3
3
1567 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

5. Bé Lam


Một ngày mới ở quê luôn bắt đầu bằng tiếng gà gáy và tiếng loa phát thanh phát bản tin buổi sớm. Tôi trở mình ngồi dậy khi tiếng gà vang lên lần thứ nhất. Từ hồi ở với ngoại, tôi cũng ngủ sớm dậy sớm theo thói quen của ngoại. Và tôi phát hiện dường như lâu rồi mình chẳng cầm điện thoại. Ban ngày chơi rất nhiều, hoạt động nhiều, vậy nên tối vừa nằm xuống giường là tôi ngủ. Chẳng nhớ tới điện thoại.


“Ngoại ạ.” Tôi đi ra khỏi buồng, cất tiếng chào ngoại đang ngồi trước hiên nhà.


“Dậy rồi hả?”


Tôi dụi mắt, bước lại gần xem ngoại đang làm gì. Tay ngoại cầm rổ đậu xanh mà tôi và ngoại vừa thu hoạch ở vườn vào hôm qua. Hạt đậu đã khô, nhưng căng tròn chứ không bị nhăn nheo hay bị móp. Ngoại lựa những hạt lép, hạt xấu bỏ riêng trong một cái tô. 


“Trưa ngoại nấu chè đậu xanh cho mày ăn.”


“Dạ!” Tôi hào hứng.


“Đi rửa mặt đi. Mắt mũi tèm lem như con mèo.” Ngoại dí tay vào trán tôi.


Trưa ấy, ngoại tôi đúng hẹn nấu một nồi chè đậu xanh thật lớn. Ngoại múc chè ra hai tô, bảo tôi: “Con mang tô này cho nhà thằng Trung nghen. Còn tô này ngoại mang đến nhà dì.”


“Dạ.”


Ngoại tôi đặt tô lên một cái đĩa cho tôi cầm không bị nóng. Tôi đưa tay đỡ tô chè thật chắc, lại hỏi ngoại: “Con muốn cho bé Lam và Thiều Quang, Thiều Hoa nữa, có được không ngoại.”


“Ừ. Ngoại quên. Con mang đi đi. Để ngoại múc ra hai tô nữa.”


Thế là trưa đó tôi bưng chè đi cho ba đứa bạn mới.  


Trong bốn đứa bạn mới, tôi thấy bé Lam đáng yêu nhất. 


Nói thế không chỉ bởi Lam có hai cái má phúng phính và cái miệng cười thật duyên. Mà vì Lam còn ít chê cười tôi hậu đậu. Chẳng hạn như lúc này, khi bé đứng trước mắt, chìa tay đưa tôi một nải chuối cũng thật dễ thương.


“Em đang định mang qua cho anh Hưng đấy. Mẹ em bảo cảm ơn các anh chị vì thau cá hôm qua. Mẹ còn dặn sau này không cho các anh chị đi bắt nữa.” Bé Lam thỏ thẻ.


Tôi nhận lấy nải chuối, nhưng chưa dám đồng ý yêu cầu của mẹ Lam. Đi chao cá vui, tôi thích lắm. Hơn nữa, Trung Ruồi còn hứa lần sau sẽ dẫn tôi đi móc hang cua. Nếu giờ mà tôi hứa với mẹ Lam, thì lần sau tôi không thể đi theo Trung Ruồi được. 


Làm người thì phải giữ chữ tín, ba tôi dạy thế. 


Vậy là tôi chỉ dám nhận chuối rồi cười đưa đà lãng sang chuyện khác. “Em ở nhà một mình đấy hả? Ba mẹ em đi làm rồi à?”


Nghe tôi hỏi, bé Lam hơi sững lại, nhưng rất nhanh em lại trả lời tôi bằng cái mặt tươi cười và chất giọng dễ thương thường ngày. “Mẹ em đi làm rồi. Còn ba thì em không có.”


Đó là lần đầu tiên tôi nói nhiều với bé Lam như vậy. Nhưng đó cũng là một cuộc trò chuyện rất vô duyên. Tôi thất thểu bước về nhà, vừa đi vừa trách bản thân vô tâm, lại vụng về hỏi trúng chỗ đau của người khác.


Bước đến gần nhà, tôi thấy Trung Ruồi đang nằm trên cái võng dưới bờ sông trước, bèn đi tới. Tôi đập cái bụp lên đầu dây làm cái võng đang nằm yên bỗng rung lên rung xuống. Trung Ruồi hoảng hồn, la oai oái ngồi dậy.


“Cái thằng này! Làm tao tưởng võng đứt dây chứ.”


Mặc kệ nó chửi, tôi ngồi xuống võng với nó rồi ngã oạch lên một đầu võng. Thấy tôi nằm, Trung Ruồi cũng nằm xuống ở đầu còn lại, còn cặp đũa dài của nó thì chĩa về phía tôi. Nó đạp chân vào mông tôi mấy cái, hỏi: “Mày bị ngoại mày đánh hay sao mà mặt như đưa đám vậy?”


“Tao đang buồn.”


Nghe tôi trả lời, Trung Ruồi bật ngồi dậy làm cái võng rung lắc, còn tôi thì văng lên như cái hồi xe khách chạy trúng ổ gà. “Ai làm mày buồn?” Nó hỏi.


“Tao làm người ta buồn.”


Thấy cái mặt ngu ngơ của Trung Ruồi, tôi bèn kể cho nó nghe chuyện tôi vô tình xát muối vào tim bé Lam như thế nào.


“Cha bé Lam là người xấu. Mày ở thành phố nên không biết đó thôi, hồi bé Lam còn chưa sinh ra là ổng bỏ đi rồi. Ổng để dì Phường một mình nuôi bé Lam đến lớn. Mới năm trước thôi, ổng quay về lấp ló ở trước cửa nhà đấy đòi ôm bé Lam đi. Ổng nói giờ ổng có nhà có xe trên thành phố, ổng đón bé Lam lên trển để bù đắp cho nó.” Mặt Trung Ruồi đầy vẻ tức giận chưa từng có. Chân mày nó xoắn thành chùm trên gương mặt phúng phính.


“Mắc gì đi với ổng!”


“Thì đó.” Trung Ruồi vỗ tay lên đùi, kể càng hăng. “Dì Phường không đồng ý. Ổng la dì Phường quá. Chắc ổng nghĩ dì ở đây không có người thân dễ ăn hiếp. Ai mà ngờ, mấy cô mấy chú ở gần đó đi làm về thấy được đòi đè đánh ổng! Chú Bảy Cò còn vác cây dao ra đòi lụi ổng một nhát! Ổng điếng hồn chẳng dám quay lại lần nào nữa.”


“Trời ơi!”


“Yên tâm. Không có lụi thật. Chú Bảy hù ổng vậy thôi.” Trung Ruồi nói tiếp. “Sau đó công an ấp cũng lại làm việc với chú Bảy, bắt chú Bảy kiểm điểm nhận sai rồi.”


“Ừ.” Tôi gật đầu. “Người ta làm sai, mình cũng không thể lấy sai trị sai được.”


“Còn bé Lam ấy…” Trung Ruồi bỗng nhẹ giọng. “Con bé nó nói với dì Phường nó không cần cha, nó muốn mẹ nó sống thật tốt. Nhưng lúc nó thấy ổng bị người ta đuổi đánh, nó cũng lén khóc mày à. Đứa nào mà không muốn có đủ đầy cha mẹ, có phải cút cụt đuôi (1) đâu mà muốn lớn mình ên?”


Sau buổi nói chuyện với Trung Ruồi, lòng tôi càng nặng. 


Gió đùng đùng mưa rung lá hẹ

Cảm thương người có mẹ không cha. (2)


***


Trưa đó khác với những bữa trưa qua, tôi nằm trên phản nhắm mắt mà không sao ngủ được. 


“Mày ướp bột chiên giòn hay sao mà cứ lật qua lật lại vậy?” Ngoại tôi vừa phe phẩy quạt mo vừa hỏi.


Tôi im lặng nằm đưa lưng về phía ngoại. Cố gắng giữ trật tự cho ngoại nghỉ trưa. Nhưng rồi nằm mãi, người tôi càng bức bối. Tôi gọi thật khẽ: “Ngoại ơi?”


“Gì?” Ngoại tôi đáp.


Tôi nghe giọng ngoại tỉnh như sáo, bèn biết ngoại cũng chưa ngủ được. Thế là tôi xoay mặt lại: “Ba mẹ con ấy… hôm nay có gọi cho ngoại không?”


“Không có.” 


Nghe ngoại nói thế, tôi bỗng thấy hơi buồn. Mặc dù vì giận dỗi, tôi chưa chủ động gọi cho ba mẹ lần nào mà toàn là ba mẹ gọi cho ngoại, tôi ngồi một bên nghe lén. 


Mọi khi ba mẹ tôi đều gọi vào trước lúc nghỉ trưa. Chẳng hiểu hôm nay sao đến giờ vẫn chưa gọi đến. Tôi nằm đấy, suy nghĩ vẩn vơ. Không biết có phải ba mẹ lại tăng ca hay không? Có phải lại ăn trưa trễ nữa không?


Mấy thắc mắc đó cứ chạy trong đầu tôi. Rất phiền. Thế là tôi đành phải tụt xuống khỏi cái phản, đi vào buồng moi điện thoại đã nằm chỏng chơ từ lâu của mình ra. 


Thôi thì tạm tha cho ba mẹ lần này. Tôi nghĩ bụng. Vì con người tôi giận đó quên đó, giận hờn ai đó là một việc rất mệt mỏi. Huống hồ, ba mẹ cũng đã bị tôi "ngó lơ" lâu như vậy rồi. 


Tay tôi bấm gọi, đầu dây bên kia phải một lúc sau mới trả lời.


"Alo?" Tôi nghe giọng ba vang lên trước, theo sau là một loạt tiếng kèn xe đinh tai nhức óc.


"Ba đang ở ngoài đường ạ?"


"Alo? Con nói gì?" Ba tôi lại alo mấy tiếng. Dường như tiếng ồn bên ngoài át mất tiếng của tôi. 


Thấy thế, tôi bèn bảo: "Không có gì. Con cúp máy đây."


Dừng một lúc, tôi lại gọi cho mẹ, nhưng mẹ không trả lời. 


Rồi chẳng hiểu sao, mắt tôi cay cay, lòng tôi buồn buồn. Tôi có cảm giác như ba mẹ không thương mình nữa vậy. Khoảnh khắc ấy, lòng tôi bắt đầu mang nỗi sợ xàm xí, nỗi sợ bị bỏ rơi. Và dường như… trong một thoáng thôi, tôi hoang tưởng nghĩ rằng, có lẽ mình đã hiểu được một chút cảm giác gì đó của bé Lam. 


***


Chú thích: 

  •  Ý nói đến hình ảnh chim cút trong câu ca dao: 

  •          “Cút cụt đuôi, ai nuôi mày lớn?

             – Dạ thưa bà tôi lớn mình ên.”

        2. Ca dao