Chiều nay dự báo có mưa
Bầu trời trong xanh, từng đụn mây trắng nhởn nhơ như những cụm kẹo đường tơ xốp ngon lành chỉ khiến cho người ta muốn cắn một ngụm.
Gió thổi rì rào, hàng cây ven đường đu đưa những chiếc lá cùng ngân nga theo bài ca của gió.
Chỉ mới đó mà từ bản nhạc yên bình bỗng dội thêm từng nhịp chiêng nhịp trống, gió rít mạnh hơn từng hồi, cuộn theo tiếng quạt thông gió tạo nên tiếng "u u u" kéo dài.
Những tán lá mới đây còn uyển chuyển lay mình giờ bỗng nhiên hoảng hốt như muốn túm chặt lấy thân cây cho thân mình khỏi ngã.
Mây đen kéo tới chiếm chỗ mây trắng tự lúc nào.
"Ù ù, ào ào."
"Rào rào, lộp độp."
Một vệt chớp mạnh mẽ nhá lên giữa trời sấm nổ cũng không kéo bầu trời sáng thêm được mãi.
Mây đen vần vũ rủ nhau tới ngày một đông che kín cả bầu trời. Hướng đông, hướng tây, hướng nam, hướng bắc, mọi ngả đường đều chật kín mây đen.
Mới năm giờ chiều mà trời tối sầm lại. Những hạt mưa ào ào trút xuống như gào như thét tạt vào mảng cửa kính lớn trong văn phòng.
"Ôi, mưa to quá, cứ như là bão ấy nhỉ." - một chị cảm thán.
"Mưa to thế này không về được đâu. Ở lại văn phòng làm việc tiếp thôi." - một anh cất tiếng.
"Hết giờ rồi làm gì nữa, có ở lại thì chơi cùng tôi vài ván game đê." - một anh khác tiếp lời.
"Ừ, ý hay đó!"
Trong văn phòng nhỏ này chỉ có khoảng chục người.
Có hai chị nhiều tuổi nhưng chưa chịu có chồng, cứ thích ăn chơi tận hưởng tuổi thanh xuân, đời là mấy tí đi đâu mà phải vội.
Có một chị cũng đã có chồng nhưng chưa chịu có con, hai anh chị lúc nào cũng muốn tận hưởng cảm giác vợ chồng son dài thêm chút nữa.
Có một anh có vợ có con nhưng vợ con anh ở quê, anh vào Nam công tác phải sống một mình, về nhà sớm hay không cũng thế, lại quạnh quẽ cô đơn.
Hai anh có vợ có con cùng sống trong thành phố nhưng dường như việc về muộn cũng chẳng ảnh hưởng gì. Trong đó có một anh vợ mới sinh con nhỏ, cứ về lại cảm thấy đau đầu nghe tiếng con quấy khóc nên hôm nào cũng ngồi thêm một lúc nữa.
Một chú lớn tuổi có con học đến cấp ba, giỏi quán xuyến việc nhà nên chú chả phải lo gì mấy.
Hai cậu thanh niên chưa vợ, đời sống tự do. Có tiền tự tiêu không phải nộp lương cho ai hàng tháng.
Và cuối cùng là tôi, có một chồng một con hơn hai tuổi đang gửi ở trường mẫu giáo gần nhà.
Cơn mưa ngày càng lớn. Ai cũng cảm thấy không nên về lúc này mà ráng chờ thêm lúc nữa cho mưa tạnh.
Họ nói mưa Sài Gòn nhanh đến nhanh đi, dữ dội nhưng lại mau tan như chính tính cách nàng thiếu nữ nơi đây: giận ai thì giận nhiều nhưng chả muốn giận lâu là như vậy.
Mọi người đủng đỉnh ngồi lại văn phòng, người chơi game, người xem phim, người lên mạng chém gió. Ai đói thì văn phòng có đồ ăn dự trữ, cũng chả phải lo. Chỉ cần không mất điện là có thể tự do đến tối.
Chỉ có mình tôi sốt ruột, nhìn cơn mưa mà lo đứng lo ngồi. Con trai còn đang chờ mẹ đón, tôi không thể nào về trễ được.
Mặc áo mưa phi ra giữa trời mưa gió, mặc cho mọi người can ngăn. Tôi có phải ngốc lắm không?
Mưa theo gió tạt như tát vào mặt rát buốt, áo mưa dính sát vào người cũng không đủ ngăn cho áo quần khỏi ướt. Mắt kính cận khiến cho đường xá như nhoè dần đi. Mỗi lúc như vậy chỉ ước chi có cái gạt cần trên kính. Bỗng trong lòng cảm tác một bài thơ:
"Đeo kính trời mưa giống kẻ mù
Kẻ mù không kính bỗng ngu ngu
Xa xa không rõ người hay thú
Phong cảnh, nhân tình bỗng hóa hư."
Trong bóng tối ánh sáng nhập nhoè, tôi lái xe dựa vào cảm giác. Không ai dám đi nhanh vì sợ đường trơn trượt. Mặt đường loang loáng như chiếc gương phẳng lớn.
Mưa vẫn to như trút, chỉ còn một phần ba quãng đường nữa thôi. Nước bắt đầu dâng. Lối về nhà không còn con đường nào khác, bắt buộc phải đi qua đoạn ngập này. Mà ngay khu tôi ở cũng chính là một trong những điểm ngập đáng báo động của thành phố.
Tránh không tránh được, chỉ còn cách đối mặt.
Bình thường chạy xe khoảng ba mươi phút là về đến trường đón con. Những ngày mưa to dù cố gắng đến đâu cũng vẫn phải dôi ra thành gần một tiếng. Vất vả đến được trường mẫu giáo, trường tan học đã lâu, bác bảo vệ cũng đã về, chỉ còn một mình con trai lủi thủi ngồi ở chơi bên thềm cửa. Phía bên trong có cô quản lý đang ngồi.
Đây là một trường tư thục nhỏ, sĩ số các lớp không quá đông, giáo viên dạy khá tốt, gửi con cũng yên tâm. Bình thường bốn giờ chiều là phụ huynh đã tới đón con, năm giờ chiều chỉ còn lác đác vài bé gửi thêm giờ chờ bố mẹ tới đón trễ. Còn tới tận sáu giờ như ngày hôm nay thì hơi bị hiếm.
Thông thường mỗi ngày tới đón con cũng có một bạn ở lại cùng, ngày hôm nay thì bạn đó cũng đã về nên chỉ có mình con ở lại.
Con sốt ruột chờ mẹ, cô quản lý cũng sốt ruột nhìn trời. Trời còn mưa là lòng người còn ai oán.
Ôm con trai nhỏ vào lòng, chào cô quản lý, nhưng cũng chả thể về, mặc dù đường về nhà chả còn bao xa.
May thay cũng chừng độ hai mươi phút sau là cơn mưa tạnh, chỉ còn dòng nước mênh mang không phân biệt được đâu là mặt đường, đâu là mặt hồ lăn tăn sóng nhỏ.
Đặt con trai lên yên xe, khoác áo đội mũ cho con khỏi lạnh. Hai mẹ con vẫn phải hòa vào dòng nước.
Ánh đèn đường tù mù len lỏi qua hai hàng cây ven đường, chiếu xuống dòng nước đục ngầu, che đi những ổ voi ổ gà do ngập lụt quá lâu sau nhiều ngày nhiều tháng.
Chiếc xe máy cũ kĩ gồng mình nổ máy trong làn nước. Tôi cố gắng vặn ga cho máy nổ đều. Vừa đi vừa thì thầm tự nhủ cũng như động viên chiếc xe cà tàng "cố lên, cố lên".
Mỏi nhừ cả tay nhưng không dám buông lỏng một phút nào. Chỉ cần nhả ga ra là kiểu gì nước cũng sẽ ngập ống bô chết máy.
Biết bao chiếc xe tử nạn giữa đường khiến tôi phải cố tránh và lách qua. Chợt nhớ tới trận mưa lớn tuần trước tôi cũng đã rơi vào hoàn cảnh giống y như họ.
Tiếp tục giữ vững tay lái, nổ máy đều tay, chầm chậm đi theo sau dòng người đang đi dò dẫm. Ai cũng sợ đi trúng ổ gà, nên người đi sau ráng nhìn theo người đi trước, nhỡ người ta có ngã thì mình cũng phải tỉnh táo mà tránh kịp thời.
Dòng xe máy đang yên bình vượt nước, bỗng nhiên một chiếc ô tô hùng dũng vượt qua, sóng đánh lan ra khiến cho đôi ba chị chống chếnh không thể giữ nổi xe mà ngã xuống.
Ôi thôi xong, chị gái đằng trước đang chở con nhỏ, hai mẹ con cùng ngã xuống đường. Một người dân đứng bên vỉa hè lao nhanh ra giúp đỡ. Nâng bé nhỏ dậy, đỡ xe lên. Người đã bình an nhưng xe thì chết máy. Chị gái cám ơn người lạ tốt bụng, tiếp tục để con ngồi trên xe, mình thì đứng xuống gồng tay lên dắt xe băng qua đoạn đường gian khổ.
Xe gần như khó có thể nhúc nhích vì đám đông bị dồn ứ lại, tôi vẫn cố gắng bóp nhả ga cho máy nổ đều. Một lát sau đám đông vãn bớt là có thể nhích xe đi. Tôi lên tiếng dặn con trai ngồi đằng sau ôm mẹ cho thật chặt, dù đã có đai bảo vệ an toàn.
Đi qua được đoạn đường trũng nhất, nhiều ổ gà ổ voi nhất, tôi thở phào nhẹ nhõm. Thế là mẹ con mình sắp vượt qua rồi, cùng mẹ cố lên nha con trai.
Nhác thấy cổng vào chung cư thấp thoáng đằng xa, khóe miệng tôi khẽ nở nụ cười, từ từ chạy xe vào đường nội bộ.
Ôi không, nước hôm nay ngập bất thường, ngay cả đường nội bộ hàng ngày khô ráo mà nay cũng bị ngập không khác gì ngoài đường lớn, hình như là cống bị tắc thì phải. Nước dâng lên đen ngòm, xộc một mùi gây mũi khó chịu.
Xe ì ì nổ máy rồi từ từ tắc tị. Tôi cố vặn ga mấy lượt vẫn chả ăn thua. Thôi rồi, lần này thì xong thật. Đường về nhà sao gian nan đến thế.
Dừng xe, tháo đai an toàn cho con, đành phải để con ngồi một mình trên xe, còn tôi thì dắt bộ. Chân lội bì bõm, ống quần ngập trong nước đen, nước ngược dòng khiến cho việc đẩy xe càng thêm khó nhọc.
"Mẹ ơi, cố lên."
Con trai nhỏ cất tiếng động viên, cám ơn con trai của mẹ. Tôi ráng dắt xe thêm một đoạn, tới hàng sửa xe trong khu chung cư nhà tôi. Đẩy xe lên một đoạn dốc nữa là tới.
Một anh nhân viên trong cửa hàng thấy tôi dắt xe nên chạy ra đẩy phụ. Cám ơn anh.
Xe của tôi không phải xe duy nhất bị chết máy, số xe đang nằm xếp hàng cũng phải thành một dãy, dăm ba người chủ xe ngồi ghế nhựa vừa chờ vừa ngóng mắt nhìn xa xăm.
Tôi đến sửa xe cũng không phải lần đầu, lại cũng là người sống cùng khu nên chú chủ quán cũng quen mặt. Chú bảo tôi cứ để xe lại, hai mẹ con về nhà trước, lát sửa xong chú sẽ gọi điện cho tôi xuống lấy.
Tôi cảm ơn chú rồi dỡ đồ trên xe xuống. Tay phải bế con, tay trái xách hai cái túi, vừa túi xách đi làm của mẹ, vừa ba lô đi học của con.
Tôi phải ghé cửa hàng tiện lợi cách đây mấy căn để mua đồ nấu cơm tối. Nếu như chỉ có một mình mình, có lẽ tôi chỉ cần ăn tạm bát mì cho xong cái ngày mưa. Nhưng vì có con nhỏ nên phải ăn uống đảm bảo, tôi không thể qua loa đại khái được.
Thức ăn sống bình thường tôi mua mỗi cuối tuần, về nhà sơ chế sẵn rồi bỏ ngăn đông. Chỉ riêng rau là phải mua tươi mới mỗi ngày. Hai mẹ con ghé cửa hàng tiện lợi, mua được rau, còn mua thêm mấy hộp sữa chua hay đồ ăn vặt mà con trai tôi thích. Tiếp tục tay xách nách mang, men qua vỉa hè để về đến dãy nhà mà tôi ở.
"Đính đoong, đính đoong."
Thang máy vừa mở cửa, có vài người vào trước, tôi cũng vội vã cắp con vào sau. Cửa thang máy chuẩn bị đóng thì cũng có một bà mẹ bế con hớt hơ hớt hải chạy vào. Cũng may còn kịp.
Tôi bấm thang máy, chờ lên đến tầng căn hộ của mình.
Trong thang máy có hai người đàn ông, một người đi tay không bấm điện thoại, một người tay xách cặp táp mỏng, đứng đút tay vào túi quần.
Còn lại là ba người phụ nữ. Một chị giống tôi, cũng một tay bế con một tay lách cách xách đồ nặng trĩu. Một chị còn lại thì vất vả hơn, một tay bế con nhỏ, tay kia vừa gồng lên xách đồ vừa dắt tay một đứa bé lớn hơn. Cả ba chúng tôi trông ai cũng đều nhếch nhác.
Hai cảm xúc đối lập trong thang máy khiến tôi không thể không cảm thán. Tại sao sau giờ làm phụ nữ luôn tất tả vì gia đình, mà người thảnh thơi hơn lại luôn là đàn ông? Có lẽ không phải tất cả đều như vậy, nhưng lại chiếm đại đa số. Cái giá của sự trưởng thành, sao lại không giống nhau thế nhỉ.
Về được đến nhà cũng là bảy giờ kém, mưa cũng đã tạnh, nhìn xa xa chỉ còn thấy nước loang loáng dưới những ánh đèn, và tiếng ếch kêu văng vẳng.
Tôi vội vã cất đồ, chuẩn bị nấu cơm, tắm cho con trai rồi cho bé ăn bữa tối. Dù con trai không nói nhưng tôi biết là bé đói lắm rồi.
Bỗng nhiên đèn vụt tắt. Hình như là mất điện. Thi thoảng trời mưa cũng có lúc chập điện, phải chờ thợ đến sửa. Cũng may là tôi kịp nấu và tắm cho con xong, không thì mất điện lấy đâu ra nước nóng. Còn tôi chưa kịp tắm, chờ lát có điện thì tính sau, không thì tắm sơ qua nước lạnh cũng được.
Tôi mở tủ lấy ra vài cốc nến dự trữ, thắp vài cây để xung quanh nhà. Ánh nến lung linh trong đêm tối tù mù. Con trai tôi nhìn lại rất thích. Bé hào hứng reo lên.
"Mẹ ơi, happy birthday!"
Rồi bé chạy quanh thổi phù tắt hết nến.
Bé nhà tôi rất thích thổi nến sinh nhật. Tôi mỉm cười thắp lại từng cây, nhìn niềm vui lung linh trong mắt con trẻ.
"Happy birthday. Nhưng con chỉ thổi nến một lần thôi nhé. Bây giờ ngoan ngồi lên ghế, mẹ lấy cơm cho con ăn."
Tám giờ tối, không biết nước đã rút chưa. Con vẫn ăn chưa xong còn tôi thì đang chờ chồng về để ăn bữa tối.
Tôi lấy điện thoại gọi điện cho anh. Sau ba hồi chuông thì anh nhấc máy.
"A lô, em về đến nhà chưa?" Chồng tôi hỏi.
"Em về tới nhà an toàn rồi. Chỉ có xe là chết máy, em đang gửi ở quán chú Tư."
"Ừ, gửi quán chú ấy thì sáng mai xuống lấy cũng được. Em ăn cơm trước đi, đừng đợi anh. Anh chờ lâu nên kiếm gì ăn tạm rồi. Hôm nay mưa to quá. nước ngập mãi chưa rút. Công ty anh có nhiều người ở lại chờ nên anh cũng ở lại luôn, chúng nó rủ xuống nhà ăn dưới công ty tìm đồ ăn chống đói."
"Vâng."
"Anh ngồi thêm một lát nữa, chờ nước rút bớt thì anh về. Hai mẹ con ở nhà đừng lo nhé, lát cứ cho con đi ngủ trước."
"Vâng, thế cũng được. Lát anh đi đường về cẩn thận nhé."
"Ừ, bai em."
"Bai anh."
Không chờ nữa. Tôi lấy cơm ra ăn một mình. Cho con ăn xong lại thu dọn mâm cơm. Cơm canh thừa lại cất cho vào hộp. Tôi tự nhủ, thôi thì dư cơm sáng mai đỡ phải mua đồ ăn sáng.
Điện vẫn chưa có lại. Tôi ngồi trong phòng khách, mở hết cửa để hưởng những cơn gió trời, nhìn ánh nến lung linh trong những chiếc cốc. Em bé nằm ngoan gối đầu lên đùi mẹ, tôi xoa lưng vỗ mông nhè nhẹ cho con trai ngủ.
"À ơi, à ơi...
Ru con vào giấc ngủ
Mẹ cũng nhớ ngày xưa
Nhớ tới những ngày mưa
Khi mẹ còn thơ bé..."
Hồi xưa còn nhỏ, lúc đó sống ở quê, không phải xa xứ như bây giờ. Trẻ con trong xóm lúc nào cũng thích mưa, cứ nghe thấy bảo có mưa là hò reo sung sướng. Mưa càng to thì càng có lí do nghỉ học. Cả đám trẻ con nhao ra giữa sân tập thể, nhìn nước ngập ngang đầu gối mà lòng vui như mở hội. Đứa nào đứa lấy quần áo ướt như chuột lột, náo nức tắm mưa hay mò cua bắt cá. Mặc dù chỉ bắt được vài ba con cá tí teo bơi lạc mà cứ ngỡ như tìm được cả một kho báu, tíu tít khoe nhau rộn rã cả xóm làng.
Ngày ấy sống trong căn nhà lụp xụp, mỗi lần mưa là nước ngập vào nhà. Trẻ con hò nhau giúp bố mẹ tát nước từ trong ra, lấy chậu hứng nước dột, lấy gạch hay gỗ kê chèn đồ lên cao. Còn hí hửng khoe nhau nhà ai ngập nhất.
Nghĩ lại ngày xưa vất vả, nhưng sao mà vẫn vui đến thế.
Hay vì hồi đó còn là trẻ con. Nhìn đời còn non nớt.
Còn bây giờ đã trưởng thành, cuộc sống chả còn màu xanh.
Trưởng thành là gì?
Có lẽ trưởng thành là khi bạn không còn thích mưa nữa.
Và thấy sợ mỗi khi nghe tin thời tiết: "Chiều nay dự báo có mưa..."