôi bước lại gần cũng không có đứa nào phát hiện ra.

"Mấy cháu đang chơi trò gì đấy?"

"Úi giời ơi!"

"Giật cả mình!"

Có hai đứa hét lên như thế, còn thì chỉ quay lại mở to mắt nhìn tôi. Tính tôi vốn quý trẻ con. Tụi nhỏ đã quen mặt từ hồi tôi mới dọn về đây. Lâu dần chúng nó coi tôi như bạn bè bằng vai phải lứa, còn chả thèm chào lấy một tiếng, cứ vô tư tôi hỏi gì trả lời nấy.

"Bọn cháu chơi ô ăn quan, chắc chú chả biết trò đấy đâu."

"Sao lại không biết?" Tôi đáp lại, thuận tay mở khóa, đẩy cổng đi ra: "Ngày xưa chú là trùm trò này đấy."

Chắc thấy tôi cười cười nên tụi nó bán tín bán nghi chăng? Tôi cũng ngồi xổm xuống, lựa lựa chọn chọn mấy cục sỏi ven đường.

"Làm 'quan' mà chọn sỏi bé tí là không được đâu."

"Cái nào chả như nhau hả chú? Tượng trưng thôi." Đứa lớn nhất đáp lại. Miệng thì nói thế nhưng nó vẫn cắm cúi tìm viên nào to hơn mấy viên rải rác dưới chân. Tôi gãi gãi cằm, sực nhớ ra hai quả cầu tuyết được cho vẫn còn để trong ngăn tủ chưa lấy ra.

"Mấy đứa đợi chú tí nhá! Chú có 'quan' to lắm luôn."

Tôi nói vậy rồi chạy tuột vào trong nhà, cũng không để ý là bọn nhỏ có quan tâm lời tôi hay không. Mấy viên sỏi nhem nhuốc xám xịt y như nhau thì sao mà bì được món đồ chơi ấy. Lấy nó ra làm 'quan' thì bọn trẻ con lác mắt phải biết! Tôi cứ hí hửng nghĩ như thế, đi một mạch vào phòng ngủ, kéo ngăn tủ ra. Hai quả cầu tuyết màu trắng xanh lấp lánh ánh kim tuyến, có đế giữ cho không bị đổ nằm im trước mắt tôi. Tôi vươn tay nhấc cả hai ra. Đúng vào giây phút đó, tim tôi như ngừng đập. Mọi thứ trước mắt như bị xóa nhòa, chỉ có dòng chữ trên tờ giấy mỏng manh là rõ mồn một.

Đơn ly hôn.

Tiếng thứ gì đó rơi xuống sàn vỡ toang. Nhưng tôi không buồn bận tâm cái gì vừa vỡ nát. Lúc này đây, tâm trí tôi chồng chéo bao nhiêu hình ảnh, cứ như một thước phim quay chậm đang diễn ra trong não tôi.

Nụ cười ngọt ngào như hương hoa sữa mùa thu của nàng trong lễ cưới.

Giọt nước mắt rỏ vào mu bàn tay nàng khi tôi ngồi xuống, áp tai vào bụng nàng nghe ngóng.

Tay chân tôi vụng về, lóng ngóng khi nàng chỉ cho cách đan quần áo trẻ nhỏ.

Những cuốn sổ chi chít đầy ghi chú về thời gian khám bệnh, những thứ cần bổ sung và kiêng kỵ.

Rồi tất cả như bong bóng xà phòng, từng cái một vỡ tan tành. Đầu tôi đau như búa bổ, chẳng nghe được thứ gì khác ngoài tiếng sm rền. Đúng thế, tối mùa đông năm ấy, mưa như trút nước, sấm ầm ào kéo theo chớp giật cuối trời. Tôi lái xe như điên đến bệnh viện, mặc cho toàn thân run rẩy vì nỗi sợ sấm chớp đã ăn sâu vào máu. Những tháng cuối của thai kỳ, tôi đã dặn nàng rất cẩn thận. Nàng nghe tôi hết thảy. Nhưng tại sao? Tại sao? Nàng vẫn vì bệnh nhân mà lao đến bệnh viện?

Tiếng gào thét xé lòng. Những giọt nước mắt. Trách móc rồi oán giận nhau. Tôi không thể chịu nổi nữa. Làm ơn, có thể để tôi ngừng thở ngay lúc này, được không...?

*