bởi Nam Ly

51
2
1088 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1


Từ hồi cô Hoan về làm dâu nhà ông Ba Thời, trong nhà xảy ra vô số chuyện lạ kỳ. Điển hình như đèn dầu ở gian chính tự dưng thắp sáng giữa đêm khuya, hỏi người trên kẻ dưới thì không ai nhận là mình làm. Hay, con chó ông Ba Thời hết mực thương yêu đang yên đang lành, tru lên mấy tiếng rồi vật ra đất chết tươi. 


Bà Thơ, vợ ông Ba Thời, vốn là người dị đoan nên khi thấy cảnh này đã lật đật tìm thầy về cúng bái, rồi dán bùa chung quanh để trấn yểm. Thầy phán rằng: “Nhà bà có vong nữ, oán khí rất mạnh. Nữ này đẹp, lại khéo dụ dỗ nên phen này có khi hại cả nhà. Nhẹ thì tán gia bại sản, nặng thì…”


Ông thầy cũng biết cách hù dọa, nói chuyện ngắc ngứ khiến bà Thơ sợ chết khiếp vội nhét thêm mấy đồng để ông bày cách cho.


“Ngoài cúng kiếng, từ rày bà phải ăn chay trường. Ông nhà bà không cần ăn chay trường, nhưng hằng tháng cũng phải ăn chay chừng một hai lần đặng bớt nghiệp sát sanh.” 


Ông thầy dúi riêng cho bà Thơ một lá bùa, dặn thật kỹ: “Gia đạo có biến, thì bà đốt lá bùa này đi. Nhớ! Phải làm cho bí mật đấy.”


“Dạ, dạ, con hiểu rồi.”


Bà Thơ ngày thường ưa thói hách dịch, đụng chuyện tâm linh thầy bà là dạ thưa rành rọt làm người ta thấy mắc cười. Ông thầy cúng hài lòng, nhìn cảnh nhà khang trang thêm lượt nữa rồi chào hỏi ra về. Bà Thơ nhớ tới lời ông thầy cúng, ấm ức vì tự dưng mất mấy đồng tiền, còn rước lo vào người đành đổ vấy lên đầu đứa con dâu mới cưới về độ nửa năm nay.


“Con Hoan đâu?”


“Bẩm bà, hồi sớm cô theo cậu ba đi ra bến Dừa rồi.”


“Nhà cửa thì bỏ xó không lo, cà nhỗng tối ngày.”


Bà Thơ bực dọc quay người đi vào trong nhà, miệng vẫn lèm bèm mấy câu bất mãn. Người ở trong nhà biết bà không vui, ai cũng lủi đi sợ vạ lây rồi bị chửi. 


Cô Hoan làm thợ may ở miệt Bưởi, cổ nghèo, nhưng đẹp nức lòng. Cô có gương mặt tròn trịa phúc hậu, mắt hạnh sáng trong, môi hồng răng trắng, nét mày thanh tú. Cô Hoan tròn mười chín tuổi, trong lúc lên huyện lựa vải thì lọt vào mắt xanh của con trai nhà ông thông ngôn Ba Thời. Chồng cô Hoan tên Công Sáng, anh là con út, được cưng nhứt nhà ông Ba. Cậu Sáng mến cô Hoan ngay từ lần đầu gặp mặt, hào phóng mà thanh lịch theo đuổi cô rất lâu. 


Lễ nghi cưới hỏi dân Nam Kì cũng phức tạp dài dòng. Sau khi nghị hôn, chính tay cậu Sáng bắt đôi nhạn mang sang nhà cô Hoan làm sính lễ. Dân Nam Kì dùng cặp nhạn làm sính lễ ngụ ý âm dương hòa thuận, mong đôi vợ chồng đồng lòng vượt qua mọi chông gai, gian khó của cuộc đời.       


Xong tới lễ vấn danh, đặng cho nhà trai để bà mối qua hỏi tên tuổi, ngày sanh tháng đẻ con gái để coi thầy xem đường hôn nhân, con cái ra sao. 


Bà Thơ rất kỹ vấn đề này, gọi hai ba thầy để xem tuổi đứa con dâu mà mình chưa ưng ý lắm. Lỡ mà nhen nhóm chút vấn đề là bà cắt ngay không cưới hỏi gì hết. 


Ấy thế mà hai đứa nó hợp nhau không chê được. Thầy nào cũng tấm tắc, khen tuổi quá đẹp, nên duyên vợ chồng âu cũng là cái số rồi. 


Bà Thơ thương con trai, chép miệng cho qua, nhân ngày lành thì làm lễ nạp cát. Nhà ông thông ngôn không có gì ngoài điều kiện, đám cưới hẳn phải làm cho rình rang chứ không thể xuề xòa để người ta chê cười được. Bà Thơ mạnh tay chi tiền mua buồng cau to ba bốn trăm quả, hai chai rượu nếp, một mâm xôi gấc, lợn sữa quay, trà, bánh trái, mứt sen...


Dân miệt Bưởi được phen trầm trồ, khen nhà ông Ba Thời hào phóng, nhà cô Hoan cũng có thể diện.


Nhà cô Hoan hơi đơn chiếc. Ba mất sớm, mẹ bệnh quanh năm, cô có chị gái hơn mình hai tuổi mà vắng số. Gạo tiền trong nhà toàn do cô Hoan may vá kiếm ra, chắt chiu từng đồng từng cắc để chạy vạy tiền thuốc cho mẹ. Giờ cô lấy chồng giàu trên huyện coi như đổi đời rồi. 


Nhà cô Hoan không dám thách cưới nhiều, sợ người ta nói tham tiền bán con. Nhưng bà Thơ "rộng rãi", "hào phóng" cho con dâu tương lai nào vòng, xuyến bằng vàng, hoa tai bằng ngọc trai. Vải lụa vải tơ bảy xấp, tám bộ quần áo may sẵn, năm chục giạ lúa*, mấy trăm đồng tiền, ấy là chưa tính rượu, lợn, gà... 


Xong lễ thỉnh kỳ định ngày giờ rước dâu, chớp mắt tới lễ thân nghinh, họ nhà trai mang lễ đến đón cô Hoan về. 


Lễ cưới của cậu Sáng và cô Hoan coi như lớn nhứt nhì lúc đó. 


Cô Hoan mặc bộ áo dài gấm trắng, quần trắng, đi dép mới, tóc được chảy lật và búi lại quấn ba vòng phía sau đầu, cài trâm vàng, cổ đeo chuỗi ngọc trai với kiềng vàng, cổ tay đeo thêm hai ba chiếc vòng vàng. Tay cô ôm bó hoa dơn rực rỡ sắc màu, mặt hoa da phấn tươi tắn xinh đẹp làm cậu Sáng tròn mắt ngơ ngác. 


Cậu Sáng thì khoác áo comple, giày tây và thắt thêm caravat nhìn tân thời lại thanh lịch. 


Nam thanh nữ tú, xứng lứa vừa đôi. 


Hôn lễ xong xuôi, bà Thơ mới tỏ rõ thái độ với con dâu mới. Bà hay chê cô Hoan là đồ nhà quê, nghèo, ít học, nấu ăn không hợp khẩu vị của cái nhà này. Cũng may cậu Sáng yêu thương nên cô Hoan đỡ chịu ấm ức.


Đáng ra bà Thơ chỉ hay chê bai, thích ra vẻ bề trên với con dâu mà thôi. Cho đến khi ông Ba Thời gặp tai nạn giao thông...


*Ước tính một giạ lúa từ 20 đến 22 kí