Bài tứ sắc và hoa dành dành
Từ sáng sớm cung Ngọc Bình đã trở nên rất nhộn nhịp, cung nhân quét tước sân trước sân sau, kẻ thay nước kẻ đổi hoa mới trong bình, người lại dâng bánh mới trước bàn thờ vị Chiêu Phi xấu số kia.
Một cung nhân thấy Huệ liền tựa chổi vào gốc cây để hành lễ:
- Con chào bà Tiệp Dư.
Ngày nào cũng có phi tần tới đây cúng bái Chiêu Phi để tỏ lòng thương tiếc nên đám người ở đây không quá thắc mắc khi nàng tới đây mà họ ngạc nhiên chuyện khác. Họ không phục dịch ở viện Thuận Hy nhưng nghe nói vị Tiệp Dư thường xuyên đau ốm nay lại thường xuyên ra ngoài, khí sắc trên mặt cũng rất tốt không giống người bị bệnh lâu năm, hay là cái hồ Ngọc Bích kia thật sự chữa được bệnh?
Nàng gật đầu cho cung nữ kia đứng lên đề nàng ta làm tiếp việc của mình còn bản thân thì bước vào trong điện chính là gian thờ Chiêu Phi. Không cần biết không khi bên ngoài có hỗn loạn hay như thế nào nhưng chỉ cần đặt chân vào đây thì mùi lá đà, hoa tươi làm ta buông bỏ buồn bực chỉ còn lòng tiếc thương.
Vừa qua bậc cửa đã thấy bóng dáng ai đó đứng trước bàn thờ Chiêu Phi, nhìn lâu một chút mới nhân ra.
Nàng khẽ tiếng gọi:
- Chị Tuệ Tần?
Dáng người mảnh khảnh cao cao, từ từ xoay lại nhìn nàng, giọng dịu dàng:
- Phan Tiệp Dư.
Vẫn là hành lễ xong nàng mới dám tiến lại gần chỗ của Tuệ Tần. Thấy trên tay nàng ta có một cuốn kinh kín chữ, Huệ mới hỏi:
- Cái này là cho Chiêu Phi ạ?
Tuệ Tần gật đầu lại nhìn tay nàng đang cầm giỏ mây bên trong chứa gì đó cũng hỏi thăm:
- Em mang gì đến cho Chiêu Phi vậy?
Huệ nghe thế thì hơi vội mở nắp giỏ:
- Là bánh ạ, em nghĩ Chiêu Phi sẽ thích.
Tuệ Tần nhìn một lượt, trong cổ họng phát ra một tiếng cười nhẹ, nàng trải kinh ra bàn thờ chuẩn bị niệm cho Chiêu Phi. Huệ thấy thế cũng bắt chước dâng đồ lên, trên bàn thờ đủ các đĩa bánh, chỉ có đĩa của nàng là nhìn lạ nhất nhưng đồ của bản thân làm nhìn đã quen nên Huệ cũng thấy bình thường, nàng nhìn sang cuốn kinh kia giấy hơi vàng hình như là giấy nến. Tuy chất liệu giấy không tốt nhưng nét chữ lại rất có thần, nàng không học nhiều nên chỉ biết là nó đẹp thôi, nói chung là một cuốn kinh đẹp.
Làn khói từ đỉnh nhang còn thoi thóp tàn đóm đỏ chầm chậm rẽ vào không gian rồi chia nhau tứ hướng mà bao quanh điện, hòa vào lời kinh của Tuệ Tần. Huệ cũng chắp tay thành tâm cầu cho Chiêu Phi sớm vãng sanh. Trong một khắc nàng ngước nhìn Tuệ Tần thấy nàng ta có cái gì đó khang khác, chiếc cổ thon dài như lại ốm đến mức yết hầu lộ ra.
Đợi khi cúng bái xong cả hai ra khỏi cung Ngọc Bình, Huệ mới gọi Tuệ Tần:
- Chị Tuệ Tần, em có ít bánh, chị có muốn thử không?
Tuệ Tần mỉm cười, tay lần chuỗi hạt gật đầu:
- Vậy ta xin.
Nói xong thì có tỳ nữ đi theo nhận giỏ mây từ con Vân rồi theo chân Tuệ Tần rời khỏi.
---
Thỏi mực đen dưới lực tay mà tan ra, hòa vào một chút nước tạo ra cái chất đen sóng sánh bóng bóng trên ô đựng mực, đầu bút lông chấm nhẹ nhẹ rồi rời đi. Trang giấy trắng cứ thế mà đầy chữ, nét đậm nét nhạt rơi nhẹ vào giấy thấm vào từ sơ giấy mà lưu lại cùng với thời gian.
Ngoài cửa có cung nhân bước vào, kính cẩn nói với người đang chăm chú nắn nót từng con chữ kia:
- Bẩm bà, có Ngài Ngự đến.
Nguyễn Thành không đợi cung nhân kia nói hết câu đã bước vào, hắn ra dấu cho tất cả miễn lễ rồi nhanh chóng đi đến chỗ người kia.
Đáy mặt ngập sóng tình nhìn người đó:
- Đức Bình, nàng vẫn đang chép kinh à?
Đức Bình chính là tên thật của Tuệ Tần, Ngài Ngự xưa nay chỉ gọi phi tần bằng danh xưng chứ rất ít khi gọi tên thật trừ có Chiêu Phi tên là Chiêu Hòa và Tuệ Tần là Đức Bình.
Có thể thấy ân sủng lớn đến cỡ nào.
Thế mà Tuệ Tần vội tránh tay hắn chỉ lạnh nhạt đáp:
- Ngài Ngự ghé chơi?
Là hỏi nhưng cũng là trả lời rồi.
Tay hắn rơi giữa không trung không có nơi nào để đặt vào, sắc mặt Nguyễn Thành hơi ngượng ngùng, nhưng rất nhanh ánh mắt lại tràn ngập sự say mê với Tuệ Tần:
- Ta đang đi dạo Ngự Uyển lại nhớ đến nàng nên ghé đây.
Đức Bình đi hướng khác Nguyễn Thành, tay cầm bình trà rót ra chén nhỏ, chẳng mấy chốc mà hương hoa nhài lan vào không khí làm đám cung nhân bên ngoài cũng đỡ căng thẳng hơn.
Nàng dâng trà:
- Mời Ngài Ngự.
Nguyễn Thành nhìn theo tay Đức Bình mà thấy có thứ gì lạ trên bàn, tò mò mà vươn tay kéo đĩa bánh phù dung lại gần mình:
- Hôm nay Phụng Điện làm bánh này nhìn lạ thật đấy. Nàng xem.
Tuệ Tần nhìn một cái rồi nói:
- Là của Phan Tiệp Dư làm, thưa Ngài Ngự.
Tay hắn khựng lại, lại chăm chú nhìn chiếc bánh nhỏ trong lòng bàn tay rõ hơn, trong lòng có cơn sóng nhỏ dạt vào bờ.
Bánh kề đến môi thì cái mùi thanh nhã lẫn chút vị chua tràn vào tâm trí, không nhịn được mà cắn một miếng. Mùi của quá khứ, vị của thương nhớ quấn vào đầu lưỡi, cơn sóng bạc đầu trong lòng ập vào tim hắn, nó vươn cao cao đến đáy mắt hắn làm mắt hằn ửng đỏ có chút xót.
Long nhãn ươn ướt nhưng rất nhanh lại trở nên khô ráo như cũ như thể con sóng chưa từng đến, bọt biển chưa vươn lên mắt.
Nguyễn Thành đứng dậy đi ra khỏi viện Đoan Huy, hắn không dạo Ngự Uyển cũng không về điện Cần Chánh mà đến một nơi lâu rồi hắn chưa đến: viện Thuận Hy.
Viện Thuận Hy khá gần điện Cần Chánh, nhưng chỉ có người từ viện ấy đến chỗ hắn còn hắn rất ít khi bước vào đây ngoài trừ vài lần đến thăm Diệu Tiệp Dư còn phía Đông của viện thì không, mỗi lần đến đều nghe tiếng ho của người kia cứ từng đợt từng đợt phát ra từ khung cửa sổ, nghe mà não nề.
Nay mọi thứ nhìn khang khác, luống hoa dành dành mới được trồng làm bừng sáng cả góc viện nhỏ, cửa viện mở to chào đón không khí trời đất, dường như ánh nắng cũng cảm nhận nơi đây là nơi có sinh khí tốt nên gửi vài nhành nắng vào trong. Bước chân hắn vì vậy mà gấp gáp hơn, cảnh thay đổi chắc người cũng đã đổi thay, có đúng không?
Bọn người hầu luống cuống nhìn hắn, định chạy vào báo cho Huệ thì bị hắn ngăn lại.
Nguyễn Thành bước vào đã thấy nàng đang ngồi ngẩn ngơ trước gương còn con Vân thì đứng cạnh tay trái cầm lấy một lọn tóc đen mềm tay còn lại cầm lược chải tóc cho Huệ.
Cả hai nói gì đó rất vui vẻ, không nhận ra hắn đang đến gần.
- Chiêu Hòa...
Giọng hắn rất nhẹ tựa như làn gió mỏng nhưng trong viện chỉ có ba người khó tránh "gió" lọt vào tai ai, con Vân bỏ lược lên bàn kính cẩn hành lễ:
- Con chào Ngài Ngự.
Huệ thì quay người nhìn hắn, vừa định hành lễ thì hắn đã đỡ tay nàng trước:
- Không cần.
Huệ cảm nhận được tay hắn đang run, lo sợ hắn có chuyện gì nên hỏi thăm:
- Ngài Ngự không sao chứ ạ?
Nàng dìu hắn ngồi xuống ghế, rót cho hắn chén trà nhỏ. Hắn nhận lấy nhưng mắt không rời khỏi nàng, trọng miệng vẫn lẩm nhẩm:
- Chiêu Hòa...
Con Vân nghe thấy thì vội nhắc:
- Bẩm Ngài Ngự, là Phan Tiệp Dư ạ, để con gọi thái giám đưa ngài tới cung Ngọc Bình ạ.
Thái giám đi cùng hắn là Trần Hiệp cũng là thái giám Quản Vụ nghe vậy cũng nhanh chân tiến tới gần hắn:
- Ngài Ngự, ta đi thôi ạ.
Sở dĩ hắn trở nên như vậy vì câu nói của Tuệ Tần khi nãy.
- Bình, nàng tin thần phật, vậy trên đời nay có chuyện chuyển sinh hay không?
Hắn âu yếm nhìn đĩa bánh trên tay mà hỏi Tuệ Tần.
Tuệ Tần nhàn nhạt trả lời:
- Có thể... có.
Long bào vàng bay nhẹ ra khỏi viện Thuận Hy mà tới đây cũng vì thế.
Nguyễn Thành muốn ôm nàng nhưng lại sợ làm nàng đau Chiêu Hòa, lúc mang thai tháng thứ sáu đã rất yếu nên nhiều lúc hắn không dám chạm vào nàng ấy, sợ ảnh hưởng đến con đến người vợ hắn yêu thương, nên chỉ có thể nhìn thái y chuẩn mạch cho nàng từ xa mà thôi.
Hắn quay sang nói với Trần Hiệp:
- Ngươi gọi Thái y bồi dưỡng cho nàng ấy đi.
Trần Hiệp hầu hạ Nguyễn Thành lâu năm nên tác phong có phần bình tĩnh hơn đám người hầu thấy chuyện lạ là như khỉ mắc phong, đứng ngồi không yên nên Trần Hiệp cung kính chắp tay:
- Tuân mệnh ạ.
Vừa định trở ra ngoài gọi thái giám khác cho gọi thái y thì lại có kẻ lên tiếng trước hắn, một thái giám từ điện Cần Chánh chạy sang trông rất gấp gáp:
- Bẩm Ngài Ngự, có Hồ Tướng Quân bẩm báo việc quân Siêu gần biên giới phía Bắc gần tỉnh Vân An ạ.
Hắn tuy si tình nhưng việc nước không thể nào không màng, hắn trước khi đi vẫn ngoái đầu nhìn nàng:
- Ta sẽ tới thăm nàng sau.
Chỉ một đoạn đường ngắn mà sắc mặt hắn đã đổi thay như thể cái người đàn ông dịu dàng khi nãy ở viện Thuận Hy chưa từng tồn tại vậy.
----
Mặt trời như hòn lửa đỏ trượt xuống nền trời xanh đen lặn mất tăm xuống biển, réo gọi con trăng sáng đến quan sát nhân gian sẵn tiện ghé thăm điện Trinh Minh của nàng Hồng Loan.
Viện chính rộn rã tiếng cười giòn tan của hai người con gái, thì ra là Hồng Loan và Diệu Tiệp Dư đang chơi tứ sắc, trên chiếc ván nhỏ bày đầy lá bài màu xanh màu đỏ vàng rồi trắng nằm lẫn lộn vào nhau. Cũng mấy ngày rồi Hồng Loan mới ngồi xuống mà chơi cái trò giải khuây này đâm ra thấy dễ chịu lắm, nụ cười trên môi nở rộ:
- Ngọc Sương, em giỏi quá, lần này chị không nhường nữa đâu.
Ngọc Sương là tên thật của Diệp Tiệp Dư, trong cung chỉ có Hồng Loan gọi nàng như thế khiến nàng rất vui. Cũng phải thôi, cả hai từ nhỏ đã chơi chung với nhau, coi nhau như chị em gọi tên cũng là vì thân vì thương nên mới gọi như thế.
Khi sắp đến hồi kết của ván bài, con Trang từ ngoài điện bước vào sắc mặt có chút không tự nhiên, Hồng Loan đương nhiên nhận ra, xếp bài vào:
- Cứ nói đi, Ngọc Sương đâu phải người ngoài.
Bấy giờ con Trang mới chịu nói:
- Bẩm bà, ông thái giám Trần Hiệp có đến nói rằng Ngài Ngự muốn để bà Phan Tiệp Dư theo bà chuẩn bị lễ Tết ạ.
Tay kia định đặt lá bài của Ngọc Sương dừng lại giữa không trung, cả người bỗng chốc cứng đờ.
Hồng Loan không để ý tiếp tục nói với con Trang:
- Không phải em ấy chưa khỏe hay sao?
Không có tiếng trả lời vì ai cũng biết lời kia là lệnh của thiên tử bàn tới bàn lui có ích gì, Hồng Loan chỉ là đang nói với chính mình thôi. Nụ cười khi nãy héo dần được thay bằng tiếng thở dài, nàng là đang lo sợ không biết mình đã mắc phải lỗi gì, từ ngày hắn đăng cơ thì mọi chuyện lớn nhỏ đều có nàng là hai nhị giai phi kia đảm đương, hai vị kia sớm muộn gì cũng sẽ cùng vị với nàng nếu họ làm tốt nhưng sao lần này lại có thêm một người nữa mà người này lại là Phan Hằng - một Tiệp Dư vô sủng bệnh tật quanh năm.
Nàng rốt cuộc là sai ở đâu?
Càng nghĩ càng không hiểu nỗi nhưng Hồng Loan không dám thể hiện chuyện ấy ra mặt chỉ đành nhếch mép cười nhạt:
- Vậy vài ngày sau gọi em ấy sang đi.
Lúc này một trăm mười hai lá bài đã được Diệu Tiệp Dư gom lại xếp ngay ngắn vào hộp, giọng nàng thanh như nước:
- Chắc Ngài Ngự sợ chị mệt, với lại Cung Phi và Cần Phi cũng mới theo chị phụ giúp mấy năm chắc cũng chưa quen thêm người mới sẽ san sẻ hơn ạ.
Hồng Loan gật đầu, ngón tay day thái dương có lẽ tin tức vừa rồi làm nàng thấm mệt. Ngọc Sương cũng hiểu nên xin phép lui về viện trước.
Trời tối đen, Tử Cấm Thành trở thành thành viên Hồng Ngọc khổng lồ, đèn lồng vàng treo dọc các hành lang. Ngọn lửa nhỏ được bao bằng sáu mặt giấy nên có tên gọi là đèn lục giác, thứ nóng hổi bé nhỏ kia cũng có thể bén giấy tạo lên con quỷ lửa thiêu rụi tâm can. Con quỷ lửa vờn trên khuôn mặt người thiếu nữ bước trên hành lang tựa như đang nói chuyện với nàng như đang xúi giục, nàng nghe theo nó bày chuyện gì đó, nét mặt Ngọc Sương nghĩ ngợi gì đó lại mở miệng:
- Mấy ngày này Phan Tiệp Dư có vẻ bận lắm à?
Hầu nữ bên cạnh nàng tỏ vẻ khúm núm, trong miệng lí nhí:
- Dạ bẩm bà Diệu Tiệp Dư, mấy hôm nay người của Thượng Thực nói bà Phan Tiệp Dư hay đến đấy làm bánh mang đến cho Chiêu Phi ạ.
Hàng mi dài của Diệu Tiệp Dư khẽ nâng lên một bật dường như là bất ngờ trước lời nói của người hầu gái kia:
- Chiêu Phi?
----
Về đến viện Thuận Hy, Diệu Tiệp Dư nhìn về phía Đông, lúc trước nơi này cửa đóng then cài rất ít người qua lại, chỉ có tiếng ho của người bên trong thoát ra khỏi khung cửa rồi vướng lại luống hoa dành dành trắng nhợt kia thôi. Diệu Tiệp Dư chợt nghĩ ra một ý nghĩ đầy mỉa mai hay là thuốc của thái y họ Ngô kia là thuốc tiên nên mang cả tiếng ho của nàng ta đến cả tai thánh thượng.
Ngày trước trên điện Trinh Minh gặp nàng ta cứ nghĩ là đóa phù dung sớm nở tối tàn, cứ coi như được kiêu sa một khắc nhưng qua một đêm thì xơ xác không chút sức sống.
Kỳ lạ thật kỳ lạ.
Hai nữ tỳ trước viện của Huệ trông thấy nàng thì hành lễ:
- Con chào bà Tiệp Dư.
Nàng duy trì nụ cười hiền dịu, bảo họ miễn lễ rồi bước vào trong.
Huệ với con Vân đang chơi trò xếp lá, lá dừa nước được xếp thành con cào cào rồi châu chấu trông rất sinh động, nếu không phải chúng nằm bất động thì Diệu Tiệp Dư đã giật mình rồi nàng vốn sợ mấy loài con trùng như thế này.
Vô tình con châu chấu rơi xuống bàn, Huệ cúi người xuống định nhặt lên thì phát hiện bàn chân ai đó.
Ngước lên thì đã thấy Diệu Tiệp Dư đứng trước mặt, Huệ chào hỏi cho phải phép:
- Em chào chị.
Trong một thoáng nàng cảm nhận trong mắt người kia tựa như ngàn cây kim đâm vào mặt nàng nhưng rất nhanh vẫn là Diệu Tiệp Dư điềm tĩnh, nàng ta dìu nàng đứng dậy, giọng rõ sự quan tâm:
- Gần khuya rồi, sao em không nghỉ ngơi?
Thấy sự bối rối hiện rõ trên mặt người đối diện, Diệu Tiệp Dư lại nói thêm:
- Sống cùng chỗ quan tâm nhau là chuyện thường tình, em sao lại ngạc nhiên như thế?
Huệ cười ngượng:
- Dạ đâu có, tại em thấy chị từ chỗ chị Thuận Phi về nhanh quá nên hơi bất ngờ thôi.
Dù nàng không được học hành tử tế nhưng bao nhiêu năm sương gió buôn bán, cái miệng sớm đã dẻo như bánh nếp ngọt như đường phèn, như vậy mới có khách mua hoặc chi ít là được lòng mấy người bán cùng không bị họ nói bậy nói bạ.
Người con gái này ngay từ lần đầu gặp Huệ đã thấy là lạ rồi, mấy ngày trước có thấy sang thăm nom gì đâu người mù cũng nhận ra nét cười nàng ta cứng đơ kia mà.
Bốn mắt cứ thế mà đấu nhau, cả viện chìm vào sự căng thẳng không đáng có, cuối cùng Diệu Tiệp Dư phì cười:
- Vậy chị về đây, em nhớ nghỉ ngơi sớm.
Ngọc Sương bước trên hành lang nối hai đầu Đông Tây của viện mà nghĩ lại chuyện vừa rồi, nét mặt Phan Hằng vẫn thế chẳng có gì thay đổi, nàng không tìm được bất cứ sự đổi thay nào của nàng ta chỉ là thần sắc tốt hơn thôi. Ánh mắt mơ màng trước kia nay sáng như sao minh mẫn hẳn ra còn nước da xanh xao cũng trở nên hồng hào hơn.
Tất cả chỉ có vậy.
Không hề giống người kia.
Ngọc Sương chắc chắn như vậy, vì tranh của người kia không đặt ở phòng thờ mà ở điện Cần Chánh, ngày nào cũng nhìn thấy bất giác lại thành vết ghim trong lòng không thể quên, nên nếu nói Phan Hằng là chuyển kiếp của người đó thì đúng là hoang đường cực độ.
Rèm ngủ mỏng như cánh ve có thể quan sát được người bên trong buồng, Ngọc Sương cứ trằn trọc rồi lại tự nhủ với bản thân là lâu nay Phan Hằng không ra khỏi cửa, nay như bướm bay khỏi kén làm vườn hoa thêm nhộn nhịp thêm sắc màu mà những thứ mới lạ đẹp đẽ thì thu hút người đến.
Một thời gian sau lại đâu vào đấy thôi.