bởi Azul Rhosyn

95
10
2225 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Bí mật của Yvonne


CHƯƠNG IV

Ngày thứ hai đi làm, tôi không đợi Yvonne gọi dậy. Cô tỏ vẻ bất ngờ nhưng không nói gì cả.

Điều thú vị nhất ở tiệm bánh Crestuly là cô bé Fiona. Theo lịch học chiều nên buổi sáng em ở nhà phụ tiếp khách. Tuy đó không phải một công việc hẳn hoi, nhưng Fiona rất có duyên. Cứ mỗi lần em mời một ai thử bánh, họ không thể đẩy lại được. Nếu không ăn vì danh tiếng của tiệm thì cũng là ăn vì nụ cười tươi như hoa của em. Doanh số tăng nhanh một phần vì cô chủ nhỏ, điều đó làm tôi nhọc nhưng vui. 

Rảnh rỗi, hai chị em lại nói chuyện. Được đối xử như một người làm công tôi đã mừng rồi, chứ đừng nói đến một không khí thân mật. Fiona thạo chuyện hơn tôi, từ trong cung cách đã thể hiện một cô gái có giáo dục. Chỉ khi nhắc đến Yvonne thì cô bé mới cuống lên giành nói kẻo sợ tôi không biết em thần tượng Yvonne đến nhường nào.

“Thề với chị, à không không...” Fiona lấy tay che miệng, “Ý em là chị cứ nhìn mà xem, phòng chị Yvonne chẳng treo bức tranh nào, mà bằng cách nào đó chúng cứ xuất hiện trên tường nhà em. Crestuly trở thành tiệm bánh có hồn nhất vì chúng ta không chỉ bán những chiếc bánh ngon miệng đẹp mắt, chúng ta còn bán cả một ảo giác ấm cúng qua tranh. Riết rồi Crestuly, à không, theo thời gian, Crestuly đã trở thành phòng tranh của chị ấy.”

Fiona hào hứng dắt tôi xem những tác phẩm tranh được trưng bày khắp không gian tiệm bánh. Có đủ mọi chủ đề, được thống trị bởi ba tông trầm là đỏ rượu, vàng đất và nâu cam. Bức tranh lớn nhất được treo trên bức tường đối diện lối vào, tái hiện cảnh làm bánh của đại gia đình Crestuly. 

Một bức tranh đáng chú ý khác vẽ cảnh những con chim bồ câu trên nóc nhà thành phố, dưới chân chúng có những vụn bánh li ti. Một bức tranh khác nữa thể hiện cảnh đông đúc ở một khu chợ, mà nhìn kỹ lại thì đó là đường Piecely. Còn có những bức chân dung từng thành viên một trong gia đình, mà nổi bật nhất là Fiona trong chiếc váy lụa satin xanh. Nếu ông Fernand lo hôn sự cho con gái mình theo lệ cũ, thì dù chàng rể có ghét vẽ vời tới mức nào cũng sẽ phải ngẩn ngơ trước hình dung em.

“Thật ra bức tranh đẹp nhất còn chưa hoàn thành cơ.” Fiona đưa cho tôi một bản vẽ chì, “Chị Yvonne gửi em bức ký họa này hai hôm trước. Chị ấy nói là đã tìm được người trong tranh rồi nên không cần giữ lại nữa.”

Lưng tôi như có một tảng đá lạnh áp vào. Tôi như không tin vào mắt mình nữa. Đây là bức tranh Androne vẽ lại tôi tại quán ăn ở Cobali năm nào. Nhưng tại sao nó lại ở đây? Và tại sao Yvonne có nó?

Suốt buổi tôi không nói chuyện phiếm với Fiona, chỉ một hai xin bức ký họa nhưng em không đồng ý. Fiona bảo quà người khác tặng thì dù bất lực cỡ nào em vẫn sẽ gìn giữ. Tôi chịu thua, nhưng dù không mang được chứng cứ về nhà, chắc chắn tôi phải hỏi Yvonne chuyện này cho ra lẽ. Dù khi ấy tôi chưa biết trong nhà vừa có án mạng.

Cái xác rạch ngang rạch dọc của Inspirert nằm tắt thở trên sàn. Miệng của anh ta vẫn cười, có lẽ đó là sự gắng gượng cuối cùng khi đối mặt với con dao rọc giấy trên tay Yvonne. Gương mặt ấy không lộ rõ một niềm thương tiếc nào trước cái chết của thứ mà chính tay mình tạo nên - và chính tay mình phá hủy. Phải mà tôi thấy cô ấy khóc, dù chỉ một giọt ảo thanh thôi cũng đủ dịu dàng với sự ra đi này.

“Cô đã làm gì vậy?” Tôi kêu lên với đầy sự phẫn nộ.

“Làm gì là làm gì?” Yvonne nhướn mày, hỏi ngược lại tôi.

“Bức tranh đó! Sao nó ra nông nỗi này?”

“Càng nhìn lâu vào bức tranh, tôi càng thấy khó thở. Thế giới của tôi đã bị chính tác phẩm của mình xâm chiếm, sự hài lòng đã tước đi cảm giác tự do. Mặt kỹ thuật của bức tranh cũng chưa đạt đến độ hoàn hảo như mong đợi. Nói tóm lại, nó chưa phải là nghệ thuật thực sự.”

“Cô giống Androne một cách khó hiểu đấy.” Tôi bực bội nói, chợt nhớ lại chuyện hồi sáng, “À mà tôi phải hỏi cái này nữa. Tại sao cô lại có bức ký họa do Androne vẽ cho tôi?”

Yvonne không đáp lại ngay mà đứng lên, đi những bước thong thả về phía cửa sổ. Cô chống tay thẳng đứng lên bậu cửa, đón cái hôn của một cơn gió nhẹ. Lại nói:

“Hôm nay chúng ta đi ăn ngoài hồ đi.”

*

* * *

Nhánh nhỏ của sông Holvan chảy vào Pocallos một cái hồ lớn, Oddysira. Bờ hồ có một cây liễu to, cành lòa xòa vờn chơi mặt nước. Chúng tôi đi bộ đến hồ theo ý kiến của Yvonne, mang theo một ít bánh mì và mứt cam.

Trải tấm thảm kẻ sọc đỏ lên bãi cỏ xanh mướt, tôi hít hà một hơi đầy tươi mát của lá cây. Không gian quanh đây thoáng đãng và tĩnh lặng. Tôi thắc mắc tại sao Yvonne không cầm bảng vẽ theo để ghi lại vẻ đẹp của nơi này.

“Vì đây là việc quan trọng...”

“Hở?” Tôi giật nảy người. Cái ý nghĩ Yvonne đang giấu một cuốn sách phép ở đâu đó khiến tôi dè chừng.

“Cô bình tĩnh nào...” Yvonne bật cười, “Ý tôi là, vì đây là việc quan trọng, nên tôi cần cô lắng nghe không bỏ sót một chi tiết nào hết.”

Việc gì có thể quan trọng đến thế giữa hai người chỉ vừa quen biết nhau? Tôi ngồi thu gối, dựa lưng vào gốc cây, đôi mắt tò mò nhìn về phía Yvonne để ra hiệu mình đã sẵn sàng. Cô chưa nói gì ngay, chỉ cúi xuống nhặt vài viên đá cuội, để vào lòng bàn tay, rồi ném xuống mặt hồ.

Những cú ném không về nơi đâu neo chúng tôi lại trong những vòng sóng loang dần rồi biến mất.

“Cô còn nhớ vụ cháy rừng Sirah ba năm trước chứ? Vụ mà, người ta tưởng là Androne đã chết cháy đó...”

“Cậu ấy chưa chết?” Tôi lập tức ngồi dậy, đôi tai muốn vểnh lên giống một con thỏ, “Nói tôi nghe đi, cô rất giống Androne, cô thậm chí còn có bức vẽ của Androne nữa. Cô có quan hệ gì với cậu ấy, cô biết cậu ấy ở đâu đúng không?”

“Tôi đi, Androne cũng đi. Tôi dừng, Androne cũng dừng. Cecilia, cô chưa nhận ra sao?”

Tôi sững sờ đến mức không thể nói gì được. Androne của tôi, hy vọng của tôi, cậu ấy vẫn còn tồn tại! Nhưng điều Yvonne nói tôi không hiểu. Chẳng nhẽ, cái suy nghĩ “hai người là một” vớ vẩn hôm nào đấy lại là sự thật?

“Khi đám cháy phựt lên, tôi đang ở trên căn gác để vẽ tranh. Khói quá đặc, cầu thang thì hỏng, tôi không thể tìm được đường ra. Cầm cự thêm một chút thì ngạt thở rồi ngất xỉu. Nhưng ngay sau khi chết, số phận lại chìa ra một cơ hội nữa cho tôi, lửa thu mình lại và đồng hồ quay ngược về trước ba mươi phút. Tôi chạy thục mạng đến một ngôi làng gần đó và báo cho họ biết nhưng chẳng một ai tin, cho đến khi mùi khét lan đến tận mũi người. Tất cả hối hả dập cháy, nhưng chẳng ăn thua, mãi đến khi Sirah chỉ còn lại những cái cây cuối cùng thì bất ngờ một cơn mưa tới. Đến lúc đó tôi mới nhận ra hình dạng của mình đã thay đổi, bảo sao khi nãy tự xưng là Androne thì ai cũng bảo tôi điên. Níu kéo hư danh cũng chẳng ý nghĩa gì, tôi mạnh tay phủi bỏ quá khứ và lấy cái tên mới là Yvonne, tiếp tục đi tìm nghệ thuật thực sự. Chính tôi là người đã viết các bài báo đầu tiên về sự mất tích của Androne để đánh động giới truyền thông. Họ nổi khùng lên dù trước đây họ chẳng đăng nhiều về nghệ thuật lắm. Sau khi chắc chắn mọi người tin rằng Androne đã chết, tôi bắt đầu mở xưởng vẽ tại Pocallos. Với người thường thì dễ che mắt, nhưng với những nghệ sĩ thì họ rất tinh, tôi phải giả vờ mình là học trò của Androne và điều chỉnh nét vẽ lại một chút để được đi đứng trong hình hài này. Cecilia, hẳn cô biết tôi muốn làm con gái biết bao..."

Tôi thấy hoảng loạn nhiều hơn là hoảng sợ. Đây là chuyện hoang đường. Có lẽ Yvonne đã quá chìm đắm vào thế giới của cô ấy nên nói sảng, tự nhận mình là một người khác. Nhưng trực giác của tôi vẫn gán nhãn Androne với mọi thứ cô làm, dù là những hành động nhỏ nhất. Liệu đây là một điều có đáng tin hay chỉ là câu chuyện phịa vô nghĩa?

“Cô làm tôi bối rối quá đấy Yvonne.” Tôi đứng chống hông, đánh mặt sang bên để tránh cái nhìn, “Tôi muốn tin Androne còn sống, nhưng làm sao tôi có thể tin được cô đây?”

Đôi môi Yvonne cong lên một nụ cười đắc ý, giống như cô ấy chờ tôi hỏi câu này để ra nước cờ quyết định.

“Tôi không đùa đâu đấy nhé! Cô phải đưa ra lời giải thích thật thuyết phục...”

“Chỉ với một từ.” Yvonne giơ một ngón tay lên miệng, không biết để chỉ số một hay ra hiệu cho tôi bình tĩnh.

“Một từ?”

“Ừ.”

“Từ gì?”

“Amara.”

Amara, ừ nhỉ, Amara,... Suốt bảy năm, tôi tưởng cái tên đó đã chết. 

Đi đâu, ai hỏi gì, tôi đều trả lời dưới danh Cecilia. Bởi vì Androne đặt cho tôi cái tên đó, Androne muốn gọi tôi bằng cái tên đó. Chỉ có sự sắp xếp của Androne mới khiến tôi yên tâm. Lâu dần thành quen, kể cả những người biết tôi là Amara cũng gọi bằng cái tên Cecilia, nó đẹp hơn, triển vọng hơn rất nhiều.

Mấp máy hai bờ môi, tôi hỏi, “Vậy... vậy cậu đúng là Androne?”

“Không. Yvonne.”

“Yvonne? Yvonne... Yvonne!” Tôi nhào tới ôm lấy cậu ấy, người bạn của tôi năm nào vẫn đang sống, sống tự do, “Có biết tôi nhớ cậu lắm không? Cậu đã làm gì vậy chứ? Thật ngốc nghếch mà!”

“Ấy ấy, đừng có xúc động quá chứ!” Yvonne suýt ngã nhào vì cái ôm.

“Mà, tại sao cậu không nói cho tôi biết sớm đi?”

“Chị tưởng chuyện này nói ra là có người tin chắc?” Yvonne xì một tiếng rõ to, “Tôi đã phải đắn đo lắm đấy. Ngay khi chị nhận ra tranh tôi, tôi đã muốn nói bí mật này ra cho rồi. Nhưng không lúc nào thích hợp hơn lúc này, Cecilia nhỉ? Mặc dù chuyện Fiona để lộ bức ký họa quả là nằm ngoài dự tính..."

“Vậy cậu có định là sẽ chứng minh cho những người khác mình là Androne không?”

“Không.” Yvonne dứt khoát, “Androne xem như đã chết và đã tái sinh thành Yvonne, Cecilia ạ. Tôi cũng coi như đó là một dấu mốc của cuộc đời mình và không gì phải chối bỏ. Androne hay Yvonne cũng được, quan trọng là phải có người tìm ra nghệ thuật thực sự.”

Tôi gật đầu. Cậu ra sao cũng được, chỉ cần cậu được bình an là tôi mừng.

Chúng tôi ngồi xuống trên tấm thảm, trò chuyện đủ thứ. Hóa ra, người biết chuyện này đầu tiên không phải là tôi, mà là ông chủ tiệm bánh Crestuly. Vốn là một người yêu tranh của Androne, ông đã ngay lập tức nhận ra Yvonne và cậu họa sĩ xấu số là một, nhưng vì Yvonne yêu cầu giữ bí mật, mọi thành viên trong đại gia đình Crestuly không hé lộ chuyện này với ai. Bảo sao Fiona đã trở nên lúng túng khi tôi hỏi em ấy liệu sự giống nhau giữa Androne và Yvonne có khả năng là một thứ gì đó ngoài sự trùng hợp.

Yvonne giả vờ đưa tay lên đánh đàn luýt, giọng khẽ ngân lên một giai điệu quen thuộc. Tôi nhận ra đó là đoạn kết của bài Lời thiếu nữ.

Tôi hát.

Hai ngôi sao đã rời khỏi Cobali thành

Hứa sẽ tìm nhau dẫu có vô danh

Một vẽ lại chuyện trong nhân thế

Một hát lời ca giấc mơ xanh.