bởi Mia NK

4
1
2184 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Biết ai người gọi mà thưa? Một mình đi giữa trời trưa thế này...


Vừa ra khỏi nhà Nhân, bước chân Trưởng đã rệu rã, không hề muốn bước thêm nữa nhưng bởi biết Nhân vẫn đang đứng tựa cửa nhìn theo mình nên cậu cố giữ nhịp bước đều đều. Cậu cũng không quay đầu nhìn lại. Cậu sợ nếu như ngoảnh mặt lại, Nhân sẽ nhìn ra vẻ mỏi mệt của mình rồi lại lo nghĩ lung tung. Mà có khi Nhân đã nhìn ra từ lâu rồi cũng nên.

Đã từ rất lâu rồi, những khi ở bên Nhân, Trưởng đều hoàn toàn thả lỏng, hoàn toàn buông bỏ tất cả những lớp phòng bị, hoàn toàn không cần che dấu cảm xúc, hoàn toàn có thể là chính mình. Cậu tin tưởng Nhân. Cậu quý mến Nhân. Cậu luôn coi nhân không chỉ là người bạn thân nhất mà còn là người thân nhất của mình. Mọi chuyện cậu đều có thể kể với Nhân. Mọi thứ cậu có cậu đều có thể chia sẻ cho Nhân. Và đương nhiên cậu biết, Nhân cũng coi cậu như thế.

Chuyện nhà Trưởng vốn cũng chẳng phải là bí mật gì. Chuyện bố mẹ cậu ba ngày cãi nhau bảy trận, chuyện bố cậu tòm tem với người phụ nữ ngay sát vách, chuyện mẹ cậu vì uất hận mà ngày ngày chì chiết chồng không chỉ được lan truyền đến từng ngóc ngách trong cái làng con con của cậu mà đến mấy làng trên, xóm dưới cũng đều đã nghe danh.

Lúc còn bé, Trưởng còn cảm thấy mặt nóng bừng, cảm thấy tai ngứa ngáy mỗi khi nghe người ta xì xào bàn tán hay thấy người ta chỉ chỏ về phía mình nhưng sau này, khi lớn lên rồi thì cậu đều chọn bơ đi mà sống.

Người ta không nói đích danh cậu, không nói ngay trước mặt cậu thì cậu chỉ coi như gió thổi qua tai. Người ta có chỉ chỏ thì cậu cũng coi như người ta đang chỉ đường xá, chỉ cây cối, chỉ một người nào đấy không liên quan đến mình. Thậm chí, có những lần, khi mấy người lớn vô duyên kéo hẳn tay cậu lại hỏi han, cậu cũng chỉ thản nhiên nói “đó là chuyện của người lớn” rồi cười cười cho xong chuyện mà thôi.

Lớn lên rồi thì da mặt cũng dày thêm rồi, vành tai cũng cứng thêm rồi nên chẳng còn nóng lên, chẳng còn ngứa ngáy vì mấy thứ chuyện tầm phào này nữa.

Hoặc có khi cảm xúc của cậu chai sạn mất rồi, giây thần kinh trên mặt cậu bị liệt cả rồi nên mấy cái chuyện xì xào, chỉ trỏ ấy đều không làm cậu bị dao động nữa.

Trưởng đã không ít lần tự an ủi mình, tự giễu cợt mình như thế rồi lại buông tiếng thở dài. Cậu có muốn thế đâu. Chỉ là, cậu không thể không trở nên thản nhiên, không thể không trở nên hững hờ như thế. Cậu cũng chẳng thể lựa chọn làm khác đi.

Hôm nay cũng thế. Trưởng vừa đi trên con đường dẫn về nhà mình vừa thở dài thườn thượt. Được nghỉ học những mấy ngày mà chẳng lẽ lại không về nhà? Mà về thì rõ ràng là cũng chẳng có chút gì vui vẻ.

Chiều qua, vừa tan học là mấy người bạn cùng phòng kí túc xá với Trưởng đã tay xách nách mang, tha bao nhiêu đồ đạc ra bến xe mong đón được chuyến sớm nhất về nhà. Có người thậm chí còn vội đến nỗi chẳng đợi tan học mới quay về phòng lấy đồ mà từ buổi trưa đã mang tất cả lên lớp, bỏ dưới chân bàn, chỉ chờ chuông tan học reo là xách đồ chạy thẳng ra bến xe.

Chỉ có mình cậu là thong dong, chậm rãi. Cậu thậm chí còn chẳng sắp xếp đồ đạc trước. Mãi đến sáng nay cậu mới nhặt bừa vài thứ nhét vào ba lô rồi đi bộ ra bến xe mua vé về nhà.

Ở bến xe, Trưởng cũng không chọn mua vé đi đường cao tốc để có thể về đến nhà sau hơn hai tiếng mà mà mua vé đi đường thường, phải mất gần bốn tiếng, thậm chí còn lâu hơn nữa mới về đến nơi do xe đường thường còn dừng đỗ liên tục đón, trả khách dọc đường. Lúc đứng trước quầy vé, nghĩ đến đám bạn cùng phòng háo hức đặt trước vé xe nhanh nhất trong khi mình đi bộ ra bến xe, chọn mua vé chậm nhất, Trưởng bất giác bật cười khiến mấy người đi qua đều ngoái đầu nhìn.

Đi đến giữa chừng xe còn bị hỏng. Không biết đến lúc nào mới sửa xong nên nhà xe sắp xếp để khách trên xe đi xuống, đứng chờ bên đường, mỗi xe khác của hãng đi qua sẽ đón một vài người lên đi trước. Trưởng chẳng vội vàng gì nên bất cứ ai muốn đi trước, cậu cũng đều nhường. Cuối cùng, đến khi xe sửa xong thì chỉ còn có cậu với năm sáu chàng trai có lẽ cũng chẳng vội vàng gì như cậu lên xe.

Giữa trưa, xe của Trưởng mới về đến bến. Cậu chẳng gọi bố mẹ ra đón cũng chẳng bắt xe mà lững thững đi bộ về nhà. Có điều, vừa về đến cổng đã nghe thấy bố mẹ đang cãi vã nên cậu chán nản, chẳng vào nhà nữa mà quay người đi thẳng đến nhà Nhân. Cậu ở bên ấy ăn xong bát mì, ăn xong cả đĩa táo cắm tăm tua tủa như con nhím rồi mới lại chậm chạp đi về nhà. Vừa đi Trưởng vừa nghĩ nếu về đến nơi mà bố mẹ lại cãi vã nữa thì có khi cậu sang ở lì nhà Nhân cả mấy ngày lễ luôn.

“Ơ, thằng Trưởng về đấy hả cháu?”

Trưởng đang ngẩn ngơ bước dưới cái nắng hanh hanh buổi trưa thì nghe có tiếng ai đó gọi tên mình. Cậu không nhận ra giọng ai nên đứng lại nhìn xung quanh ngơ ngác.

Con đường quê bình thường vốn đã không đông đúc, ồn ào gì, lúc này lại vẫn đang trưa nên càng vắng vẻ bởi người người, nhà nhà đều còn đang tranh thủ nghỉ ngơi, tranh thủ ngủ một giấc ngắn giữa ngày. Lũ trẻ con thì dù có trốn ngủ trưa cũng ngồi trong nhà mà xem ti vi, chơi điện thoại chứ chẳng đứa nào chạy ra đường phơi nắng như đám trẻ con các cậu ngày xưa.

Trưởng nhìn quanh. Trong tầm mắt cậu, nhà nào cũng kín cổng, cao tường. Đã thế khu này lại chưa đến gần nhà cậu, không thể nào là người làng. Cậu từ bé đến lớn đều chẳng mấy khi qua lại bên này vì ở bên đây họ hàng không có, bạn học cũng không có nốt. Cậu phân vân không biết liệu mình có quen ai mà lại không biết là người ta ở bên này hay không nữa. Trước giờ cậu đều đi lối đường lớn cho gần nhưng hôm nay vì cũng chẳng háo hức về nhà nên cậu chọn đi đường tắt bởi nói là đường tắt nhưng lối này lại xa gấp đôi đường lớn.

Cả đoạn đường trước sau vắng lặng. Mỗi một câu gọi như lọt thỏm vào thinh không rồi không còn động tĩnh gì nữa. Đường trưa yên tĩnh đến nỗi cậu mơ hồ tự hỏi liệu mình có tưởng tượng ra hay không nữa.

Nhìn dáo dác một lúc mà chẳng thấy ai, Trưởng quay đầu đi tiếp. Trước khi bước đi, cậu vẫn tần ngần rồi nói “Vâng” một tiếng. Chẳng biết có phải cậu nghe nhầm hay không nhưng ngộ nhỡ có người hỏi thật mà cậu không trả lời thì cũng không được lễ phép cho lắm.

Giữa đường có quả bưởi con con không biết từ cây nhà ai rụng xuống. Đang buồn chán, Trưởng ngoắc chân, kéo quả bưởi lại rồi vừa đi vừa đá về phía trước. Trước đây cậu và Nhân mỗi khi đi bộ cùng nhau đều thích chơi trò này. Thường thì chẳng có nhiều bưởi rụng mà toàn là cậu và Nhân tiện chân, gặp thứ gì thì đá thứ ấy đi thôi. Cũng có khi lên cơn nghịch ngợm thì các cậu dùng ná thun bắn rụng một quả bưởi nhà ai đó ngả ra phía ngoài bờ tường để đá. Nhân bắn ná thun giỏi hơn cậu. Có lần, Nhân còn bắn một quả bưởi rõ to rụng luôn vào đầu một bác gái gần nhà Trưởng, bị bác ấy chửi đổng té tát nữa.

Lần ấy, là thế nào nhỉ? Dễ đến hơn ba năm rồi, lúc hai cậu mới đang học lớp Mười. Lần ấy, Trưởng đang cùng Nhân đi về nhà mình thì bị bác hàng xóm rõ vô duyên nhưng lại tưởng như thế là tốt bụng kia lôi tay lại kể lể, hỏi han. Cái gì mà “Bác thấy bố mẹ mày lại vừa cãi nhau”, cái gì mà “Bố mày lại đi cặp với con mụ Giáng thật à?”, cái gì mà “Cặp với ai không cặp lại đi cặp với con mụ sát vách.”, rồi cái gì mà “Con mụ ấy thì bệnh tật đầy ra. Rồi rước của nợ về nhà thì khổ.”

Trưởng vốn định lại cứ ậm ừ cho qua chuyện nhưng Nhân thì không. Nhân cau có muốn lôi Trưởng đi nhưng bác hàng xóm cứ kéo tay cậu lại nói mãi.

“Chuyện ấy có liên quan gì đến nhà bác không mà bác nói nhiều thế?” Nhân không thèm giữ thái độ ôn hoà, lễ phép thường ngày nữa mà nói gần như hét lên. “Bác đừng có nhầm lẫn giữa vô duyên với tốt bụng đấy nhé.”

Bác hàng xóm kia khi thấy Nhân gắt gỏng nói câu thứ nhất thì chưng hửng, đứng nghệt mặt ra một lúc. Đến khi Nhân nói xong câu thứ hai thì dường như bác mới hồi thần, nghe ra sự hỗn hào, chế nhạo trong giọng cậu nên nhảy dựng lên quát tháo.

“Thế cũng có liên quan gì đến nhà mày không mà mày nói? Hả?” Bác hàng xóm vô duyên nhưng lại nghĩ mình tốt bụng kia chống một tay vào cạnh sườn, một tay chỉ vào mặt Nhân mà quát. “Ranh con, mới nứt mắt ra đã bố láo bố toét đâu!"

Nhân lúc ấy dù sao cũng vẫn là trẻ con, bản tính cậu lại hiền lành, lễ phép nên dù cáu thì cáu, giận thì giận, bị chỉ tay vào mặt quát mấy câu là nghệt mặt ra, không cãi được câu nào nữa.

“Liên quan chứ sao không liên quan.” Trưởng nói rõ to khiến không chỉ có Nhân đang nghệt mặt phải giật nảy mình mà đến bác hàng xóm vô duyên đang hăng máu chửi mắng cũng bị dọa cho đứng sững lại, trố mắt nhìn sang. “Cháu với nó ăn chung mâm, ngủ chung giường. Là người nhà.”

Nói xong, mặc kệ bác hàng xóm còn đang đứng dạng chân, trợn mắt nhìn, Trưởng khoác tay lên vai Nhân, lôi cậu đi.

“Ranh con. Ăn chực thì nói luôn là ăn chực còn vòng vo chung mâm với chả chung giường.” Bác hàng xóm vẫn tức tối, đứng chống nạnh làu bàu thêm mấy câu rồi quay lưng chuẩn bị đi vào.

Nhân vẫn bực bội, cơn giận của trẻ con vừa lúc bị đẩy lên cao đến đỉnh điểm. Cậu lấy ná thun ra, quay đầu nhằm quả bưởi ngay phía trên bác hàng xóm mà bắn. Quả bưởi rơi bộp xuống trúng đầu bác hàng xóm khiến bác ấy sững sờ.

“Bác nói đến quả bưởi nó còn phản đối.” Nhân bên này không nhịn được, nói cạnh khóe một câu rồi cười phá lên khiến bác hàng xóm giận dữ, quay phắt ra lườm.

Ngay sau khi Nhân bắn xong, Trưởng đã nhanh tay giật lấy ná thun nhét vào túi quần rồi nên bác hàng xóm chỉ có thể trừng mắt lườm hai cậu, chửi đổng đến chán rồi thôi.

“Bà ấy mà chấn thương sọ não thì mày đi tù con ạ.” Đi mấy bước rồi Trưởng mới nghiến răng nghiến lợi bảo Nhân.

“Tao đi tù thì mày nhớ xách cơm đấy. Mang tiếng ăn chung mâm, ngủ chung giường cơ mà.” Nhân nói rồi cười phá lên nhưng ngay sau đó lại buồn bực. Cậu càu nhàu như thể người vừa bị hỏi những câu hỏi vô duyên là cậu chứ không phải là Trưởng.

Nghĩ đến đây, Trưởng phì cười. Tâm trạng nặng nề khi sắp về tới nhà của cậu cũng tan bớt đi. Cậu lấy điện thoại ra nhắn tin cho Nhân.

“Ê, người nhà. Trưa mai tao sang, mang ná thun đi bắn bưởi chơi không?”


Truyện cùng tác giả