2
3
2275 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

4. Thiều Quang


Khi nằm trên phản nghỉ trưa, ngoại hỏi tôi: “Hôm qua giờ mẹ con có điện không?”


Tôi nghe thế, buồn bực xoay mặt vùi vào tay ngoại, không muốn trả lời. Thú thật, tôi hơi nhớ ba mẹ, cũng thấy hơi giận nữa. Vì cớ gì mà ba mẹ không muốn nghe ý kiến của tôi? Hai người bàn nhau để tôi về quê, vậy là tôi phải về quê; bàn nhau cho tôi đi học đàn, vậy là tôi phải đi học đàn. Mặc dù tôi không muốn về quê, không muốn đi học đàn nhưng cuối cùng tôi cũng phải tuân theo ý của ba mẹ. Bởi vì tôi là con.


Tôi không thích như vậy chút nào. Thậm chí tôi nghĩ, có lẽ ba mẹ thật sự không thương tôi. Bằng chứng là suốt từ hôm qua đến nay, mẹ còn chẳng gọi cho tôi một cuộc điện thoại. Ba mẹ không muốn hỏi han tôi ngủ có bị lạ chỗ hay không, có bị đám trẻ trong xóm bắt nạt hay không,... chẳng hỏi gì cả.


“Mẹ chẳng điện cho con lần nào.” Tôi lí nhí.


 “Mẹ mày điện cho ngoại rồi.”


Tôi bật dậy: “Thật hả ngoại? Mẹ có hỏi gì con không?”


“Mẹ mày hỏi mày có ngủ được không, có ăn cơm không, có quậy không.”


“Không có!” Tôi chun mũi. “Con siêu ngoan.”


Ngoại tôi vỗ quạt mo cau, cười ha hả. “Thì ngoại cũng nói mày ngoan.”


Nghe ngoại nói thế, tôi yên tâm nằm xuống.


“Thế mẹ có bảo khi nào đón con về không ngoại?”


“Thì tựu trường chứ khi nào.”


“Tới khi tựu trường thật hả ngoại?” Tôi ngước mắt lên, không thể tin được mà hỏi lại.


Ngoại lấy quạt mo đè tôi nằm xuống trên gối, vừa phe phẩy quạt cho tôi vừa nói: “Hai đứa nó bận. Con về đó cũng ở có một mình.”


Tôi không khống chế được, mếu môi muốn khóc. Ngoại lại nói tiếp: “Ngoại cũng ở đây có một mình. Thôi thì hè này con ở với ngoại. Vậy là chẳng ai phải ở một mình nữa.”


Ngoại đưa bàn tay gầy vuốt nhúm tóc trên trán của tôi lên, lại phe phẩy quạt. Tôi nằm sát lại cánh tay ngoại. Trên người ngoại có một mùi rất thơm, rất ấm mà cũng rất lạ. Đó là một mùi hương mà tôi không biết gọi tên. Nhưng kỳ diệu thay, thứ mùi ấy giống như một liều thuốc an thần, nó an ủi trái tim của kẻ đang buồn khổ là tôi. Độ mấy phút sau, đến khi suy nghĩ kỹ, tôi mới tiếp lời ngoại.


“Ba mẹ không cần con, vậy… vậy con ở với ngoại. Ngoại đừng không cần con giống ba mẹ nhé!” 


“Ba mẹ con bận đi làm kiếm tiền lo cho con sau này mà.”


“Nhưng con đâu có cần tiền…”


Ngoại tôi im bặt, mắt bà đỏ lên. “Ngoại đừng khóc nhé. Con không về thành phố nữa mà.”


“Ai khóc!” Ngoại cao giọng. “Mày lo ngủ mau đi.” 


Ngoại vừa nói vừa xoa xoa mắt. Tôi thấy rõ cách tay bà quẹt đi giọt nước mắt vừa trào ra nhưng không nói thêm gì nữa. Thỉnh thoảng, ta nên giả làm lơ trước những nỗi buồn để người khác được buồn. Chớ nói với họ, đừng buồn, vì biết đâu họ đã tự nói như thế với chính mình cả ngàn lần trước khi rơi nước mắt.  Tôi nhắm mắt lại, chầm chậm chìm vào giấc ngủ trong từng tiếng ầu ơ.


***

Cứ thế, tôi ở quê được năm ngày. Năm ngày này, ngày nào tôi cũng được ngoại cho ăn ngon, ngủ kỹ, được đám Trung Ruồi dẫn đi chơi những trò chơi thật vui, thật lạ. Buổi sáng ngày thứ sáu tôi ở quê, ngoại tôi không có nhà. Hôm nay, ngoại và các cô chú trong xóm cần đi họp xã. Thế là đám trẻ chúng tôi như ngựa thoát cương, mặc dù thường ngày cũng chẳng ai cầm cương quản lý. Tôi để ý, đám trẻ ở quê là đám trẻ trời sinh trời dưỡng. Bọn nó chẳng bị nhốt trong phòng máy lạnh cả ngày vì sợ bị đen da, thậm chí, bọn nó còn để chân trần chạy từ đầu xóm tới cuối xóm. Đứa nào cũng đen. Bắp chân thì đầy sẹo. Mấy vết cắt chảy máu, bọn nó còn không quan tâm.


Bằng chứng sống đó là Trung Ruồi đang chạy bình bịch từ nhà nó ra sân với hai cái chân trần, nó chống tay la lớn hỏi tôi: “Hưng Rùa, đi chơi không?”


Dường như mỗi ngày tôi chỉ đợi Trung Ruồi hỏi câu này. Tôi quăng nhánh cây đang cầm vẽ nguệch ngoạc dưới đất đi, đứng dậy phủi phủi quần áo. Ngay lập tức, Trung Ruồi xuất hiện trước mắt tôi.


“Đi lấy cái rổ, thưa thưa chút.”


“Làm gì?” Tôi nhìn Trung Ruồi tay cầm cái rổ, tay kia còn xách một cái thùng nhỏ mà thắc mắc.


“Đi chao cá.”


Trung Ruồi là một đứa lắm trò, nhưng trò nào nó bày cũng vui. 


Nghe được đáp án, tôi phi nhanh vào bếp lấy một cái rổ thưa theo lời dặn của Trung Ruồi. Hôm nay, Trung Ruồi không dẫn tôi ra chỗ cây phượng nữa, bọn tôi gọi bé Lam, Thiều Quang và Thiều Hoa cùng nhau ra ruộng. Năm đứa xách rổ, khí thế oai hùng như người làm việc lớn. 


Ruộng đã được gặt từ trước khi tôi về quê. Lúc này, nước ngoài đồng đã dâng lên xăm xắp. Vài cây lúa non đâm chồi từ gốc rạ vàng cháy. Ngoại bảo, độ chừng tháng nữa, khi nước lũ đổ về, cả cánh đồng sẽ ngập trong biển nước. Có lẽ, tôi sẽ không thấy được cảnh ấy. 


Đến bờ ruộng, Trung Ruồi chỉ huy: “Tao với Hưng Rùa đứng ở đầu này, thằng Quang và thằng Hoa đứng ở đầu kia. Bé Lam cứ đứng trên bờ cầm thùng, không phải xuống.”


Dứt lời, Thiều Hoa giơ chân đạp một phát vào mông Trung Ruồi: “Thằng đầu bò. Mở mắt ra nhìn. Bà mày là con gái!”


“Úi!” Tôi với Trung Ruồi hoảng hồn la lên. Trung Ruồi loạng choạng, nó nắm lấy tôi đang đứng kế bên theo bản năng. Vì không kịp đề phòng, tôi bị Trung Ruồi kéo cũng nghiêng ngả. Rồi “Đùng” một cái, tôi và Trung Ruồi té xuống mương. Cái mương không sâu, tôi đứng thẳng, mực nước chỉ cao hơn bụng tôi một chút. Nhưng nước nông hay sâu lúc này cũng không quan trọng, trong lúc Trung Ruồi choảng nhau với Thiều Hoa, tôi đứng cứng còng như bị chôn chân ở đấy.


Trời ơi! Tôi nghe bảo ở dưới mương có đỉa! Lúc nãy đến đây tôi mới kịp nhận ra chao cá là gì. Còn đang định trốn việc, ở trên bờ xách thùng với bé Lam, Trung Ruồi đã túm tôi xuống nước.


“Ông có sao không?” Thiều Quang ở trên bờ mẫu đi đến đối diện tôi.


“Dưới này… có đỉa không Quang?” Tôi run rẩy hỏi. Giả mà đáp án là có, tôi sợ mình sẽ không kiềm được mà khóc toáng lên mất.


“Không có đâu.” Quang lắc đầu bước xuống mương. “Tụi tui xuống hoài. Chẳng có con đỉa nào.”


“Tui… tui nghe nói ở dưới quê nhiều đỉa.”


“Thời bà tui mới nhiều. Bây giờ hết rồi. Ông nghe nói chứ có phải ông bắt gặp đâu. Đừng có ai nói gì cũng tin. Nhẹ dạ quá!” Nói rồi Quang bước cách tôi vài bước, hai tay nó cầm rổ, vớt vớt thứ gì đấy trong nước.


Thiều Hoa và Trung Ruồi lúc này đã ngưng chiến trong tiếng xin lỗi rối rít của chính người khơi mào là Trung Ruồi. Tôi cũng không đi đến đó nữa mà đứng cạnh Quang luôn, học theo điệu bộ “vớt nước” của nó. Trung Ruồi và Thiều Hoa thì đứng cạnh nhau, miệng chí chóe không ngừng.


“Bé Lam!”


“Dạ.” Lam đáp lại tiếng kêu của Thiều Quang, cô bé xách thùng nhỏ ton tót chạy lại. 


Tôi nhìn Quang, phát hiện trong rổ của nó có thêm mấy con cá đang giãy đành đạch. 


"Anh Quang giỏi quá!" Bé Lam giơ thùng cho Quang trút cá vào, không tiếc lời khen ngợi.


Quang cười hì hì đáp lại lời khen.


Nhìn thấy “chiến công đầu” của Quang, nỗi sợ đỉa của tôi bỗng biến mất không còn dấu vết. Tôi hăng hái chao miệng rổ, thầm mong mình cũng sẽ bắt được vài con.


"Ông nghiêng miệng rổ ra, để sâu xuống. Vớt trên mặt nước như thế thì chỉ vớt được lá cây thôi." Quang chỉ.


"Ồ." Tôi nghiêm túc học theo.


"Bé Lam lại đây!" Thiều Hoa kêu.


Nghe nhỏ gọi, bé Lam lại chạy chậm tới, giơ thùng hứng cá. Kế đó, Trung Ruồi cũng bắt được. Tôi ao ước nhìn từng con cá mập mạp được ba tụi nó vớt lên, lại hơi buồn vì mình chẳng được tích sự gì. Tôi thở dài. Cố gắng đẩy rổ xuống sâu một chút. 


"Ối!" Rồi bỗng ngay khi tôi giở rổ lên, một con cá rô to bằng ba ngón tay đã nằm trong rổ như nghe được lời thỉnh cầu của tôi!


"Tui bắt được rồi! Bắt được rồi nè!" Tôi hí hửng giơ rổ khoe Quang, lại quay qua khoe với Trung Ruồi và Thiều Hoa. 


"Bé Lam ơi, lại đây nè!" Tôi hào hứng gọi. 


Nhưng khổ quá, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Bé Lam còn chưa kịp chạy tới, con cái rô trong rổ đã nhảy phóc lên rồi rớt lại xuống ao.


"Tủm" một cái. Mặt nước bị con cá nhảy xuống tạo thành cái hố nhỏ trong vài giây. Đó không chỉ đơn giản là tiếng cá rơi xuống nước, mà đó còn là tiếng trái tim tôi rơi xuống bùn lầy!


Ai! Chiến công đầu tiên của tôi!


"Ha ha ha ha ha." Bọn Trung Ruồi ôm bụng cười nghiêng ngả. Đến cả bé Lam cũng "Hi hi" hai tiếng. 


"Từ giờ gọi là Hưng Ngố, Hưng Rùa nghe nó không đẳng cấp."


Tôi buồn bực cúi đầu, bước lên một bước coi như xả xui. Ngay khi tôi đặt chân xuống bùn, rõ ràng tôi cảm nhận được dưới chân có gì đấy. Tôi trợn mắt. Nhưng lại không dám nhấc chân lên.


“Quang!” Tôi hét.


“Hả?”


“Cứu tui! Dưới chân tui có con gì đang nhúc nhích nè hu hu hu!” Tôi vừa hét vừa khóc. Nỗi sợ hôm nay quá nhiều, tôi không muốn đi chao cá thêm một lần nào nữa!


Nghe tôi hét, cả đám ton tót chạy lại. Quang cúi người, thò tay xuống nước, dọc theo chân tôi mò xuống. 


“Á!”


“Tay của tui mà!” Quang trấn an. “Ông nhấc chân lên đi.”


“Không! Tui không nhấc!” 


Tôi quyết chí đứng yên, mặc kệ lời Thiều Quang. Bỗng, cơ thể tôi rời khỏi mặt bùn một chút bởi Trung Ruồi đứng trên bờ đang kẹp hai tay xuống nách tôi, kéo tôi lên.


Quang lúc này đứng thẳng dậy, nó giơ tay ra trước mắt tôi: “Nhìn này!”


Tôi thút thít mấy hơi, đưa tay quệt nước mắt mà nhìn. Trong tay Quang không phải đỉa, cũng chẳng phải thứ gì đáng sợ, chỉ… chỉ là một con trai sông thôi!


“Hưng Ngố đúng là Hưng Ngố!” Trung Ruồi đánh giá.


Quang và Hoa cũng cười góp vui mấy tiếng. Chỉ có bé Lam là khác. Em lại gần lau nước mắt cho tôi, không quên an ủi. “Anh nín đi. Không có gì đâu. Con này ăn ngon lắm.”


“Tại anh giật mình quá…” Tôi lau hết nước mắt, ngại ngùng đáp.


Hoảng hốt đi qua, chúng tôi lại bắt đầu làm việc. Sáng đó, bọn tôi chao được nửa thùng cá. Cá không lớn mấy, nhưng vui! Ngoài chao cá, tôi còn được dạy cách móc trai sông nữa. Đến lúc lên bờ, người ngợm đứa nào cũng đen đen bẩn bẩn dù đã rửa sơ qua một lần. Chỉ riêng bé Lam ở trên bờ là còn sạch sẽ. 


Thành quả bắt được, bọn tôi cho bé Lam hết. 


Hì hục khiêng thùng về đến nhà bé Lam, đổ đống cá ra thau rồi xối nước, lấy mẹt tre lớn đậy lại bên trên. 


Xong việc, bọn tôi nhanh nhẹn chạy về nhà tắm rửa. Trước lúc rẽ vào nhà, Trung Ruồi còn đặc biệt dặn tôi: “Nhân lúc phụ huynh chưa về, mình phải mau tắm bằng xà bông thơm. Tắm xong phải giặt quần áo ngay. Không được để vào sọt. Ngoại mày về mà thấy là bị đánh tét đít đó biết chưa!”


Tuy không hiểu lý do, nhưng nhìn vẻ kinh nghiệm đầy mình của nó, tôi cũng kiên định gật đầu.


Nhưng người tính không bằng trời tính. Tôi còn chưa bước vào nhà, nhà bên cạnh đã vang lên tiếng la oai oái của Trung Ruồi.


“Mẹ ơi! Con sai rồi! Không phải con cố ý đi! Con bị thằng Hoa đẩy xuống nước! Thằng Hoa nó đẩy con! Oái! Mẹ ơi, tha con!”


Tiếng la của Trung Ruồi lẫn trong tiếng chửi của mẹ nó và tiếng bôm bốp của cây roi đánh vào mông. 


Ngay lúc ấy tôi chỉ muốn tạ ơn trời vì tôi ở cùng ngoại, và ngoại tôi chưa về.