bởi Tô Tô

16
5
1989 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1


Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng.

Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn...

Tiếng ru à ơi à ơi cất lên giữa đêm hè nóng nực, bên cái hồ sen thơm ngát của làng Lý, một người đàn bà ôm chặt đứa trẻ trong lòng, bầu ngực còn căng sữa, rõ là vừa mới sinh không lâu. Người đàn bà ấy vừa khóc vừa ru con, tiếng ru như lời mong mỏi khẩn cầu, lại như tiếng khóc oan của một linh hồn ai oán.

Dường như đứa trẻ đã ngủ, người đàn bà đặt con vào chiếc rổ to, bọc lấy bằng mấy lớp vải rách rưới đen đúa.

"Con đừng trách má, đừng trách má... Má không đưa con đi tiếp được nữa... Hức..."

Đứa bé ngủ yên giữa bóng đêm đen đặc, người đàn bà đã bỏ đi.

Sáng hôm sau, bình minh tỉnh giấc, mấy goá phụ không con lớn tuổi khi vào mùa vẫn thường tụ họp với nhau đi hái sen đem bán cho mấy nhà địa chủ như thường lệ cười đùa lớn tiếng xắn váy cắp rổ chuẩn bị lội xuống hồ.

Đột nhiên một tiếng khóc xé tan màn sương sớm vang lên, mấy người đàn bà đi theo tiếng khóc, tìm thấy một đứa bé mới sanh không lâu, nằm trong bụi cỏ ven hồ.

Ấy là Đào, Nguyễn Thị Đào, nhưng trong cái làng này, chẳng ai lại đi nhớ họ của nhau. Với lại, khi nhắc đến họ Nguyễn, người ta thường chỉ nghĩ đến cái nhà hội đồng ăn trên ngồi chốc đã bao nhiêu năm. Sau khi mấy goá phụ đón nó về thì giao cho trưởng làng, trưởng làng lại bán nó cho một nhà giàu không con.

Mới năm kia, má nuôi của nó chết, không ai biết vì sao. Rồi tuần đầu bà ấy, người ta nghe tiếng gào đau đớn của ông chồng, nghĩ là đau mất vợ nên chẳng ai quan tâm. Nửa đêm canh ba, ai còn muốn sang cái nhà vừa có người chết!

Ấy vậy mà sáng hôm sau, khi mấy người hàng xóm nhòm vào cánh cổng khép hờ, họ thấy lão nằm vật giữa sân bèn mở cổng xông vào. Lão đã chết cứng từ lúc nào chẳng hay, bên cạnh là Đào nằm ôm chặt lấy xác của lão, vẻ mặt khiếp sợ. Lúc ấy nó mới mười tư.

Rồi người ta kháo nhau rằng ông chồng giết vợ nên bà ấy về trả thù, đứa con gái nuôi ngày thường hiếu thảo nên không bị đem đi, chỉ bị doạ sợ mất mấy hôm vì ngày trước không ngăn lão giết má nuôi. Đào im lặng thay cho sự thừa nhận.

Rồi sau đó, một mình nó sống trong cái nhà to rộng của ba má nuôi, ngày qua ngày cứ thế trôi qua.

___

Còn nay nó đã đôi tám(*). Nó đẹp lắm, làng trên xóm dưới không ai đẹp bằng Đào. Và cũng như cái tên, nó mang một vẻ đẹp ngọt ngào, thơ ngây: đôi mắt tròn ướt nước như giọt sương đêm còn đọng lại trên cánh hoa sen buổi sớm, suối tóc đen nhánh bồng bềnh tựa mây cùng đôi môi hồng nho nhỏ. Và cái nét thơ ngây ấy lại càng thêm trong trẻo trong chiếc áo bà ba trắng hay hồng mà nó thường vận. Ở đuôi mắt nó, mỗi khi cười lại ánh lên nốt ruồi đón lệ, cố ý hay vô tình hớp hồn người ta.

Trong ấn tượng của dân làng Lý, nó chưa từng thoáng qua một cái nhăn mày hay một câu trách cứ, gặp ai cũng cười, gặp ai cũng giúp đỡ, chẳng có một chút nào là kiêu kì xa cách như những cô con nhà địa chủ giàu có, huống hồ Đào còn có cả một cơ ngơi.

Nhưng cái đẹp trong cái xã hội nhơ nhuốc này là một tội ác. Mấy ả đàn bà có chồng thường lườm nguýt Đào vì thấy mấy lão đàn ông trong làng hay ve vãn tán tỉnh nó. Rồi chẳng biết đâu đó, người ta đồn nhau rằng làng Lý có ả Đào lẳng lơ, chưa chồng mà gặp ai cũng tiếp, gặp ai cũng liếc mắt đưa tình. 

Ấy là mới chỉ làng ngoài đã thế, trong làng, Đào phải chịu đủ lời chửi rủa, miệt thị, nó cũng chẳng than lấy một câu.

Rồi một ngày mưa, người ta thấy nhà hội đồng kéo người đến trước cửa nhà Đào, nói là muốn đón Đào về làm bà năm nhà đó. 

Ông hội đồng họ Nguyễn, người ta quên tên lão từ lâu vì cũng chẳng ai dám gọi thẳng tên lão. Lão đã ngoài năm mươi, sắp đi xuống cái hố ngoài đồng mà hãy còn mê mấy cô thiếu nữ mơn mởn. Lão có bốn bà vợ, bà nào cũng đẹp, bà cả cũng đã bốn ba, bà tư thì mới hai mươi. Dưới gối lão chỉ bốn đứa con, trong đó cô cả Lệ Duyên đã hăm sáu. Lệ Duyên không lấy chồng, không ai chịu được cái miệng độc của cô dù rằng cô rất đẹp. Nhưng chính cô cũng không muốn lấy chồng, cô muốn ngồi lên cái ghế hội đồng ấy. Thực ra ông hội đồng cũng mong mấy đứa con mình đủ sức để kế thừa cái ghế đang chuẩn bị mất vào nhà lão Thược, một địa chủ khét tiếng. Ấy thế mà mấy chục năm lão chẳng được toại nguyện, một ông thầy bói bảo lão rằng số lão đáng ra còn không có nổi một mụn con, may mà phong thủy cái nhà này tốt mới có mấy đứa ấy, mà chẳng đứa nào có duyên với cái chức trách này cả đâu. Ông thầy nói tìm một cô gái mười sáu chưa chồng cưới về làm vợ thì mới mong có một đứa con trai tài giỏi, giữ lấy cho dòng họ nhà lão cái ghế này. 

Đương nhiên là lão tin. 

Và lão hội đồng tìm đến Đào.

Lúc này đây, bị Đào cự tuyệt ngoài cửa, lửa giận trong lão bốc lên ngùn ngụt. Chưa một lần trong đời lão nhục nhã như vậy, lão sai mấy tên người ở canh ở ngoài còn mình thì xông vào trong. 

Đêm ấy người ta nghe tiếng Đào khóc la cầu cứu nhưng tuyệt không một ai cứu nó. Mấy ông chồng thì ngại vợ không dám hó hé gì, mấy bà vợ thì hả hê, cái con ả quyến rũ chồng các bà từ nay thì hết dám làm gì nhé! 

Sau hôm ấy, Đào thành bà năm nhà hội đồng, rồi sau chín tháng, nó sanh một thằng cu bụ bẫm trắng trẻo. Nó giờ đây đã chấp nhận số phận.

Nhưng có thật vậy chăng?...

Một đêm nọ, nó mở hé cửa phòng, rón rén chạy ra bờ giậu chỗ có cái cây lớn sau nhà, ở đó có một người đàn ông đang đứng. 

Người đàn ông này là Đục, tên ở cho nhà hội đồng mấy năm nay. Hắn cao to, mặt mũi sáng sủa, rất được trọng dụng.

"Anh gọi tôi ra đây làm gì?"

"Bà năm nhà hội đồng... Chà chà, bà năm cao quý đây định phủi sạch quan hệ với tôi đấy à? Không có tôi rỉ tai ông hội đồng thì liệu lão có đón bà đây về ăn sung mặc sướng không? Chính bà nhờ tôi cơ mà."

"Tôi trả công cho anh rồi. Đừng có tìm tôi thêm lần nào nữa, giờ tôi phải về với con tôi!"

"Cái thằng bé kháu khỉnh nhỉ, để tôi cho bà hay, bà không theo ý tôi thì thằng con bà chết! Rút của nhà lão xong thì tôi được một nửa, bà một nửa, sau đấy thì chả ai liên quan đến ai nữa hết!"

Đào bỗng đổ mồ hôi, ướt lạnh cả sống lưng. Nếu không có đứa con, nó sẽ dựa vào ai trong cái nhà này?

Lão hội đồng ham gái trẻ, lão có tới bốn bà vợ, trước đều là hoa khôi làng. Bà cả sanh cô cả với cậu hai, bà hai sanh được cậu ba, bà ba có cô tư, còn bà tư mới hai mươi lại chưa được mụn con nào. Cái chức hội đồng này rồi sẽ bị chia vào tay ba đứa con trai của lão, nhưng cậu út, tức con trai Đào, còn nhỏ quá, lão kia chắc chẳng chờ được đến lúc thằng cu lớn. 

Đương nhiên là Đào đã dọn đường cho con trai nó. Cô tư đã đi lấy chồng chẳng còn quan hệ gì với cái nhà này nữa, dù cô có một đứa con trai thì cũng chẳng ngáng được một bước đường của cậu út. Mà kể cả có làm gì được ấy à, bà ba mẹ ruột của cô tư cũng chết từ lâu, chết vì khó sinh. Không có ai trong nhà giúp đỡ, cô tư với con trai cô về đây khác nào đâm đầu vào địa ngục đâu. Cậu hai thì gần đây đổ bệnh liệt giường, chắc chẳng được bao lâu nữa mà đi, đấy là một tay nó sắp đặt, rồi nó thuê tên Đục đổi hết thuốc của cậu hai thành cái thứ thuốc càng uống càng hỏng nó mua được từ tay lão thầy thuốc làng bên. Còn cậu ba thư sinh đã bị cha đẻ bán cho tên phó công sứ Pháp từ mấy năm trước. Nghe bảo lão bán cậu ba để lấy đồn điền cao su, chứ chính lão cũng chẳng biết vào tay tên phó công sứ con trai mình sẽ ra sao...

Cô cả Lệ Duyên... một thân đàn bà đã hăm sáu mà vẫn cứ không chồng chẳng con, nó bỏ qua một bên. Nhưng mà ả ghét nó lắm, có khi sẽ ngáng đường nó... 

Nhưng thây kệ! 

Lúc này đây nó phải giữ cho con trai mình sống trước. Như vậy tức là, tên đàn ông trước mắt nó lúc này đây, phải chết! 

Đúng thế, nó chẳng đơn thuần như cái vẻ mà nó trưng ra cho người ta xem, nó thủ đoạn, tàn nhẫn với chính bản thân mình vì quyền lực và của cải, nó không muốn giống bà mẹ nuôi cả đời sống hèn mọn dựa vào lão chồng tệ bạc. Chính tay lão đã giết vợ chỉ vì bà cãi lão một câu. Và rồi nó giết lão ấy. Nó thừa lúc lão không để ý mà bỏ thuốc vào rượu, nhìn lão tự tưởng tượng ra hồn vợ mình hiện về mà la hét ầm ĩ. Một lúc sau nó mới vơ đống quần áo bịt mũi miệng gã, nhìn gã mất sức dần, rồi chết.

Còn bây giờ, nó nhìn người đàn ông trước mặt, gã đã làm bậc thang cho nó leo lên đến vị trí như bây giờ, về sau gã sẽ chỉ còn là một tảng đá thô kệch kéo chân nó mà thôi. Trong đêm tối, nó đăm chiêu suy nghĩ, ánh mắt nó sáng lên khi thấy một bóng người hầu trong nhà đi cầu đêm. 

Chỉ thấy nó bất chợt lượm viên gạch dưới đất, nhân lúc gã đàn ông không để ý mà nện thật mạnh vào gáy gã rồi hét lên: "Có ai không? Có trộm! Có trộm!"

Người nó nhỏ mà giọng to ghê gớm, giữa đêm mà cả nhà bị nó khua dậy. Người hầu ban nãy chạy vội tới, đè gã đàn ông xuống. Lúc này ông hội đồng được bà cả, bà hai đỡ ra, theo sau là cô cả Lệ Duyên và bà tư với đám người hầu trong nhà.