10
1
2738 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1.


Giữa tháng bảy trời như hun như đốt, Thái Dương cháy rực ngang qua thiên đỉnh lúc ban trưa, tỏa ra một luồng áp khí nóng cháy da bỏng thịt. Phía trên cảnh vật tứ phương, đâu đâu cũng có thêm một tầng ảo khí đang rập rình nhảy múa, khiến người ta nhìn vào vừa nhức mắt, vừa đau đầu.

Ngay cả hàng cây cổ đã tọa lạc trong trấn vài chục năm, mấy hôm nay cũng héo rũ, lá kéo cành, cành kéo thân, ngả mình gần chạm đến đất.

Nhưng có nóng thế nào đi nữa, thì căn nhà ba gian treo biển hiệu Vịnh Xuân vẫn luôn đông nghịt khách. Người ta hay rỉ tai nhau nói rằng chủ quán là một vị công tử trẻ tuổi, nhan sắc đương độ xuân xanh, xinh đẹp hơn cả mỹ nhân trong thiên hạ.

Vịnh Xuân nói lớn chẳng lớn, nói nhỏ cũng chẳng nhỏ. Từ ngoài nhìn vào nếu chỉ dùng hai chữ “đơn sơ” thì vẫn không thể miêu tả rõ được khung cảnh tàn tạ của nó. Một bức tường trắng qua nhiều năm đã ngả màu xám tro, rong rêu thân xanh thân tím điểm xuyết lỗ chỗ, phía chân tường đã nứt thành từng mảng nhưng chủ quán chẳng thèm bận tâm nhìn lấy một cái. Ở chính giữa là khung cửa năm cánh, thợ mộc khéo tay đẽo cánh nào cũng mỏng như vỏ gỗ, nghe nhiều lời chê bai, người trong nhà vẫn thường hay bào chữa: “Mỏng có sao, thoáng khí bay mùi, không sập xuống là được.” Nói cũng đúng, Vịnh Xuân đã đứng vững ở giữa trấn gần mười năm, chịu qua bao nhiêu sóng gió thiên tai, năm cánh cửa vẫn cứng như cọc gỗ chưa một lần nghiêng ngả.

Phía trước hiên treo bốn cái lồng đèn màu đỏ nhạt, cái thì rách đầu, cái thì thủng chân, tuy đã cũ đến đáng thương nhưng cứ đến giờ Dậu sẽ lại được người trong nhà đốt nến thơm. Nghe nói mấy cái đèn này là do một người bạn trong kinh thành tự tay làm tặng chủ quán, vậy nên y không nỡ bỏ.

Thật ra ban đầu quán không phải tên Vịnh Xuân. Lúc mới khai trương trong nhà còn ít người, ông chủ vô cùng lười biếng trong việc nghĩ tên, ngày thường có khách hỏi cũng chỉ trả lời qua loa, khi là “Vị Xuân”, khi là “Vĩnh Trà”, lúc khác còn thấy một cái tên rất dài như “Khách đến uống một tách trà”, “Bằng hữu trăm năm, nhấp một ngụm trà”… Sau cùng không biết ai truyền ai, nhất mực gọi quán là Vịnh Xuân, còn khẳng định là do chủ quán nhân lúc đối thơ đã nghĩ ra. Mấy người làm trong nhà nghe xong thì bật cười ha hả, ông chủ của bọn họ là đệ nhất vĩ nhân siêu lười, lấy đâu ra câu chuyện y làm thơ đối tửu. Mà kể ra, cái tên Vịnh Xuân kia nghe cũng rất bắt tai, lại hợp ý vị chủ quán thích mùa xuân, nên Thái Phó Bình đã tự tay đẽo gỗ làm một chiếc biển hiệu to đẹp, vớt vát lại chút sắc cảnh bên ngoài.

Tuy mặt tiền đổ nát nhưng bên trong Vịnh Xuân bố trí vô cùng thông minh. Giữa khoảng trống không quá lớn vẫn có thể xếp được mười hai bộ bàn ghế ngồi bốn người, thêm một bàn đơn cạnh cửa sổ cho chủ quán đọc sách uống trà. Trái phải trên lầu hai, mỗi bên kê thêm ba bộ ghế tám người tổng là sáu bộ. Nhiều khi quá đông khách phần mặt tiền hơi kém duyên cũng được tận dụng triệt để.

Hôm nay cũng giống như những ngày khác, Vịnh Xuân đông nghịt khách, bàn ba bàn bốn, bàn sáu bàn tám liếc đâu cũng thấy người. Hai chú nhóc tóc một chỏm và tóc hai chỏm chạy qua chạy lại chưa thấy ngơi giây nào, nghe tiếng khách gọi là lập tức xuất hiện, khuôn mặt bánh bao cùng nụ cười ngờ nghệch trông rất đáng yêu.

Mấy ngày nay khách đến Vịnh Xuân đều sẽ thấy chiếc bàn đơn bên trái cửa năm cánh không còn để trống nữa. Ở đó có một vị thư sinh da trắng môi đỏ đang gảy bàn tính và ghi chép sổ sách. Y ngồi đó cả ngày trời, khuôn mặt thanh tú không rõ biểu cảm, cũng chẳng nói năng gì, thỉnh thoảng bọn họ thấy y gõ nhẹ ngón tay xuống bàn ra hiệu cho cậu bé trong nhà bưng đến một cốc trà mới. Đây chính là vị chủ quán kiêu ngạo của Vịnh Xuân, mọi người rất ít khi thấy y xuất hiện trong nhà, thường chỉ thấy y khi trời mưa xuân hoặc lễ tết đến. Không mấy ai biết vị chủ quán trẻ tuổi kia tên họ là gì, nhưng bọn họ chắc chắn người này không thể đắc tội. Bình thường y rất ít nói, cũng chẳng lộ ra biểu cảm gì, nhưng xem thái độ và cách làm việc của người trong nhà có thể ngầm đoán được y nghiêm khắc và cứng rắn nhường nào.

Mấy ngày nay đều phải nghe lời ra tiếng vào của khách đến uống trà đã thành quen, Mộc Huyền đặt đầu bút lông lên thành nghiên mực, y vừa chép xong bản thứ một trăm gia huấn tộc hồ ly. Lần này lại trốn không tham dự lễ mừng thọ của bà nội, e rằng sẽ bị phạt chép gia huấn tám mươi lần nên y đã chuẩn bị từ trước, còn chép thừa ra vài bản để sau này có cơ hội sẽ mang ra dùng.

Mộc Huyền với lấy cốc trà bằng ngọc phỉ thúy màu rêu sẫm, bên trong nước trà xanh óng ánh có một viên pha lê trong suốt đang tan dần. Thứ này chính là thành phẩm thu được sau khi để nước trong nhiệt độ cực thấp. Một nguyên liệu thần kỳ giúp Vịnh Xuân vẫn đông nghịt khách trong những ngày hè nóng bức. Không biết chủ quán có cách bảo quản đặc biệt gì mà khiến đá lạnh giữ nhiệt rất lâu mới tan. Giữa tiết trời oi bức, nắng cháy da cháy thịt mà được uống một ngụm trà lạnh, ngọt thơm của quán Vịnh Xuân thì chẳng khác nào được tắm nước suối tiên, cả người thanh thoát.

Mùa hè năm nay nắng nóng lạ thường, khách đến càng lúc càng nhiều, trong quán thoáng mát, gió nhẹ hiu hiu níu chân mấy vị khách ngồi lại lâu hơn, ngồi lâu hơn sẽ nói chuyện nhiều hơn, nói chuyện nhiều hơn sẽ uống nhiều trà hơn. Chỉ là người trong nhà quá ít, Mộc Huyền đã nhiều lần tính đến chuyện tìm thêm người làm nhưng đều không mấy khả quan.

Bởi vì trong quán đâu có ai bình thường, đầu bếp duy nhất là một con cá chép tinh tên Chu Sa, trà nô Thái Phó Bình là khuyển tinh cao to lực lưỡng, hai tiểu đồng chính là hai trái hồ lô tinh trồng ở sân sau của Vịnh Xuân, ngay cả vị chủ quán tên Mộc Huyền cũng là một lão hồ ly đã sống trên đời gần trăm năm. Tìm người, người chạy. Tìm ma, ma cũng chạy.

Chẳng biết may hay rủi, mấy hôm trước Phó Bình nhặt về một con ếch tinh độ tuổi niên thiếu, vẻ ngoài không đến nỗi quá xấu, còn biết đọc chữ và tính toán.

“Choang…”

Tiếng động không quá lớn nhưng đủ để khiến Mộc Huyền thoát khỏi dáng vẻ trầm ngâm, y hướng mắt về phía quầy thanh toán khẽ cau mày, con ếch tinh này lại làm vỡ ấm trà rồi. Y nói nó chỉ cần đứng trong quầy tính tiền là được, việc bưng bê đi lại để hai đứa Hồ Nhất và Hồ Nhị làm, nhưng nó không chịu nghe, tay chân lóng ngóng, làm được ba hôm đã đánh đổ năm cái cốc sứ, hai ấm đất nung.

Mộc Huyền thở dài nhìn nhóc Hồ Nhị đẩy ếch tinh vào trong, động tác của nó vừa dịu dàng vừa vỗ về, thật không uổng công y tận tụy dạy dỗ.

Quán trà Vịnh Xuân đến tầm xế chiều mới vãn khách, một phần vì tiết trời đã dịu lại, một phần do trà ngon trong quán đã hết chỉ còn vài loại trà thường, điểm tâm cũng không còn nhiều như buổi sáng và ban trưa. Lúc này, Mộc Huyền bắt đầu tính toán lại sổ sách mà con ếch tinh đã ghi chép. Nét chữ của nó nghiêng ngả run run, không có một chút khí chất nào, nhìn qua cũng biết kẻ viết mấy dòng này nhút nhát yếu đuối, vô cùng vụng về.

“Ông chủ, trà này…  hơi lạ, không giống vị trà xanh.”

Lần đầu nghe thấy khách phàn nàn về trà, không chỉ hai nhóc hồ lô đang chạy đông chạy tây đứng lại sững sờ, mà ngay cả ông chủ của Vịnh Xuân cũng bị choáng ngợp. Y hạ cốc trà đang uống dở xuống bên cạnh, cánh tay trái giấu trong ống áo rộng dệt từ tơ lụa thượng hạng dần lộ ra ngoài, những ngón tay thon dài, trắng xanh chậm rãi vươn tới mép bàn. Móng tay được cắt tỉa gọn gàng đồng loạt gõ vào bề mặt gỗ mịn ba lần. Nghe thấy tín hiệu quen thuộc, Hồ Nhất thoát khỏi sững sờ nhanh chân chạy vào gian trong, vừa rót trà ra chén vừa hấp tấp nói:

“Anh Bình… khách nói, khách nói trà không giống trà.”

Lời vừa dứt, cậu bé cũng co chân chạy thẳng ra ngoài. Phó Bình không rõ Hồ Nhất nói gì, hắn vén tấm màn ngăn cách lên, ngó đầu ra ngoài nhìn. Lâu lắm rồi Phó Bình mới gặp lại biểu cảm sượng trân của lão hồ ly Mộc Huyền, chắc hẳn đã có kẻ nào đó múa rìu qua mắt thợ, chê bai trà của Vịnh Xuân.

Bởi vì Mộc Huyền rất thích trà nên ban đầu Vịnh Xuân chỉ đơn thuần là quán trà, sau này có Chu Sa nên mới thêm một vài món ăn nhẹ. Mộc Huyền rất tự tin vào khả năng thẩm trà của mình, sau khi sống hết hai mươi năm niên thiếu ở tộc hồ ly, y đã đi phiêu bạt tứ phương tìm ra vô số loại trà, bao năm tích góp mới quyết định mở Vịnh Xuân. Nói về luận trà, y nhận đứng thứ hai thì kẻ đứng nhất không dám ngóc đầu lên nhìn.

Mộc Huyền nhìn vào chén trà Hồ Nhất bưng tới, nước trà màu vàng trong vẫn còn vương khói âm ấm. Y cầm chén lên lắc nhẹ khiến hương trà thơm ngát ngụ trong làn nước sóng sánh tràn ra bên ngoài, vấn vương cánh mũi.

Mộc Huyền vẫn giữ nét mặt lạnh nhạt hướng mắt về phía chàng trai ngồi trong góc quán.

“Công tử gọi trà sen, đương nhiên vị sẽ khác trà xanh. Đây là loại trà kết hợp giữa lá trà xanh và hương hoa sen, người làm của ta phải rất tỉ mỉ từ khi thu hái đến khi chế biến mới có thể hoàn thành một ấm trà vừa có màu sắc đẹp mắt, vừa có vị trà đậm đặc như vậy.”

Vị khách ngồi trong góc lúc này mới thấy sự khác biệt, loại trà cậu hay uống có màu xanh lục khi đậm khi nhạt tùy vào lượng nước pha. Mà chén trà này lại có màu vàng trong, ngửi kỹ sẽ thấy hương sen tỏa ra nhè nhẹ.

Mấy vị khách ngồi trà muộn cũng hướng mắt về phía Mộc Huyền để nghe chuyện. Cách đây vài chục năm, đã từng có một thư sinh anh tuấn từ phương xa đến thử trà ở Vịnh Xuân. Chuyện của người này ban đầu cũng là do gọi nhầm một ấm trà, sau khi được Mộc Huyền giảng giải đã đem lòng yêu cả Vịnh Xuân, từ bản chất mộc mạc đến con người trong nhà. Nhưng tên đó cũng chỉ lưu lại quán hơn nửa năm rồi rời đi, sau này gần như biệt vô âm tín.

Chàng thiếu niên kia mặc trên người một bộ y phục màu tro, vai áo đã sờn, chiếc quần dài dệt bằng vải thô nhàu nát có một vài vết rách nhỏ, cả hai ống quần đều nhuốm bùn chắc hẳn là người từ nơi khác đến. Khách trong quán đều nói cậu ta có phước, lần đầu tới Vịnh Xuân đã được nghe thấy giọng nói êm dịu nhẹ nhàng của chủ quán, hơn nữa còn được y nhìn một cái. Bọn họ truyền tai nhau chắc chắn tám, chín phần ngày mai cậu ta sẽ lại tới tiếp.

Quán trà cũ này đông khách nửa phần vì trà ngon, nửa phần là vì Mộc Huyền quá đỗi xinh đẹp. Y có làn da trắng như tuyết đêm đông khiến tất cả mỹ nữ trong trấn đều phải ghen tị. Lại thêm mái tóc đen mượt dài ngang lưng luôn được buộc gọn bởi một sợi vải mảnh màu đỏ, nhìn y chẳng khác nào tiểu thư khuê các đang đến tuổi má đỏ môi hồng.

Thứ đẹp nhất trên gương mặt sáng như trăng của y có lẽ là đôi mắt hồ ly sắc sảo. Đồng tử đen láy mang nét buồn man mác ẩn dưới làn hơi nước mỏng, nó long lanh tựa như ngôi sao soi bóng dưới suối thu trong vắt. Thêm một nốt ruồi son nằm yên ở đuôi mắt trái, khiến vẻ ngoài của y càng diễm lệ cũng càng u mị. Đôi mắt này vẫn hướng về phía chàng trai trong góc quán Vịnh Xuân, vừa như chất vấn, lại vừa như chờ đợi hồi âm.

Đúng như lời các quan khách truyền tai nhau, chàng trai trẻ này đã gục ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cậu im lặng, trưng ra một khuôn mặt ngốc nghếch đáp lại ánh nhìn của Mộc Huyền. Da mặt màu đồng thoáng chốc đã đỏ lựng, nhuộm dần xuống chiếc yết hầu lớn đang liên tục di chuyển lên xuống.

Mộc Huyền cảm thấy hành động nuốt nước bọt của người kia quá khiếm nhã. Ấn đường của y hơi nhăn lại, tuy bên ngoài nét mặt lạnh nhạt không thay đổi nhiều, nhưng sâu trong lồng ngực phập phồng, y đang chôn sâu ý định bẻ gãy cổ tên thiếu niên trước mặt. Mộc Huyền lấy một hơi dài, tự khuyên bản thân kiềm chế lại, ở đây còn có rất nhiều người vô tội. Y thả lỏng cơ thể, giãn ấn đường kiên nhẫn nói thêm một câu:

"Có vẻ như cậu cũng là người thích trà, đã có tìm hiểu, vừa rồi là trà sen của Vịnh Xuân."

Biết mình nhầm, người kia luống cuống nhận sai, da mặt đỏ càng thêm đỏ:

"Thật sự xin lỗi, vãn bối ít học đã làm mất nhã hứng thưởng trà của ông chủ. Vãn bối từ nhỏ đến giờ chỉ biết đến trà xanh, nước màu lục vị đắng chát. Đây là lần đầu được uống trà sen, nước trà ấm vừa tràn vào miệng mang vị đắng nhẹ mơn man đầu lưỡi, nhưng vuốt ve cổ họng lại biến thành ngọt dịu thanh mát. Quả thật quá thần kỳ!"

Miệng nói "ít học" nhưng hành văn lại vô cùng xuôi tai. Mộc Huyền dường như đã nhận được câu trả lời mà mình mong đợi, y thu lại ánh nhìn tiếp tục gảy những hạt gỗ trên bàn tính.

Hết chuyện nghe, nắng cũng vừa tắt, mấy vị khách uống trà muộn bắt đầu đứng dậy rời đi. Trong đó có một chàng thiếu niên nước da màu đồng khỏe khoắn, cứ tiến đôi ba bước lại ngoái đầu lưu luyến nhìn lại ô cửa sổ bên trái lối vào, nơi có một thân lụa trắng đang nắn nót từng nét chữ. Mãi tới khi sắc đen đã nuốt trọn thị trấn trong bụng, cậu mới dứt bước rời đi.


Truyện cùng tác giả