bởi July D Ami

95
6
2226 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

# 5 - Nhà ta chả giống ai


Mẹ Gia Ngọc ngẩng đầu lên nhìn con gái, trả lời:


"Bố Thành hôm nay bận việc công ty không về ăn trưa được, bố Thực nấu ăn trong bếp, còn bố Nhất thì đang ở trên núi ấy. Để mẹ gọi điện kêu ông ấy xuống!"


"Thôi thôi, để con lên núi tìm bố cho, sẵn tiện con đi kiếm mấy khúc cây gỗ làm mấy món đồ." Gia Hân xua tay.


"Ừ, thế con đi gọi bố Nhất đi."


"Vâng."


Men theo con đường lát sỏi trắng, thi thoảng xen lẫn mấy viên đá màu lục bích, phản chiếu le lói ánh mặt trời. Hai bên đường là hai hàng trúc xanh xanh đang đu lá ru cành rì rào trong gió. Đây chính là lối đi dẫn tới Trúc Sơn Nhất Quán của bố Nhất.


Trúc Sơn Nhất Quán nằm trên sườn dốc thoai thoải một ngọn núi, với những kiến trúc được chạm khắc bằng đá cầu kì tinh xảo, kết hợp cùng các loại gỗ quý hiếm cũng như tận dụng được các khoảng xanh của tự nhiên tạo nên một cõi lánh trần thoát tục như tiên cảnh bồng lai. Gia Hân rất thích nơi này của bố Nhất, ngay từ nhỏ đã thường theo bố lên đây luyện võ rồi.


Bố Đinh Toàn Nhất, vừa qua bốn mươi tám, sắp sang cái cái tuổi ngũ thập trung niên. Ông vốn là một võ sư tài giỏi. Nghe đồn ngày xưa còn lập một võ môn, thu thập rất nhiều đệ tử, cũng gọi là có tiếng trong giới võ thuật. Ngày trước mẹ Gia Ngọc cũng từng là một tiểu đồ trong môn phái ấy, nhưng học hành cũng chả đến nơi đến chốn nên chẳng thành tài, chỉ đủ quào quào vài ba miếng võ phòng thân, không đủ ra oai cùng thiên hạ được. Đã thế sự xuất hiện của mẹ lại khiến võ đường nhiễu loạn, cả thày cả trò mải mê ngắm mẹ mà quên cả luyện công. Mẹ vì nghĩa diệt thân nên quyết tâm rời võ môn, trả lại sự thanh tịnh cho các võ nhân còn chuyên tu đắc đạo.


Nhưng sự đời nào có dễ dàng đến thế! Cứ tưởng mẹ Ngọc rời núi là trời yên bể lặng, thiên hạ thái bình, ai dè sư phụ lại mắc phải bệnh tương tư, ngày ăn chẳng được, tối ngủ chẳng ngon, thân thể héo mòn còn hơi sức đâu mà truyền với dạy.


Một ngày đẹp trời, sư phụ quyết tâm rời núi, giải tán võ môn, chia cho các đồ đệ mỗi người vài cuốn sách, hoặc vài bí kíp phòng thân, bảo các đồ đệ đường ai nấy đi, người nào về nhà nấy. Sư phụ quyết tâm dứt áo, đi theo tiếng gọi của trái tim, tìm cho bằng được bóng hồng mà ông ngày mong đêm nhớ.


Đó là chuyện của ngày trước, còn bây giờ thì ông kiếm được bóng hồng đó rồi, dù phải chia sẻ cùng với hai người đàn ông khác nữa thì bố Nhất vẫn cam lòng. Tuy bố Nhất không gây dựng lại võ đường của mình lẫy lừng như trước, nhưng vẫn mở một võ quán nho nhỏ để dạy võ cho đỡ nhớ nghề. Băng qua sườn núi này khoảng vài cây số, ra khỏi phạm vi của Đồng Gia Trang chính là nơi đặt địa bàn của võ quán đó, có tên gọi là Toàn Nhất Môn. Tính ra thì bây giờ mà Gia Hân qua đó xem thì tất cả đám đàn em sẽ đều phải gọi Gia Hân hai tiếng "sư tỉ".


Tiến qua cổng lớn có hai thân cổ thụ hai bên, cành lá đan xen thành một mái vòm tự nhiên không cần chỉnh sửa. Nhất Quán hiện ra sau những hàng trúc xanh rì. Bên một bàn đá, bố Nhất đang ung dung thưởng trà vừa nghe âm thanh của chim chóc reo ca, hương trà lài toả thơm thoang thoảng.


Gia Hân hít hít hà hà, đĩnh đạc bước lại gần.


"Bố uống trà một mình mà không thèm rủ con nhé!"


Bố Nhất buông chén, xoay mặt cười nhìn con gái đầy âu yếm:


"Bố có rót trà sẵn chờ con tới thưởng rồi."


Gia Hân nhìn vào chén trà bên cạnh, đúng là được rót đầy. Gia Hân ngồi xuống nhấp một ngụm, độ ấm vừa đủ, hương trà thơm thơm thanh ngọt ngấm vào đầu lưỡi.


"Bố biết con lên tìm bố đúng không? Vậy mà cứ giả vờ như không biết."


Bố Nhất cười khà khà:


"Bố chưa già đến mức không nhận được ra tiếng bước chân con gái."


Gia Hân hơi phụng phịu:


"Nhưng con đi rất nhẹ cơ mà."


Chỉ có ở nhà với bố mẹ là thi thoảng Gia Hân mới trưng ra bộ mặt đáng yêu tựa cún con như thế.


"Con đang coi thường ông già này phải không?"


"Không dám, không dám. Con nào dám khinh thường bố."


Dứt lời, hai bố con nhìn nhau cười phá lên.


Bố Nhất buông chén trà, nói với con gái:


"Mẹ con gọi bố xuống ăn cơm phải không?"


"Dạ vâng. Sẵn tiện bố chặt cho con ít cây gỗ với."


"Được, con muốn cây nào thì chỉ cho bố, bố xẻ cho."


Lựa gỗ xong, bố Nhất ra hiệu cho người làm vác xuống. Hai bố con lại men theo con đường trúc trở về.


Đi ngang qua một ngôi nhà kính rất to, Gia Hân đảo mắt nhìn một lượt.


"Bố Thực lại trồng thêm giống cây mới hả bố?"


Bố Nhất thủng thẳng trả lời:


"Việc của cậu ta bố đâu có biết, suốt ngày rau rau củ củ cây cây cỏ cỏ với chả dao dao thớt thớt bếp bếp nồi nồi..."


Gia Hân cười hì hì.


Bố thứ ba của Gia Hân, ông Hà Hữu Thực, năm nay ba mươi sáu tuổi, kém mẹ Gia Ngọc bốn tuổi. Không biết mẹ dụ kiểu gì mà bố Thực cũng mê mẩn đi theo mẹ, bỏ luôn cả công việc đang trên đà đỉnh cao được biết bao người ngưỡng mộ.


Xưa xửa xừa xưa, cái hồi mà bố Thực còn là cậu thanh niên chưa tròn mười tám. Tuổi còn trẻ nhưng mà tài năng nấu ăn của bố được nhiều bậc thầy trong ngành công nhận, bố đã vinh dự xếp vào hàng ngũ đầu bếp trẻ tài năng, đạt nhiều giải thưởng về ẩm thực Quốc tế, sau đó bố trở thành đầu bếp nổi tiếng của một nhà hàng năm sao tại Ý. Không biết run rủi trời xui đất khiến thế nào mà mẹ lại mò sang được đó rồi hốt bố về.


Bố bỏ cả công việc hiện tại, bỏ cả dãy người xếp hàng mong ngóng chỉ được chờ nếm thử món ăn bố làm mà không biết bao giờ mới thành hiện thực, về Việt Nam chỉ để nấu ăn cho mỗi mình mẹ mà thôi. Thật là đáng ngưỡng mộ.


Sau này mẹ động viên bố mở lại nhà hàng ăn tại đảo Hoa Phượng này, nhà hàng đó cách đây cũng không xa, nằm ở gần khu trung tâm của đảo, có tên là Ngọc Thực. Ngọc Thực vừa là từ ghép tên của hai bố mẹ, vừa có nghĩa là "món ăn như ngọc quý".


Nhà hàng này chảnh lắm, một tuần chỉ mở cửa có khoảng hai hay ba ngày, mà mở ngày nào còn tùy theo nhã hứng của ông chủ. Nhân viên thì vẫn có mặt đầy đủ, trong ngày ông chủ không có mặt thì chỉ việc trông coi nhà hàng và tự rèn luyện tay nghề.


Những ngày ông chủ vui vẻ mở cửa, khách hàng đến xếp hàng cứ gọi là đông nườm nượp, nhưng ông chủ thì không nhận đặt chỗ trước, và cũng chỉ nhận khách đủ số lượng đặt ra, ai xui xẻo không đến lân thì chịu khó chờ ngày khác cửa hàng mở cửa lại chạy ra xếp hàng tiếp. Đúng là không phải cứ có tiền mà muốn ăn là được đâu, còn phải dựa vào may mắn nữa.


Ngoài tay nghề cực phẩm ra, bố Thực còn tự lựa chọn hoặc tự trồng rau củ ở nhà, đảm bảo nguyên liệu là tươi ngon nhất.


Trong Đồng Gia Trang có một khu nhà kính cực lớn, với hàng trăm loại rau cỏ khác nhau, trồng bằng phương pháp khoa học tiên tiến nhất, giữ được độ dinh dưỡng cao. Khu vực gần bãi biển còn có khoanh vùng nuôi thả thủy hải sản, một bên là hồ cá nước ngọt, một bên là hồ cá nước mặn. Có những loài cá quý hiếm thì được bố Thực đặt nuôi hoặc bắt từ những vùng sông vùng biển khác nhau.


Mẹ Ngọc thì thích ăn ngon, ngoài đồ ăn của bố Thực ra chắc mẹ chẳng thể ăn được đồ ăn của người nào khác. Thế nên bố Thực là người được mẹ Ngọc chiều chuộng nhất, hai bố Nhất và bố Thành nhiều lúc phải ghen tị đến đỏ cả mắt nhưng cũng chẳng thể làm gì.


Bố Nhất cùng con gái bước vào phòng ăn, chưa ngồi xuống bàn đã ngửi thấy mùi hương thức ăn thơm sực nức. Cái bụng của Gia Hân càng thêm réo sôi biểu tình. Thật đúng là những món ăn của bố Thực chả ở đâu sánh bằng, làm sao mà Gia Hân có thể cưỡng lại được chứ.


Gia Hân nhón tay bốc trộm một miếng cá hồi phi lê sốt táo, mẹ Ngọc nghiêm mày nhắc nhở con gái:


"Ấy, con phải đi rửa tay đi đã chứ!"


Gia Hân nhún vai lè lưỡi rồi đứng dậy. Vừa xoay người đã nghe thấy một giọng nói âm vang ngoài cửa vọng vào:


"Ôi con gái của bố đã về rồi đấy à? Ra đây cho bố thơm một cái nào!"


Gia Hân chả cần đi ra, bố Thành đã lao vào thơm và nựng má con gái. Gia Hân hơi nhăn mặt nhưng vẫn để yên. Mẹ Ngọc hỏi bố Thành:


"Sao anh bảo công ty có việc phải giải quyết, trưa không về ăn cơm?"


Bố Thành trả lời:


"Anh phải giải quyết thật nhanh còn về, có con gái ở nhà sao có thể về trễ được."


Nói rồi bố Thành chuyển ánh mắt nhìn sang đĩa cá hồi, nước miếng chảy ra, cũng định lao vào bốc một miếng ăn vụng. Tay còn chưa chạm vào đĩa cá đã nghe thấy âm thanh xé gió vụt qua. "Phập!" Một con dao tỉa rau củ bén nhọn phóng tới, may mà bố Thành phản xạ kịp, con dao chỉ sượt qua rồi cắm xuống mặt bàn. Nguy hiểm thật! Tí thì chết!


Một giọng nói khác thanh mảnh hơn vang lên:


"Ông anh kia, ai cho ông ăn vụng cá?"


Gia Hân quay đầu lại, nhìn thấy bố Thực đang bước vào, tay còn bưng theo một đĩa sa lát tươi ngon.


"Con chào bố!"


Bố Thực tươi cười:


"Ôi con gái bé nhỏ thân yêu!"


Nhiều lúc cứ nghĩ mấy ông bố này hơi thái quá, cuối tuần nào Gia Hân chả về, mà họ làm như cả năm xa cách không bằng. Thế nhưng sự chào đón nồng hậu của họ luôn làm cho Gia Hân cảm thấy rất vui, vì tất cả họ là một gia đình.


Mấy bố con đi rửa tay rồi ngồi vào bàn ăn. Gia Hân nhìn khắp bàn một lượt, món nào cũng hấp dẫn. Bố Thực nháy mắt cười, lại hỏi Gia Hân câu hỏi quen thuộc:


"Con đoán xem trong mỗi món ăn này có những gì nào?"


Gia Hân chưa cần nếm, chỉ cần nhìn màu sắc cùng ngửi mùi mà đã đoán được chín mươi phần trăm từ nguyên liệu đến gia vị. Sau khi nếm xong còn đọc được thứ tự cho nguyên liệu nào trước nguyên liệu nào sau, thậm chí còn đoán được cả nhiệt độ cũng như thời gian canh lửa.


Bố Thực vỗ đùi cười khoái trá:


"Không hổ là con gái rượu của bố, tài năng ẩm thực này di truyền từ bố chắc chắn không sai."


Bố Thành phản bác:


"Đấy là nhờ con bé thông minh, IQ cao, đầu óc nhanh nhạy sắc bén. Mà cái đó thì chắc chắn là di truyền từ tôi rồi!"


Bố Nhất cũng chẳng chịu kém lời:


"Hai cậu sai bét, con bé di truyền từ tôi. Nó có năng khiếu học võ như thế, là con gái của tôi thì không đi đâu mà chệch được!"


Ồn ào quá, mẹ Ngọc đập bàn:


"Các anh im đi hết! Con bé là của em thôi! Nó được di truyền sắc đẹp từ mẹ nó!"


Việc đó mà còn phải bàn cãi sao? Cả ba ông bố đều há hốc miệng. Chính mẹ đẻ ra Gia Hân thì còn chệch đi đâu được nữa? Lời vợ nói đáng giá ngàn vàng, ba ông bố lập tức im miệng tập trung ăn cơm, để lại Gia Hân đang tủm tỉm cười.


Gia đình ta là thế đấy! Thật kì lạ phải không?