Bông thủy tiên nhỏ (4/4)
Khang thở dài một tiếng rồi từ tốn đáp: “Ừm, thật ra cũng không phải chuyện gì to tát. Dù sao chúng tôi cũng là bạn học.”
Tiên tiếp tục: “Chủ cửa hàng không có ý định tuyển thêm nhân viên bởi vì đã thử nhiều lần nhưng vẫn không tìm được người phù hợp”.
Khang quay lại phía Tiên, đôi mắt câu chợt ánh lên. Cậu gật đầu tỏ ý hiểu chuyện.
“Tuy nhiên, sau khi nghe Hoàng nói, tôi nhận thấy cậu có thể là người phù hợp. Nếu cậu muốn làm việc ở đây thì tôi sẽ suy nghĩ lại. Công việc không có gì phức tạp, chủ yếu yêu cầu cậu phải có sức chịu đựng tốt.” - Tiên.
Tiên nhấn mạnh vào ba chữ sức-chịu-đựng.
Cơ mặt Khang dần giãn ra, cậu không thể ngăn nụ cười thích thú đang nở trên khuôn miệng.
Tự nhủ phải kìm mình lại một chút, Khang điềm tĩnh trả lời: “Tôi nghĩ rằng nếu được làm việc ở đây thì sẽ rất thú vị. Sức chịu đựng của tôi cũng tốt lắm, cậu yên tâm”.
Thái độ của Khang bỗng quay ngoắt một trăm tám mươi độ. Cảm giác, cậu hơi thiếu nghị lực.
“Vậy cậu ra ngoài gọi Tường và Hoàng vào đây rồi đợi chúng tôi ở ngoài đó.” – Tiên đề nghị.
Khang ra ngoài gọi hai người bạn. Cả hai vẫn còn chành chọe khi đã bước vào trong.
Lát sau, Tường cũng gọi Khang vào. Vẻ mặt Tường vẫn khó ở, còn Tiên thì vẫn dịu dàng và thanh lịch. Hoàng đứng cạnh Tiên mỉm cười. Nụ cười của Hoàng thật ấm áp, nó khiến Khang cảm nhận được rằng cậu sẽ có tin tốt.
Tiên là người mở lời thay cho cả ba: “Sau khi cân nhắc, chúng tôi quyết định sẽ tạm thời không tuyển dụng cậu. Xin chúc mừng cậu”.
Ngay khi Tiên vừa tuyên bố, Hoàng liền vỗ tay chúc mừng. Lời nói của Tiên và thái độ của Hoàng làm Khang bối rối. Liệu cậu nên cảm thấy vui hay nên hụt hẫng trong tình huống này?
Khang tự hỏi mình trong khi biểu lộ cả hai thứ cảm xúc. Khuôn mặt cậu tỏ ra buồn một chút và cười gượng gạo một chút, còn tay cậu lại giơ lên vỗ theo Hoàng. Bây giờ chính cậu cũng không hiểu nổi hành động của bản thân. Nơi này cứ như được bao trùm bởi một bầu không khí hỗn loạn, khiến cho ai ở đây cũng hành động thật kỳ lạ.
“Tôi hiểu rồi, vậy tôi nên về thôi. Chào các cậu.”
Khang cảm thấy nên nói gì đó để phá vỡ bầu không khí ngại ngùng.
Tường quay sang nhìn Khang và rồi lại nhìn Tiên. Hoàng cũng dừng vỗ tay rồi nhìn Tiên.
“Vậy sao … khi nãy cậu lại nói muốn làm việc ở đây?” – Khuôn mặt Tiên ngô nghê.
“Thì đúng là tôi muốn làm việc ở đây mà.” – Khang cau mày trả lời.
“Vậy sao cậu lại đi về?” – Tiên.
“Thì cậu vừa nói không tuyển tôi còn gì? Ơ hay, tôi là trò đùa của các cậu đấy à?” – Khang cáu kỉnh.
Lần này đến lượt Tiên và Hoàng bối rối. Rồi bỗng như ngộ ra điều gì đó, Tiên ôm bụng cười ngặt nghẽo.
“Xin lỗi, xin lỗi, thật xin lỗi quá, chỉ là thói quen mà thôi. Tôi đã từ chối rất nhiều người nên câu nói đó đã trở thành vô thức mất rồi. Ý tôi là từ hôm nay, cậu sẽ tạm thời làm việc ở đây.” – Tiên nhìn Khang.
Tuy xin lỗi và bối rối nhưng phong thái của Tiên vẫn thật lịch thiệp, hòa nhã khiến người ta không thể trách móc được.
“Đúng vậy! Hoan hô!”
Hoàng vỗ tay tỏ vẻ đồng tình.
Tường thở dài, quay đầu bỏ đi mà không nói gì.
Cuối cùng cuộc phỏng vấn cũng kết thúc, Khang đã có thể giãn cơ mặt để cười nhẹ nhõm. Cậu không quên nói lời cảm ơn rồi ngồi xuống nghe Tiên trao đổi công việc.
Cửa hàng có bốn nhân viên chính. Trong đó, Tiên là người tiếp nhận đơn hàng, thực hiện các công việc phải tiếp xúc với khách hàng. Hoàng đảm nhận việc nhập hoa, đóng gói, giao hoa. Tường còn phải đảm nhận công việc kế toán, nhập liệu, nhập hoa, đóng gói. Cả Tường và Tiên đều có thêm nhiệm vụ chuẩn bị sản phẩm cho khách.
Kể từ bây giờ, Khang được giao nhiệm vụ dọn dẹp cửa hàng. Ngoài ra, cậu sẽ phụ giúp Tường nhập liệu và quản lý sổ sách, giúp Hoàng và Tường đóng gói, giao, nhập hoa. Cả bốn người đều có thể linh hoạt đảm nhận vị trí của người khác. Tuy nhiên, Tiên không khuyến khích việc để Tường tiếp xúc với khách trừ trường hợp bắt buộc.
Thời gian làm việc từ 8 giờ đến 17 giờ, từ thứ hai đến thứ bẩy, được nghỉ phép một ngày mỗi tháng. Mức lương là năm triệu rưỡi, bữa trưa không tính phí, nếu làm ngoài giờ thì sẽ được tính thêm tiền.
Vẻ mặt Khang rạng rỡ khi nghe về mức lương. Với số tiền đó, cậu có thể tạm thời trang trải cuộc sống. Nếu Khang tiết kiệm, mỗi tháng có thể dư ra một khoản, kết hợp với tiền học bổng và chính sách hỗ trợ của nhà trường thì cậu sẽ có đủ tiền học phí. Trong tình hình hiện tại, với Khang như vậy là quá tốt. Cậu đã vô tình có được một công việc khả quan, tại một nơi khỉ-ho-cò-gáy giữa lòng thủ đô nhộn nhịp.
Đêm hôm đó, Khang có giấc ngủ ngon đầu tiên sau nhiều ngày trằn trọc.