bởi MeoLucSac

8
1
3332 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 2


Đến tám giờ kém năm, đột nhiên tôi có cảm giác là lạ, giống như có ai đó giảm nhiệt độ nhà xác hay sao mà da gà da vịt tôi nổi hết cả lên. 


Renggggg…


Đột nhiên tiếng điện thoại nội bộ vang lên làm tôi giật mình, tôi nhấc máy, giọng nói của người thông báo vô cảm như máy móc, mỗi lần có người chết sắp được đưa đến đây tôi và đồng nghiệp đều nghe thấy giọng cô ta: “Nữ, bảy mươi hai tuổi, tai nạn giao thông, chưa liên lạc được với gia đình nạn nhân!”


Có lẽ bà ấy là một người phụ nữ tần tảo đang đi chợ thì gặp nạn. Đó là suy nghĩ đầu tiên của tôi sau khi được thông báo thông tin sơ bộ của người đã khuất. 


Cho đến khi chiếc cáng vận chuyển đẩy đến gần nhà xác, tôi có thể lắng nghe rõ ràng âm thanh dồn dập của đế dép crocs ma sát với nền gạch, cả tiếng lách cách của bánh xe khi di chuyển làm nhịp tim tôi tăng nhanh hơn, đập dồn dập. Tai tôi có thể nghe rõ được từng thanh âm dù là nhỏ đến cỡ nào, đặc biệt là tiếng rung của chiếc điện thoại đang đặt trên bàn làm một góc nào đó trong tâm trí tôi cầu nguyện rằng không có chuyện gì sắp xảy ra hết. 


Với tư cách là một nhân vật nhà xác, tôi có nhiệm vụ phải đặt công việc của mình lên hàng đầu để không phạm đến người đã khuất. Vậy nên tôi mặc kệ chiếc điện thoại của mình mà tiếp nhận cái xác đó. 


“Mày lại trực cho thằng Chung đó hả?”


Người đưa cái xác đến đây là nhân viên trong bệnh viện, làm chức gì thì tôi không rõ nhưng ông ấy có thâm niên dày hơn cả tôi. Tôi nghe bảo ở những bệnh viện khác thì nhân viên nhà xác phải đích thân đẩy cáng đi nhận người đã khuất nhưng ở đây lại khác, mà tôi cũng chẳng quan tâm lắm, cứ hoàn thành tốt công việc của mình là được. Gương mặt ông ấy khi ngước lên không có cảm xúc gì quá rõ ràng, đôi mắt thâm quầng và làn da nhợt nhạt đã đủ để thấy ông ấy đang mệt đến thế nào rồi. 


Ông ấy đưa tôi một bản ghi chép thông tin nạn nhân rồi nhìn tôi với vẻ khó đoán.


Tôi cầm lấy tờ giấy ấy, nếu không có hình chân dung của người đã khuất thì nó chỉ là tờ giấy vô nghĩa đối với tôi mà thôi.


“Cảm ơn chú, chú về sớm để nghỉ ngơi đi ạ!”


Tôi đoán ông ấy khó chịu vì phải tăng ca bởi người chết bất ngờ này nên mới bảo ông ấy về sớm. 


Nào ngờ, ông ấy lại nói: “Mày mới là đứa cần nghỉ ngơi!”


Nói xong, ông ấy bỏ tôi lại giữa một đống thắc mắc, nhưng tôi không phải dạng nhiều chuyện mà lôi kéo ông ấy lại. 


Tôi từ từ kéo phéc-mơ-tuya ra, gương mặt của người phụ nữ ấy làm tôi bần thần trong giây lát. 


Sau một hồi chấn tĩnh bản thân, tôi mấp máy môi gọi: “Mẹ!” 


Tôi có cảm giác như một tòa nhà đang sụp đổ trong lòng, hai tai ù đi chẳng nghe thấy một âm thanh nào ngoại trừ tiếng đập thình thịch của tim, bàn tay không còn chút sức lực nào để kéo phéc-mơ-tuya tiếp. Tựa như trong một khoảnh khắc kéo dài chưa đến một phần mười giây tim tôi đã ngừng đập. 


Nữ, bảy mươi hai tuổi, tai nạn giao thông, chưa liên lạc được với gia đình nạn nhân… Nữ, bảy mươi hai tuổi, tai nạn giao thông, chưa liên lạc được với gia đình nạn nhân… 


Tiếng nói như máy móc ấy như một bản ghi âm được phát đi phát lại trong đầu tôi. Hóa ra đây chính là cảm giác của người thân những cái xác đã qua tay tôi, không muốn ai chạm vào, chỉ muốn người thân mình được chôn cất ngay lập tức.  


Bàn tay tôi run đến nỗi không cầm chắc được bản ghi chép về mẹ của mình. Đập vào mắt tôi chính là dòng chữ lưu ý ngắn gọn. 


Người mất có liên quan đến chất trong danh mục cấm, đã được lấy mẫu để xét nghiệm.


Thường chúng tôi chỉ có nhiệm vụ bảo đảm xác người đã khuất nguyên vẹn nhất có thể chứ không đoái hoài đến mấy cái lưu ý này bởi đó là vai trò của những bên khác. 


Tôi dụi mắt vài lần để xác nhận xem bản nhân có nhầm bà ấy với ai không. Tất cả dũng khí hơn ba mươi năm tích tụ dường như đã được tôi sử dụng hết để kéo hết phéc-mơ-tuya. 


Ngoại trừ phần đầu bị va đập mạnh đến vỡ bên sọ trái thì nửa trên không có gì đáng nói, nửa dưới thì tôi không biết nên diễn tả thế nào. Xương mác chân trái lòi ra, còn cả chân phải thì dập nát, tệ hơn là những ngón chân đã bị chà xát đến biến dạng. Tôi không thể tưởng tượng được cái chết của mẹ tôi diễn ra thế nào, cũng chẳng biết bà ấy đi đâu mà xảy ra tai nạn kinh hoàng đến thế. Tôi chỉ biết bản thân phải khâu xác của bà ấy lại, trước khi mình sử dụng thân phận người nhà để đón bà ấy về mai táng. 


Tôi chẳng biết mình đã hoàn thành xong đường khâu cuối cùng như thế nào, chắc tôi dần giống cô nhân viên thông báo người chết đến nhà xác, dần dần vô cảm với mọi thứ, hoặc quá đau phải buộc não xóa đi một số xúc cảm bùng nổ trong lòng. 


Nhìn chiếc đồng hồ chạy trên tường mà tôi có cảm giác kim giây chậm hơn bình thường. 


“Khâu xong một cái xác rồi vậy mà thằng Chung nó chưa đến, cái thằng này!”


Tôi chưa bao giờ mong chờ thời khắc chuyển ca như hiện tại, ước gì bản thân có siêu năng lực để cái đồng hồ đang kêu tích tắc đó chạy nhanh hơn. 


Nhìn cái xác lạnh lẽo trơ trọi nằm trên bàn, tôi tự giễu: “Hóa ra cũng có lúc bà im lặng vậy à? Hôm qua có lương rồi, không đòi nữa sao? Chờ thằng Chung đến tôi lấy xe chở bà đi ăn cái lẩu dê bà thích được không?” 


Càng nói, giọng của tôi càng lạc đi, hình như nước mắt sắp tuôn ra đến nơi rồi. Tôi hít một hơi thật sâu để trấn tĩnh bản thân. 


“Xin lỗi mày nha Triệu, tao đi ăn với vợ hơi lâu nên đến trễ… ớ?”


Nó thấy tôi ngồi gục mặt trước một cái xác đã xử lí xong thì không khỏi bất ngờ: “Mày bị sao vậy? Có cần tao mua cho cái gì ăn lót dạ hay đi xin thuốc cho uống không?” 


Tôi xua tay nói: “Không có gì!” 


Nhưng cái giọng như sắp khóc của tôi làm Chung lo lắng: “Bộ… có chuyện gì hả?”


Tôi đưa cho Chung cái báo cáo chuyển ca với những dòng chữ nguệch ngoạc như không cầm nổi bút mà vẫn cố viết, rồi nhẹ giọng nói: “Nè!” 


Nó nhìn rồi hỏi lại: “Người này không liên lạc được với gia đình hả?” 


“Không, mẹ tao đó!” 


Bốn chữ ngắn gọn như thế lại dễ dàng đưa cả bầu không khí nhà xác trở về trạng thái tĩnh lặng. Tôi cảm thấy bản thân có lỗi vì phá hỏng tâm trạng tốt của Chung, đi ăn với Hiền chắc nó vui lắm, vậy mà tôi lại khiến Chung lúng túng đến mức vò nát góc áo rồi, mỗi lần nó lo lắng vì làm sai cái gì đó là lại vò góc áo như thế, tôi cũng chẳng lạ gì. 


“Thôi tao về nha, mày làm thủ tục bàn giao người đã mất giúp tao cái!”


Nó đáp “ờ” một cái nhẹ hều, hiếm khi một đứa sôi nổi như nó lại trầm tĩnh như thế làm tôi muốn chọc ghẹo nhưng nghĩ đến bản thân bây giờ cũng không khá khẩm gì so với nó nên thôi. 


Lấy tư cách gia đình liên lạc, khai tử, tổ chức tang lễ. Mấy ngày tiếp theo của tôi đơn giản là bị thời gian đẩy đi, còn tâm tôi thì bất động. Chỉ còn vài người đến viếng nên tôi cũng không cực nhọc gì, hóa ra một mình có thể gánh vác được nhiều thứ như thế. 


Tôi nhớ hồi cha mất tôi còn chưa học hết cấp hai, lúc ấy tang của cha bận rộn đến mức người lớn trong nhà chẳng ai ngó ngàng đến mẹ con tôi, đến cả khi đói tôi cũng phải tự kiếm đồ để ăn chứ chẳng như tang mẹ bây giờ. 


Trước đây bà ấy cũng không về nhà nhiều, đúng hơn là dù sống cùng một nhà nhưng hai mẹ con rất ít khi chạm mặt nhau. Bà ấy đi đánh bài thì tôi ở nhà để nghỉ ngơi, còn bà ấy về thì tôi đã đi làm. Vốn tưởng đã quen rồi nhưng giờ lại thấy thiếu thiếu, mấy cái trứng gà ta trong tủ lạnh tôi cũng chẳng buồn đụng đến nữa, bà ấy còn chưa đụng vào mà tôi ăn hết mắc công lại về báo mộng đòi tôi cúng cho thì mệt. 


Sau nửa tháng nghỉ phép để lấy lại tâm trạng cuối cùng tôi cũng phải trở lại làm việc. Ban đầu chú Hoàng với thằng Chung lo cho tôi lắm, cứ hỏi thăm miết nhưng thấy tôi vẫn ổn nên họ cũng dần ngưng nhắc về chuyện đó. 


“Triệu ơi, Triệu, mày cúng tao cái lẩu đi Triệu, tao thèm lẩu quá Triệu ơi!”


Tôi bật người dậy ngay lập tức: “Hộc… hộc… lại nữa!”


Gần đây, tôi thường xuyên mơ thấy mẹ, bối cảnh thì hôm ở cánh đồng, hôm lại ở giữa đường lộ nhưng điểm chung vẫn là bà ấy đòi tôi cúng cho cái lẩu. Tôi bật cười tự giễu, chẳng lẽ mấy cái lời lảm nhảm tôi nói ở nhà xác ám ảnh tôi đến mức nghĩ bả ám mình sao? 


Hết cách, tôi đành cúng thử xem sao. Đi làm về tôi ghé vào quán để mua một cái lẩu dê mang đi, đúng cái món tôi hứa với bả rồi để trong tủ lạnh. Đến tôi trước khi đi làm, bày biện lẩu, thắp nhang, miệng lẩm bẩm bảo bà về ăn thì tự nhiên tôi có cái cảm giác ớn lạnh như mẹ đang hiện diện trong nhà như hồi còn sống. 


“Cửa nẻo đóng hết rồi gió đâu mà luồn vậy?”


Bỗng nhiên đằng sau tôi có một giọng nói thều thào: “Tao đó thằng ngu! Mẹ, cúng cái nhang gì cay mắt vậy?” 


Tôi rùng mình, tiếng kẽo kẹt của cánh cửa mục cộng với cái đèn chập chờn đã lâu chưa thay khiến tôi càng tin vào ảo thanh mà mình nghe thấy. Dù sao làm ở nhà xác tôi đã nghe không ít câu chuyện về người đã khuất vẫn còn lưu luyến trần thế, người thân của họ vẫn tin rằng hồn của người đã khuất quay về, nhưng thực tế, đa số chỉ toàn là tưởng tượng từ nỗi nhớ nhung chứ trên đời làm gì có ma chứ.  


Tôi buộc mình phải ngoái lại đằng sau để chứng minh suy nghĩ của mình là đúng. 


Ngọn đèn cầy trên bàn thờ đã tắt lúc nào không hay, mẹ trong hình dạng hồn ma đối diện với tôi. Tôi dụi mắt như không tin những gì mình đang thấy. So với cái xác của bà lúc đến tay tôi thì bây giờ dễ coi hơn.


“Ủa… ủa… mày thấy tao hả?” 


Tôi nghe, thấy rất rõ, nhưng tôi không dám đáp lại bà. 


Tôi quay người lại, cầm lấy cái túi của mình, tắt hết đèn đóm trong nhà, rồi dắt xe ra đi làm. Đó vốn là việc lặp đi lặp lại suốt hơn mười năm nay nhưng giờ tôi lại cảm thấy mình lúng túng hơn bao giờ hết. 


Đến nơi làm việc, những tưởng có thể khiến cho ảo giác đó biến mất, nào ngờ hình bóng của mẹ tôi lại càng rõ ràng hơn. Bà ấy liên tục lảm nhảm về cuộc đời khổ cực của mình hệt như lúc còn sống. Nhưng ngoài tôi ra hình như chẳng có ai nghe thấy thì phải, chú Hoàng chuyển ca với tôi cũng phản ứng rất bình thường như chẳng hề trông thấy gì cả. 


Đêm này tôi không cần phải khâu xác của ai, chỉ hy vọng đến hết ca cũng như thế là được. Nay có bốn người mất vì bệnh trong bệnh viện nên tôi cần trang điểm cho họ sao cho tươm tất nhất để họ được an táng đúng giờ lành. 


Bà ấy vẫn liên tục nói mặc cho tôi không quan tâm: “Sao chết rồi không đem về cho nhà người ta chôn đi, mày khùng hả gì mà đi bôi son chét phấn cho xác chết?” 


“Ôi sao thằng bé này nó có chút xíu mà chết rồi, tội vậy?” 


“Người chết mà mày không sợ gì luôn đó hả Triệu?” 


Những lời đó làm tôi nhức đầu đến mức muốn hét lên ba chữ “mẹ im đi”, nhưng mãi mà lời vẫn nghẹn trong cổ họng tôi không thốt ra được. Nếu cứ để bà mạo phạm đến người đã khuất mãi cũng chẳng hay cho lắm, giống như tôi đang tiếp tay cho một tội lỗi vậy. Nhưng biết sao giờ, chính bà cũng là người đã khuất mà. 


Gần kết thúc ca trực, mẹ lại hỏi tôi: “Ê Triệu, thiệt ra là mày thấy tao đúng không?”


“Tao thấy mày đi qua đi lại cũng nhiều mà hay tránh mấy chỗ gần tao lắm, bộ mày ghét tao đến vậy hả?”  


Nghe thấy câu hỏi đó, tôi vô thức giật mình. Đúng rồi, là vì tâm lí muốn tránh né nên tôi vẫn luôn giữ khoảng cách với bà ấy, không ngờ vì vậy mà chuyện tôi có thể thấy ma lại bị phát hiện ra.


Ước gì đây thật sự là ảo giác, tôi sẽ phi ngay đến khoa tâm thần để được chẩn đoán xem bản thân có mắc phải bệnh hay hội chứng gì đó sau cái chết của bà ấy hay không. Hoặc do hôm ấy tôi không tập trung khi khâu xác của bà nên đâm ra tội lỗi. Bất kể lí do gì cũng được, miễn là những gì tôi thấy không phải sự thật tôi đều sẽ chấp nhận. 


Một suy nghĩ táo bạo lóe lên trong đầu tôi: Nếu đáp lại bà ấy thì sẽ như thế nào?


“Triệu, mày nghe tao nói hoài mà không thấy mệt hả?” 


Tôi hít sâu một hơi rồi đáp lại: “Mệt, vừa lòng chưa!” 


“Mày cố chấp y hệt thằng cha mày!” 


Đó là câu nói cửa miệng của mẹ mỗi khi tôi tỏ ra khó chịu bởi không làm theo chuyện gì mà bà ta yêu cầu. 


Nói đến chuyện của cha và mẹ tôi thì không khác nào một đôi đũa lệch trong mấy câu chuyện tình cảm mà các nàng thiếu nữ luôn truyền tai nhau giữa cái thời cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Cha tôi là một cậu ấm trên thành phố trong một lần theo ông nội học cách làm ăn thì gặp mẹ – một cô gái thôn quê mang trên mình một vẻ hồn nhiên khác xa với những đóa hồng yêu kiều được ông này bà nọ gán ghép cho ông. Chính vì cái cảm giác mới lạ thoáng qua mà ngỡ như duyên trời đã định đó đã dẫn đến chuyện ông bị gia đình từ mặt khi nhất quyết không cưới một cô tiểu thư con nhà buôn tơ lụa lớn nhất nhì thành phố thời đó để chọn bà. 


Mẹ tôi từ một cô thôn nữ từ bé chưa biết tấm áo lụa mặc lên người sẽ có cảm giác thế nào nhảy vọt thành vợ của một người giàu có, váy tây áo ta. Cứ ngỡ chuyện tình bất chấp cái gọi là môn đăng hộ đối như cô Tấm được vua lấy làm vợ sẽ có một kết cục có hậu chuyện câu chuyện cổ tích đám con nít thường được kể cho. Nhưng không, lấy về rồi mới biết chuyện vợ chồng không đẹp như những viễn cảnh tốt đẹp được vẽ ra. Cha tôi là người thành phố, phóng khoáng và luôn xoay quanh với những mối quan hệ phức tạp. Còn mẹ là một người luôn được dạy và sống theo tư tưởng thủy chung một lòng, khó mà chấp nhận được cuộc sống của chồng mình luôn có những cô gái hơn hẳn bà về mọi mặt lảng vảng.


Những trận cãi vã ngày càng lớn dần, ông chửi bà không ngọt ngào như người ta, bà mắng ông vô dụng chỉ biết ăn chơi trác táng. Sau khi bị gia đình từ mặt, những mối quan hệ làm ăn của cha tôi ngày càng ít dần, đa số chỉ là những mối nhỏ nên chẳng thấm vào được cái thói phung phí xa hoa của ông. 


Và rồi tôi được sinh ra, cất tiếng khóc chào đời trong sự không mong muốn của bất kì ai, bởi những anh chị trước của tôi đều được ông bà nội đón về cho nhận tổ quy tông, riêng tôi thì không, chỉ vì khi sinh ra tôi mẹ đã ba mươi sáu, mà ông bà lại nghe mấy ông bác sĩ bảo phụ nữ sau ba mươi lăm sinh con ra không được thông minh, lanh lợi. Cha chê tôi phiền, mẹ bảo tôi là gánh nặng. Suốt cả tuổi thơ tôi luôn chìm trong những tiếng cãi nhau không hồi kết của cả hai, bao nhiêu từ ngữ nặng nề nhất một con người có thể nghĩ ra để nhục mạ ai đó tôi đều được nghe từ cha và mẹ mình.


Cãi chán chê rồi hai người chuyển sang đánh nhau, có lần bà bị ông thẳng tay đẩy xuống cầu thang ngã gãy tay phải bó bột hai tháng, suốt hai tháng ấy cha tôi đi biệt tăm biệt tích, chẳng ai thấy bóng dáng đâu. 


Và rồi ông ấy mất một cách đột ngột, tôi chưa từng nghe ai nói vì sao ông ấy mất. Chỉ biết là một hôm đi học về, mẹ đã kéo tay tôi đến nhà ông bà nội, nơi mà tôi và mẹ chưa từng đặt chân vào. 


Các anh chị của tôi đa số đều được ông bà đưa ra phương tây học tập, vậy nên trong đám tang của cha chỉ có mỗi tôi lấy tư cách là con ông để cúng bái.


Xong xuôi thì tôi cùng mẹ bắt xe lên về quê, bởi căn nhà chúng tôi ở khi cha còn sống bị ông bà nội lấy lại vì trên giấy tờ đó là nhà của ông bà. Tuy bảo là từ mặt nhưng hai người vẫn chưa bao giờ thôi quan tâm đến cha tôi, còn mẹ tôi thì khác, họ chưa bao giờ xem bà ấy là con dâu vậy nên đã đuổi chúng tôi đi không chút lưu tình. 


Tôi giả vờ không quan tâm đến câu nói của bà mà nhắc nhở: “Ở nơi này thì đừng mạo phạm đến người đã mất!” 


Truyện cùng tác giả