bởi Nấm Rơm

34
7
1164 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

4


Tiếng đè tiếng bỉ, tiếng người ta khinh nàng. Đúng là loại đàn bà trơ trẽn, đến cả người đầu gối tay ấp của ân nhân cho nàng biết chữ, nàng cũng có ý cho được. Trong đám người đang sôi nổi nói về vị trí của nàng trong cái làng ấy, nàng thấy gương mặt nhăn nhúm vì giận giữ của bà Cúc, nhận ra được đôi mắt đỏ quạch của mẹ nàng, dáng người loạng choạng vì say thuốc của cha và sự hả hê trong khuôn miệng nhai trầu của thầy lang.

Lòng nàng dường như đã tỏ nhưng phận Đỏ đâu thể minh bạch được điều gì, việc nàng có thể làm chỉ cố mà nuốt nước mắt vào trong mà thôi. Nàng biết, nếu nàng rơi lệ nơi đây, ngay lúc này, người ta sẽ bảo nàng "Đã ăn cướp rồi còn la làng", "Ham vui rồi muốn người khác thương cảm".

Đỏ chầm chậm đứng dậy, lấy hai tay ôm trước ngực rồi lầm lũi lách qua đám người hóng hớt ấy, một mình đi về nhà.

Qua chuyện nàng có dan díu với thầy gia sư của con bà Cúc, miệng làng càng được mở rộng hơn hẳn. Họ được đà nói vào nói ra nàng, chê nàng là con vịt trời, bỉu nàng vừa sinh ra đã bị câm, khinh nàng vì mang cái "phận". Và giờ đây, họ lại càng sung sướng hơn khi có câu chuyện được dệt, được đan khi "con vịt trời câm" có tình có ý muốn làm vợ ông Thọ.

Gì hơn cái cơ ngơi của ông, nhà ở thành phố lẫn nông thôn cũng có. Chỉ vì đời trai phiêu bạt đủ điều nên về già chỉ muốn hưởng cái thú vui bình yên dưới làng Xương.

Người ta cười nàng Đỏ vì muốn làm chủ nhân gia tài ấy nên mới chịu yêu ông hoặc nàng chính là con hồ ly chuyên rù quến đàn ông. Họ đặt điều nàng, đơm vào tai bà Cúc những thứ không hay ho về Đỏ khiến cuộc đời nàng đã khốn đốn nay lại càng khốn đốn hơn.

Và rồi ngày mới chớm xuân, cha nàng bị bắt vì tội cướp của giết người, sử dụng chất cấm trong thời gian dài. Cái làng này vốn đâu ưa gì gia đình Đỏ, nhất là người cha rượu chè bết bát của nàng. Nhiều lần ngậm thinh để ông làm tình làm tội, bây giờ chẳng hiểu cơ sự ra sao ông bị bắt. Nhưng nhìn ông bị còng đi, lòng dạ họ cũng hả hê ghê lắm. Từng người, mỗi người một câu chêm thêm cái tội trạng của ông Độ khiến ông không có ngày được ra khỏi mọt gông để nhìn ánh trời quang đãng.

Vì sao cớm có thể biết thì người làng chẳng ai rõ, chỉ mỗi Đỏ biết để bà Xuân khóc lên khóc xuống đến ngất xỉu. Sợ xa chồng, có dạo bà đem bán Đỏ cho tay buôn chợ cá làm vợ lẽ, người tình để lấy tiền chuộc. Nhưng may mắn nàng lại nhất mực không chịu khiến bà không có tiền để cầu xin.

Rồi người làng lại gắn cho nàng cái danh "đứa con bất hiếu".

Tại sao đời nàng mà nàng chả được quyết? Nàng tự hỏi, tại sao!

Nhiều lần nàng đã có ý nhảy sông, uống thuốc tự tử nhưng không thành vì nhờ ơn ông thầy lang cứu. Lúc đó nàng muốn đập đầu cho chết đi.

Họ muốn nàng chết nhưng lại không để cho nàng chết. Họ không muốn nàng sống ấy mà năm lần bảy lượt cứu nàng từ tay tử thần.

Xuân kia mười sáu trăng tròn.

Xuân nay mười bảy nhìn vòm xuân kia.

Và nàng ngắc ngoải cho đến bây giờ.

Hôm qua nàng lên phố để đổi tí vải đẹp để may cho thằng em vào lớp mới thì bị người dân phát hiện. Họ cười nói nàng lên đó làm cái nghề đáng khinh, cái nghề nhơ nhớp, cái nghề bẩn thỉu bởi vì nàng đi tay không lên đó mà đi về lại cả vải vóc lụa là.

Cái nghề gì, không cần nói rõ, chỉ cần bóng gió cũng đủ biết.

Tiền mồ hôi nước mắt của nàng cuối cùng lại là tiền từ trong họng mua vui.

Vậy nên hôm nay bà Cúc mới có cái cớ để đập đầu nàng, cho thỏa cái cơn tức nàng đã quyến rũ chồng bà.

"Một con điếm lẳng lơ..."

"Mới có tí tuổi đầu mà..."

"Việc tốt thì chả thấy động, việc xấu..."

"Nghiệt chướng, đúng là nghiệt chướng..."

Hơn nữa, mẹ nàng cũng xỉu ngay lúc đi chợ khiến tội trạng nàng ngày càng nặng thêm.

Trĩu lên quang gánh phận đời

Nàng bưng cả rổ tiếng lời người ta.

Có gột rửa bao nhiêu cũng đâu thể gột rửa được cái nhơ nhớp của con Đỏ.

Người ta gọi nàng là con vịt trời bởi vì nàng sinh ra là con gái.

Người ta gọi nàng là nghiệt chướng bởi vì nàng câm.

Người ta gọi nàng là hồ ly bởi nàng đong đưa với gia sư của mình.

Người ta gọi nàng là con điếm cũng vì nàng tình nồng ý đậm với chồng người ta.

Người ta gọi nàng vô ơn vì nàng không chịu bán thân chuộc cha.

Người ta gọi nàng bất hiếu vì mẹ ngất cũng chẳng hay, chẳng thèm chăm mẹ.

Người ta gọi nàng là đĩ thỏa vì lên phố làm cái công việc đè bỉu. Cái nghề đốn mạt nhất trong số những nghề đốn mạt cực kì.

Và cuối cùng người ta gọi vậy, sở dĩ nàng mang cái "phận" từ miệng ông thầy có tiếng trong vùng.

Lâu lâu, khi cơn buồn lại gác trên ngách nhà lủng lẳng dưới miệng họ, họ lại nói về câu chuyện của nhà Độ - Xuân.

Cũng không phải là người chồng tù túng, người vợ nghiện ngập và bất hạnh cũng chẳng là đứa con trai háu ăn vô lễ.

Người ta nói về đứa con gái cả của họ. Trưởng nữ. Trưởng nữ mà chẳng làm được cái gì tích sự.

Rồi ở làng Xương, bao nhiêu di tích, bao nhiêu thắng cảnh cũng đâu bằng hai câu thơ của bà Cúc bật ra trong lúc tưới hoa của chồng, lúc bà vô thức nhớ lại người con gái ấy, người con gái đã biếu bà ba cân thịt, hai xâu bánh, một dải lụa tằm và cả tấm lòng biết ơn.

"Phận nào khổ thế người ơi

Phận đời của Đỏ nực cười lắm thay."

Bởi vì cuộc đời nàng vẫn chưa kết thúc ở cái làng Xương này. Phận Đỏ đã khổ, là khổ tới bến.

Cả hai câu thơ thêu dệt cả tấm lụa đời. Một chữ "phận" nói lên cả số kiếp.