Anh là gia đình của tôi
Tiếng reng reng của chiếc xe bán kem đứng trước cổng trường học vang lên mỗi khi tiếng trống tan trường báo hiệu kết thúc buổi chiều. Những chiếc ốc quế được xếp chồng lên nhau thành chiếc tháp khổng lồ, kế bên là thùng chứa kem, đủ màu sắc hương vị. Đám trẻ con vai mang ba lô chạy ào ra cổng xúm xít quanh bác bán hàng, âm thanh thật náo nhiệt. Đôi tay thoăn thoắt của bác múc kem rất nhanh, bác luôn miệng bảo:
- Rồi rồi, cháu nào cũng có phần.
Tôi chẳng thể kìm lại sự thèm thuồng, liền gọi hai cây. Chen chúc mãi mới xong. Cầm trên tay hai cây kem thơm ngon, tôi nhanh chân chạy về phía toàn B, nơi mà anh Hiền học. Vừa thấy anh bước xuống cầu thang, tôi liền gọi to:
- Anh Hiền!
Thấy tôi, anh khẽ mỉm cười. Tôi đưa anh cây kem, vui vẻ nói:
- Trời nóng mà ăn kem là hết bài.
Anh xoa xoa đầu tôi, cười cười.
- Hôm nay em học có mệt không?
Tôi lắc đầu:
- Dạ không mệt.
Anh kéo tay tôi đến chiếc ghế đá gần đó ngồi, chờ tôi ăn hết cây kem. Tôi đưa tay lên quệt đi mồ hôi trên trán, thời tiết nóng thế này thật khó chịu. Anh lôi cuốn tập trong cặp ra làm quạt cho tôi. Không một lời thúc giục, anh kiên nhẫn chờ đợi. Anh lớn hơn tôi một tuổi, khoảng cách tuổi tác không quá lớn nên tôi thoải mái trò chuyện với anh. Mỗi khi có quà vặt tôi thường chia cho anh một nửa và anh cũng thế.
Anh Hiền rất thích trồng hoa, nhất là hoa Hồng. Phía sau nhà có một chỗ đất nho nhỏ đỏ rực sắc hồng, nơi mà anh ngày ngày chăm bón cho những đứa con của mình. Sắc hoa ấy điểm tô thêm cho những luống rau mẹ trồng. Anh thường hay bảo với tôi rằng việc trồng cây giúp tăng khả năng kiên nhẫn, không vội vã, không hấp tấp. Quả như vậy thật, anh có thể ngồi hàng giờ để tỉa cành, nhổ cỏ, bón phân mà chẳng hề than vãn.
Xe dừng trước hiên nhà, tôi đã ngửi thấy mùi khoai lang nướng, món khoái khẩu của anh Hiền. Tôi treo nón bảo hiểm lên xe rồi khều tay anh:
- Nay mẹ lại nấu món anh thích nữa kìa. Nhất anh nha.
Anh đỡ lấy cặp tôi, mỉm cười một cái. Tôi hí hửng như trẻ được quà, nhanh chóng bổ sung thêm:
- Chắc dạo này mẹ thấy anh học hành dữ quá nên bồi bổ đây mà.
Đến đây, anh không nhịn được nữa cóc đầu tôi một cái:
- Nhanh rửa tay đi.
Không chờ anh nhắc, tôi nhanh nhảu chạy ra sau hè mở vòi nước rửa tay chân.
Anh đứng tựa lưng bên cánh cửa, trên tay cầm sẵn đĩa khoai đang bốc khói. Tôi khoái chí cười hì hì lấy một miếng bỏ vào miệng, cảm giác ăn khoai lúc nóng thật thích, kiểu vừa thổi vừa ăn mới ngon. Chất mật ứa ra để lại hậu vị ngòn ngọt, được một miếng lại muốn miếng thứ hai, thứ ba. Cuốn hơn cả bánh cuốn.
Anh nhìn tôi cười:
- Từ từ thôi, nghẹn giờ.
Dứt lời, tôi nghẹn thật. Tôi ra hiệu cho anh lấy giùm cốc nước, phải một lúc sau mới hết.
- Đã bảo rồi không nghe.
Tôi cười trừ, đôi tai đỏ hoe vì quê vội lẩn trốn vào phòng.
Tối đến, tôi lẻn ra sau vườn mang theo quyển sổ đã bạc màu. Dưới ánh đèn chòi, tôi chăm chú viết tiếp câu chuyện đang dang dỡ. Một ước mơ mà tôi theo đuổi từ năm này qua năm khác, đó là trở thành nhà văn. Thế nhưng gia đình muốn tôi và anh phải nối nghiệp kinh doanh. Điều tôi ghét nhất.
Giữa không gian yên tĩnh, thi thoảng vang lên tiếng muỗi kêu, tôi dồn hết tâm trí vào những con chữ, thả hồn bay bổng ở chốn bồng lai để khuây khoả đi nỗi buồn. Được một lúc lâu thì tôi nghe thấy tiếng bước chân, theo bản năng tôi gấp vội cuốn sổ lại ngước mắt nhìn lên. Nhẹ nhõm thật, là anh Hiền. Ngày nào cũng lén lút như này, mệt thật. Nhiều lúc trái tim như muốn nhảy vọt ra ngoài, mặt tái mét.
Anh ngồi cạnh tôi, bày biện dụng cụ vẽ lên bàn. Cũng như tôi, anh chẳng thích kinh doanh chút nào. Ước mơ của anh là nhà thiết kế.
Tôi nhích lại gần anh, tò mò xem những bức vẽ. Anh nghiêng tờ giấy sang một bên để tôi nhìn được rõ. Đường nét mảnh mai, uốn lượn tạo nên chiếc váy sang trọng vô cùng chi tiết. Vẻ đẹp của sự nghiêm túc khi anh đặt hết tấm huyết của mình vào bức tranh đã thôi thúc ngọn lửa hừng hực cháy trong tôi vụt cao hơn, quyết tâm trở nên mạnh mẽ tôi nhất định biến ước mơ thành sự thật.
***
Bốp.
Âm thanh vang lên thật chói tai, tôi vội quăng thùng tưới chạy ào vào nhà. Cảnh tượng trước mắt khiến tim tôi như thắt lại. Tờ giấy đăng ký trường đại học bị nhàu nát nằm lăn lóc ở góc cửa. Người bố bất lực ngồi trên ghế châm điếu thuốc rồi rít một hơi dài, khói thuốc dày đặc phủ kín cả phòng khách khiến tôi nhăn mặt đưa tay lên che mũi. Một bên má anh đỏ ửng, in hằn bàn tay to tướng, khoé miệng rướm máu. Tôi tiến về góc cửa nhặt tờ giấy lên, nhét vào túi quần.
Ngón trỏ ông gõ gõ lên mặt bàn, tông giọng giận dữ:
- Bố đã bảo rồi, mày là trai trưởng trong cái nhà này, mày phải theo nghề kinh doanh.
Giọng anh run run, cố kìm nén không cho nước mắt chảy:
- Nhưng con không muốn.
Ông rít thêm lần nữa, làn khói toả ra từ khoé miệng, quả quyết:
- Mày muốn vẽ vời gì đó bố mặc kệ mày. Nghe bố thì có tất cả bằng không một cắt cũng không có.
Anh quệt đi vệt máu, nhìn thẳng vào mắt bố, đáp:
- Con tự lo được.
Nói rồi, anh nắm lấy cổ tay tôi rời khỏi nhà.
Tôi như thấy tương lai trước mắt, chua xót biết bao. Anh tựa lưng vào gốc cây, ánh mắt nhìn xa xăm. Nỗi lòng của chàng trai mười tám tuổi sắp bước vào cánh cửa đại học, tự thân lo toan mọi thứ. Đôi mắt kia ngấn lệ lăn dài trên má, tôi đặt tay lên vai anh an ủi:
- Anh cứ việc yếu lòng, có em ở đây rồi.
Anh cúi đầu lên vai tôi, thút thít. Tôi không nghĩ là cả bố và mẹ đều "tàn nhẫn" như vậy. Tại sao lại ép buộc con cái đi theo con đường mà tụi nó không thích, nỡ lòng nào dập tắt ước mơ của bọn trẻ.
Gạt đi nước mắt, anh chăm chỉ học hành chờ đợi ngày gặt hái thành công thì đến lúc đó bố mẹ sẽ chấp nhận điều này. Năm tháng trôi qua vô cùng khó khăn nhưng anh không nản lòng. Tôi luôn bên cạnh ủng hộ, làm nguồn động lực giúp anh vượt qua mọi thứ.
Bố mẹ đặt niềm tin vào tôi, ngày ngày đều nhồi nhét các tư tưởng cổ hủ nhưng tôi nào có nghe. Ngày tôi trúng tuyển vào ngành Văn học, bố mẹ giận dữ suýt xé nát giấy báo nhập học, may mà có anh ngăn cản. Thoát khỏi cánh cửa ấy, tôi cố gắng cho tương lai sau này. Không để các tư tưởng lạc hậu lấn ác ý chí mạnh mẽ, tôi sẽ chứng minh cho họ thấy ước mơ nào cũng đáng trân trọng, trưởng thành trên đôi chân của chính mình...