🌷4. Ánh mắt của Điền
Lau hành lang là một công việc đòi hỏi sự nhẫn nại.
Lam vừa lau xong, hai bạn học sinh lớp A8 đi trễ lật đật chạy ngang, bốn ng dấu chân lộn xộn chói mắt xuất hiện trên nền gạch. Nó thở phì phò, vác thân đi lau lại lần nữa. Vừa ngưng, thằng Thanh lớp nó lại lật đật chạy tới.
“Nép vào cho bà!” Lam chống tay.
“Ôi!” Thanh “thắng gấp” lại. Nép vào tường mà đi.
“Toang rồi ông giáo ơi! Tao vừa nhìn thấy Cha Già cầm một xấp đề kiểm tra trên Văn phòng Đoàn!”
Thanh vừa dứt lời. Lớp học ồn ào như vỡ chợ.
“Vãi!”
“Sao tự dưng lại kiểm tra?”
“Tao chưa hiểu bài! Chưa học bài! Làm sao đây?”
Tức thì, tiếng than khóc vang lên không dứt. Cha Già - thầy Thịnh dạy Toán kiêm chủ nhiệm của 11A6, nổi tiếng với một sở thích kiểm tra lạ đời: đề trắc nghiệm, nhưng chưa chắc đáp án chỉ nằm trong bốn phương án có sẵn. Nghĩa là, sẽ có câu không có đáp án, có câu nhiều đáp án. Dù hình thức kiểm tra này bị tụi nó khiếu nại và than khóc mãi, thầy vẫn cười xòa bỏ qua một bên. Ý là, “Cảm ơn đã góp ý. Tôi vẫn quyết định tuân theo suy nghĩ của mình.”
Nghe đến kiểm tra, Lam đẩy nhanh tốc độ, lau xong thì phi ngay vào chỗ ngồi.
“Im lặng! Cờ đỏ trừ điểm ồn ào kìa!” Yên Hà quát lên một tiếng, làm cả lớp hơi im phăng .
Đừng nhìn thân hình ba mét bẻ đôi kia mà xem thường, Yên sở hữu trong người một sức mạnh thuộc dạng siêu nhiên. Cánh tay nhỏ nhắn đó chưa từng vật thua bất luận một thằng con trai nào trong lớp này.
“Lớp trưởng ơi. Phát bùa đi.” Lưu Bình cầm đầu xin xỏ.
“Bùa đi lớp trưởng ơi.”
“Cứu bé!”
“Bé cái mồm thôi mấy ông giời con!” Yên Hà hất tà áo dài, bước đến giữa lớp, “Lần này có bao nhiêu con vịt?”
“Cạp!”
“Cạp cạp!”
“Cạp cạp cạp!”
Yên hà nhón chân đếm những cánh tay đang đưa lên. Có a mươi trên tổng số bốn mươi đứa giơ tay. Xong xuôi, nhỏ cầm cái rổ nhỏ trên bàn giáo viên, đi đến chậu cây thuộc bài lớp đặt trước cửa, thành khẩn ngắt xuống ba mươi nhánh thuộc bài.
Nhớ hồi đầu năm học, trường vận động mỗi lớp trồng ít nhất một chậu cây xanh. Trong khi các lớp khác trồng phát tài, hoa lan, sen đá,... 11A6 gom tiền, hẳn một cây thuộc bài cao một mét đặt ngay cửa lớp. Dù lúc này, chậu cây có phần hơi trọc lóc, thân khô như sắp chết, nó vẫn được 11A6 xem như bùa cứu rỗi mỗi kỳ thi.
Mỗi đứa cầm lấy nhánh thuộc bài được phát cho, cẩn thận kẹp vào tập Toán.
Hai tiết Toán hôm nay là tiết ba, bốn, tiết năm cuối ngày là giờ sinh hoạt lớp. Nói cách khác, tụi nó còn thời gian hai tiết Sử, Công dân, và hai mươi lăm phút ra chơi để “lấy gốc”.
Nhiều đứa nhìn thấy sự thật về năng lực của bản thân, thay vì cố nhồi nhét công thức mà chẳng biết có vào kiểm tra hay không, tụi nó bắt đầu thiết kế “phao cứu sinh”. Có đứa ghi vào vở nháp, đứa ghi xuống bàn, đưa ghi lên tay, lên bắp chân,... đủ cả.
Hai giáo viên dạy đầu chẳng hiểu vì lý do gì mà lớp học hôm nay lại im lặng lạ kỳ, chỉ nghĩ lớp bỗng hiểu chuyện hơn, thế là giảng bài một cách hăng say.
Không khí im lặng ấy thậm chí kéo dài đến khi thầy Thịnh bước vào lớp.
Sở dĩ một bài kiểm tra mười lăm phút, hệ số một, không đủ sức nặng làm chúng nó sợ hãi như thế. Cái đáng sợ là luật chơi của thầy - những ai dưới trung bình phải học online cùng thầy qua Meet vào mỗi buổi tối trong suốt hai tuần liền. Hơn hết, khi học phải mở camera, phải làm thêm bài tập về nhà. Và tất nhiên là chẳng mấy ai tha thiết được gặp thầy vào đều đặn bảy giờ tối hằng ngày, kể cả ngày nghỉ hết.
“Nghiêm!” Yên Hà hô vang, để mọi người đứng dậy chào thầy.
Thầy Thịnh đi thẳng đến bàn giáo viên, để tập đề dày cộp xuống bàn rồi phẩy tay cho lớp ngồi xuống.
“Kiểm tra nhé các em. Thầy vừa soạn được bộ đề hay lắm! Ai được mười, thầy thưởng một chai C2.”
Thầy cười toe toét thông báo.
Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần, bọn nó vẫn không nhịn được mà khóc than một trận.
“Đem hết cặp sách, tập vở, điện thoại, đồng hồ thông minh,... lên bục giảng nhé!”
Lời thông báo như sét đánh ngang tai làm những đứa chứa “phao” trong điện thoại, đồng hồ và vở nháp chết đứng. Sao bỗng dưng lần này thầy còn bổ sung luật chơi thế?
“Không cho để giấy nháp luôn hở thầy?”
“Thầy cho giấy.”
Lam thở phào vì lúc nãy viết công thức xuống bàn bằng bút chì mà không phải là trong vở nháp.
Sau khi cả lớp chậm rì rì đem đồ đạc lên trên vào ổn định chỗ ngồi, thầy Thịnh lại quăng quả bom thứ ba xuống.
“Các em đổi chỗ ngồi theo sơ đồ này của thầy nhé!”
Thầy chỉ tay về phía màn hình tivi, lúc này là một sơ đồ lớp hoàn toàn mới.
“Trời đất ơi!”
“Thầy ơi!”
“Mất thời gian lắm thầy ơi!”
Cả lớp hùa nhau viện lý do. Chỉ thiếu nước dập đầu, hô vang “Mong Bệ hạ nghĩ lại!”.
“Khẩn trương. Ba mươi giây sau ai còn chưa ổn định vị trí thì trừ một điểm!”
Giây tiếp theo mấy đứa đang gục ra bàn ăn vạ bỗng được tiêm máu gà, phi vèo đến chỗ ngồi mới của mình. Đùa à? Bọn nó chưa chắc đã thi được năm điểm, trừ một điểm, không phải là cầm chắc vé vào lớp phụ đạo rồi sao? Không được không được.
Lam giơ tay, kéo ống tay áo của Điền chạy nhanh đến bàn ba, tổ hai, vị trí mới theo sơ đồ của thầy. Mất phao cũng không sao, trong giây phút loạn lạc, Lam bỗng sực tỉnh, kịp thời nhớ ra mình ngồi cạnh học sinh Nhất khối. Có Điền ngồi bên cạnh phát vía, thể nào bài của nó cũng trên trung bình!
“Đại ca, cứu em. Sau ngày hôm nay, em là đàn em của đại ca.”
Khiêm cũng chuyển qua, ngồi ngay bên trên Điền. Cậu bạn mỉm cười, xum xoe nhờ vả.
“Chỉ bài cho bạn không phải giúp bạn mà là hại bạn.” Điền nói chậm rãi, khuôn mặt bình tĩnh.
“Không sao đâu, em chịu được. Cứ hại đi!”
“Tao nữa.” Lam nhoài người sang, chớp chớp mắt, “Tao cũng sẽ cố chịu được.”
Điền nhếch miệng cười khẽ, làm giá, không nói năng gì.
“Một ly trà đào.” Lam giơ ngón trỏ, bắt đầu hối lộ.
Điền lắc đầu.
“Bánh tráng nướng? Kem? Nhiều nhất là một tô bún riêu. Hết tiền rồi.”
“Không cần.” Điền cong mắt, nói nhỏ, “Đừng xù kèo đi chơi với mình là được.”
Tức thì, Lam quên luôn cả miệng khép lại. Hồn nó rơi vào đôi mắt sáng biết cười của Điền, vùng vẫy, rồi chết chìm trong đáy mắt ấy.