5
Nghe mẹ hỏi, sống mũi Trí cay xè. Anh xoay người, ngần ngại đáp:
- Con với Linh... chia tay rồi, mẹ ạ.
Khi nghe con trai nói, nét vui vẻ trên gương mặt bà Thanh lặng lẽ phai tàn. Cái làn nhựa trong tay bỗng trở nên nặng trĩu, dù chỉ là chút rau, chút thịt cá.
Không gian trong nhà hôm nay ngột ngạt, không một tia nắng nào xuyên qua. Trí đã đóng kín ô cửa sổ ở vách ngăn giữa hai gian nhà, khiến không khí trong phòng khách trở nên ẩm thấp. Chỉ có chút ánh sáng yếu ớt từ hành lang hắt vào qua khe cửa chính ọp ẹp đã không còn khít với viền cửa cùng ánh đèn le lói từ bóng đèn LED nhỏ của máy hút khói trong bếp.
Nhìn căn hộ này, Trí tự hỏi, liệu có khác gì cuộc sống của mình? Mẹ anh nghẹn ngào:
- Già rồi, chẳng trẻ nữa đâu. Ai cũng cần một người săn sóc khi ốm đau, mà người như thế không thể là bố mẹ, con cái hay bạn bè, phải là người nâng khăn sửa túi cho mình.
Trí không đáp, chỉ quay lại nhìn đĩa đậu trên bàn bếp. Bà Thanh từ tốn hỏi:
- Món đậu này chắc phải cẩn thận lắm mới làm được hả?
- Vâng ạ.
- Nhìn ngon đấy. Đã nhào kỹ lõi đậu với thịt rồi chứ?
- Vâng, con nhào kỹ lắm.
Nghe con trai trả lời, bà Thanh không nói thêm gì, chỉ xách làn lại cái tủ lạnh, bắt đầu cất thực phẩm vào tủ cho con. Bà đã sáu mươi tuổi, việc phân chia thực phẩm đã thành thói quen cả đời. Chỉ một loáng, rau đã vào ngăn dành cho rau, thịt đã ở ngăn dành cho thịt.
Trí bày biện mâm cơm chỉ với một món của mình ra, ái ngại hỏi mẹ:
- Mẹ có ở lại ăn cơm với con không ạ?
Bà Thanh nhìn con rồi nhìn đĩa thức ăn, khẽ lắc đầu:
- Thôi, mẹ còn về chăm bố với em dâu mày.
Liếc nhìn căn nhà thiếu sức sống, bà Thanh nói:
- Chịu khó mở cái cửa sổ chỗ vách ngăn ra cho nó thoáng. Phòng khách cần ánh sáng, vì đó là nơi sinh hoạt chung của cả gia đình, nơi các thế hệ quây quần mỗi tối hay dịp lễ Tết, nơi tiếp đón khách khứa, bạn bè. Để phòng khách tối om như này, bảo sao cuộc đời gần bốn mươi rồi vẫn chưa khá lên được. Phòng khách không được thiếu sáng, phòng bếp không được nguội lạnh, và phòng ngủ thì luôn phải sạch, nhớ chưa?
Trí cúi gằm mặt, nhai cơm trệu trạo trong miệng, khẽ đáp:
- Vâng ạ.
- À… Phải rồi. Hôm nào anh sang nhà sửa cái xe đạp cũ cho bố anh. Ông ấy dạo này lại thích đạp xe đi chơi. Tiện thì sang cả bên nhà em trai mà thăm các cháu.
- Xe của bố làm sao hả mẹ?
- Xe muốn chạy thì nan phải cứng. Nhưng giờ nó cũ rồi, nan rỉ sét, mềm oằn ra. Bố anh thì béo như thế, đi vài hôm là cái xe cong vành mất. Mà cái xe cũng như đời người vậy. Đời người muốn có ích thì phải biết giữ cho mình chỗ đứng, cái cương, chứ không thể để lụi tàn…
Bà Thanh dựa lưng vào tủ lạnh, nói xa nói gần với con trai. Bà không rõ con có hiểu hay không. Trí trong mắt bà là đứa khiến bà lo lắng nhất. Dù rõ ràng là anh cả trong nhà, nhưng lúc nào cũng đi sau các em. Trong khi em trai Trí công thành danh toại, Trí chỉ biết ngày ba bữa cúi gằm mặt ăn cơm, không thiết tha đến việc làm giàu. Lẽ vì vậy nên Trí và bố không thân thiết. Hai bố con lúc nào cũng hục hặc, đến mức bà Thanh chán không buồn nói.
Trí nhai cơm nhóp nhép, ngẩng đầu hỏi mẹ:
- Thế mẹ không ăn cơm với con thật ạ?
Bà Thanh thấy con trai lôi thôi, luộm thuộm, chán nản ra mặt. Bà đứng dậy, xách theo cái làn nhựa rỗng ra về. Trước khi đi khuất khỏi căn hộ, bà để lại câu nói cuối:
- Anh không lo liệu cho anh thì tới lúc tôi và bố anh chết, không có ai đứng ra lo cho anh đâu. Em trai anh còn gia đình nó nữa. Tôi và bố anh, chúng tôi hết cách với anh thật rồi.
Nhìn theo cánh cửa nhà đóng sầm lại, Trí chìm vào dòng suy nghĩ miên man. Anh vẫn liên tục xới cơm ăn, cắm đũa vào miếng đậu rán vàng óng, rồi đưa lên miệng. Chẳng hiểu sao miếng đậu mềm ấy làm anh cảm thấy ghê cổ, như thể thứ đang trôi xuống cổ họng là đống cảm xúc nghẹn ngào mà anh cố tình lãng quên.
Trí đặt đũa xuống, nhìn đăm đăm vào cái đĩa đậu còn một nửa, dạ dày co thắt lại. Anh nhớ đến Linh, nhớ những bữa cơm cô nấu cho anh. Anh từng hay ngồi bên cạnh bếp, nhìn cô gái ấy thoăn thoắt xào nấu, từng cử động đều mang theo sự dịu dàng, chỉn chu.
Nhưng giờ đây chỉ còn mình anh, với căn bếp lạnh ngắt và cái bóng mình in hằn lên bức tường nhạt nhoà ánh sáng.
Nỗi cô đơn như bóng đen bám riết lấy Trí, từng chút, từng chút một, chiếm trọn tâm trí. Anh với tay lên đầu, vò rối mái tóc rũ rượi. Trong tâm tưởng, lời mẹ như từng nhát dao cắt sâu vào vết thương cũ kỹ mà vẫn đau nhói: “Anh không lo liệu cho anh thì tới lúc tôi và bố anh chết, không có ai đứng ra lo cho anh đâu…”
Nước mắt rưng rưng nhưng chẳng thể trào ra, chỉ đọng lại nơi khóe mắt, lấp lánh như hạt sương.
Hồi đó, Linh từng phàn nàn về căn hộ này. Cô bảo nó chật hẹp, bức bối, từng gợi ý dọn đi mua một căn hộ khác, nhưng Trí cứ chần chừ mãi. Anh khăng khăng giữ cái ổ chuột này. Với anh, ngôi nhà này là thứ tài sản quý giá nhất, mang cho anh cái mác trai phố, nhà phố.
Mãi đến bây giờ, khi không còn ai bên cạnh, Trí mới hiểu ra. Cái anh cần giữ lại không phải là căn hộ bé xíu giữa lòng thành phố này, mà là những con người đã cùng anh xây đắp nên cuộc sống nơi đây. Nhưng giờ thì sao? Linh đã bỏ đi chẳng thèm ngoảnh lại. Căn hộ càng lúc càng tồi tàn theo lẽ vốn dĩ của nó. Và mẹ anh… người duy nhất hôm nay tới thăm anh, cũng chẳng buồn ăn cơm chung.
Trí đứng bật dậy, kéo mạnh cánh cửa sổ vách ngăn. Tiếng bản lề khô khốc vang lên giữa bầu không khí u ám. Ánh sáng từ bên ngoài tràn vào, chiếu rọi cả căn phòng trong phút chốc. Nhưng cũng chỉ là thứ ánh sáng nhạt nhòa, chẳng đủ ấm áp để xua tan đi màn tối trong lòng anh.
“Mình phải là nan hoa cứng cáp…”, Trí thì thầm như một lời tự nhủ, nhưng chưa dứt câu, đôi chân đã nặng trĩu và chùng xuống. Định làm gì bây giờ? Bắt đầu từ đâu? Kể cả việc liên lạc lại với Linh cũng đã là một chuyện bất khả thi.
Anh lấy điện thoại ra, lướt tìm số của Linh trong danh bạ. Ngón tay dừng lại nhưng không nhấn gọi.
“Là nan hoa cứng cáp… Đúng vậy…”.
Đôi mắt Trí dõi theo ánh sáng dần tan biến, và những suy nghĩ lại quay cuồng, giống như dòng đời trôi nổi, chẳng biết đâu là bến bờ, không biết tìm đâu ra điểm tựa cho chính mình.
***
Vẫn như thường lệ, Thảo Anh đứng ở quầy thu ngân, lặng lẽ thực hiện công việc của mình. Có lẽ ca tối nay sẽ trôi qua bình yên như mọi khi. Nhưng cuộc đời luôn có những bất ngờ...
- Mày hả? Mày thích ngoại tình hả?
Một người phụ nữ lao vào cửa hàng, tiến tới bàn đứng, nơi cặp nam nữ khoảng ba mươi tuổi đang xì xụp mì. Cơn ghen của người phụ nữ bùng nổ như bão, mũ bảo hiểm trong tay chị trở thành vũ khí. Mọi thứ diễn ra quá nhanh khiến những vị khách khác chỉ biết há hốc miệng, chực chờ xem điều gì xảy ra tiếp theo. Chẳng mấy chốc, điện thoại của mọi người đều được rút ra để ghi lại sự việc bất thường này.
Thằng Minh nhanh chân chạy tới, cố gắng ngăn cản người phụ nữ đánh ghen. Một tay nó đỡ những đòn đánh của người phụ nữ, còn miệng không ngừng nài nỉ:
- Ôi chị ơi, chị mà đánh nhau ở đây thì mai em mất việc! Anh chị ơi, từ từ mình nói chuyện được không ạ? Chị Thảo Anh! Chị Thảo Anh! Giúp em!
Thằng Minh khẩn cầu Thảo Anh, nhưng cô đã đặt hết sự tỉnh táo vào ý nghĩ duy nhất: “Phải đánh cái bọn cướp chồng.”
Chỉ trong chớp mắt, cái vá múc trân châu trở thành vũ khí tối thượng của Thảo Anh. Cô lao vào trận chiến, cùng chị vợ túm tóc, giật tai kẻ thứ ba, khiến anh chồng không thể ngờ rằng một nhân viên bán hàng lại có thể đánh ghen quyết liệt đến vậy.
Thằng Minh vừa phải ngăn khách, vừa phải kìm Thảo Anh, nó thở hổn hển, người đỏ rực vì những vết cào cấu vô tội vạ.
Có lẽ một vị khách nào đó đã phản ánh lên quản lý, hoặc quản lý đã xem camera và thấy sự việc. Chừng mười lăm phút sau, anh quản lý bước vào với gương mặt vừa nghiêm nghị vừa tức giận. Lúc này, chị vợ đã mệt mỏi, cô bồ nhí tơi tả, còn anh chồng thì quỳ gối, nước mắt lưng tròng xin lỗi vợ. Thảo Anh vẫn hăng máu chửi rủa, khiến Thằng Minh phải kéo cô về quầy thu ngân, yêu cầu cô tính tiền cho những vị khách hiếu kỳ đang chờ đợi được thanh toán.
Thảo Anh vẫn thở hổn hển, hai má đỏ bừng. Cô cố kìm nén cảm xúc, sắp xếp lại chiếc áo đồng phục nhăn nhúm, đứng vào quầy như chưa có chuyện gì xảy ra. Những vị khách không ngừng rì rầm bàn tán, ánh mắt vừa tò mò nhìn cô, vừa liếc về phía cặp đôi “tội đồ” đang quỳ giữa sàn nhà.
- Chuyện gì xảy ra vậy?
Giọng quản lý trầm hẳn xuống, khác với mọi khi.
Thằng Minh chưa kịp mở miệng giải thích, Thảo Anh đã giọng dõng dạc nói:
- Báo cáo anh! Em chỉ đang giúp khách hàng nữ xử lý chuyện gia đình thôi!
Anh quản lý lắc đầu, không biết nên khóc hay cười. Chị vợ gạt nước mắt, bước tới trước mặt anh quản lý:
- Tôi xin lỗi… Là tại tôi nóng giận quá không giữ được bình tĩnh. Nhưng mà con nhỏ này! - Chị hất hàm về phía cô bồ nhí, người đang run rẩy bên cạnh anh chồng. - Nó cướp chồng tôi! Tôi không đánh nó thì không được!
Cửa hàng lặng im phăng phắc, không ai dám động đậy. Chỉ có tiếng ho khan nhẹ từ góc cửa ra vào. Ai dám thử gan với sư tử Hà Đông chứ? Lúc này, một lời bất cẩn cũng có thể khiến chị vợ bùng nổ lại cơn tức giận vừa rồi.
Anh quản lý thở dài, day hai bên thái dương. Bằng cử chỉ lịch sự, anh cúi người về phía khách hàng đang hóng chuyện và nói:
- Thay mặt cho nhân viên của mình, em rất xin lỗi anh chị vì sự cố bạo lực lúc nãy. - Xin lỗi khách hàng xong, anh nhìn về phía quầy thu ngân, cố giữ bình tình trong lời nói - Thảo Anh, em ra ngoài anh nói chuyện.
Minh cúi gằm mặt, rầu rĩ vào thay Thảo Anh tính tiền cho khách. Còn Thảo Anh, cô chỉ có thể nghe theo quản lý ra ngoài.
Ngoài cửa hàng, gió thổi lồng lộng khiến Thảo Anh rét run. Cô khoanh tay đứng chờ những lời khiển trách, vẻ hung hãn lúc nãy đã thay bằng sự sợ sệt, lấm lét.
Anh quản lý gằn giọng:
- Em nghĩ em đang làm gì vậy?
Thảo Anh cắn môi, không dám nhìn thẳng vào mắt anh. Cô biết anh vốn dễ tính, thường bao che cho những trò nghịch ngợm của cô và Minh. Nhưng hôm nay thì khác, cô cảm nhận được hết sự tức giận ẩn sâu trong từng lời nói của anh.
Cô lí nhí:
- Em xin lỗi. Nhưng mà… em không nhịn được. Anh thấy đó, cái kiểu mà chị ấy bị lừa gạt, chịu thiệt thòi… Em thấy không đáng!
Anh quản lý nhìn cô một lúc lâu, cuối cùng thở hắt ra:
- Em tốt bụng quá, Thảo Anh ạ. Nhưng không phải chuyện nào cũng lao vào giúp người ta là hay đâu. Em không biết rõ chuyện của họ, em có quyền gì đánh người ta như vậy? Chuyện em thấy đúng chưa chắc đã là đúng. Giờ em làm loạn như thế, ai gánh hậu quả? Em hay anh? Hơn nữa, cho dù người ta có ngoại tình thì đứng ở trong kia, họ vẫn là khách hàng, là người chi trả gián tiếp lương lậu cho em mỗi tháng. Em phải biết bảo vệ quyền lợi khách hàng chứ?
Thảo Anh cúi gằm mặt, không nói nên lời. Anh quản lý mệt mỏi ra mặt:
- Thôi, làm nốt ca hôm nay, ngày mai lên văn phòng đại diện nhận lương rồi thôi việc.
“Vậy là lại mất việc!”
Thảo Anh cảm thấy như cả thế giới sụp đổ dưới chân mình.
Cô đứng đó, chết lặng, tay bấu chặt lấy góc áo. Giọt nước mắt cô lặng lẽ trào ra, lăn dài trên gò má, khiến da mặt nứt nẻ vì mùa Đông trở nên nóng rát.
Mất việc… một lần nữa cô lại mất việc. Một lần nữa, cô lại “chứng minh” mình là kẻ thất bại!
Anh quản lý chỉ nhìn cô rồi lấy xe ra về. Dễ hiểu thôi, anh không thể dung túng cho cô khi cô lại a dua đánh khách hàng như vậy!
Quay lại quầy thu ngân, Thảo Anh nhìn thằng Minh đang lúng túng lau dọn đống đổ nát hổ lốn trên sàn gạch, lòng dấy lên chút ăn năn. Dù sao cũng tại cô mà nó bị vạ lây.
Thằng Minh ngẩng lên, gương mặt méo xệch như sắp khóc:
- Chị ơi, chị còn giữ được việc không?
Nhìn thằng bé lo cho mình, Thảo Anh bật cười, không rõ đang cười Minh hay cười chính bản thân. Cô ngồi xuống, nhặt từng mẩu rác, miệng thì thầm:
- Sau này tao sẽ làm khách hàng thân thiết trong ca của mày.
Thằng Minh biết rõ kết quả. Nó thấy thương cho Thảo Anh quá. Nó mếu máo:
- Chị không làm cùng em nữa à?
Thảo Anh nhìn nó, buông thõng một câu:
- Dọn dẹp nhanh lên. Tí hết ca thì tao bao mày đi ăn ốc đêm nhé? Mày rủ cả bé Chi đi.