1.2
Tôi vẫn nhớ cuộc trò chuyện đúng nghĩa lần đầu tiên của chúng tôi. Đó là hôm chị đến đặt may Hán phục do chính tay tôi thiết kế. Nói là trò chuyện, nhưng chủ yếu là chị hỏi, tôi trả lời. Nhưng tôi không cảm thấy khó chịu chút nào, và có vẻ như chị cũng thế. Sau khi lấy những dữ liệu cần thiết xong, chị ngỏ lời mời tôi uống trà. Tôi thì chỉ thích ru rú trong nhà, rất hiếm khi ra ngoài đi đâu đó, chứ đừng nói đến việc đi với người không thân.
"Vẫn chưa tới giờ tan làm."
Tôi kiếm cớ. Chị có hơi thất vọng, nhưng ngay lập tức xua xua tay tỏ ý không sao. Dường như chị nhận ra sự từ chối ẩn ý của tôi, cho nên cũng không tiếp tục chủ đề đó nữa. Tôi cứ nghĩ chị đã từ bỏ rồi, nhưng không ngờ hôm sau, chị lại mua một cốc hồng trà sữa rồi mang đến tận tay cho tôi, nói là quà cảm ơn. Chị ấy đã có lòng đến mức này, nếu còn từ chối nữa thì xem ra tôi sẽ trở thành một người không hiểu chuyện.
Tôi nhận cốc hồng trà rồi bóc vỏ ống hút ra. Lúc đó, một chiếc phiếu nhỏ bằng hai đốt ngón tay chợt rơi xuống đất. Tôi cúi người nhặt lên, chỉ thấy con số 13 in nghiêng. Tôi còn đang nhíu mày khó hiểu thì chị bỗng reo lên.
"Ôi!"
Tôi liếc mắt nhìn chị. Chắc chị thấy phản ứng của mình hơi quá nên vội đưa tay che miệng, mắt đảo sang hai bên nhìn xem mọi người có chú ý hay không. Giọng chị nhỏ lại, nhưng vẫn không kìm được sự phấn khích.
"Quán này đang có hoạt động mua trà được tặng phiếu quay số trúng thưởng đó."
Tôi nghe lời giải thích của chị xong thì thấy hơi buồn cười. Chị ấy lớn vậy rồi mà còn vui vẻ đến thế vì trò may rủi này à? Đúng là đồ trẻ con!
"Đố cậu biết, phiếu cốc của tớ là số mấy?" Mắt chị cười cong cong như trăng lưỡi liềm.
"Số mấy?"
"Số 14 đó!"
Tôi vẫn ngây ra không hiểu ý chị là gì. Chắc vẻ mặt tôi lúc đó ngốc nghếch lắm nên chị cứ cười mỉm suốt, còn ra vẻ thần bí.
"Hoá ra là cậu không biết. Không nói cho cậu biết đâu."
Không nói thì thôi. Tôi đâu phải đứa có tính trẻ con như chị.
Tôi vốn dĩ chẳng để tâm đến hai tấm phiếu đó, thậm chí còn không thèm đi thử vận may. Con số 13 thì có gì là may mắn? Mãi sau này, tôi mới hiểu, hoá ra ngày đó chị vui vẻ đến thế hoàn toàn không phải vì trò quay số may rủi.
Tiếc là, khi ngoảnh đầu nhìn lại, chỉ thấy kỷ niệm vẫn ở đó đầy dày vò, nhưng bất lực không thể nào thay đổi được gì nữa.
*
Tôi đậy nắp hộp bưu phẩm lại, mặc thêm áo khoác rồi bắt chuyến xe buýt lên Hồ Gươm. Phố đã về chiều, dòng xe chen chúc nhau trên con đường hẹp. Tiếng còi xe inh ỏi đập vào tai đau nhức. Nhiều người sốt ruột vì xe buýt mãi không nhúc nhích nên vội vã xuống đi bộ. Chỉ lác đác vài người ở lại, trong đó có tôi.
Không biết qua bao lâu mới đi hết con đường quen thuộc. Cũng không biết trong khoảng thời gian đó, tôi đã nhớ tới điều gì, nghĩ những gì. Chỉ cảm thấy cái lạnh mùa đông gặm nhấm từ đầu ngón tay vào thẳng trong lòng. Lạnh đến mức nổi gai ốc. Tôi ôm chặt lấy chính mình, rụt đầu vào trong chiếc mũ áo rồi thiu thiu ngủ.
Tôi thoáng ngửi thấy mùi hương thân quen, mùi cỏ và gỗ đàn hoà quyện quyến luyến trên vai áo. Tôi giật mình thảng thốt, dáo dác nhìn xung quanh, cố kiếm tìm một hình bóng nào đó khắc ghi trong tâm trí. Nhưng dội vào đáy mắt chỉ là chiếc ghế trống không.
Đến trạm dừng, tôi xuống xe rồi quay đầu nhìn về phía sau như một thói quen. Đáp lại tôi là cánh cửa xe đóng sập ngay trước mắt. Tôi dằn xuống sự hụt hẫng trào lên trong lòng, đưa tay kéo mũ lông trên đầu xuống thấp hơn chút nữa.
Tôi lững thững bước đi trên phố đi bộ, tạt qua quán kem định mua một que bạc hà. Nhưng lúc tính tiền, cô gái đứng cạnh tôi lại nũng nịu nói với chàng trai đi cùng: "Em thích ăn kem sữa chua! Kem sữa chua ngon hơn!"
Tôi thuận miệng nói với cô bán hàng: "Đổi cho cháu kem sữa chua."
Hồi còn ở Hàng Châu, chị ấy rất thích ăn mấy thứ chua chua ngọt ngọt. Có lần, chúng tôi thả bộ bên Tây Hồ, mua hai xâu kẹo hồ lô rồi đứng trên cầu đá, vừa ăn vừa ngắm cảnh đêm.
Tây Hồ về đêm nước đen như mực. Những nhà ven hồ thắp đèn hoa đăng hắt ánh sáng vàng dìu dịu xuống mặt hồ, tạo nên cảnh sắc lung linh kỳ ảo như trong phim cổ trang. Chị vừa ăn kẹo vừa thích thú giải thích những kiến trúc quanh hồ cho tôi nghe. Tôi cầm xâu kẹo trong tay, quay sang nhìn chị. Nói một lúc, chị chợt nghiêng đầu hỏi tôi.
"Kẹo không ngon à? Hay cậu không thích?"
Thấy chị đã ăn hết xâu kẹo trong tay, ánh mắt vẫn thòm thèm, tôi nhịn cười rồi nhét xâu đang cầm vào tay chị.
"Nếu ăn sẽ bị dị ứng chảy nước mắt."
Lúc đó, chị cứ nghĩ là tôi nói dối để nhường chị xâu kẹo. Sau này, khi dẫn chị đi chơi ở Hà Nội, đến Hồ Gươm ăn kem, lúc tôi không chú ý, chị nghịch ngợm nhét que kem sữa chua vào miệng tôi.
Mùi sữa chua thơm nồng xộc lên mũi, tôi ho sặc sụa, nước mắt giàn ra.
Tôi nhìn que kem hai màu hồng trắng trong tay, mím môi rồi há miệng cắn hai miếng hết cả que. Cái lạnh ùa tới, răng tê cóng không còn cảm giác gì. Vị chua chua ngọt ngọt lợm cả giọng khiến cổ họng vừa lạnh vừa nóng. Nước mắt ngay lập tức trào ra, nhưng đã bị tôi quệt sạch.
Hoá ra, vị sữa chua cũng không đáng sợ như tôi tưởng. Cổ họng bỏng rát thì đã sao? Khoé mắt cay xè thì đã sao? Đó mà được gọi là nỗi đau ư...
Tôi lầm lũi đi xuyên qua dòng người ngược xuôi. Cảnh vật xung quanh rất đỗi quen thuộc, nhưng tôi lại chẳng cách nào hoà nhập. Giống như bức tranh tươi vui bỗng dưng có giọt mực lạc quẻ rơi xuống, không thể sửa lại được, chỉ đành vứt đi.
Tôi đi bộ về nhà. Nghĩ cũng thật buồn cười, chắc chẳng có ai lên Hồ chỉ để ăn một que kem rồi về như tôi đâu nhỉ? Tôi cười giễu cợt chính mình. Bước chân tự do đi đến mọi nẻo đường, không cần đích đến. Đi đến tận khi trời tối mịt, lưng áo ướt sũng mồ hôi, trán thấm hơi gió lạnh, đầu óc tỉnh táo lên chút ít thì tôi mới về tới nhà.
Một mồi lửa và vài cành cây khô, chiếc hộp nhỏ bốc cháy tức thì. Tôi cúi đầu nhìn ngọn lửa vàng bốc lên, ngấu nghiến từng phần của chiếc hộp. Khói khét lẹt phả vào mặt khiến hốc mắt cay xè, nhưng tôi vẫn cố mở to mắt nhìn.
Lửa nhuộm màu thiên thanh thành khói, biến từng thớ vải thành tro tàn. Đôi chim hạc co quắp trong lửa đỏ, duỗi cánh tan vào không trung. Cháy hết. Ngay cả tro cũng bay theo gió. Không còn lại gì.
Mắt tôi chợt nhoà đi, có lẽ là vì khói quá nhiều. Tôi giơ ống tay áo quệt hai cái. Nhưng nước mắt vẫn trào ra không ngớt. Tôi lại quệt thêm một lần nữa. Lần nữa, rồi lại lần nữa, cho đến khi hai bên mắt đau rát mới cảm thấy tốt hơn một chút. Bấy giờ, tôi quay gót vào nhà.
Lúc cởi áo khoác ra, tôi sờ thấy quyển sổ luôn mang bên mình, trái tim chợt nhói một cái. Bàn tay giở sổ cứ run lên. Tờ giấy với những nét chữ quen thuộc hiện ra trước mắt, giống như từng chiếc kim châm vào nhãn cầu của tôi, đau nhức không thể chịu nổi. Bên dưới tờ giấy là chiếc phiếu năm nào, màu mực in có cũ đi, nhưng con số 13 vẫn hiển hiện rõ ràng.
Tại sao nó lại sắc nét đến vậy?
Tại sao tôi lại đãng trí đến thế? Đốt bưu phẩm nhưng lại giữ lại thứ này sao?
Tôi cong khoé môi, vội vàng tìm bật lửa. Nhưng vào khoảnh khắc sắc vàng nóng bỏng phụt lên, tay tôi run đến độ đánh rơi bật lửa.
Lúc nãy, khi đứng nhìn bưu phẩm cháy hết, tôi cho tay vào túi áo làm gì? Tôi giữ cái gì?
Chỉ mình tôi biết.
*
Ba ngày sau, một người bạn thân thiết với chị gửi email cho tôi, báo rằng chị đã đi Pháp hưởng tuần trăng mật rồi, tôi có đến cũng không gặp được đâu. Thật tiếc vì tôi phải đi công tác vào đúng ngày cưới của chị, không thể đến dự. Cô ấy còn gửi rất nhiều ảnh chụp cho tôi xem.
Chị mặc bộ hỷ phục đỏ truyền thống rất đẹp. Ảnh nào chị cũng cười. Nhưng nhìn kỹ thì nụ cười ấy không lên tới mắt.
Tôi ngây ngốc nhìn chị qua màn hình máy tính, ngược dòng thời gian để xoá đi những ký ức xa xôi. Từng ánh mắt nụ cười, từng lời hẹn ước, đến cái chạm tay đầu tiên, cái ôm dưới hiên nhà trong một chiều mưa xa vắng. Mùi hương hoa cỏ hoà với gỗ đàn trong hơi thở của chị. Mái tóc dài tết đuôi sam nằm gọn trong lòng bàn tay tôi. Đôi mắt phượng hay nhìn về phía tôi. Giọng nói êm tai, nhẹ nhàng như suối chảy dưới khe.
Chị đưa tay che miệng, mắt cười cong cong: "Cậu không biết 1314 nghĩa là gì sao?"
"Không biết."
"1314 có nghĩa là 'Một đời một kiếp' đó. Cậu sẽ mãi là em gái kết nghĩa của tớ."
Tôi ước gì, chị chưa từng nói với tôi ý nghĩa con số đó.
Nhưng tôi vốn dĩ không có tư cách ấy.
Ngay từ đầu...