bởi Rosie

31
8
2601 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1


Ở làng Ngọc Đô, người ta đồn đại rằng bà Nga là một bà lão kỳ dị. Bà bị ngơ ngẩn do một lần bị sét đánh, vì thế không thể đọc và viết, mọi người đều xa lánh bà. Hẳn rồi, đối với một bà lão không có chút giá trị nào, làm sao người ta có thể quan tâm nhiều đến bà được. Vì bị ngơ ngẩn nên bà cũng không lập gia đình và không có con cái. Những người trong làng đôi khi tỏ vẻ thương hại bà nhưng rồi cuộc sống bộn bề lo toan khiến dáng vẻ lặng lẽ của bà dần dần bị chìm vào quên lãng. Đó là một bà lão đáng thương và vô hại, nhưng hầu như không ai nói chuyện với bà. 

Rồi một ngày, người dân trong làng đồn đại với nhau rằng bà đã hoá điên. Khi họ thấy bà đôi khi cười nói với những con vật xung quanh như thể những người bạn. 

......

Hai con mèo một vàng một xám chúng đã đói meo và muốn đi tìm chút đồ ăn, mục tiêu đang nhắm đến là nồi cá kho thơm phức trong căn nhà này. Chúng ngó nghiêng vào ngôi nhà lụp xụp được bao quanh bởi um tùm cây cối. Đó là một căn nhà có bức tường màu vàng đã phai đi theo năm tháng thời gian, trở thành một thứ màu nhợt nhạt tựa màu mỡ gà, chiếc cửa gỗ màu xanh lá cây cũng đã bạc phếch. Mái ngói màu nâu phủ đầy rêu phong, những viên ngói cũng không được toàn vẹn, biến mất cứ như thể một thanh sô cô la bị một gã khổng lồ nào đó gặm nham nhở phần viền, lộ ra những nan tre khẳng khiu trơ trọi chìa ra. Căn nhà đã cũ nát đến mức trông rất giống một căn nhà hoang. Thế nhưng nền nhà vẫn sạch bóng không một vết bụi, cả đồ đạc trong nhà tuy chỉ có một bộ trường kỷ, một chiếc giường đơn bằng gỗ nhưng được sắp xếp lại ngăn nắp, căn bếp cũng sạch sẽ. Đó là những dấu hiệu khiến người ta có thể biết được căn nhà này có người ở.


“Không được đâu…”, bà Nga hướng về phía mèo vàng và mèo xám cất lời, vừa nấu ăn xong nên bà muốn nghỉ ngơi một chút. “Cá đó là để bà Nga này ăn cả tuần, hai mèo mau tránh ra đi nhé.”

Hai con mèo nhìn quanh quất, một lúc sau, mèo vàng cất tiếng hỏi, “bà hiểu chúng tôi nói à?”

“Ừ thì, lúc hiểu lúc không. Có mấy con mèo lông dài lê thê ấy, ta chẳng hiểu nổi chúng nó nói gì, nhưng với hai nhóc thì hiểu.”

Mèo xám reo lên, “bà thật là giỏi… ta chưa từng gặp ai hiểu tiếng mèo như bà.”

Bà Nga mỉm cười, những nếp nhăn trên đôi mắt xô lại với nhau tạo thành vết chân chim đậm rõ. 

“Nhóc con là con vật đầu tiên khen ta giỏi đấy. Mọi người thì cứ bảo là ta bị… đần độn, vì ta không biết đọc cũng chẳng biết viết, trí nhớ cũng kém lắm, đi loanh quanh trong khu này thì được, chứ đi xa là lại bị lạc.”


Mèo xám ngập ngừng nói: “Chả giấu gì bà, ta không biết đọc cũng chẳng biết viết. Nhưng ta nghĩ mình có trí khôn ở mức trung bình, không giỏi không dở.”


Bà Nga nhìn mèo xám rồi nói:

 “Không sao. Mèo thì không cần, nhưng con người ấy mà, ai không biết đọc biết viết sẽ bị gọi là đần. Trước đây bà Nga này học rất giỏi, giỏi nhất trường luôn, cha của ta là thầy hiệu trưởng mà. Rồi một ngày đang đi trên đường, ta bị sét đánh, từ đó chẳng thể nhớ được, cũng chẳng học thêm được gì.”

Bà Nga ngẫm nghĩ một chút rồi lại nói:

“Hai nhóc chưa ăn gì hả? Thôi được rồi, vậy ăn cùng ta nhé, chia cho hai nhóc bay hai con cá cũng chẳng vấn đề gì, bà Nga này già rồi, ăn ít lại một chút cũng được.”

Một tô cơm trộn cá được mang ra, mèo vàng và mèo xám nhảy xổ vào ăn, tiếng nhai rau ráu. 

Bà Nga mỉm cười nhìn chúng, từ khi trở nên ngơ ngẩn, không ai muốn nói chuyện với bà nữa. Những gì bà học được từ thế giới này hầu hết đến từ các con vật.

Buổi sáng, các chú chim sẽ đến kể về các câu chuyện từ phương xa, mèo thì hay kể những câu chuyện mà chúng thấy trong xóm, còn chó thì hay đến cười đùa với bà. Từ khi có thể nói chuyện với động vật, cuộc sống của bà chưa bao giờ nhàm chán cho dù sống một mình.

Ăn uống no nê, hai con mèo ngáp đến sái cả quai hàm. Mèo Vàng nhàn nhã hỏi bà Nga: “Bọn ta ngủ ở đây được chứ, chiều nay sẽ có mưa, nếu ngủ bên ngoài sẽ bị ướt hết.”

“Hai nhóc cứ việc. Bà Nga này ở một mình nhiều khi cũng buồn.”


Khi bà Nga và hai con mèo đang thiu thiu ngủ trưa, bỗng nghe thấy tiếng ồn ào trong thôn, có cả tiếng la hét đánh đấm, mèo Vàng nói trong cơn mê ngủ:

“Lại là chúng…”

Bà Nga cũng trả lời đáp lại:

“Đó là đám thanh niên trong thôn, chúng cứ lao xao suốt vào buổi trưa.”

Mèo Vàng đáp lại:

“Lũ ác ôn đó lần trước còn muốn nắm đuôi ta. May mà ta chạy kịp.”

“Thế à, ta cứ tưởng chúng chỉ là đám thanh niên hay ồn ào…” Bà Nga trả lời mèo Vàng.

“Không đâu, lần trước chúng dìm nước ta đấy.”, mèo Xám ấm ức nhìn bà, kể lại như trẻ con mách với cha mẹ.

“Đến mức đó kia ư?” Bà Nga hỏi. “mèo bị dìm nước sẽ chết mà..”

Đang hỏi thăm hai con mèo về đám thanh niên, bà bỗng nghe một tiếng nức nở phía trước nhà. Bà Nga ngồi dậy, đi chậm rãi đến trước cửa, lưng của bà mấy ngày nay đau quá, mỗi khi ngồi dậy là lại thấy khó khăn, nhưng bà muốn kiểm tra xem ở phía trước có chuyện gì.



Dưới tán cây bàng trước nhà bà, một cậu thanh niên khoảng độ học sinh cấp ba đang ngồi co ro dưới gốc cây, cả người đầy bùn đất lấm lem, trên tay có những vết xước chằng chịt. Bà Nga nhíu mày, tiến về phía cậu thanh niên đó, hỏi:

“Có chuyện gì thế?”

Cậu chàng lúc này nhìn lên giật mình, cậu cứ nghĩ khu này là một căn nhà bỏ hoang nên mới trốn đến đây, nhìn thấy một bà lão bước ra thì nhất thời hốt hoảng. Nhìn ánh mắt hoang mang của cậu, bà Nga tiến lại rồi nói:

“Tại sao cậu lại ngồi ở đây?” 

Chàng trai vẫn ôm những vết thương của mình, rồi rũ mắt xuống không đáp lời.

“Máu này...” Bà Nga tiếp tục nói, rồi tiến đến chạm vào khuôn mặt cậu ta. Cậu nghiêng mặt né tránh nhưng bị đụng trúng vết thương liền hít vào một hơi lạnh.

“Đau…” giọng cậu vang lên se sẽ.

“Bà Nga này xin lỗi cậu, cậu không sao chứ?”

Cậu chàng vẫn không đáp lại lời của bà. Bà Nga chậc lưỡi nói:

“Cậu không hiểu bà Nga này nói gì phải không? Có lẽ là ta nói chuyện khó hiểu quá đấy mà, có lẽ ta chỉ nói chuyện được với động vật. Lúc nói chuyện với mọi người trong thôn, họ cũng chỉ im lặng hoặc cười mà thôi. Sau đó lại đi mất.”

Rồi bà Nga nhìn cậu tiếp tục bảo:

“Ý của bà Nga này là tại sao cậu lại ngồi ở đây ấy mà. Nói thế nào nhỉ, từ của ta ít lắm, như bây giờ, cậu đang ngồi đúng không, dưới gốc cây, trước mặt ta, nhưng tại sao, chà, quả nhiên khó hiểu quá?”

Bà Nga vẫn kiên nhẫn giải thích cho cậu. Lúc này dưới mái tóc bù xù, gương mặt buồn bã của cậu từ từ ngước lên nhìn bà:

“Sao bà nói chuyện có vẻ kỳ lạ thế?” 

Bà Nga mỉm cười: 

“À, bà Nga ta đây chẳng sáng dạ gì, nên đôi khi mọi người không hiểu, nhưng ta chẳng biết làm thế nào cả, khi mọi người nói ta cũng đôi khi hiểu, nhiều lúc lại không hiểu…”

Cậu thở dài nhìn bà:

“Vì bà nói chuyện kỳ lạ quá đấy. Cháu chưa thấy người già nào lại xưng tên cả, bà tên là Nga đúng không, theo như cháu biết từ cách nói của bà, nhưng không cần phải nói ra, cứ xưng bà cháu là được rồi.”

Bà Nga lúc bấy giờ mới ồ lên:

“Ra thế, ra thế, mọi người bảo ta nói chuyện kỳ lạ, nhưng không biết lạ ở chỗ nào. Nhưng mà, ta hay xưng tên để đỡ quên đấy thôi. Đầu óc ta kém lắm, chẳng nhớ được mấy nữa. Nếu không xưng tên lên, nhỡ khi quên mất, mọi người hỏi thì biết làm thế nào. Mấy con mèo thế mà sướng, chúng nó chả cần tên, nhưng con người lại cần đến tên. Bà Nga ta chưa thấy ai lại quên tên mình cả. Ta đúng là trí óc kém thật, nhưng cũng không muốn quên tên mình.”

Cậu bây giờ vẫn tròn mắt lắng nghe bà nói.

Bà Nga tiếp tục thở dài:

“Quên tên sẽ khổ lắm. Khó mà được nhận tiền từ trưởng thôn. Gọi là trợ cấp ấy. Hẳn năm trăm nghìn một tháng, bây giờ khó mà kiếm đâu ra…”

Rồi bà nhìn cậu bé hỏi:

“Cậu tên gì thế?”

Cậu thanh niên ngập ngừng một chút rồi đáp:

“Cháu tên là Thành…”

Bà Nga mỉm cười nhìn cậu rồi nói:

“Thành, Thành, ta nhớ rồi..”

Bà Nga bất giác chậc chậc lưỡi, đoạn bảo:

“Cậu Thành này..”

“Sao ạ?”

“Để ta giúp cậu lau vết máu. Nếu không lũ đỉa sẽ bám vào. Lũ chúng nó khiến ta thấy sợ, nếu đã bám vào rồi thì cứ cắm chặt lấy. Khi lôi ra được rồi thì máu cứ tuôn không ngừng.”

Thành lúc này hốt hoảng la lên rồi chồm dậy:

“Ý bà là ở đây có đỉa?”

“Lâu lâu thôi, nào, đi vào đây.”

Bà Nga lấy một chiếc khăn sạch tỉ mỉ lau vết máu cho cậu chàng. Từ từ bình tĩnh lại, cậu mới nói với bà:

“Thực ra cháu thấy bà cũng không đến nỗi bất thường đâu ạ.”

“Ừ, ta chỉ không biết đọc không biết viết, ta biết mình chẳng sáng dạ gì cho cam, nhưng ta không bị điên. Cậu phải tin ta.”

“Vâng vâng, cháu tin bà mà.”


Thành nhìn quanh quất căn nhà lụp xụp của bà lão, tuy căn nhà cũng khá gọn gàng ngăn nắp nhưng vẫn không che giấu được sự xuống cấp nghiêm trọng. Mái nhà đã có những đoạn thủng lỗ chỗ, khiến ánh nắng gay gắt của buổi trưa xiên qua, tạo thành những chấm sáng tròn chiếu lên mặt sàn. Thành thở dài, đoạn hỏi bà:

“Bà ở một mình ư? Con cháu của bà đâu?”

“Ta không có con cháu. Từ năm lớp chín ta đã trở nên đần độn. Trước đó ta học rất giỏi, nhưng rồi bị sét đánh, thế nên đột nhiên quên mất cách đọc cách viết, học thế nào cũng không được. Cha ta cảm thấy xấu hổ nên cứ đánh ta suốt, đánh mấy năm trời, rồi ông cũng chán, mẹ ta thì cứ ôm lấy ta mà khóc. Ta chỉ cố gắng làm mọi thứ được sai bảo, nhưng tình hình vẫn không khá hơn. Ta có một đứa em trai, nó đang làm bộ trưởng bộ thong mại. Thằng nhóc sáng dạ lắm, là niềm tự hào của gia đình. Rồi mọi người đã coi như ta là người vô hình, không quan tâm nữa. Ta thấy rất khổ sở trong những ngày đó, mà rồi cũng qua. Cha mẹ ta đều đã mất cả rồi. Em trai thì đang ở thành phố X nhưng đã lâu ta chưa thấy mặt nó, hình như nó đang sống rất tốt.”


“Tội nghiệp bà quá…” Thành chép miệng nói.

Rồi cậu đứng lên đi loanh quanh trong nhà xem xét, liếc mắt qua căn bếp, chỉ thấy một nồi cá nục kho nghệ, một chiếc nồi cơm điện cũ nát, vài chén bát xếp trên kệ. Cậu quay lại hỏi bà,

“Bà đã ăn uống gì chưa?”

“Ta ăn rồi, một chén cơm và nửa con cá.”

“Bà ăn ít thế thôi ư?” Thành tròn mắt ngạc nhiên nhìn bà.

Bà lão vuốt nhẹ lên mái tóc đã hoa râm, đoạn nói:

“Đáng lẽ là một con cá. Mỗi lần đi chợ ta sẽ mua mười con cá, là hai mươi nghìn, mỗi ngày ăn một con. Nhưng lúc nãy Vàng và Xám đã ăn hai con rồi, thế nên phải bớt lại chút.”

Thành nhìn bà trân trân, rồi cậu nói giọng quả quyết:

“Bà ngồi đây chờ một chút đi, cháu sẽ quay lại ngay.”


Lát sau, cậu trở về với lỉnh kỉnh đồ đạc. Một bao gạo, vài chai dầu ăn, nước mắm, cùng một hộp gà nướng. Đặt phịch đống đồ xuống, cậu nói với bà:

“Ăn thôi bà ơi.”

Bà Nga mỉm cười nhìn cậu, trong mắt ánh lên niềm vui. Thành bất giác cảm thấy lòng mình ấm áp, bà lão này có gương mặt thật sự rất phúc hậu, gương mặt tuy đã già nua nhưng đôi mắt vẫn rất sáng như thể một chiếc gương. 

Bà Nga vui vẻ gặm thịt gà, sau đó nói với Thành:

“Cậu Thành này, bà Nga ta đây thích nhất là ăn thịt gà.”

“Vậy thì bà cứ ăn nhiều một chút.”

“Một tháng ta sẽ được ăn thịt gà một lần, ông trưởng thôn tốt lắm, hứa rằng tháng nào cũng dẫn ta đi.”

Thành thở dài nhìn bà:

“Hẳn rồi, ông ta nên cảm thấy có lỗi khi chỉ đưa cho bà năm trăm nghìn tiền trợ cấp, năm nay là năm bao nhiêu rồi, từng nấy tiền làm sao mà sống?”

Bà Nga cũng không nói gì, chỉ cắm cúi ăn ngon lành.

Thành nhìn bà ăn thịt gà, đoạn mỉm cười rồi nói:

“Thật may là sức khoẻ của bà vẫn tốt, nếu không thì biết làm thế nào.”

“Chẳng giấu gì cậu, bà Nga này sức khoẻ rất tốt, từ bé đến giờ ta chưa bị bệnh lần nào cả.”

“Vâng, phải như vậy thì cháu mới yên tâm được.” Thành lấy tay vò mái tóc của mình.

Ăn xong, bà Nga lấy tiền trong túi dúi vào tay Thành. Cậu chàng lắc đầu quầy quậy từ chối:

“Thôi bà ơi, cái này là cháu trả ơn bà đã giúp cháu lau vết thương.”

“Sao lại thế được? Cậu cầm lấy đi.”

“Không bà ơi, cháu là nam nhi cơ mà, ai lại đi lấy tiền của một bà lão, bà cứ nhận đi nếu không cháu sẽ rất áy náy.”

“Vậy bà Nga này cảm ơn cậu nhé. Cậu Thành thật tốt bụng.”