Chương 1
Két…
Chiếc xe honda cà tàng của tôi mỗi lần bóp thắng là sẽ kêu lên một tiếng như vậy, cứ làm tôi lo lắng rằng một ngày nào đó đang băng băng trên đường và cần phải thắng gấp thì nó sẽ không ăn, tôi sẽ gây ra tai nạn, bị thương hoặc tệ hơn là mất mạng. Nhưng so với nỗi lo vô hình đó, tôi lại càng sợ mình phải về nhà vào những ngày phát lương hơn.
“Lấy con chục cái hột gà ta với bó cải thìa đi cô ba!”
Cô ba ngồi chong ngóc nãy giờ chờ ai đó mở hàng cho cô, mà mới thấy tôi ghé lại là sắc mặt tối đi vài phần.
“Năm sáu ngàn!”
Tôi móc tiền từ trong túi ra rồi đưa cho cô tờ một trăm ngàn mới toanh: “Nè!”
“Có tiền thì trả luôn nợ của mẹ mày đi, bả nợ tao có tám ngàn mà cả tháng chưa trả kìa!”
Tôi nghe vậy mà giật mình, vội hỏi lại cho chắc: “Ủa, mẹ con lại mua thiếu nữa hả?”
“Chứ không lẽ tao gạt bây?”
“Vậy thôi cô tính vào luôn để con trả!”
Cái chuyện mẹ Hương của tôi mua chịu người ta cũng chẳng lạ lẫm gì. Hễ có lương là tôi lại chạy một vòng cái chợ xã này để trả cho bà, có người hoan hỷ cũng có người hạch sách nhưng dù sao bà cũng thiếu mấy người thân quen như chỗ cô ba là em họ xa của bà nên người ta cũng chẳng nói gì.
“Không ấy bây đưa tiền nhiều nhiều cho bả đi chứ mắc công bây cứ phải chạy vòng vòng trả tiền chi cho mắc mệt vậy!”
Nghe vậy tôi chỉ cười hề hề rồi đề xe lên chạy đi, nấn ná lại lâu cũng chẳng biết nói gì cho người ta hiểu.
Tôi quẹo vào một cái đường bê tông nhỏ chằng chịt nhà cửa hai bên. Đám con nít thấy tôi thì la lên rồi chạy đi như thấy ông kẹ, còn người lớn thì bĩu môi. Tôi có thể đoán được đại đa số suy nghĩ của những người đó, họ có lẽ đang ghê sợ cái nghề của tôi, mê tín hơn thì có lẽ họ nghĩ tôi sẽ mang xui xẻo đến cho họ.
Căn nhà xập xệ bậc nhất cái xóm này là nhà của tôi. Mái tôn rỉ sét, rong rêu bám đầy tường, đến cả cái bản lề cửa cũng muốn lìa ra, trông chẳng khác cái nhà bỏ hoang vài năm.
Tôi bước vào, dường như sau gần chục năm gắn bó với nghề nhân viên nhà xác tôi đã rèn được cho mình một khả năng có thể cảm nhận được sự sống của con người một cách thật rõ ràng, dù cho cả căn nhà tối om và ngoài kia ồn ào đến đâu.
Tôi cất tiếng trước, tiện thể đặt trứng và rau lên bàn: “Nay không đi đánh bài à?”
Mẹ tôi là một con nghiện cờ bạc chính hiệu, hiếm khi bà ấy ở nhà chờ tôi đi trực về. Tôi thở dài, có lẽ điều duy nhất bà ấy nhớ về tôi là ngày nhận lương mỗi tháng.
“Tiền đâu?”
Cái giọng khàn đặc ấy vang lên từ đầu kéo dài đến thắt lưng tôi truyền đến một cảm giác lạnh buốt. Bà ấy lại rất thản nhiên mà lê bước đến gần cửa sổ, vươn đôi tay gầy gò của mình ra mở chốt, đẩy, rối ánh sáng từ bên ngoài soi rõ từng đường nét trên gương mặt nhăn nheo đã ngoài bảy mươi của mẹ.
Tôi thở dài, đánh trống lảng: “Trứng gà ta mẹ đòi ăn nè, cải thì tí con xào với mấy miếng thịt còn trong tủ lạnh để ăn cơm!”
Mẹ tôi vẫn giữ thái độ lạnh nhạt của mình mà gằn giọng lặp lại: “Tiền đâu?”
Có lẽ bà ấy chuẩn bị phát rồ lên và bắt đầu đập phá mọi thứ trong tầm mà bà ta với tới. Trên nền gạch bông cũ mèm, cổ lỗ sĩ của căn nhà này đâu đâu cũng là vết tích sau mỗi lần làm mình làm mẩy vì không có tiền đánh bài.
So với một người phụ nữ tuổi cao sức yếu, đương nhiên tôi nhanh tay lẹ chân hơn. Trứng và cải thìa là thứ đầu tiên tôi bảo vệ trước khi nó được bà ta tóm lấy và ném xuống.
Bà thấy vậy liền chỉ thẳng mặt tôi mà chửi: “Mẹ mày! Tiền đâu! Bộ mày coi tao không bằng mấy cái tào lao đó sao?”
Tôi mặc kệ, chuyện này đã lặp đi lặp lại suốt vài năm nay, chắc là kể từ khi bà ấy bắt đầu sa vào con đường bạc bài thì phải.
Tiếp theo mẹ tôi sẽ lôi nước mắt ra than thân trách phận về cuộc đời khốn khó của bà.
“Mày không thương tao… hức… mày giống thằng cha mày không đoái hoài đến tao… tao chịu khổ gần cả đời người mà chẳng ai thương tao… mày đưa hết tiền cho con nào rồi chứ gì…”
Rồi bà ấy sẽ nói về con nhà người ta cho cha mẹ họ những gì.
“Mẹ mày… con người ta lo cho mẹ từ cái ăn cái mặc… nhà cao cửa rộng con cháu đề huề… con mày… mày là thằng ăn hại… suốt ngày mang lại xui xẻo cho tao…”
Bà ta ham mê cờ bạc, còn tôi suốt ngày chỉ đối mặt với xác người đã mất trong bệnh viện nên bà ta luôn cho rằng tôi mang lại xui xẻo cho bà ta. Mà tôi cũng kệ, dù sao trước đó tôi đã hạ quyết tâm không đưa một đồng nào cho bà nữa nên không việc gì tôi phải lay động vì mấy giọt nước mắt đó.
Tôi vào trong bếp, lấy một cái trứng gà ra và để số trứng còn lại vào trong cái tủ lạnh đã sắp gồng hết nổi trong nhà. Lòng đỏ trứng gà quậy với sữa đặc pha loãng là món yêu thích của tôi mỗi khi tâm trạng bực bội hoặc quá mệt sau một đêm ở nhà xác.
Trong lúc chờ nước sôi thì tôi phải đi tắm để kì cọ hết cái mùi lạ ám trên áo mình. Thú thật thì làm nhân viên trong nhà xác bao lâu đi chăng nữa rồi cũng không thể quen được mùi thuốc sát trùng hòa với xác người, có người bị xe tông phải nên xác họ có mùi máu tanh, người thì chết vì bệnh nên mùi của họ giống như ai đó ba ngày chưa tắm rửa, tệ nhất là những người không may chết đuối. Tôi biết, bình phẩm về mùi của người đã chết không hay ho gì, đó có khi là sự xúc phạm đến họ. Nhưng tôi không thể làm gì được, ai lại khùng đến nỗi xịt nước hoa hay mang chai xịt phòng vào nhà xác, hóa chất trong đó dễ dàng phá hủy những bằng chứng quan trọng của một vụ án, làm ảnh hưởng đến những nhân viên đang làm việc và hơn hết là quy định không cho phép.
Tôi nhớ có một anh bạn sau khi nhận được công việc ở nhà xác giống tôi đã xịt một mùi nước hoa rất nam tính vào ngày đầu tiên đi làm, và đó cũng là người cuối cùng tôi ngửi thấy được cái mùi quế chuyển dần thành gỗ tuyết tùng đó vì anh bạn đã bị sa thải ngay lập tức.
Tắm xong, tôi bước ra ngoài trong bộ quần áo thun đen đơn giản. Hình như mẹ tôi đã đi đánh bài rồi nên tôi chẳng cảm nhận được bà ấy ở đâu nữa. Tôi quậy lòng đỏ trứng vào sữa nóng rồi từ từ thưởng thức cái vị ngọt béo ngập tràn trong khoang miệng.
Uống xong tôi bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, phơi quần áo, làm những công việc thiết trước khi đánh một giấc lấy lại sức để tối đi trực.
Rengggg…
Âm thanh như sấm dồn của đồng hồ báo thức lôi tôi ra khỏi giấc ngủ của mình. Ca trực bắt đầu từ chín giờ tối cho đến năm giờ sáng, hiện tại tôi còn ba tiếng để ăn uống, tắm rửa rồi đi làm. Mở nồi cơm ra là tôi biết trong lúc tôi ngủ bà ấy vẫn không thèm về nhà.
Tôi cũng không quan tâm lắm, dù sao bà ấy cũng chưa lú lẫn đến mức đánh bài mà quên đường về nhà, có khi hôm nay đã thắng được một vố nên đi đâu đó tiêu sạch tiền rồi huênh hoang rằng mai bà ta sẽ ăn đậm hơn ấy chứ.
Chuẩn bị xong xuôi, tôi xách cái túi đồ của mình rồi dắt xe ra, khóa cửa, rồi đi đến nơi làm việc của mình.
Nhà xác của bệnh viện tỉnh nói gần cũng không gần, xa cũng không xa, ít nhất là tôi vẫn cảm thấy thoải mái khi phải vượt hơn hai mươi cây số để đến chỗ làm của mình. Có lẽ trong tương lai tôi sẽ lấy số tiền tiết kiệm trong ngân hàng để mua đất, xây nhà ở gần bệnh viện để có gì cũng tiện hơn so với cái nơi khỉ ho cò gáy kia.
Công việc của tôi cũng không có gì đáng để nói, ít nhất là nếu quen rồi thì không đến mức hoảng lên khi nghe mấy câu chuyện rùng rợn ở nhà xác, hoặc là chỉ có mình tôi nghĩ vậy. Tôi tiếp nhận bản ghi chép ca trực trước của chú Hoàng, một người vào đây làm còn sớm hơn cả tôi. Giá mà có ai đó xin vào đây làm để công việc của cả tôi và chú nhẹ nhàng hơn một chút, cả một cái bệnh viện thế này vậy mà chỉ có ba nhân viên thay nhau trực, chưa kể đến đôi lúc thằng Chung đồng trang lứa với tôi còn bận chuyện vợ con nên tôi phải trực luôn ca của nó.
“Triệu, mày coi được thì đổi ca với thẳng Chung đi, chứ tao thấy nó hở tí là nhờ mày trực giùm tao thấy không ổn!”
Nghe chú Hoàng nói vậy tôi chỉ cười xòa: “Hề hề, nó còn có vợ con mà, con chưa có thì con phụ nó chút, chứ đổi ca mắc công nó áp lực quá xong nghỉ luôn thì chú cháu mình hưởng hết!”
Chú Hoàng gật gù như đồng thuận với câu nói của tôi rồi, chú cũng về nghỉ ngơi. Có lẽ tuổi của chú bây giờ không còn chịu được áp lực phải thức đến đêm muộn thế này nên trông có vẻ tiều tụy, mà cũng có thể là do tôi nghĩ nhiều, làm liên tục tám tiếng thì ai mà chẳng uể oải chứ.
Đêm nay tôi chỉ cần chỉnh trang lại những cái kệ và hòm chứa tài liệu cũ, nhưng trước đó tôi phải trang điểm lại cho một người không may qua đời vì tai nạn lao động chiều nay. Nghe chú Hoàng kể gia đình đó đã khóc lóc giữa phòng cấp cứu để cầu xin trời đất trả lại họ người này trong hình hài nguyên vẹn nhất.
Cho đến khi được trực tiếp đối mặt với cơ thể người đã khuất, tôi vẫn chưa hình dung ra được từ “nguyên vẹn” đó là như thế nào.
Tôi lấy hộp dụng cụ của mình ra rồi mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay y tế và bắt đầu công việc của mình đêm nay. Tấm vải trắng phủ lên bị tôi lật lên một cách dứt khoát. Gương mặt người đàn ông này đã bị biến dạng hoàn toàn, tay và khung sườn gãy vụn, một bên chân đã đứt lìa ra được đặt kế bên cái xác. Theo bản báo cáo ghi chép thì anh này làm nhân viên xây dựng ở một công trình, do giàn giáo không đảm bảo nên rơi từ khoảng cách ba mươi mét, chân phải mắc vào một dụng cụ phục vụ trong xây dựng nên đứt lìa ra.
Quả là một kết cục không một gia đình nào muốn chồng, cha, con mình hứng phải.
“Mong anh kiếp sau sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn, tôi xin phép!”
Nói rồi tôi bắt đầu lau sơ các vết máu còn dính trên cơ thể, da của người chết rất dễ rách nên tôi phải tập trung cao độ, cho dù chỉ là một giây tôi cũng không lơ là. Lau chùi xong tôi lấy kim chỉ ra để khâu cái chân phải của anh ấy lại, đây là phần dễ nhất của tối đêm nay nên chưa đầy hai mươi phút tôi đã khâu xong. Gương mặt là phần khó nhất bởi nó bị dập nát, nhìn vào tấm hình chân dung được cung cấp và thi thể trước mặt khác xa một trời một vực làm tôi không biết mình nếu bắt đầu từ đâu. Nhưng kinh nghiệm hơn mười năm trong nghề của tôi sao dễ dàng bị hạ gục bởi độ khó này chứ.
Sau hai giờ miệt mài, tôi cuối cùng cũng đã phục hồi xong cơ thể này về tình trạng nguyên vẹn nhất, sẵn sàng trao trả lại cho gia đình rồi.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì ở một số bệnh viện họ còn có một người gọi là chuyên viên trang điểm người chết. Nhưng ở một bệnh viện nhỏ như thế này thì dường như mọi công việc liên quan đến xác người đều đặt hết lên vai của nhân viên nhà xác chúng tôi.
Sau khi làm xong nhưng thủ tục cần thiết cho cái xác vừa rồi. Tôi lại bắt đầu dọn dẹp để tránh nơi này xót lại tàn tích vi khuẩn, tệ hơn nữa là khí độc từ xác chết.
Có những cái xác được gia đình trông ngóng cũng có những cái xác xấu số bị hắt hủi, mãi mà chẳng ai đến nhận. Tôi đã từng chứng kiến chuyện một cô gái tự sát ở nhà riêng nhưng đến tận hai tháng sau mới có người tự nhận là người thân liên lạc đến bệnh viện, lúc ấy cô gái cũng đã được mai táng theo quy định nhưng gia đình nhất quyết đòi bồi thường vì không thông báo cho họ. Bệnh viện bị quậy một lần như thế liền tăng cường an ninh và thắt chặt quy định của nhà xác. Mà nghĩ cũng buồn cười, lúc cô gái đó mất đích thân cơ quan chức năng liên lạc nhưng gia đình lại không tin, lúc biết là thật lại muốn được bồi thường. Tôi nghĩ mãi cũng chẳng hiểu được suy nghĩ của bọn họ thật sự là gì, chỉ cảm thấy thương cho cô gái đó mà thôi.
Thời gian chậm rãi trôi qua hệt như những giọt cà phê nhỏ từ phim xuống, tôi chỉ sợ rằng bản thân đang tựa lưng vào ghế thì đột nhiên cửa nhà xác bị mở toang ra, lại thêm một cái xác không nguyên vẹn được đẩy vào, hay một cuộc gọi nội bất chợt vang lên làm tôi đứng tim ngay lập tức. Nhưng may sao kết thúc ca trực vẫn không có thêm một người nào khác được chuyển đến đây.
Gần năm giờ sáng, cửa nhà xác được Chung mở ra, thằng này hiếm khi đến sớm nên tôi cũng khá bất ngờ, nhưng tôi không dạng thích tò mò chuyện người ta nên chẳng hỏi gì.
Thằng Chung ung dung hỏi tôi: “Triệu ơi, bộ tối qua có người mất cần trang điểm hả?”
“Ờm, tai nạn lao động, tội nghiệp lắm, gia đình khóc quá trời!”
“Ôi trời ơi, vợ tao mới ba giờ mấy đã lay tao dậy, con tao nay đi mầm non nên Hiền nó lo đến mất ngủ luôn!”
Hiền là vợ của Chung, nói về hoàn cảnh hai người này gặp nhau tôi cũng không biết nói thế nào để hình dung. Ông của cô ấy mất vì té cầu thang dẫn đến vỡ mạch máu và người trang điểm cho ông ấy là Chung, năm đó cô ấy tên Hiền mà không hiền chút nào, xông vào nhà xác nhất quyết không cho ai động vào ông mình. Chung thì lại mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm xử lí với gia đình người đã mất nên xông lên cãi tay đôi với Hiền. Chẳng biết sao hai người bám được vào nhau rồi có đứa con trai kháu khỉnh, sắp đi mầm non rồi cơ đấy.
Chung đưa tôi một ly cà phê đen với hộp cơm tấm đầy đủ: “Nè, cho nè!”
Tôi nhận lấy rồi không quên châm chọc nó: “Bộ mày chập mạch hay sao mà mua cà phê cho tao?”
Chung cười ngượng rồi gãi đầu: “Thì… coi như tao cảm ơn mày hay trực cho tao mấy bữa tao nhờ đi!”
“Chắc tao tin ha!”
Tôi biết chắc là nó định nhờ tôi trực hộ nữa rồi, cái thằng này làm gì cũng dễ đoán quá, khờ mà được cái thành thật nên tôi quý nó lắm.
“Ờm, nay mày trực cho tao đến khoảng chín giờ được không? Tao cũng muốn đi con tao đi mầm non… tối tao trực lại cho mày nha!”
Tôi nhìn cái bộ dạng lấm lét của Chung mà phì cười: “Ừa, đi đi, tao trực cho!”
Dù sao cũng không có ai chờ tôi về nhà, còn thằng Chung thì nó có gia đình nó, hơn hết tôi cũng từng hy vọng những sự kiện quan trọng trong đời đều có sự góp mặt của cả cha lẫn mẹ nên tôi không dám từ chối sự nhờ vả của Chung.
“Lần sau mua cơm chiên dương châu hai cái đùi gà cho tao nha mạy!”
Chung nghe vậy thì phấn khởi chạy đi, không quên nói vọng lại: “Ok nha, mày muốn nguyên cái menu quán cơm tao cũng mua!”
Tôi nhìn cái bộ dạng vui như đứa trẻ mới được cho kẹo của Chung mà chỉ biết cười trừ. Ăn vội hộp cơm rồi uống một ngụm cà phê xong tôi quay lại trực tiếp.