bởi An Lạc

1
0
1231 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Tâm Trí vận hành


- Tâm Trí vận hành trong Nhị Nguyên, phân đôi, nên chẳng bao giờ nó hành động toàn bộ - hễ một phần của Tâm Trí muốn tiến, thì phần kia muốn lùi - bởi thế, dù chọn lựa cái gì đi nữa, bạn cũng ân hận hối tiếc về sau!

- Đừng bận tâm đến bản ngã của kẻ khác. Bản ngã của hắn sẽ trừng phạt hắn.

- Một bí mật của Tâm Trí: cái gì bạn chấp nhận thì nó sẽ đi qua, nó lập tức biến mất; cái gì bạn không chấp nhận thì nó sẽ bị đẩy vào vô thức, và rồi nó cứ chờ dịp mà trồi ra ám ảnh bạn mãi!

Và một điều nên biết: bất kỳ điều gì xảy ra thì cũng đều hợp lý cả - nếu không hợp lý thì nó đã không xảy ra - cho nên bạn phải chấp nhận mọi điều xảy ra thôi!

- Một điều luôn luôn phải nhớ: bạn là một phần của năng lượng vô tận, một con sóng trong đại dương năng lượng vô tận.

Nếu bạn luôn nhớ đuợc điều này thì bạn chẳng bao giờ bị mất năng lượng cả, bởi vì một nguồn năng lượng vô tận bao giờ cũng sẵn đó - bạn là một con sóng mà sâu bên trong là cả một đại dương ẩn mình. Hãy cảm thấy mình là đại dương, thì nguồn năng lượng trở nên có sẵn, càng dùng lại càng có nhiều - bởi vì bạn có nguồn cung cấp vô tận. Chính Tâm Trí đã giới hạn nguồn năng kượng đó đến với bạn bởi những suy nghĩ hữu hạn.

Hãy là đại dương, thì bạn không mất đi cái gì cả vì bạn kết nối với cái toàn thể, bạn trở thành một không gian mở, mọi thứ đều là vô tận, sẵn sàng cho bạn.

Đừng là con sóng nhỏ, luôn sợ mất đi thứ này, thứ nọ - bạn tự hạn hẹp mình, tự làm cho mình thiếu thốn, nghèo nàn, cạn kiệt vì đã cắt đứt mối quan hệ với cái toàn thể.

Hãy trở thành phương tiện cho cái toàn thể xảy ra. Đừng lo lắng gì cả, đừng mang ý tưởng về sự giới hạn trong bất kỳ lĩnh vực nào (năng lượng, sức khỏe, tuổi tác, tiền bạc...) - đó là cách để cho cái toàn thể xảy ra. Hãy cứ hào phóng cho đi thì lại càng có nhiều hơn!

- Chẳng sớm thì muộn ta cũng bỏ lại mọi thứ sau lưng, thì sao không tập từ bỏ chúng ngay từ bây giờ cho lòng nhẹ nhõm?

- Thân này tự tánh nó là Không, do duyên hợp mà giả Có. Tùy Nghiệp hiện ra hình, đều là vật ký sinh. Lấy huyễn làm sinh, cho nên tuy sinh mà chẳng thật sinh; lấy huyễn làm diệt, cho nên tuy diệt mà chẳng thật diệt.

- Cho dù tận dụng mọi nỗ lực, ta cũng không thể nào chặn đứng được sự héo úa của một cành hoa. Vậy thì trong khi đóa hoa đang dần dần héo úa, ta hãy ung dung ngắm nhìn và thưởng thức nó. Đối với vô thường và cái chết không sao tránh khỏi, chúng ta cũng nên giữ thái độ ung dung đó vậy.

- Mọi vật thể, như cái ly, đã mang sẵn tính chất bể theo liền với nó, ắt phải bể một ngày nào đó thôi, cho nên khi nó bể cũng đừng tiếc rẻ, phiền giận.

- Không còn chấp cái thân và tâm này là mình, thì đã ngộ lý Vô Sanh (không sinh không diệt, là tánh bản hữu của vạn pháp: sanh tức vô sanh. Chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn là chứng ngộ sự thật rằng vạn hữu nguyên lai bất sinh, tức là không chấp sinh chấp diệt).

"Bởi chấp 3 cục gạch là thân mình nên mãi làm kiếp Táo!".

Vô Sanh là bất sinh bất diệt; Pháp Nhẫn là cảnh giới viên mãn. Ngay trong Sanh Tử mà thấy được Vô Sanh thì mặc tình thong dong tự tại.

- Sinh từ đâu đến? Chết đi về đâu?

Vốn từ chỗ bất sinh bất diệt mà đến, thì cũng trở về chỗ bất sinh bất diệt. Gượng mà nói đến đi, thật ra không có gì là đến hay đi cả, bởi tướng Không của các pháp vốn chẳng sinh chẳng diệt thì làm gì có đến đi. Các pháp do Duyên hợp nên không tự tánh (mà Duyên hợp cũng là Huyễn, giả danh); Tướng của nó là Không, Tướng Không đó chẳng sinh diệt nên không đến đi. Sinh cũng chưa từng Sinh, Diệt cũng chưa từng Diệt - như Sóng giả hiện rồi lặng trở về mặt Biển - duyên hợp duyên tan không có thật, nghĩa là chưa từng có sinh diệt! Sinh diệt chỉ là cái giả tướng của Duyên hợp và Duyên tan, chứ thật ra không có cái gì là sinh hay diệt cả. Các pháp chỉ có cái giả tướng sinh diệt, chứ thực thể vốn bất sinh bất diệt.

- Tất cả đều Không, đều giả danh, thì có Sinh Tử đâu mà độ, có bờ bên kia đâu mà đến? Trong cảnh giới của Tánh Không làm gì có sinh diệt!

Cuộc sống của người đời (Sắc Tướng) chẳng qua cũng chỉ là vang bóng giữa hư không mà thôi. Phải hiểu rằng: ngay từ đầu mọi thứ đã là Không!

Chúng ta thường nghĩ rằng: "Sinh là từ Không mà thành Có; Tử là từ Có mà trở thành Không". Thực sự không có cái gì có thể từ Không mà thành Có, hoặc từ Có mà trở thành Không; tất cả đều chỉ là huyễn hóa, thay đổi hình thái không ngừng. Tất cả đều vô thường, duyên sanh nên không có ngã; chúng không sinh không diệt, mà chỉ chuyển hóa.

- Có bản ngã là có căng thẳng. Bản ngã không thể thảnh thơi. Bản ngã luôn cần có vấn đề để căng thẳng.

- Còn cái Tôi thì không thể nào thoát khỏi khổ đau.

Chỉ khi không còn cái Tôi thì làm gì có ai để khổ đau.

- Sự bình an trong tâm hồn là kết quả của việc buông bỏ, từ bỏ những ham muốn.

Khi bạn thảnh thơi thì không có bản ngã. Bản ngã chính là sự căng thẳng.

- Cơn giận này từ đâu mà tới? - bản ngã!

Ai giận đây? - bản ngã!

Nếu bản ngã không có đó, làm sao có cơn giận?

Bản ngã là trung tâm Của Tâm Trí, nhưng sự thật là bản ngã vốn không tồn tại, nó chỉ là một ý tưởng, một cái bóng. Khi chào đời bạn không mang nó theo cùng mình. Nó không phải là một phần con người bạn. Nó là một cái gì bạn học được ở cuộc đời.

Bản ngã không thể có mặt trong Hiện Tại, bởi vì Hiện Tại là thật, bản ngã là giả.

- Khi dính vào 1 vấn đề, 1 cảm xúc - bạn bị sập bẫy của Tâm Trí. Hãy tuột khỏi nó ngay lập tức!

- Không kiểm soát được tâm thì tọa thiền chỉ mất thời giờ vô ích.