bởi bongbongca

6
0
3395 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1.


Miền Tây, An Giang năm 1940. 

Một buổi chiều buồn đang dần buông xuống, kéo theo vài tia nắng vàng vọt soi rọi từng mái nhà tranh vách đất xập xệ của vùng châu thổ An Giang.

Có một cô gái đứng ké né gần bến sông, đưa lưng về phía mặt trời, không thể trông rõ hình dáng, chỉ nhìn thấy mái bóng dài rối tung của cô khẽ bay trong gió. Cô nàng mặc một kiểu áo sơ mi tân thời mà chỉ mấy đứa con trai nhà giàu có hay mặc, nhưng màu sắc có vẻ hơi sặc sỡ trông không được hợp mắt cho lắm. Chiếc quần màu xanh nước biển bó sát ôm lấy đôi chân gầy thon dài, dưới chân mang một đôi giày vải kiểu dáng độc đáo chưa ai thấy bao giờ.

Hiểu Vân giờ phút này vẫn đưa mắt nhìn về bến sông nơi mà chỉ cách đây mấy ngày trước cô vẫn còn háo hức thúc giục con bạn thân chạy ghe máy chở cô tới vườn trái cây của nhà nó để tự tay mình thu hoạch những thứ quả ngon lành mà nghĩ tới thôi đã chảy nước miếng. Nào là chôm chôm, ổi, xoài, cóc, mận,.... cái nào cũng có, loại nào cô cũng thích. Vậy mà đùng một cái, đã không được ăn trái cây thì thôi lại còn bị cuốn vào dòng chảy thời gian mà trôi lạc về đây. Cũng là miền Tây nam bộ, cũng là mảnh đất quê hương Việt Nam yêu dấu vậy mà cô đã chẳng thể gặp mặt người thân, bạn bè của mình được nữa rồi.

Hiểu Vân có khổ mà không thể nói, trong lòng muốn rơi nước mắt vẫn phải ráng kìm lại. Cô không thể để bản thân gục ngã dễ dàng. Dù sao cô cũng là con nhà cách mạng đàng hoàng, không thể làm muối mặt con nhà "nòi" được. Nhưng nghĩ là một chuyện làm là chuyện khác. Càng lúc cô càng cảm thấy con đường quay về thế giới hiện tại là chuyện không thể nào. Rõ ràng cô không mơ được "xuyên không". Cô tự cảm thấy hài lòng về cuộc sống hiện tại. Tại sao ông trời không chọn ai khác lại chọn cô được hưởng cái "vinh dự" oái ăm này.

Đôi lúc Hiểu Vân còn tự huyễn hoặc bản thân mình rằng cái cảnh tượng vùng quê nghèo xơ xác với mấy nếp nhà con thưa thớt, cỏ cây rậm rịt hai bên đường đi mà bản thân đang tận mắt chứng kiến chỉ là một giấc mơ dài, mà chỉ cần tỉnh dậy cô sẽ được trả về thế giới hiện đại với ánh đèn Neon rực rỡ đầy sắc màu, những khu phố sầm uất đông nghịt người mà đã không dưới mười lần trên ngày cô thầm than sao mà ồn ào, xô bồ quá. Và hơn thế nữa là được gặp lại người bà yêu dấu đã nuôi cô từ nhỏ đến lớn. Nhưng đến tận giây phút này mặc cho cô có vạn lần không muốn thì cũng đành phải chấp nhận sự thật bản thân mình thật sự đã lạc trôi về những năm của thế kỉ trước, mà cụ thể hơn ở An Giang vào năm 1940.

Còn sự việc đã đưa cô phiêu dạt về đây, Hiểu Vân vẫn còn nhớ rõ lắm.

Cô tên Vân, họ tên đầy đủ là Trần Hiểu Vân, vốn là một nữ sinh viên năm cuối của một trường cao đẳng. Nói về bản thân cô cũng không có gì điểm gì đặc biệt đáng để kể ngoại trừ tuổi thơ có chút đáng buồn.

Cô có ba nhưng không sống cùng ông, người đã nuôi cô từ nhỏ đến lớn lại là bà ngoại. Người mẹ thân yêu của cô đã qua đời vì gặp biến chứng trong lúc sinh nở. Vợ mất đột ngột, bố Hiểu Vân - ông Minh lao đầu vào công việc để quên đi nỗi đau. Vì thế từ lúc cô còn đỏ hỏn đã gởi cô về cho bà ngoại nuôi.

Dưới bàn tay chăm sóc của bà cô như mầm cây non dại dù gặp chút giông gió buổi ban đầu vẫn mạnh mẽ thẳng bước trên con đường trưởng thành. Bà ngoại Vân năm nay đã ngoài bảy mươi. Tóc bà đã bạc gần hết rồi, làn da hơi đùn, mắt đã kém nhưng "trộm vía" bà vẫn còn khá khỏe mạnh. Chẳng thế mà dù đã già bà vẫn không chịu để cậu Út của Vân đón về thành phố chăm sóc. Cậu Út của Vân lập nghiệp ở Quy Nhơn, có mở một nhà hàng nhỏ ven biển ở đây. Kinh doanh cũng khá nên thường hay chu cấp thêm cho hai bà cháu của Vân. Cậu út nhiều lần ngỏ ý đón bà về ở cùng nhưng bà không chịu. Bà thường bảo bà ở đây quen người quen tiếng, đi xa bà không thấy không đặng. Hơn nữa dù sao bà đã ở đây đợi ông ngoại sau mấy chục năm kháng chiến. Chiến tranh qua đi, đất nước được giải phóng cũng là lúc ông trở về dù toàn thân đầy vết thương, một cánh tay trái cũng ra đi trong làn mưa bom bão đạn. Rồi cũng chính nơi đấy đã chứng kiến mẹ Vân và cậu Út ra đời. Thời gian nối tiếp nhau trôi qua, cả hai lại lớn lên, lấy chồng, lấy vợ, lập gia đình tự tạo ra cho mình một cảnh đời yên vui êm ấm.

Má Vân mất rồi, cậu Út ở xa, chỉ có Vân ở bên cạnh chăm sóc bà. Cô rất thương bà nên đã chọn thi vào sư phạm. Dự tính sau này học xong ra trường sẽ quay trở về quê nhà Bình Dương của cô làm một cô giáo ở trường làng. Thế là hai bà cháu vẫn được ở bên nhau. Lúc đó cô sẽ cũng bà cùng nhau canh giữ mái nhà thân thương đã gắn liền với biết bao kỷ niệm vui buồn của gia đình.

Từ khi còn nhỏ cô đã nghe bà kể về từng người thân đã qua đời của bà qua những bức hình úa vàng, hoen ố, nhuốm màu thời gian. Cô như được chứng kiến cuộc đời đầy chông gai nhưng vẫn giữ lời hẹn thủy chung của các chàng trai cô gái thế kỷ trước.

Nói không ngoa cuộc đời của bà chính là một cuốn tiểu thuyết sinh động về những biến động thời cuộc trong những năm tháng loạn lạc chiến tranh. Vì thế mà trước đây đến bây giờ, điều mà cô thích nhất vào mỗi đêm hè rảnh rỗi, là được nằm chung với bà trên cùng một chiếc võng. Theo từng nhịp đung đưa, đôi mắt lim dim cùng giọng bà đều đều kể chuyện mà từ từ chìm vào giấc ngủ. Những lúc nghe bà kể lại năm tháng loạn lạc khi đó, bà từ một cô tiểu thư bé nhỏ được chăm sóc nâng niu từ nhỏ phải lưu lạc đến cảnh đầu đường xó chợ, Vân đều rưng rưng nước mắt thương cảm thay cho số phận của bà.

Nghĩ tới bà ngoại, lòng cô đau như có ai cào ai xé. Bà cô già rồi lại chỉ sống một mình. Nếu không có cô, bà của cô sẽ ra sao. Nghĩ thế nên cô càng giận bản thân mình, chỉ tại cô ham vui nên mới xảy ra chuyện.

Hiểu Vân trước giờ rất ít khi đi xa, vì thế mà từ lúc cô sinh ra cho đến khi vào đại học cô chỉ được tính là đi xa được hai nơi. Một là ra Quy Nhơn để thăm cậu Út, hai là vào thành phố Hồ Chí Minh để nhập học.

Không ngờ lần đầu cô về miền Tây lại xảy ra chuyện.

Chuyện là tằn tiện lắm cô mới để dành được vài triệu bạc để đi một chuyến cùng mấy đứa bạn về An Giang chơi cho biết. Vậy mà xui xẻo thế nào chiếc ghe đang chở cả nhóm bị chìm, rủi cho cô không biết bơi mà mấy đứa đi cùng cũng chỉ có thằng Nam, con Huyền là dân miền Tây chính gốc. Ghe lật, sóng dồi, cả bọn sáu đứa cả trai lẫn gái ngã nhào xuống sông, luýnh quýnh lạng vạng không biết làm sao, nước xộc vào mồm, nước luồn vào mũi, chân tay quờ quạng đủ bốn phương tám hướng mà không sao cầm nắm được cái gì để nổi lên cho được.

Hiểu Vân nhìn thấy mấy đứa bạn lần lượt được người ta kéo lên một chiếc thuyền khác, riêng mình cô dần dần chìm sâu trong lòng sông lập lờ phù sa một màu đỏ gạch. Ý thức Hiểu Vân mất dần, vầng sáng cuối cùng cũng rời xa cô.

Và rồi Hiểu Vân thật sự thiếp đi, không còn biết gì nữa.

Chập chờn giữa những cơn mộng mị, một bóng hình mờ ảo đang sờ soạng, nắn bóp khắp người, bàn tay ai đó luồn vào nách Hiểu Vân vực cô ngồi dậy. Miệng bị ai bóp ra, đổ một thứ chất lỏng âm ấm, đắng ngắt trên đầu lưỡi đi vào bụng. Hiểu Vân dù quá yếu chưa mở mắt ra được cũng biết mình đang được người ta cứu chữa. Cô an tâm thiếp đi, trong lòng thầm hạ quyết tâm phải học bơi, cảm giác cận kề cái chết giữa bốn bề sông nước không một điểm tựa, cô không bao giờ muốn trải qua lần nữa.

Lúc Hiểu Vân tỉnh dậy đã thấy mình nằm trên một chiếc ghe nhỏ đang neo đậu gần bờ. Cô chau mày, nhìn ngó khung cảnh xung quanh, thầm thắc mắc:

"Không phải chứ, dù gì mình cũng từ cõi chết trở về bọn nó nghĩ sao không cho mình đi trạm xá hay ít nhất cũng phải cho mình nằm dưỡng bệnh trong nhà chứ."

Cái Mận đang lúi húi nhặt rau ở cuối thuyền, thấy thuyền chùng chình do Hiểu Vân bất ngờ ngồi dậy, nó quay lại ngó cô trân trân.

Hiểu Vân thấy một cô bé tầm mười lăm, mười sáu tuổi, mặt mũi đen xì, thân hình gầy nhôm ốm nhách, chỉ có hai tròng mắt đen lay láy một cách lạ kỳ. Thấy nó ngó mình thì cô ngó lại, miệng nở nụ cười sượng trân, Hiểu Vân lên tiếng hỏi:

"Em ơi, em có mấy mấy đứa bạn của chị không."

Thấy con bé ngơ ngác không trả lời, Hiểu Vân vội nói ngay:

"Em biết chị Huyền không, chị Huyền con ông Tám Lênh á, ngay cái xóm gì mờ tên Xóm Gà á em, em biết thì gọi bạn chị tới giùm chị với. Sao tụi nó cứu chị lên mà không đưa chị đi trạm xá, để chị dưới ghe chi vậy"

Con nhỏ cũng không thèm trả lời, nó quay mặt xuống cặm cụi nhặt rau như cũ làm Hiểu Vân chưng hửng. Đương lúc Hiểu Vân tính đứng lên đi tìm kiếm xung quanh thì ở trên bờ một người đàn bà trung niên đội cái nón lá cũ mèm, tay trái xách một chai mắm, tay phải cầm mấy con khô cá, nách còn cắp một cái bọc gì đen đen không rõ. Bà cô đấy thấy Hiểu Vân tỉnh dậy, mừng rỡ kêu to, giọng khỏe đến nỗi cảm tưởng cách mấy trăm mét chắc vẫn còn nghe thấy.

"Ủa tỉnh hồi hở, thấy sao rồi. Trong người khỏe hông con, còn mệt dữ hông."

Hiểu Vân nghe liên tục mấy câu hỏi vồn vã, chưa biết trả lời ra sao thì bà cô ấy đã nhảy phóc lên ghe.

Vừa tới gần dì Tư Liền - mãi sau này cô mới biết là người đã lượm được cô từ bến sông lên, đưa tay đặt lên trán cô, thấy cô hết sốt, dì ấy vui vẻ nói ngay:

"Hết sốt rồi đó nghen. Hôm bữa dì vớt con lên mà tưởng vớt được cái xác không, may hú vía con không sao. Mà con con cái nhà ai, sao tự dưng rớt xuống sông vậy."

Hiểu Vân bần thần, mạch não còn chưa sắp xếp được hết những gì người phụ nữ ấy vừa nói nên mới hỏi lại:

"Ủa dì không gặp mấy đứa bạn con hả, con với mấy đứa bạn đi chơi chỗ này rồi ghe nó lật, cái con chìm xuống sông, dì cứu con ở đâu mà không gặp tụi nó."

"Có đâu, dì cứu mỗi mình con lên thôi, có gặp ai đâu, mà đi hỏi xung quanh cũng không ai có người thân lật ghe, chìm xuống, tự tử gì hết trơn á, con là người lạ mới tới phải không."

Hiểu Vân liền gật đầu ngay, nói:

"Dạ, con theo học trên Sài Gòn mới ghé xuống đây chơi. Mà dì cho con mượn điện thoại con gọi về cho mấy đứa bạn con hay trước với ạ, kẻo tụi nó không thấy con lại lo."

Không ngờ bà cô ấy nhìn cô khó hiểu, nói một câu làm cô chết đứng:

"Điện thoại gì con, nào dì có biết điện thoại là cái gì đâu"

Hiểu Vân sững người, nói không nên lời. Cô đã đã lạc tới nơi lạc hậu gì thế này, ở thời hiện đại này mà nhà nào chả có cái điện thoại thông minh giắt theo bên người, có nghèo hơn nữa thì cũng kiếm được cái cục gạch, chứ đến nỗi gì mà điện thoại còn không biết là cái chi.

Bỗng một ý nghĩ đáng sợ xẹt qua trong đầu.

"Mình xuyên không rồi hả"

Lúc bấy giờ Hiểu Vân mới để ý thấy người cứu mình trước mặt và đứa bé gái mình mới gặp kia ăn mặc rất kỳ lạ, phải nói là vô cùng nghèo nàn. Mặc dù cô không khinh người nghèo nhưng nghèo cũng có dăm bảy loại. Cô tự tin cho rằng nước Việt Nam mình hiện tại tuy không tính là giàu có nhưng nghèo tới nỗi phải có người mặc áo vá chằng, vá đụp như này thì đây là lần đầu tiên cô nhìn thấy.

Những nghi hoặc chưa được giải tỏa làm Hiểu Vân bứt rứt hổng yên, bèn đánh liều hỏi:

"Dì có biết năm này là năm nào hông."

"Năm 1940 chớ chi, mùng mười tháng sáu. Mà chớ chi con lại hỏi vậy"

Hiểu Vân không trả lời, mấy con số 1940 không ngừng nhảy múa trong đầu, cô quay cuồng, trời đất như đảo lộn. Hiểu Vân là một đứa giàu trí tưởng tượng nhưng cũng chẳng thể nào chấp nhận nổi việc mình từ một người ở thế kỉ hai mươi mốt lại bị ông trời ném về những năm của thế kỉ trước. Một thân trắng tay, lại không có người thân cô biết làm gì để sống bây giờ.

Dì Tư Liền thấy cô ỉu xìu, mặt mày tái ngắt, còn tưởng cô còn chưa khỏe, lay lay tay cô:

"Này con, mệt hay sao mà mặt mày tái mét thế kia"

"Dạ, con chỉ hơi mệt xíu thôi à cô". Hiểu Vân cười gượng đáp. Có trời mới biết trong lòng cô rối trí, khổ não đến cỡ nào. Cô tự nhận mình không có gì đặc biệt, cũng không tài giỏi như những nhân vật chính trong truyện xuyên không, nếu là ở thời hiện tại, bản thân có thể không nổi bật nhưng cô vẫn tự tin mình có thể sống tốt. Còn nơi này, tư tưởng hoàn cảnh xã hội khác một trời một vực so vời thời của cô, làm sao mà sống cho nổi.

Mặc dù Hiểu Vân rối trí lắm mà ở ngoài mặt cô ráng làm bộ thản nhiên, chỉ là vẻ mặt cô vẫn có chút rầu rĩ không vui. Dì Tư Liền thấy cô buồn nên cứ gặng hỏi mãi làm Hiểu Vân chỉ có thể nói bản thân mệt quá cần nằm nghỉ, dì Tư Liền mới chịu thôi chui qua bên kia ghe nấu ăn chung với đứa bé gái.

Nghỉ ngơi chừng dăm bữa, Hiểu Vân đã thấy trong người khỏe hơn nhiều. Cô không thể nào mặt dày ăn ở chực mãi trong ghe người ta được nữa đành kiếm cớ lên bờ tìm người thân. Dì Tư Liền tính tình hiền lành chân chất, song dì vốn là dân thương hồ, lênh đênh trên sống nước nên không muốn níu giữ. Chỉ dặn dò Hiểu Vân có chuyện gì khó khăn cứ tới tìm dì, dì còn cắm ghe trên cái bến sông này thêm dăm bữa nữa, chưa đi được.

Hiểu Vân gật đầu, nhìn dì Tư với lòng biết ơn tha thiết. Mới ở đây mấy ngày, cô đã phần nào cảm nhận được sự nhân hậu, phóng khoáng và tấm lòng hiếu khách của người dân miền Tây, thực sự cảm thấy rất thân thuộc. Nếu như không phải cô còn phải tìm cách trở về thời hiện đại, cô còn muốn ở đây dạo chơi thêm một thời gian nữa. Dù sao cơ hội xuyên không miễn phí thế này cũng không phải ai cũng có thể có được.

Lúc cô rời khỏi ghe của dì Tư trong lòng vẫn còn rất tự tin, bản thân vì rơi xuống nước mà trôi dạt về đây, bây giờ chỉ cần nhảy xuống sông một lần nữa không phải là có thể quay trở về lại được rồi sao. Mặc dù nghe có vẻ hơi khó tin nhưng việc cô xuyên không cũng chẳng phải cũng là chuyện không thể tin nổi đấy sao.

Nghĩ là nghĩ như vậy, nhưng khi nhìn xuống dòng sông sâu hoắm, cảm giác khó thở của mấy hôm trước quay trở lại làm cho cô có chút muốn chùn bước. Hiểu Vân tự trấn an bản thân:

" Mình đã xuyên trở về quá khứ được, thì quay trở lại tương lai cũng không phải là chuyện không thể nào. Cố lên đi, bản thân mày có thể làm được mà."

Hiểu Vân hít một hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh, cô từng bước, từng bước đi xuống dòng sông, cảm giác trơn trượt vì lớp bùn nhão dưới chân khiến cô mấy lần suýt té. Làn nước mát lạnh bao quanh lấy thân thể của cô. Vì đang là buổi chiều, nước sông đã bắt đầu trở nên lạnh lẽo, cơ thể Hiểu Vân lại vừa mới ốm dậy, thành thử nước vừa mới tới nửa người đã cảm thấy rét run cả người. Thật không biết cô đã làm ra tội ác gì mà ông trời lại hành hạ cô như vậy.

Đi ra thêm một đoạn nữa, nước đã lên tới cằm, cả người cô phập phù, trôi nổi giữa dòng nước. Hiểu Vân nhắm mắt lại, tay phải bóp chặt mũi, để cả người ngả ra đằng sau. Dòng nước lập tức bao quanh lấy cô, cảm giác khó thở lại cũng lập tức xuất hiện. Một phút, hai phút, lại ba phút nữa trôi qua, cảm giác khó thở càng lúc càng tăng, khuôn mặt Hiểu Hiểu Vân bắt đầu tím tái, hai chân cũng bắt đầu quẫy đạp muốn đứng dậy. Cô bỏ cuộc, quay trở lại tương lai bằng cách này không ổn rồi, chỉ sợ cái mạng của cô còn khó mà giữ nói gì đến việc trở về.

Nhưng đến lúc này cô mới nhận ra mình đã cách qua xa bờ, hiện tại không có cách nào quay trở lại lại, cảm giác cận kề cái chết lại một lần nữa làm cô hoảng sợ, tay chân quẫy đạp loạn xa chỉ hy vọng có thể túm được cái gì đó để nổi lên.

Quả nhiên là không tự tìm chết thì sẽ không chết, Hiểu Vân hối hận đến tím ruột bầm gan, cô đã uống mấy ngụm nước to đầu óc cũng dần trở nên mơ hồ, và rồi lại một lần nữa mất đi ý thức.