bởi Mạch Nha

5
1
3367 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1


Mùng bốn tháng năm, thời tiết dường như oi bức hơn bình thường.

Sáng sớm trời vừa đổ một trận mưa rào, những vũng nước còn đọng lại trên mặt đất, soi bóng cả một khoảng trời xanh thẫm. Những khóm hoa trong ngự hoa viên đều nở rộ hết, đua nhau khoe sắc dưới ánh nắng nhàn nhạt. Cây phượng gần như đã chuyển sang một màu đỏ rực. Hàng liễu xanh mướt rủ xuống bên hồ sen, thấp thoáng bóng dáng những chú chim nhỏ bé đang nhảy nhót. Tiếng ve kêu râm ran cả một góc, khiến những cung nữ đang vội vàng chuẩn bị đồ cho Tết Đoan Ngọ cũng phải lầm bầm kêu than: “Ôi ôi, ồn ào quá đi thôi!”

Lễ tết trong cung lúc nào cũng rườm rà rắc rối. Vừa phải làm hài lòng vị chủ nhân này, lại không được làm mất lòng vị chủ nhân kia. Mà trong cung thì có bao nhiêu “chủ nhân”, mỗi người một khẩu vị, mỗi người một ý thích, chỉ mỗi việc cố gắng làm họ không nổi giận thôi cũng đã vô cùng tốn sức. Vậy nên dù mai mới là Tết Đoan Ngọ, mà hôm nay đã bận rộn đến mức chân không chạm đất rồi, còn đâu thời gian thưởng thức cảnh đẹp, nghe tiếng chim hót. Những việc đó chắc chỉ có đám văn sĩ, ngày ngày rảnh rỗi, ngẩn người đọc sách ngâm thơ mới làm mà thôi.

Đương lúc bận rộn đến thế, ấy vậy mà còn bị người phá rối, thì quả thật là hận đến mức nghiến răng nghiến lợi. Thùng gạo nếp ngâm từ tối qua đến giờ, hạt gạo đã nở vừa đủ độ, chỉ còn chờ chế biến. Hài lòng gật gật đầu, vừa ra ngoài bắc nồi nước, đến khi quay vào, đã thấy gạo tung tóe khắp nền đất, gom mãi gom mãi cũng chỉ được non thùng. Đống bột làm bánh mới nhào xong, chẳng rõ từ khi nào đã không cánh mà bay. Vị tổng quản già đứng nhìn cả đống hỗn loạn, đau đầu bóp trán thở dài, chỉ có thể phẩy tay nói: “Thôi, làm lại đi.”

Mọi người đều náo loạn, náo đến tận Phù Dung cung.

Phù Dung cung, tên cũng như cảnh, chỉ có thuần một loài phù dung, không có bất kỳ một loại hoa nào khác. Những ai đến đây vào buổi sáng, chỉ thấy một vẻ trắng muốt như bạch ngọc, tựa như đang lạc vào cõi tiên cảnh. Người tới vào buổi chiều lại khinh khỉnh cãi lại, Phù Dung cung bị bao phủ bởi một màu đỏ, rực rỡ, diễm lệ mà ma mị, tựa như vị chủ nhân của nó. Người ở nơi đó chỉ cười, nói: “Vậy sao không tới vào ban đêm? Thuần khiết hay kiều diễm gì, cũng đều tàn úa hết rồi.”

Thủy viện nho nhỏ, nằm bên cạnh hồ nước cũng bé xíu. Mặt hồ trong vắt nhưng trống trơn, đến bóng một chiếc lá sen cũng không có. Thỉnh thoảng có một con cá nhỏ lao lên rồi lặn xuống, để lại những vòng tròn lan rộng giữa hồ rồi từ từ trở về vẻ tĩnh lặng vốn có.

Trên chiếc bàn đá bày một đĩa hoa quả, hai cốc trà lạnh. Tiểu nam hài đứng bên cạnh, ngước khuôn mặt nho nhỏ đầy vẻ vô tội nhìn vị quý phụ trên ghế. Nàng chỉ mới hơn hai mươi, khuôn mặt trái xoan trắng nõn, thắt lưng tinh tế ẩn hiện dưới bộ hồng y thướt tha. Mái tóc đen vấn cao, một vài lọn tóc để tự do lòa xòa phía trước, như vô tình, lại như hữu ý. Đôi mắt to trong suốt, lúc nào cũng như hàm chứa bao điều muốn nói, thỉnh thoảng hơi nheo lại, đuôi mắt cong cong, phong tình vạn chủng. Đôi môi mọng luôn điểm son đỏ thẫm, khóe môi ẩn hiện nét cười, tưởng như vướng bụi phong trần, lại dường như thanh tao thoát tục. Nghe nói, năm xưa nàng là đệ nhất kì nữ Ngọc Phù Dung của Tri Họa Lầu - Kinh thành đệ nhất lâu, chỉ bán nghệ không bán thân. Từng có vô số công tử đại nhân, vì một nụ cười của giai nhân mà khuynh gia bại sản. Trong một lần vô tình gặp gỡ Hoàng thượng, rồi lại vô tình hoài thai long chủng, cứ như thế mà tiến cung. Mặc dù xuất thân thấp kém, nhưng vì Tam hoàng tử Lý Diệp Phàm ra đời, nàng một bước thăng lên làm phi, trở thành chủ nhân của Phù Dung cung.

Nhấp một ngụm trà, khi đặt xuống, trên miệng cốc đã dính một lớp son mỏng. Nàng hơi nheo mắt nhìn tiểu nam hài trước mặt, giọng nói mềm mại trở nên nghiêm khắc:

“Diệp Phàm, con xem, con lại gây ra họa gì rồi?”

Nam hài cúi đầu không nói, nhìn vô cùng nhu thuận. Nhưng ở góc khuất không ai thấy lại bĩu môi le lưỡi. Làm gì có ai hiểu con bằng mẹ. Bàn tay vốn chỉ dùng gảy dây đàn, lại đập mạnh xuống mặt bàn:

“Lý Diệp Phàm!”

Lý Diệp Phàm vừa ngẩng đầu muốn giải thích, người ngồi phía bên kia đã nhẹ nhàng lên tiếng hòa giải:

“Tiểu hài tử hiếu động, Dung phi cũng không cần quá nghiêm khắc. Cũng chỉ là chút gạo chút bột thôi, bảo trù phòng làm lại là được.”

Dung phi trừng mắt nhìn Lý Diệp Phàm một cái, rồi mới thở dài:

“Đa tạ Hoàng thượng khai ân. Chỉ có điều, ba tuổi đủ biết tương lai, bây giờ không dạy nghiêm, sau này lớn lên làm sao chỉ bảo được.”

Hoàng thượng nghiêng đầu nhìn tiểu nam hài đang cười lấy lòng trước mặt, day trán đau đầu thở dài. Mỗi sáng còn chưa kịp lên thiết triều, đã hết người này đến người nọ chạy vào tố tội. Khi thì mấy con cá Ngọc phi nuôi bị Tam hoàng tử làm chết hết; lúc lại vườn cúc của Hiền phi bị Tam hoàng tử giẫm nát; Tam hoàng tử cho con mèo ở trù phòng ăn bánh bột nếp, hai khớp hàm dính chặt vào nhau, lăn lộn suốt một ngày trời;… Vậy nhưng cũng chẳng biết làm sao, chỉ có thể gọi đến, nhắc nhở vài câu mà thôi. Dù sao cũng chưa gây ra họa lớn gì, phạt nặng lại không đành lòng.

“Chi bằng, để nó đến Hồng thư quán học đi.”

Trầm ngâm một hồi, Hoàng thượng thốt ra lời vàng ý ngọc. Lý Diệp Phàm chớp chớp mắt. Hồng thư quán là nơi thế nào kia chứ? Chẳng phải đám vương tôn công tử đều tập trung hết ở đó sao? Chỉ cần tưởng tượng thôi cũng đã khiến khóe môi muốn nhếch lên rồi.

Dung phi nhíu mày:

“Nhưng nó mới có sáu tuổi…”

“Nhi tử của Hoàng Nguyên soái cũng mới sáu tuổi đấy thôi. Để nó ở đó, có tiên sinh trông chừng, sẽ bớt thời gian đi gây họa khắp nơi. Hơn nữa, đọc sách viết chữ, nhất định sẽ hiểu chuyện hơn.”

Hiểu chuyện hơn sao?

Dung phi nhìn khuôn mặt hớn hở của Lý Diệp Phàm, chỉ có thể ngẩng đầu thở dài. Thôi thôi, chuyện của Hồng thư quán, đành phải để họ tự lo vậy.

---

Từ ngự hoa viên đi dọc về phía đông, sẽ thấy một hành lang dài uốn khúc được bao quanh bởi những cành hoa trạng nguyên đỏ rực. Thả nhẹ bước chân, thong dong nhìn theo cánh bướm rập rờn, chẳng mấy chốc đã tới một đình viện nho nhỏ. Trong viện kê đầy những chiếc bàn thấp, trên mặt bàn nào cũng bày một bộ văn phòng tứ bảo. Ngước mắt nhìn bảng tên đỏ rực bên trên, lại ngẩn ngơ “a” lên một tiếng. Đây chẳng phải là Hồng thư quán đó sao?

Hồng thư quán năm xưa vốn là nơi học tập riêng của thái tử và các hoàng tử. Nhưng chẳng biết từ năm nào tháng nào, trong một lần hưng trí dâng trào, Hoàng Đế đã vung bút phê chuẩn cho công tử vương tôn của các đại thần trong triều nếu được hoàng đế cho phép cũng có thể theo học. Năm dài tháng rộng, những tiểu hài tử ngày nào vẫn còn bò ra bàn, nét chữ xiêu vẹo chép Tam tự kinh, chẳng mấy chốc đã trưởng thành. Người là minh quân muôn đời được tôn kính, kẻ làm tội đồ nghìn năm bị phỉ nhổ. Mặc kệ trở thành thế nào, ở Hồng thư quán vĩnh viễn cũng chỉ có một mùi mực giấy.

Thông thường, hài tử tám tuổi bắt đầu được đưa đi học chữ đối câu. Nhưng cũng có những người từ sáu, bảy tuổi đã phải ngày ngày bò ra bàn khuấy bút vào nghiên mực. Ở cái tuổi đó cũng có học được gì cao xa đâu. Quanh đi quẩn lại, cũng chỉ có mấy bài trong Tứ thư ngũ kinh mà thôi. Giống như hiện tại, mấy chiếc đầu nho nhỏ lắc qua lắc lại, giọng đọc non nớt vang vang quanh đình viện:

Thương Trọng Tử hề

Vô du ngã tường

Vô chiết ngã thụ tang.

Khỉ cảm ái chi?

Úy ngã chư hương

Trọng khả ái dã

Chư huynh chi ngôn

Diệc khả úy ngã.

Ấy vậy nhưng phải chăm chỉ mà học. Học cho đến khi ngủ mơ cũng có thể đọc lại một lượt từ bài đầu tiên đến bài cuối cùng. Khổng Tử đã dạy như thế, học theo nào có sai được.

“Nhưng tiên sinh, đọc không hiểu.”

Một giọng nói non nớt vang lên, cắt ngang lời giảng bài say sưa của tiên sinh. Lão tiên sinh vốn đã dạy qua hai đời hoàng đế, vậy mà bây giờ tự dưng có cảm giác râu cũng muốn dựng đứng lên rồi. Tất cả chẳng phải đều nhờ tiểu tổ tông này hay sao.

Nói đến cũng lạ, Hoàng thượng có tam thê tứ thiếp, vậy mà chỉ có ba hoàng tử. Đại hoàng tử Lý Kỳ Phong, vừa ra đời đã được sắc phong thái tử, mới mười hai tuổi nhưng lại thông minh hơn người, quả thật là thiên kiêu chi tử. Nhị hoàng tử Lý Nhược Hàn mười tuổi, thân thể từ nhỏ đã không tốt, quanh năm làm bạn với thuốc, nhưng rất ngoan ngoãn hữu lễ. Tam hoàng tử Lý Diệp Phàm… Dung phi từng nhìn ba đứa trẻ rồi thốt lên rằng: Nếu Diệp Phàm chỉ cần có một chút trầm ổn của Kỳ Phong, một chút hiểu chuyện của Nhược Hàn, như vậy thì nàng nằm mơ cũng có thể cười được rồi.

Nhưng làm gì có cái chữ “nếu” ấy. Lý Diệp Phàm bảy tuổi, vẫn làm cả hoàng cung gà bay chó sủa như trước, cũng làm lão tiên sinh cảm thấy, mỗi ngày lại như già thêm một tuổi, trái tim lúc nào cũng lơ lửng.Tiên sinh vuốt vuốt chòm râu dài, gật gù nói:

“Tam hoàng tử đọc nhiều hơn một chút thì sẽ thấy dễ hiểu thôi.”

“Dù sao cũng chỉ là triết lý, cũng chẳng đánh giặc được, lại càng chẳng làm ra đồ ăn, ngươi nói có đúng không Mộ Vân?”

Lý Diệp Phàm nằm bò ra mặt bàn, mặc kệ mực dây đầy trên trang giấy Tuyên Thành, vươn tay kéo kéo lọn tóc đen nhánh của người ngồi phía trước, dài giọng gọi: “Mộ Vân ơi… Mộ Vân à… Mộ Vân… Mộ Vân…”

Hoàng Mộ Vân giật tóc lại, quay đầu trừng tiểu quỷ kia một cái. Lý Diệp Phàm không để ý, chỉ cười ha hả, đẩy đẩy bàn nhích lên một chút, chăm chú đùa nghịch lọn tóc mềm mềm của người kia. Lão tiên sinh cũng lười quản, mắt nhắm mắt mở tiếp tục đọc Kinh thi.

Hoàng Mộ Vân là nhi tử duy nhất của Hoàng đại Nguyên soái. Nguyên soái Hoàng Từ năm xưa bỏ văn theo võ, một đời chinh chiến sa trường, tính tình cương trực lỗ mãng, xưa nay vốn coi thường đám văn nhân nhu nhược. Vậy nhưng mười chín năm trước, Hoàng Nguyên soái phải trơ mắt nhìn giai nhân mình thầm thương trộm nhớ lên kiệu hoa theo một tên thư sinh vô dụng chỉ vì một bài thơ tình, rồi lại ngậm đắng nuốt cay cưới về một nữ hán tử suốt ngày chỉ thích cầm gậy đánh phu quân. Hoàng Nguyên soái âm thầm rơi lệ, thề phải cho con mình văn võ song toàn. Nhi nữ tinh thông cầm kỳ thi họa; nhi tử một bụng văn chương, lại thêm võ nghệ cao cường. Chỉ tưởng tượng thôi mà đã cười không khép được miệng.

Vậy nhưng xưa nay chẳng có câu Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên đó sao?

Đại nữ nhi từ nhỏ đến lớn, chỉ có hứng thú với kinh thương. Cả kinh thành ai chẳng biết, Hoàng đại tiểu thư yêu tiền như mạng, năm mười lăm tuổi đã bắt đầu xây dựng hiệu buôn của riêng mình. Nữ nhân ngưỡng mộ nàng, ghen tị với nàng, nam nhân sợ hãi nàng, tôn kính nàng. Vậy nên đến nay đã mười tám tuổi mà vẫn chưa ai tới hỏi.

Hoàng nhị tiểu thư ôm giấc mộng nữ hiệp, mong ước lớn nhất là trở thành võ lâm minh chủ, yêu võ thành si, cả ngày chỉ ôm đao kiếm khổ luyện trong sân. Năm nàng mười ba tuổi, Hoàng Nguyên soái mua về một cây cổ cầm quý bắt nàng học, nàng không nói gì, một kiếm chém đàn làm đôi.

Nguyên soái Hoàng Từ từng dùng đủ mọi biện pháp, mềm mỏng có, cứng rắn có, bao nhiêu cái bàn trà trong nhà cũng đập hết cả rồi, vậy mà vẫn không thể hướng hai nữ nhi đi theo con đường “chính đạo”.

Mãi cho đến khi Hoàng Mộ Vân ra đời.

Nhớ mãi mối hận năm xưa, lần đầu tiên trong đời Hoàng đại Nguyên soái dám chống đối lại phu nhân, sống chết không cho nhi tử động đến đao thương. Năm Hoàng Mộ Vân sáu tuổi, vì phòng tránh tiểu nhi tử bị hai nữ nhi làm hư, Hoàng Từ lén lút cầu xin Hoàng thượng ban một đạo thánh chỉ để Hoàng Mộ Vân đến Hồng thư quán học. Kể từ đó, lúc nào cả người Hoàng tiểu công tử cũng vương đầy mùi giấy mực, khiến hai tỷ tỷ nhà mình hận đến nghiến răng, lại làm lão cha vui vẻ không thôi.

Nói tới mối nhân duyên giữa Lý Diệp Phàm và Hoàng Mộ Vân thì phải kể đến chuyện một năm trước. Khi ấy, Lý Diệp Phàm vừa tới Hồng thư quán, không chuyện tào lao vớ vẩn nào không làm: quấy rối tiên sinh, chọc phá đồng môn… Nhưng khi ấy tuổi vẫn còn nhỏ, trong khi các bạn đồng môn niên kỷ đều lớn hơn một chút, dù thế nào cũng phải có chút ít nể mặt. Vì thế, đối tượng nghịch ngợm của Lý Diệp Phàm chủ yếu là Hoàng Mộ Vân, người duy nhất bằng tuổi với hắn.

Lúc đầu vốn dĩ chỉ là nhàm chán nên bày trò trêu chọc một chút, nhiều lắm là vẽ lên giấy, đổ nước vào nghiên mực, giấu bút lông mà thôi. Hoàng Mộ Vân nho nhỏ vô cùng uất ức, lại chẳng thể làm gì được vị hoàng tử kia, chỉ có thể mím chặt môi, đôi mắt tròn xoe hồng hồng long lanh, nước mắt trào ra đến mi rồi lại bị cố nuốt trở lại, nhìn quả thật là vô cùng đáng thương. Lý Diệp Phàm nhìn một lần, hai lần,… rồi nhìn đến phát nghiện, đến mức mỗi ngày mà không thấy vẻ mặt đó thì bứt rứt khó chịu vô cùng. Vậy là bao nhiêu trò xấu đều bỏ hết, lão tiên sinh vô cùng hài lòng, chỉ có Hoàng Mộ Vân ấm ức nghẹn trong lòng.

Cho đến một ngày, lão tiên sinh ra bài tập chép chữ về nhà. Lý Diệp Phàm đùa dai, chẳng nhớ rõ đã giấu bài của Hoàng Mộ Vân ở đâu. Hoàng Mộ Vân ai oán giương mắt nhìn hắn, hai má bầu bĩnh trắng trắng mịn mịn, nhìn quả thật chỉ muốn nhào đến xoa xoa nắn nắn. Nhưng Lý Diệp Phàm chưa kịp thực hiện ý đồ, tiên sinh đã cầm theo chiếc roi dài đứng trước mặt Hoàng Mộ Vân rồi.

“Không chép đủ phạt đánh mười roi.”

Lão tiên sinh nghiêm khắc nói.

Vành mắt Hoàng Mộ Vân đỏ lên nhưng không lên tiếng, cũng không dám tố giác kẻ tội đồ bên cạnh. Lý Diệp Phàm nhìn chiếc roi vung lên cao rồi hạ xuống, tiếng gió vun vút bên tai, để lại một vệt đỏ dài trên lòng bàn tay mềm mềm của Hoàng Mộ Vân. Lý Diệp Phàm xưa nay ngang ngược thành tính, cậy được Hoàng thượng sủng ái, lại càng chẳng coi ai ra gì. Vậy nhưng ít nhất thì vẫn còn lại chút lương tâm. Nhìn bàn tay đỏ lên của Hoàng Mộ Vân, Lý Diệp Phàm đột nhiên lao đến:

“Tiên sinh, đừng đánh Mộ Vân. Hắn đã chép rồi, là học trò giấu đi. Để học trò chịu chín roi còn lại là được rồi.”

“Giấu bài của bạn phạt mười roi, sao có thể chỉ chín roi?”

Lý Diệp Phàm cắn cắn môi, nghĩ một chút, rồi quả quyết hất đầu:

“Mười roi thì mười roi!”

“Không biết giữ đồ của mình cũng phải phạt, Hoàng Mộ Vân vẫn phải chịu mười roi. Còn chín roi.”

“Khoan, khoan, chín roi còn lại của hắn cũng tính hết cho ta đi!” Hoàng Mộ Vân bé xíu xiu thế kia, làm sao mà chịu nổi tận mười roi chứ.

Vì vậy, ngày hôm ấy ở Hồng thư quán, chiếc roi mây của tiên sinh cứ giơ lên rồi lại hạ xuống. Hoàng Mộ Vân nhìn kẻ kia mím môi chịu đựng, tuyệt nhiên không kêu một tiếng nào. Y xoa xoa bàn tay hơi ran rát của mình, thầm nghĩ, mới có một roi đã thế này, mười chín roi thì đau đến mức nào chứ?

Chịu phạt xong, cả bàn tay đã sưng to như quả cà chua. Người kia nhe răng nhịn đau, xòe bàn tay ra, cười hì hì nói với Hoàng Mộ Vân:

“Ngươi xem, ta đối tốt với ngươi như vậy, sau này ngươi nhất định phải đối tốt với ta đấy!”

Hoàng Mộ Vân ngây thơ lương thiện, nhíu mày nhìn đống sưng vù đỏ rực ấy, gật gật đầu nói:

“Được!”

Thế rồi chẳng biết là ai đối tốt với ai, cứ như vậy trải qua một năm lại một năm, từ niên thiếu tới trưởng thành, tận đến khi tóc bạc da mồi, vẫn cảm thấy chỉ có người kia là tốt nhất.


[1] Tết Đoan Ngọ: Còn gọi là tết Đoan Dương hay tết diệt sâu bọ, diễn ra vào ngày mồng Năm tháng Năm Âm lịch.

[2] Hoa phù dung: Sớm nở tối tàn, sáng màu trắng, trưa màu hồng, chiều màu đỏ.

[3] Văn phòng tứ bảo: Một bộ gồm bút, nghiên, giấy, mực, là bốn vật quý của chốn làm văn.

[4] Tam tự kinh: Sách ba chữ, dùng cho học sinh mới đi học.

[5] Tứ thư ngũ kinh: Tứ thư và ngũ kinh hợp lại làm 9 bộ sách chủ yếu của Nho giáo.

[6] Bài “Thương Trọng Tử” trong kinh thi, thể hiện tâm trạng vừa yêu lại vừa sợ, vừa muốn gặp mặt người yêu, lại lo đủ thứ: cha mẹ rầy la, họ hàng quở trách, dư luận xì xào.

[7] Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên: Người tính sự nhưng trời cho thành.