Chương 2
Nhà ông Ba Thời vốn có sẵn cơ ngơi làm nghề đóng tàu, xuất thân phú hộ. Ông học chữ Nho, nói tiếng Pháp lưu loát, còn biết tiếng Khơ me nữa. Sau này ông làm thông ngôn, rồi lên chức Phán, kiêm một Tri huyện tài giỏi, cũng coi như có chức quyền và được người dân trọng vọng.
Ông cưới bà Thơ, có với nhau hai mặt con. Con trai đầu lòng - Công Bảo - cậu hai trong nhà, được ông đặt nhiều kỳ vọng nhất. Cậu Bảo đi du học Thái Lan, rồi qua Pháp học mấy năm nay chưa về. Tất nhiên cậu cũng mãi chưa yên bề gia thất khiến bà Thơ lo lắng đi xem thầy hỏi về đường gia đạo của con trai mình suốt.
Tới lượt cậu Sáng, ông Ba Thời không đặt nhiều áp lực. Cho cậu ăn học đầy đủ thì về coi ngó xưởng tàu của gia đình là được. Thành thử ra cậu Sáng có thời gian vi vu dạo phố, ăn chơi chẳng kém ai. Hằng tháng cậu Sáng hay lên Sài Gòn đánh bài, ôm ấp mấy cô vũ nữ nóng bỏng, khêu gợi. Cậu thích nghe hát bội, cầm chầu, thích xem tuồng Tàu và các điển tích. Cậu ra tay rộng rãi, lại đẹp trai nên mấy cô gái trên thành phố thích lắm.
Đường tình ái phong lưu là thế, vậy mà gặp cô Hoan thì dừng hẳn.
Cậu Sáng đi đâu cũng dắt cô Hoan theo. Cô ưng gì cậu xuống tiền mua ngay đặng chiều lòng vợ đẹp. Mà cô Hoan cũng khéo léo, dịu dàng, để chồng có mặt mũi với người ngoài.
Hồi chiều mồng sáu, ông Ba Thời trên đường về huyện thì gặp tai nạn, phải chở thẳng lên tuyến trên để cấp cứu, tình hình rất nguy kịch. Bà Thơ mắt đỏ lên vì khóc nhiều, thốt ra những lời cay độc: "Ngay từ đầu tao đã không ưng con nhỏ này rồi. Thầy nói nó là vong nữ, oán khí..."
"Mẹ! Đừng có dị đoan quá. Con hỏi rồi, là tai nạn va quẹt chứ không có tâm linh xui khiến gì hết."
Cậu Sáng ngắt lời mẹ, lặng lẽ nắm lấy tay cô Hoan như muốn an ủi cô. Cô biết má chồng không thích mình, nhưng quả thật mấy chuyện xui rủi đâu liên quan gì tới cô?
Nhưng bà Thơ khăng khăng là do cô Hoan có vong theo, phải làm lễ trục vong, uống nước bùa, còn không thì khắc trên dưới cái nhà này dài dài. Cô Hoan sợ lắm mà không dám cãi. Cô tuy là con dâu, có điều trong mắt má chồng cũng chỉ như con ở mà thôi. Làm phật lòng bà thì bà chửi, chì chiết bằng lời lẽ hết sức khắc nghiệt.
Ông Ba Thời bị đập đầu, bất tỉnh hai ngày. Chân thì bó thạch cao, lúc tỉnh lại yếu đến nổi ăn miếng cháo cũng không nổi. Thay vì để ông ở lại nhà thương theo dõi thêm thì bà Thơ đòi đưa ông về nhà, mời thầy tới trục vong, giải hạn.
Những lúc như thế này không ai cản được bà Thơ.
Có điều, ông Ba Thời thì uống thuốc nam, còn cô Hoan phải uống nước tro của bùa. Nhìn thứ nước đen ngòm, mùi ngai ngái khó chịu mà cô Hoan phải nhăn mày, hơi tránh né.
"Uống nhanh lên. Có chết đâu mà sợ!"
Bà Thơ trừng mắt, đích thân canh chừng sợ cô Hoan đổ bỏ. Cô Hoan mắt rưng rưng như sắp khóc, mếu máo: "Mẹ ơi, con không..."
"Uống!"
"Con..."
"Hay mày muốn hại chết cái nhà này mới vừa lòng đây?"
"Dạ không."
Cậu Sáng không có ở nhà, ông Ba Thời thì bệnh không gượng dậy nổi, cô Hoan chỉ có thể nhắm mắt bịt mũi uống hết thứ chất lỏng kia.
Ọe.
Cô muốn nôn mà không dám đành bịt miệng, ráng chịu đựng.
“Bùa của thầy Hữu đó, linh nhất huyện này. Không phải có tiền là mua được đâu."
Bùa thầy Hữu linh cỡ nào không biết, chỉ thấy ông Ba Thời không đỡ hơn chút nào mà cô Hoan còn bị đau bụng, mặt xanh mét không còn chút máu. Cậu Sáng đau lòng giùm vợ, hỏi mãi cô không chịu nói thật, chỉ tự ôm lỗi vào mình, nói chắc do mình ăn bậy bạ nên mới thế. Bà Thơ chột dạ, cứ ra vào nghe ngóng coi đứa con dâu có nhân cơ hội này mách lẻo hay không. Thấy cô Hoan không nhắc gì về mình, bà vừa yên tâm vừa hài lòng.
Tầm nửa tháng sau ông Ba Thời đỡ hơn đôi chút mới lắp bắp kể cho vợ mình nghe: "Tôi gặp ma rồi bà."
Trần đời bà Thơ kị nhất mấy từ ma quỷ nên vừa nghe bà giật mình tròn mắt nhìn ông chồng: "Ông nói tào lao gì đó?"
"Tôi nói thật bà ơi. Hôm đó chạng vạng, thằng Bình nó lái xe chở tôi về huyện, tôi ngồi ghế sau lúc đi qua khu nghĩa trang, chính mắt tôi với thằng Bình thấy một cô gái trẻ, mặc bà ba lam xông thẳng ra trước đầu xe."
Bà Thơ che miệng, kêu lên: "Trời ơi, rồi có dừng kịp không? Chẳng lẽ..."
Bà sợ xảy ra án mạng thì cái chức Tri huyện, thông ngôn này kia coi như đi đứt. Đã vậy còn bị đi tù không chừng.
Ông Ba Thời nhớ lại chuyện ngày hôm đó mà còn nổi da gà, giọng run run không kiểm soát được: "Rõ ràng thằng Bình nó không thắng kịp, ráng bẻ lái nên mới đâm sầm vào gốc cây bên cạnh."
"Nói vậy là ông đâm người ta rồi hả?"
Bà rất sợ. Sợ ma, sợ chồng mình dính án tù tội. Không ngừng truy hỏi nhưng ông Ba Thời bất lực lắc đầu: "Tôi đau quá xỉu mất, nhưng trước khi bất tỉnh cũng cảm nhận được bánh xe cán qua người cô gái đó."
"Vậy mà tỉnh lại, hỏi ai người ta cũng nói chẳng có ai bị xe tông hết. Và quan trọng là hơn tháng trước, ngay chỗ đó, có cô gái trẻ bị giết chết."
Bà Thơ tái mặt, lẩm bẩm tự tính toán: "Hơn một tháng ư? Không lẽ là bốn mươi chín ngày nên mới..."