1
0
2074 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Tam quan tác giả, tam quan nhân vật


#writingchallenge


Tác phẩm của bạn là mặt hồ tĩnh lặng phản chiếu tâm hồn kẻ cầm bút, câu nói ấy luôn là tâm niệm của mình từ rất lâu, kể từ khi mới bắt đầu tung hứng chơi đùa cùng con chữ. Có nhiều lần nhìn thấy các bạn mới tham gia vào nghiệp viết lách đặt câu hỏi: “Làm sao để tạo ra phong cách riêng, đặt lên dấu ấn riêng của mình trong tác phẩm?”, mình trộm nghĩ, thứ các bạn cần chưa hẳn là phong cách viết truyện, mà là cái “hồn” và tư duy của bản thân được thể hiện trên từng câu từ bay bổng.

Trước đây trong một bài viết thể hiện quan điểm, mình đã từng khẳng định: “Viết là một cách để bạn thể hiện bản thân.”, cho đến hiện tại, mình vẫn cho rằng đây là một trong những yếu tố quan trọng để bạn tìm thấy “chất riêng” của bản thân trong câu chuyện mà bạn dựng xây. Viết lách là quá trình bạn hội tụ các trải nghiệm của bản thân và thể hiện chúng ra dưới hình thức một câu chuyện. Có nhiều người trong vô thức thể hiện lối tư duy, ẩn ức vào trong câu chuyện mà họ xây dựng, thông qua những tình tiết hay nhân vật được biến tấu đi cho phù hợp với cốt truyện và bối cảnh. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều bài phân tích về truyện hoặc loạt truyện của các tác giả có vị trí vững chắc trong nền văn học nước nhà nói riêng, và trong nền văn học thế giới nói chung. Đơn cử tại Việt Nam, người ta thường xuyên nhắc đến Vũ Trọng Phụng (tác giả của Số đỏ; Giông tố; Làm đĩ…) hay Nam Cao (với các tác phẩm Sống mòn; Đôi mắt; Lão hạc…) , với phong cách ngang tàng; ngông nghênh phô bày những góc khuất tối tăm trong hồn người của cụ Phụng, hay cách xây dựng nhân vật khốn khổ cùng cực, phản ánh những khát khao được sống, được hạnh phúc trong đêm đen sâu thẳm đầy tuyệt vọng của cụ Cao. Điểm qua một số tác giả nước ngoài, có Keigo (với các tác phẩm Phía sau nghi can X; Bí mật Naoko; Ngôi nhà của người cá say ngủ…) trong dòng truyện trinh thám Nhật Bản. Phong cách của ông nhất quán từ phương pháp khai thác cốt truyện cho đến những chủ đề ông lựa chọn để phô bày tâm lý con người trong một bối cảnh cụ thể. Ông xé nhỏ bức tranh lớn, tô điểm thêm trên những mảnh ghép rồi xáo trộn chúng lại, khiến người đọc mù mờ trong hàng trăm tình tiết, số phận đan xen nhau. Thông qua phương thức diễn đạt đó, Keigo đưa người đọc chạm đến tâm lý của nhân vật, ông đặt câu hỏi cho nhân vật, khiến họ phải lựa chọn và bất kể việc nhân vật ấy đưa ra sự lựa chọn nào, quyết định ấy của họ cũng sẽ làm cho độc giả ray rứt và tranh cãi. Trong rất nhiều tác phẩm của mình, những tác giả trên đều xây dựng các nhân vật mang lý tưởng và tư duy của bản thân họ. Từ trải nghiệm cuộc sống, họ thổi hồn cho nhân vật kết hợp cùng kĩ thuật xây dựng tâm lý nhân vật, đưa đến cho độc giả những “con người” chỉ sống trong dòng tiểu thuyết. Họ khiến độc giả nhận ra mình không chỉ bằng phương pháp dẫn truyện trình độ cao, mà còn bằng cách đưa tư duy, lý tưởng, tam quan của bản thân vào bên trong dàn nhân vật trong truyện. Họ lay động được người đọc bởi các nhân vật trong câu chuyện đó thể hiện bản chất “con người” rõ rệt, khiến độc giả như được hoá thân vào cuộc đời nhân vật và cảm nhận lý tưởng, tình yêu cũng như sự đau khổ mà nhân vật ấy trải qua xuyên suốt câu chuyện. Đó là cách thức những tác giả chuyên nghiệp với trình độ cao khắc ghi dấu ấn của mình trong lòng độc giả, thông qua con chữ và câu chuyện của mình. Nói cách khác, nhân vật quyết định độ sâu của tác phẩm, và thông qua nhân vật, tác giả đưa quan điểm cá nhân, lý tưởng và tư duy sống của họ chạm đến trái tim người đọc. Không có nhiều người mới bắt đầu viết, hoặc viết trải nghiệm trong vài năm nhận thức rõ vấn đề này. Họ vẫn còn viết với bản năng, họ tập trung vào cốt truyện hoặc bối cảnh câu chuyện, thậm chí là văn phong hơn việc phát triển và thể hiện bản thân thông qua nhân vật. Như nhà lữ hành mày mò trong màn đêm vô định, họ vô thức đưa thế giới quan của mình vào nhân vật mà không hề hay biết. Muốn thấu hiểu một người viết, cách dễ dàng nhất là đọc qua tác phẩm của họ. Cũng giống như xem bản chất con người thông qua các mối quan hệ họ có, câu chữ và cốt truyện, sự phát triển của nhân vật họ viết ra cũng có thể làm sáng tỏ phần nào những mảng tối tác giả vô tình để lộ ra. Nhân vật là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành một câu chuyện hay, thậm chí có thể nói rằng thiếu đi những nhân vật tốt, câu chuyện sẽ mất tính hấp dẫn và không thể níu chân người đọc tiếp tục theo dõi. Với dàn nhân vật có cá tính, sự gắn kết chặt chẽ, bạn có thể phát triển câu chuyện không giới hạn. Và thông qua từng nhân vật, độc giả cũng sẽ tìm ra sự liên kết với tâm ý tác giả khi họ dõi theo bước chân và quyết định của nhân vật ấy. Thậm chí, người đọc có thể cảm nhận được tâm lý và thế giới quan của người viết ẩn sau từng hành động của nhân vật. Viết lên một câu chuyện hay sáng tạo thế giới riêng là đặc quyền của tác giả, trong quá trình xây dựng hành trình cho nhân vật chính, tác giả cũng có thể đưa vào đó những quan điểm cá nhân của bản thân, hay thậm chí là vô thức thể hiện ẩn ức, lý tưởng và những mặt tối trong tâm hồn mình xuyên suốt câu truyện ấy. Thế giới quan của tác giả được thể hiện ở mọi ngóc ngách, từng câu chữ, thông qua các tình huống và quyết định, tư tưởng mà họ cho nhân vật thể hiện trong truyện. Không phải cứ viết về việc nhân vật bị cưỡng bức hay làm điều xấu đều mang nghĩa tác giả thích thú với điều ấy, cũng không phải cứ sáng tạo một nhân vật rộng lượng vị tha thì người viết cũng sẽ mang đặc tính tương tự. Để hiểu được tâm lý và cách sống của tác giả ẩn sau câu chuyện họ viết, người đọc cũng cần có sự nhận thức cụ thể và khả năng phân tích để tìm ra mối liên kết giữa người sáng tác và nhân vật của họ. Tác giả thể hiện tâm hồn mình không chỉ thông qua một nhân vật duy nhất, và cũng không hẳn người mang “đặc tính” bản năng của người viết luôn là nhân vật chính. Để nhận biết cái “tôi” của tác giả trong câu chuyện họ viết, người đọc cần quan sát mọi nhân vật xuất hiện trong câu chuyện và xem xét từng quyết định của họ. Cách nhận biết dễ dàng nhất là khi nhân vật được đặt trước một tình huống cụ thể cần họ đưa ra hành động, hoặc phương thức nhân vật đó thể hiện tư tưởng, suy nghĩ của bản thân về một vấn đề nào đó. Nó cũng có thể là sự kết hợp từ bản tính của nhiều nhân vật khác nhau, bởi vì người viết thường có xu hướng đưa trải nghiệm riêng của họ vào câu chuyện dưới nhiều biến thể, tình tiết hoặc chi tiết phù hợp với cốt truyện. Tư tưởng của tác giả được thể hiện rõ rệt nhất vào thời điểm nhân vật có mối liên kết sâu sắc nhất với họ đón nhận số phận của mình, và số phận đó được đúc kết từ hàng loạt hành động, quyết định, tư tưởng của nhân vật đó trước các tình huống được sắp xếp cho họ. Cùng là motif nhân vật trải qua cuộc đời bi thảm như nhau, cách từng người phản ứng lại với khó khăn họ đối mặt sẽ cho thấy tư tưởng của tác giả về chính vấn đề đó. Đơn cử như kiểu nhân vật chính diện (nhân vật chính, nhân vật xuyên suốt, nhân vật trung tâm của câu chuyện) xử lý vấn đề của bản thân, kết quả họ đạt được thể hiện mong muốn của tác giả khi chính người viết đối mặt với vấn đề có bản chất tương tự trong giả thuyết, và cách nhân vật phản ứng lại với vấn đề cũng phần nào cho thấy tư tưởng của tác giả về điều ấy. Tính hợp lý của cách nhân vật xử lý/suy nghĩ về vấn đề cũng thể hiện phần nào tam quan của tác giả, có nhiều người viết không nhận thức được bản thân đã đưa tư tưởng chính mình vào trong câu chuyện, và họ cũng vô thức thể hiện chính mình thông qua nhân vật bằng cách sắp đặt tình tiết có lợi cho nhân vật mình đang “hoá thân” vào, giúp họ đạt được kết quả tốt đẹp dẫu cho mất đi tính hợp lý và lệch chuẩn mực về đạo đức xã hội thường thấy. Điều này thể hiện rõ rệt ở nhiều tác giả, không chỉ qua nhân vật của họ mà còn là cách họ phản ứng với những ý kiến từ độc giả về nhân vật hoặc quyết định của nhân vật trong tình huống cụ thể nào đó. Họ thường có phản ứng bao biện, thậm chí là chống đối với ý kiến từ người đọc về tính thiếu hợp lý của nhân vật/tình tiết họ đã sử dụng để thể hiện tư tưởng của bản thân trong vô thức. Và theo lẽ tất nhiên, tư tưởng này thường xuyên được lặp lại qua nhiều tình huống giống về bản chất, khác về hình thức hoặc thậm chí xuyên suốt qua nhiều tác phẩm của cùng tác giả. Truyện hư cấu là lý do thường được sử dụng mỗi khi người viết muốn phản biện về tính hợp lý được độc giả đặt vấn đề, tuy nhiên dẫu là truyện hư cấu, câu chuyện và nhân vật trong truyện cũng thể hiện rất rõ thái độ và phản ứng, cũng như tâm lý của chính người viết. Một câu chuyện, vở kịch hoặc bộ phim đều có các tiêu chuẩn đánh giá chung, và một trong những tiêu chuẩn ấy là sự phản ánh thực tế, ý nghĩa được đúc kết thông qua hành trình mà các nhân vật đã trải nghiệm. Lý do “hư cấu” thực tế chỉ là một lời bao biện, sự hư cấu có thể được chấp nhận hãn hữu, nhưng không thể dùng để đánh giá thế giới quan được tác giả thể hiện trong truyện. Nói chung, trong mỗi chi tiết nhỏ mà tác giả viết thành câu chuyện lớn đều là những góc tâm hồn, lý tưởng hoặc ẩn ức mà người viết vô tình hoặc cố ý đưa vào. Và nó có thể được phát hiện bởi độc giả, bằng cách này hay cách khác. Vì thế, khi đặt bút viết xuống một câu chuyện, ngoại trừ kỹ thuật viết thuần tuý thì người viết cần xây dựng cho chính mình một tư duy viết phù hợp, ổn định và chuẩn mực. Không thể ép tác giả đi vào khuôn khổ tiêu chuẩn của số đông, tuy nhiên một tư duy và tam quan đúng đắn có thể mang lại nhiều lợi ích trong tương lai hơn trong nghiệp viết cũng như trong cuộc đời của chính người viết.