bởi Nho Nhỏ

48
6
2543 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

1.1


Khi bưu phẩm của chị ấy đến tay tôi cũng là lúc đợt gió mùa Đông Bắc đầu tiên vừa ghé được hai ngày.

Lúc người giao hàng gọi điện, báo rằng có bưu phẩm cần ký nhận, tôi có hơi ngạc nhiên. Bao nhiêu lâu nay, ngoài bố mẹ ra thì hầu như chẳng có ai gửi gì cho tôi cả. Mà nếu bố mẹ có gửi, chắc chắn họ sẽ gọi điện báo trước cho tôi cả tuần.

Tôi hỏi lại với giọng dè chừng, rồi nhận được một cái tên.

Một cái tên, vỏn vẹn ba chữ, nhưng lại đủ sức khiến đầu óc tôi choáng váng, còn bàn tay đang cầm điện thoại thì run lên bần bật. Tôi mím môi, cầm chặt di động bằng cả hai tay, đáp lại người giao hàng bằng một câu nói lắp lộn xộn rồi cứ thế lao xuống cầu thang, không buồn để tâm đến việc thay dép đi trong nhà.

Bưu phẩm không to, chỉ là một chiếc hộp dài hơn một gang tay người lớn. Tôi nhận bằng cả hai tay, rồi cúi đầu nhìn chằm chằm tấm giấy viết thông tin dán trên nắp hộp. Những nét chữ nắn nót màu mực xanh nghiêng nghiêng nhìn về phía tôi.

Chị ấy vẫn vậy!

Tôi bật cười.

Vẫn thích màu xanh nhất trên đời. Vẫn thích viết chữ nghiêng về bên phải, chẳng bao giờ thẳng hàng thẳng lối.

Tôi đưa tay miết những hàng chữ nhỏ nhắn, đầu ngón tay vốn lạnh giá chợt ấm dần lên như có dòng nước nóng chảy qua. Tôi vừa ngước mắt lên, chưa kịp nói lời cảm ơn với bác giao hàng thì bỗng có giọt nước hắt xuống gò má. Tôi giật mình vì lạnh. Trong cái giật mình ấy, dường như còn có cả thảng thốt.

"Trời mưa rồi, thời tiết rõ dở hơi!"

Bác giao hàng bỏ lại một câu như vậy trước khi đề số con xe wave rồi phóng đi mất hút. Tôi đưa tay quệt giọt nước đậu trên má, chết lặng nhìn những đám mây xám nhợt đua nhau kéo đến, ùng ục túa ra như trong nồi nước sôi. Mưa rơi lách tách vài hạt, thưa thớt, chẳng theo nhịp điệu cố định nào. Những hạt mưa rơi nghiêng theo gió, bay thẳng vào mặt tôi rồi chầm chậm lan toả hơi lạnh sương muối.

Tôi vội vàng ôm lấy hộp bưu phẩm như ôm lấy báu vật rồi quay người chạy ù vào nhà. Tôi tự trách bản thân tại sao lại ngây người ra như vậy, lỡ cái hộp bị dính nước mưa thì phải làm sao? Tôi lo lắng kiểm tra một lượt, sau khi chắc chắn bưu phẩm vẫn còn nguyên vẹn, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

Vì không muốn làm rách tờ giấy viết thông tin người nhận dán trên nắp hộp, tôi đã dùng dao dọc giấy tỉ mỉ cắt lớp băng dính dán xung quanh từng tí một. Mười lăm phút sau, tôi nhấc tờ giấy ra, giơ lên trước ánh đèn, chăm chú ngắm lại từng con chữ, khoé môi bất giác cong lên. Tôi kẹp tờ giấy to bằng bàn tay vào quyển sổ ghi chép luôn mang bên mình. Sau đó, tôi mở nắp hộp ra.

Khoảnh khắc đó, tôi ước gì trái tim mình có thể ngừng đập ngay lập tức.

*

Năm năm trước, tôi bị ép đến Hàng Châu phụ giúp người cô họ buôn bán Hán phục. Một chữ tiếng Trung bẻ đôi tôi cũng không biết thì phụ giúp kiểu gì. Tôi thừa biết, đó chỉ là một cái cớ. Một cái cớ hợp tình hợp lý để đẩy một đứa trẻ được thừa kế một phần gia sản phải rời đi đúng vào lúc đại gia đình họp mặt.

Trong di chúc của ông nội có tên tôi, nhưng bà nội lại không muốn cái tên đó được tồn tại. Còn lý do tại sao thì tôi đã quá mệt mỏi để tìm hiểu, hoặc cũng có thể là vì tôi sợ. Giống hệt cảm giác sợ sệt khi phải bóc hành tây, càng bóc càng chỉ nhận lại đau đớn, đến cuối cùng cũng chẳng thu hoạch được gì.

Tôi xách balo rồi lên máy bay bay đến Trung Quốc ngay, không cần nói lời từ biệt với bất kỳ ai trong nhà, kể cả bố mẹ. Suốt hành trình, tôi đều nhắm mắt ngủ, dù không ngủ được cũng cố ru bản thân chìm vào giấc mộng. Tôi làm gì còn tâm trí mà ngắm cảnh hay thưởng ngoạn, bởi vốn dĩ tôi đi chuyến này đâu phải với tâm thế được tận hưởng.

Khi tới nhà của cô gần Tây Hồ cũng vừa lúc giọt nắng cuối ngày biến mất sau gót chân. Tôi không buồn ngẩng đầu nhìn, chỉ lầm lũi xách chiếc balo đơn bạc rồi cứ thế đi thẳng lên phòng đã được chuẩn bị trước. Bảo là lần đầu tiên đến đây thì cũng không đúng lắm. Hồi còn học phổ thông, tôi đã từng tới Hàng Châu một lần. Nhưng đó chỉ như chuyến dừng chân chớp nhoáng trên lộ trình của khách bộ hành bận rộn, chẳng để lại ấn tượng gì quá sâu đậm.

Bước vào phòng, tôi ném tạm balo xuống sàn rồi thả người lên giường. Chăn ấm đệm êm lập tức đưa tôi chìm vào giấc ngủ. Sáng hôm sau, rồi nhiều hôm sau đó nữa, tôi bắt tay vào công việc như một cái máy. Nhiệm vụ của tôi là sắp xếp lại thông tin khách mua hàng đã được điền sẵn, không cần phải giao tiếp với ai. Dường như cô biết rõ vảy ngược của tôi cho nên đã cố ý như vậy. Tôi không phải đứa mù mờ đến mức không nhận ra điều đó. Nhưng tôi là đứa rất ghét phải mang ơn người khác, nhất là người trong họ. Cho nên, tôi tự học tiếng Trung trong thời gian rảnh, giảm bớt phiền toái vì bất đồng ngôn ngữ khi đối chiếu lại thông tin khách hàng.

Suốt ba tháng trời, tôi không bước chân ra khỏi nhà lấy một bước. Tôi cũng chẳng lấy thế làm phiền lòng. Nơi này không có chỗ nào khiến tôi cảm thấy hứng thú hay nhất định phải tìm hiểu cả. Nghĩ như thế nên sau khi tan làm, mỗi ngày tôi đều yên tâm ngồi nhâm nhi bánh ngọt trong phòng, mắt dán vào mấy bộ phim sitcom.

Nhưng rồi đột nhiên có một việc đã khơi lên sự tò mò cho tôi.

Hôm đó là một buổi sáng có mưa bụi lâm râm. Mưa rơi đột ngột, không nặng hạt nhưng kéo dài, đủ làm người ta ướt áo nếu đi dưới trời mưa quá hai phút. Khách trong quán rất đông, hầu hết đều không mang ô. Chờ một lúc vẫn không thấy mưa ngớt nên họ lục tục lấy điện thoại ra gọi người thân tới đón. Người đến người đi nườm nượp, tiếng giày tiếng guốc gõ lộp cộp xuống nền nhà, tiếng nói chuyện huyên náo hoà quyện với nhau khiến lỗ tai tôi ong lên như có tổ vò vẽ ngay sát bên. Tôi làm nốt mấy tờ còn lại rồi nhanh chóng đứng lên, đang định quay vào nhà trong ngồi thì cảm thấy tay áo bị ai đó níu lại.

"Anh gì ơi, quán có thể cho tôi mượn ô được không?"

Âm sắc rất nhẹ, mềm như nước, giọng phổ thông rành rọt, du dương quanh quẩn bên tai khiến tôi bất giác ngoảnh đầu lại. Vừa nhìn thấy bộ Hán phục màu thiên thanh được đặt may là tôi biết ngay người này là ai. Số lượng Hán phục đặt may ở quán rất ít, cho nên thông tin người mua được ghi chép rất cẩn thận và chi tiết.

Chị ấy thấy tôi nhìn thì cụp mắt xuống, vẻ mặt hơi khó xử.

"Nhà tôi gần đây thôi, nhưng giờ này không có ai ở nhà cả, tôi còn có việc gấp nên..."

"Tôi biết rồi, chị đợi một chút."

Đó có lẽ là câu đầu tiên tôi nói với người khác kể từ khi đặt chân đến đây. Nghe tôi nói xong thì chị ngẩng đầu, đôi mắt thoáng ngạc nhiên rồi nhanh chóng bị lấp đầy bởi vẻ bối rối.

"Tôi xin lỗi... Tôi..."

Tôi biết chị ấy xin lỗi vì việc gì, nhưng tôi cũng chẳng để tâm lắm. Tôi rảo bước vào nhà trong, thấy cô tôi đang tất bật treo lại Hán phục, tôi cũng không tiện làm phiền, dù gì thì tôi cũng biết chỗ cô hay để ô.

"Đi đâu đấy?" Tiếng của cô vang lên sau lưng tôi, dường như rất ngạc nhiên.

"Chị khách duy nhất đặt may Hán phục ở quán muốn mượn ô."

"À, con bé đó là khách quen, nhà gần đây thôi. Nếu cháu rảnh thì..."

Không để cô nói hết, tôi sải bước ra ngoài. 

Chị ấy đứng trước bàn làm việc của tôi, hai bàn tay đan vào nhau, nghiêng đầu nhìn ra khoảng trời đầy mưa bụi trước cửa. Khi thấy tôi trở ra với chiếc ô giấy dầu, chị không giấu được vẻ vui mừng và cảm kích trong đôi mắt. Chị nhận ô bằng cả hai tay rồi còn không quên hứa sẽ mang trả vào hôm sau. Tôi chỉ đáp một câu "Được" xong quay người đi. Có vẻ chị cũng không thấy phiền với hành động đó của tôi. Chị chào tạm biệt rất khẽ, nhưng đủ để tôi nghe được. Chỉ là, vào lúc chị giương ô rồi đi vào màn mưa giăng mắc như sương trắng ngoài trời, tôi có quay đầu lại nhìn chị qua đuôi mắt.

Trên tà váy màu thiên thanh ấy có đôi hạc do chính tay tôi thêu, nhỏ thôi, nhưng tôi liếc mắt là thấy. Đôi hạc ấy dập dềnh như đang bay theo từng nhịp chân bước của chị. Tôi không ngờ chúng lại có dáng vẻ như thế. Không, phải là chưa bao giờ nghĩ tới mới đúng. Vốn dĩ chỉ là rảnh rỗi không có gì làm thì nghịch một chút, ai dè, cô tôi lại lấy tấm vải đó để may váy.

Tôi đã định từ bỏ sở thích nhỏ nhặt đó rồi. Vốn đã định thế...

*

Lần mưa bụi thứ hai ghé đến, tôi vừa kịp chuyển xong gói hàng cuối cùng lên chiếc thuyền nhỏ. Khách đặt mua là một người phụ nữ sống ven Tây Hồ. Đều đặn mỗi ngày đều có thuyền gỗ chở khách hoặc hàng hoá nhỏ trôi lững lờ trên Tây Hồ. Đây có lẽ là lần đầu tiên tôi được ngắm nơi sông nước này gần đến thế. Và có vẻ như, ông trời cũng muốn tôi nán lại lâu hơn chút nữa thì phải.

Vì không mang theo ô giấy dầu nên tôi ngồi xuống thuyền, bằng lòng dạo một vòng Tây Hồ, chờ mưa ngớt. Khi lái đò đội mũ tre chuẩn bị đẩy thuyền đi thì một bóng hình cầm ô vội vàng chạy tới.

"Đợi một chút!"

Tôi nhận ra đó là chị chỉ qua chất giọng nhẹ tựa lông hồng. Tôi quay đầu sang, ngước mắt nhìn lên, chị rũ mắt nhìn xuống, hơi sững lại vài giây. Chị vẫn mặc bộ Hán phục như lần trước, nhưng chắc vì chạy vội nên phần váy gần gót chân vấy đầy bùn, còn hai bên vai áo lấm tấm vài vết vải thấm nước.

Chị bước xuống thuyền. Con thuyền chòng chành khiến chị suýt ngã. Tôi vội vàng nhổm dậy đỡ lấy tay chị. Chiếc ô giấy chao đảo trên không rồi cả tay chị lẫn tay cầm của ô đều nằm gọn trong lòng bàn tay tôi. Chị ngước đôi mắt phượng có đuôi lên, nhìn tôi không chớp. Tôi đặt ánh nhìn lên vành tai hơi đỏ của chị rồi bất chợt trông thấy lọn tóc mai đen nhánh bị dính nước dán chặt vào cần cổ trắng nõn. Tôi đảo mắt.

"Trong thuyền vẫn còn chỗ."

Tôi đỡ chị ngồi xuống rồi nhanh chóng thu ô lại. Chị ngồi đối diện tôi, nhưng tôi không nhìn chị. Có vẻ như chị vẫn còn khá bối rối, không biết nên bắt chuyện như thế nào để phá vỡ khoảng im lặng khó xử này.

Tôi ngồi im, vẫn không lên tiếng câu gì. Những ngôi nhà có mái ngói màu đen uốn lượn, tường xám tro phủ đầy rêu phong lần lượt trôi qua trước mắt. Mưa mau hơn, rải lên cảnh vật một lớp khói mờ ảo. Gió hiu hiu thổi, những hàng liễu bên bờ xoã mái tóc xanh mướt thả trôi lững lờ theo gió. Có vài chiếc lá nhỏ xíu vương đầy nước bay vào tới thuyền, đậu lên mu bàn tay tôi. Cái lạnh nhè nhẹ lướt qua da khiến tôi hơi sởn gai ốc. Thuyền thì chòng chành, cảnh lại bồng bềnh như sương như khói. Tôi bất giác cảm thấy chóng mặt.

Trong cơn mơ màng ấy, tôi đột nhiên ngửi thấy một mùi hương rất lạ. Giống như mùi cỏ ngai ngái sau cơn mưa, mà lại thoang thoảng mùi gỗ đàn. Mùi hương ấy lướt qua cánh mũi khiến lồng ngực dễ chịu lạ thường. Tôi quay đầu sang, đột nhiên thấy chị đã ngồi bên cạnh tôi từ lúc nào.

"Cậu không quen ngồi thuyền à?"

Chị cất giọng với vẻ quan tâm. Tôi chỉ gật đầu mà không đáp. Ánh mắt tôi dừng lại ở đôi hạc trên tà váy của chị, không hề cố ý. Tôi chỉ nhìn đúng ba giây rồi lại dời tầm mắt ra khung cảnh ngoài thuyền. Chị đột nhiên bật cười. Tiếng cười rất nhỏ.

"Tớ nghe cô chủ quán nói, cậu là người thêu đôi chim này hả?"

Tôi lập tức quay đầu lại nhìn chị, lòng chợt cảm thấy bồn chồn. Đã rất lâu rồi, tôi không đụng đến mấy thứ như vậy nữa. So với những lời khen xã giao mà tôi từng được nghe trong quá khứ, tôi sợ phải đối mặt với nỗi thất vọng giấu trong đáy mắt người đối diện hơn. Tôi không trả lời câu hỏi của chị. Nhưng sự im lặng của tôi đã tố cáo tất cả. Đôi mắt của chị dường như có thể nhìn thấu tôi. Chị vuốt nhẹ đôi hạc trên tà váy.

"Tay nghề của cậu cũng khá đó chứ. Nhưng mà đôi hạc này nhỏ quá. Lần sau có thể thêu to hơn được không?"

Đáng lẽ lúc đó tôi nên từ chối. Nhưng nhìn nụ cười lẫn ánh mắt chân thành của chị, không hiểu sao lời tới miệng rồi nhưng tôi lại không thể thốt ra nổi. Tôi biết, đó đã trở thành một lời giao hẹn ngầm, rằng chính tay tôi sẽ hoàn thành một bộ Hán phục chỉ dành riêng cho chị.

Và kỳ lạ thay, tôi không ghét điều đó.

*