bởi An Lạc

1
0
1308 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Các ý tưởng thoáng qua Tâm Trí


- Các ý tưởng thoáng qua Tâm Trí thì không phải là chướng ngại nếu bạn không bám níu theo chúng. Những ý tưởng vẫn qua lại trong Tâm Trí là điều tự nhiên, đừng đeo bám cũng đừng xua đuổi. Hãy để chúng tự xuất hiện rồi tan biến trở lại trong Tánh Không.

- Hãy chú tâm vào công việc Hiện Tại của bạn thì không thể tơ tưởng đến một con ma (ảo tưởng) nào khác!

- Khi bạn vẫn có thể mỉm cười hồn nhiên, ung dung tự tại trước những sóng gió của cuộc đời, như đang cỡi lên trên chúng - bạn đã hiểu Thiền là gì.

- Nếu bạn đã từng có kinh nghiệm cận kề cái chết, bạn sẽ trở nên lạnh nhạt với mọi thứ bạn hằng theo đuổi, bận tâm - bởi vì bạn đã nhận ra tất cả đều chỉ là phù phiếm, chỉ cần bước qua lằn ranh sống chết là hết thảy không còn gì - bạn sẽ đến một thế giới mà tiền bạc, danh lợi ... không giúp gì cho bạn được nữa!

- Bậc giác ngộ sống trong Hiện Tại vĩnh hằng (Ở Đây và Bây Giờ), còn chúng ta thì sống trong Thời Gian.

Khoảnh khắc thì luôn là Hiện Tại, và khoảnh khắc thì luôn là một, không có phân biệt khoảnh khắc trước với sau.

Mọi suy nghĩ đều là Quá khứ đã qua hoặc Tương lai chưa tới. Bạn không thể suy nghĩ ngay trong khoảnh khắc Hiện Tại, vì suy nghĩ là một diễn tiến trong Thời Gian - nói cách khác, Thời Gian đồng nghĩa với suy nghĩ, không có tiến trình Tâm Trí thì Thời Gian không tồn tại. Đây là nguyên nhân bạn có cảm giác về vĩnh hằng trong Thiền định.

- Khi bạn mất đi thì thế gian này không mất gì cả, nó thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của bạn!

Nếu thật sự muốn bình an, hãy không là ai cả, không là gì cả. Thực sự là cuộc đời này không cần có bạn, không cần biết tới bạn.

- Mọi cái quấy phá chúng ta thật ra đều ở trong Tâm Trí, còn hoàn cảnh và tình huống bên ngoài chỉ là nguyên nhân phụ.

- Vui hay Buồn cũng đều là Không.

- Chẳng bao giờ có sự bình an trong Tâm Trí cả, bởi vì bản chất của Tâm Trí là bất an, nó tồn tại nhờ sự bất an: sợ mất đi cái đã có, sợ hãi cái chưa biết.

- Bản ngã, cái Tôi chẳng qua chỉ là một mớ kinh nghiệm được tích lũy, một mớ ký ức, một mớ ngôn từ. Cái Tôi của bạn là do bạn tự phong. Chỉ khi nào quay lại bên trong mà tìm, bạn mới biết là không có bản ngã. Bởi bạn chưa đi tìm nên nó cứ tồn tại. Biết rằng mình không hiện hữu là hiểu biết lớn nhất.

- Chẳng phải thế giới này không tồn tại, nó có đấy, chỉ thế giới Mơ là không có. Khi bạn thức tỉnh, thế giới Mơ biến mất, chỉ còn thế giới thực tại.

- Người chỉ biết hướng ra bên ngoài thì không biết gì về sự tồn tại, điều vĩnh hằng. Người biết điều gì đó bên trong thì cho rằng bên ngoài là ảo tưởng. Thực sự, bên ngoài và bên trong đều là một phần của sự tồn tại. Chừng nào bên ngoài và bên trong chưa trở thành một tổng thể, thì bạn vẫn chưa đầy đủ. Hãy thưởng thức cuộc sống bên ngoài, đồng thời thưởng thức cả tự do, an lạc bên trong, không có sự phân chia. Bạn vẫn hiện hữu trong thế giới mà không thuộc về thế giới, không gắn bó với thế giới này - cuộc sống trở thành một vở kịch nhỏ, một cuộc chơi!

- Thiền gia là người của cái Không. Họ không bận tâm tới cái chết, bởi vì đã biết đến cái bất tử của mình. Bên trong họ không có ai để nói, để nghe, để lo, để sợ cả - họ không còn nữa, chỉ sự Tồn Tại tự diễn đạt mình.

- Hãy tập sống cô tịch, bởi vì cuộc hành trình bên trong chỉ có một mình.

- Chỉ gắn chặt với Hiện Tại, chỉ Hiện Tại thôi là đủ, mặc kệ cho mọi thứ - đó là Thiền Định.

Thiền giúp bạn đơn giản hóa cuộc sống .

- TÂM TRÍ cướp đi 80 phần trăm năng lượng của bạn một cách lãng phí, chẳng đem lại lợi ích nào cả.

- 99,9 phần trăm nhân loại hoàn toàn đang ngủ mơ. Chúng ta đều hoạt động trong giấc ngủ, đó là lý do tại sao ta cứ loạng choạng mãi, sai lầm, lẫn lộn mãi! Chúng ta đều đang Mơ, và mỗi người sống trong thế giới Mơ của riêng mình. Những thế giới này luôn xung đột nhau.

- Khi bạn tỉnh thức, nhiều điều sẽ tự rơi rụng, không cần phải vứt bỏ chúng.

Khi bạn biết mình là đại dương,

Những con sóng không còn làm bạn sợ.

- Khi bạn buông xuôi, thảnh thơi, vô nỗ lực, thì mọi điều tốt đẹp sẽ xảy ra, vì không có bản ngã ở đó làm rào chắn - đó là quy luật hiệu quả ngược của Tâm Trí: càng nỗ lực, càng sử dụng ý chí thì càng bị hút về phía đối lập.

- Đừng nghĩ, đừng cảm, chỉ đơn giản hiện hữu, và bỗng nhiên bạn không có đó và thế giới này không có đó - Bạn và thế giới, cả hai đã trở thành một.

- Cuộc sống không biết tới bản ngã. Bạn không tồn tại, chỉ có năng lượng tồn tại trong các hình dạng vô cùng của nó. Khi nhận ra là không có bản ngã nào cả, mọi thứ vẫn thế, nhưng bạn không còn như cũ nữa.

- Chỉ cần thấy chiêm bao là chiêm bao là đủ, chẳng cần tìm cách thoát ra. Ý tưởng thoát ra chỉ là một ảo tưởng.

- Khi bạn an trụ vào cái Bây Giờ, bỗng nhiên bạn thức tỉnh, đứng ra ngoài Tâm Trí, và bạn kết nối được với sức mạnh và trí tuệ của Tâm Thức.

- Không làm gì cả là việc khó nhất trên đời, bởi vì Tâm Trí có bao giờ chịu đứng yên. Với Tâm Trí thì bao giờ bạn cũng cần phải có việc gì đó để làm. Phải có dũng khí để không làm gì cả!

- Tâm lý học nghiên cứu về Tâm Trí, về cách thức Tâm Trí vận hành.

Chẳng có ích lợi gì khi cứ đào bới trong Tâm Trí, không có gì nhiều hơn: Hình Ảnh, Ý Nghĩ, Tình Cảm, Tâm Trạng - toàn là rác rưởi được tống ra. Tốt hơn cả là hãy lấy bước nhảy ra khỏi nó!

- Chúng ta đều đơn độc cho dù sống trong đám đông.

2 người tuy đồng hành, nhưng là 2 sự đơn độc đang bước.

5 thành viên trong gia đình là 5 sự đơn độc sống chung một mái nhà.

Hiểu được sự đơn độc này, bạn trở nên động lòng trắc ẩn.

- Mọi thứ, mọi người chung quanh ta thực sự đều là những con thuyền rỗng, chớ phí công mà phiền giận khi chúng va vào mình.

- Nếu bạn nhìn thấy cả 2 cực như là một: phương tiện là mục đích (cuộc chơi là niềm vui, ngày sinh cũng là ngày tử, gặp mặt cũng là chia tay, bắt đầu cũng là kết thúc...), là bạn đang ở trong Thiền.