bởi Green

8
2
3650 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1-2: Quyết minh, túc hưng trần thiết...


Vào sáng hôm sau, binh lính tìm được chàng thiếu niên bên bờ sông. Họ đưa chàng về cấm thành. Liền mấy ngày chàng sốt li bì, nằm liệt trên giường. Trong cơn chập chờn nửa tỉnh nửa mê, thần trí chàng như lang thang đâu đó trên bờ sông phủ mờ sương, dõi theo hai mẹ con người đàn bà có mái tóc thơm mùi vỏ bưởi và đôi môi đỏ thắm màu bã trầu rẽ lối đi giữa ruộng dâu xanh ngát. Đứa bé để độc một chỏm tóc đi lẫm chẫm đằng sau, nó mếu máo mách bu về trò đùa của lũ trẻ chăn trâu, những đứa vừa cao vừa to hơn nó. Chúng nghĩ ra vè để giễu nó, cái thằng con không cha. Nhưng nó có thầy, thầy nó hay ngồi đan giỏi mây ở sân nhà, đứa trẻ cãi lại. Bu mày chửa hoang, ông quản giáp thương tình mới nhặt về. Lũ trẻ cười rộ lên đầy tai quái. Đứa trẻ ngọng nghịu nhắc lại từng từ, trong đầu óc non nớt chỉ biết rằng chửa hoang là một cái tội, một chuyện xấu, ai mắc tội ấy làng đều bắt vạ. Nó không chịu người ta dè bỉu bu nó xấu. Người đàn bà vẫn im lặng, thơ thẩn ngắt từng lá dâu thả vào cái rổ tre. Hồi lâu sau, bà mới nắm lấy tay đứa trẻ, chỉ cho nó nhìn về phía bên kia con sông. Bố của con ở đằng ấy, bà nói, giọng bà lẫn vào tiếng lá cây xào xạc. Bố đặt tên cho con, khi nào con lớn, con cứ đi về hướng đấy tìm bố. Còn thầy của nó ở nhà thì sao? Đứa trẻ ngơ ngác. Bố là thầy mà? Thầy thương nó lắm, mỗi tối đều ôm nó vào lòng, kể những chuyện ông tiên ông bụt cho nó nghe. Khuôn miệng của người đàn bà giãn ra thành nụ cười, bà xoa đầu đứa trẻ. Tay bà mát rượi, chạm vào đầu nó dễ chịu vô cùng. Nó muốn được bu xoa đầu mãi, nhưng rồi bà lại xoay người hái lá dâu. Đứa trẻ vội vã níu lấy tay bà. Cả nương dâu bỗng trở nên trắng xóa. Chớp mắt một cái, đôi hàng mi của chàng thiếu niên khẽ rung. Những mảng nhòe nhoẹt lá dâu, sương trắng, áo nâu dần chắp lại với nhau thành khuôn mặt người xa lạ. Chàng choàng tỉnh và nhận ra mình đang nằm trong cung điện ở cấm thành, trên trán vừa được đắp khăn ướt. Ngồi bên cạnh giường là mẹ chàng, là lệnh bà của cung Thúy Hoa. Bên cạnh lệnh bà, con hầu vẫn đang bê thau nước.

"Hẵng còn sốt, con cứ nằm nghỉ đi." Lệnh bà nhấc khăn trên trán chàng thả vào thau, đổi sang khăn mới. Đoạn bà sai đứa hầu khác đang đừng ở cuối giường đi lấy thuốc.

Cổ họng chàng thiếu niên khát cháy, môi chàng khô rốc, tưởng như dính chặt với nhau nhưng hóa ra vẫn mấp máy được. Lệnh bà đoán được chàng muốn uống nước, bà lấy ra thêm một cái khăn nữa, thấm ít nước mát rồi nhẹ nhàng chấm vào môi chàng. Li bì mấy ngày trời liền, đợi uống thuốc xong đã. Vừa chấm khăn, lệnh bà vừa nói. Giọng lệnh bà dịu dàng, êm nhẹ, lúc nào nghe cũng như đang thầm thì, rủ rỉ. Mỗi lúc nghe giọng ấy, chàng lại thấy an lòng. Khi thấy chàng đã tỉnh táo hơn, lệnh bà mới phẩy tay cho đứa hầu lui ra xa vài bước để tiện chuyện trò với chàng. Người thở dài ảo não, đắn đo mãi mới nhắc đến phu nhân Trần thị. Thánh thượng đã cho người về Mai Xá lo liệu xong xuôi, âu cũng để phu nhân không tủi mà người nhà cũng yên lòng. Chàng thiếu niên khịt mũi, mắt nhìn ráo hoảnh lên đỉnh màn the, lời của lệnh bà trôi tuột qua tai chàng, chỉ duy có "người nhà" neo lại. Một lát sau, chàng thều thào cảm tạ ân đức như trời bể của thánh thượng.

"Đêm hôm qua, người cũng có đến thăm con." Lệnh bà nói.

Chàng thiếu niên nhìn người. Người đã là mẹ của chàng từ thuở chàng bước chân vào cấm thành này. Trong mắt chàng, người luôn chu đáo, dịu dàng và khéo léo. Lệnh bà hiểu hơn ai hết tình cảm cha con giữa thánh thượng với chàng gượng gạo đến nhường nào, nên người không ép chàng tạ lỗi. Nhưng ý tứ của người sau câu ấy thì sáng rõ. Thánh thượng đến thăm chàng là trong lòng đã xá tội cho chàng, có điều, giả như chàng không nhận lỗi để triều thần nhìn vào, thì ắt sẽ có điều tiếng tổn hại đến chàng. Điều tiếng? Chàng tự nhủ đầy hằn học trong lòng. Chàng xuất cung vào ban đêm cũng chỉ mong được về chịu tang mẹ đẻ, những kẻ bề tôi kia định khép chàng tội gì đây? Đại nghịch bất đạo hay không biết tu tâm dưỡng tính? Có đôi lúc chàng nghĩ, ví thử tám vị hoàng hậu của thánh thượng sinh được thêm một mụn con trai nữa, hay là bốn hoàng tử của người không yểu mệnh, thì hẳn họ đã chẳng để chàng bước vào cung Long Đức. Võ tướng chê chàng là người lộ Hải Thanh, văn quan chướng mắt chàng thuộc dòng con cháu tội nhân. Nhưng họ vẫn phải nuốt những tị hiềm, ghét bỏ ấy vào trong lòng mà xưng thần với chàng, vì thánh thượng không còn người con nào khác. Họ không được chọn, chàng không được chọn, thánh thượng cũng không được chọn. Tất cả những kẻ ra ra vào vào Long Phượng thành này đều không được chọn. Đương lúc căn phòng im ắng, đứa hầu quay trở lại, nó bưng khay gỗ có đặt bát thuốc vừa sắc xong và một đĩa long nhãn nhỏ bằng lòng bàn tay. Hai đứa hầu của lệnh bà đều là những đứa nhanh nhẹn, chúng đỡ thiếu niên ngồi dậy, để chàng tựa lưng vào gối mềm. Lệnh bà nâng bát thuốc, cẩn thận hớt từng thìa vừa phải toan đưa đến tận miệng chàng. Nhưng thìa thuốc còn chưa đưa đến, chàng đã lắc đầu, xin được tự uống. Dẫu sao, chàng cũng đã làm quan lễ, không phải trẻ con nữa. Cái thứ nước đen đặc ấy đắng đến lợm cả cổ họng, vừa nuốt ngụm đầu, chàng đã thấy bụng dạ chộn rộn, cố thêm một ngụm nữa thì lưỡi như tê dại, cho đến ngụm cuối, chàng phải đưa tay lên bụm miệng để không nôn sạch ra ngoài. Thấy chàng khổ sở với bát thuốc, một trong hai đứa hầu vội nâng khay dâng long nhãn. Lệnh bà nhìn cảnh chàng nhăn nhó vì thuốc đắng, môi khẽ nhoẻn cười rồi lại nhạt dần thành nét buồn. Đứa con bà nuôi nấng bao năm nay, giờ cũng đã lớn thật rồi. Nó không còn cần bà dỗ dành uống thuốc nữa, nó biết chịu đựng vị đắt ngắt kia mà không kêu than nửa lời.

"Ta đã xin với thánh thượng, cho con ở lại trong cung thêm dăm hôm nữa để tiện thuốc thang. Con cứ yên tâm nghỉ ngơi. Có việc gì cần, muốn thứ gì, cứ sai bảo kẻ hầu người hạ. Chúng nó đều theo hầu ta đã lâu, đứa nào cũng thạo việc cả." Lệnh bà căn dặn.

"Con..." Chàng định từ chối, xin được xuất cung, về cung Long Đức tĩnh dưỡng. Nhưng nhìn cặp mắt phượng đã nhuốm màu mỏi mệt của người đàn bà trạc tứ tuần đang ánh lên sự chờ mong, chàng lại không nỡ làm vậy. Những lời muốn nói đã đi đến đầu lưỡi thoắt cái bị nuốt ngược vào trong. "Con cảm tạ lệnh bà. Nhưng con chỉ xin quấy quả một hai hôm thôi ạ."

"Con khỏe lại rồi thì ta cũng chả giữ làm gì." Lệnh bà lấy trong tráp gỗ mà người hầu cầm đang cầm ra miếng trầu đã têm sẵn rồi một tay che, một tay thả vào miệng. Giữa bà và chàng thiếu niên như cởi mở tấm lòng hơn, chuyện trò theo đấy cũng rủ rỉ thân tình chứ không còn gượng gạo nữa.

Sang đầu giờ Ngọ, người hầu đến thỉnh lệnh bà đi hầu thiện cho thánh thượng. Bà nấn ná mãi mới chịu rời đi. Trước lúc đi, bà dặn dò kỹ đám người hầu phải sắc thuốc, canh lửa, dâng cháo loãng cho chàng đúng thời. Dường như vẫn chưa yên tâm, lệnh bà còn cắt cử một trong hai đứa hầu cận tên là Hạnh Hoa ở lại túc trực. Khi lệnh bà đi khỏi, Hạnh Hoa đỡ chàng nằm xuống giường. Chàng nhìn đứa hầu, chợt nhớ đến Thận, chân mày hơi nheo lại. Suốt mấy ngày chàng thiếu niên tĩnh dưỡng trong cung, Hạnh Hoa luôn túc trực bên cạnh chàng. Nàng lớn hơn chàng hai tuổi, tháo vát và khéo ăn nói. Những lúc chàng chợp mắt, nàng sẽ dọn dẹp lại căn phòng cho thật ngăn nắp, thoáng đãng. Khi chàng tỉnh giấc, theo từng giờ, nàng đem thuốc hoặc cháo loãng đến trước mặt chàng. Thi thoảng, chàng bắt chuyện với nàng, hỏi han những câu bâng quơ về Huy Vũ, về Thận, cả thánh thượng và các lệnh bà nữa. Hạnh Hoa trả lời thật thà gần hết, chỉ riêng nhắc đến Thận, nàng ngần ngừ mãi không đáp. Chàng cũng không gặng hỏi thêm. Mấy hôm sau nữa, vào tết thanh minh, Huy Vũ mới lò dò đến trước mặt chàng. Đông Chính hầu được vời vào dự yến, cậu ta đi theo thầy, nhưng yến tiệc chưa tan đã lẻn đi thăm chàng.

"Chưa qua hết một xuân mà trông anh đã tiều tụy thế kia." Huy Vũ rón rén bước vào phòng, miệng cười toe toét.

"Thôi đi ông kễnh, anh đây mệt lắm, không cợt nhả với mày được." Chàng thiếu niên nhấc mình ngồi dậy, bĩu môi với cậu em họ. Nhìn nó còn cười được thế kia thì hẳn vẫn chẳng hề hấn gì, chàng tự nhủ. Hạnh Hoa kể lại, sau hôm quan lễ của chàng, Huy Vũ bị thánh thượng quở trách, lúc về đến nhà, cậu chàng lại bị phu nhân Dương thị vụt cho thêm chục nhát roi mây nữa. Chàng cứ nghĩ sau phen ấy, Huy Vũ còn lâu mới ra khỏi cửa phủ được, chẳng ngờ nó đã đứng lù lù trước mặt thế này. "Bị mẹ vụt cho tuốt xác vẫn chưa sợ hay sao mà lại mò đến đây?"

"Bẩm anh, em sợ rồi, nhưng lệnh bà cho vời vào hầu anh thì vẫn phải đi ạ." Huy Vũ rót chén nước chè, thấy trên bàn có bày sẵn đĩa long nhãn thì nhón luôn một miếng.

Cũng phải, chàng thiếu niên nghĩ. Lệnh bà sợ chàng buồn nên mới cho vời thằng nhõi này vào cung. Huy Vũ vừa nuốt trôi ngụm nước chè đã huyên thuyên đủ thứ lông gà vỏ tỏi từ trong cấm thành ra đến tận chợ Cửa Đông. Dẫu chẳng phải chuyện gì mới mẻ, đáng để chàng bận tâm, nhưng quý công thăm nom của nó, chàng cũng vờ như nghe nằm lòng. Hết một tuần chè, chàng mới dò hỏi được về Thận. Huy Vũ uống thêm chén nước nữa, nhón nốt miếng long nhãn cuối cùng, ra vẻ phải suy nghĩ lung lắm chịu nói cho chàng biết. Sau khi lĩnh sáu chục trượng suýt chết, Thận đang bị giam trong ngục. Giọng Huy Vũ hơi chùng xuống. Cậu biết, anh hầu chịu cái họa này là chuyện tai bay vạ gió. Thánh thượng giận cậu vì đem thư từ vào cung, nhưng người không thể nọc cổ cậu ra phạt trượng, thế nên ngài mới đổ tội lên đầu kẻ hầu.

"Chắc lại có công của Đoàn thái úy?" Chàng thiếu niên hỏi.

Nhìn cái mím môi của chàng, Huy Vũ ngập ngừng gật đầu. Đoàn thái úy là người đầu tiên có lời tấu, thỉnh thánh thượng phải phạt chàng thật nặng để tỏ rõ phép nước nghiêm ngặt, làm gương răn đe cho kẻ khác. Tay chàng thiếu niên nắm chặt một góc chăn đắp. Huy Vũ thấy hối trong lòng, cậu cụp mắt, lắp bắp nhận lỗi vì đã khiến cho mọi sự rối như canh hẹ như thế. Chàng thiếu niên chỉ dửng dưng thả nhẹ một câu chẳng phải lỗi của cậu.

"Hiện thời mới chỉ tống vào lao..." Huy Vũ dè dặt nói tiếp, cậu đánh bạo phơi sạch ruột gan ra. "Anh có giận thì em cũng đành chịu, nhưng anh không đi tạ tội với thánh thượng khéo là họ cho Thận gánh cái án đi đày mất."

"Ra là mày đến đây vòng vo chỉ để khuyên thế thôi hử?" Chàng thiếu niên sẵng giọng, trong đầu nghĩ đến cảnh phải dập đầu nhận tội ở điện Long An mà lòng dạ sôi lên ùng ục.

Huy Vũ co rúm cả người, im bặt. Cậu vờ như đưa mắt tìm Hạnh Hoa để sai nàng đi châm thêm tuần chè nữa. Bên tai cậu, tựa hồ là nghe rõ cả tiếng thở phì phò của anh họ. Đột nhiên, chàng thiếu niên cho đòi đem giấy bút đến. Huy Vũ không dám ngồi ỳ ra đấy nữa, cậu tìm giấy bút, nghiên mực.

"Chữ mày cũng đẹp, viết đi." Thiếu niên ra lệnh cho Huy Vũ.

"Anh muốn em viết cái gì ạ?" Huy Vũ vẩy ít nước vào nghiên rồi sắn tay áo cầm thỏi mực bắt đầu mài.

"Sớ thỉnh tội." Chàng đáp nhát gừng.


*

* *


Kinh Thi có câu mục như thanh phong, nghĩa là ôn hòa như gió mát. Chữ mục trong tên chàng thiếu niên cũng lấy từ đấy mà ra. Thánh thượng chắp tay sau lưng, đứng trên thềm cao và đưa mắt nhìn cậu con trai độc nhất đang quỳ rạp dưới sân. Quan nội thị khẽ thưa, chàng đã quỳ dễ để một canh giờ. Thánh thượng gật gù. Dáng vẻ dập đầu kia, cả bộ áo xống kia nữa, ở giữa sân rồng vào buổi sáng mưa phùn rét mướt thế này, chẳng rõ cớ gì lại khiến người nhớ đến cái lý lẽ lúc ngự bút chọn hai chữ Mục Huyền để nhập vào ngọc phả. Ôn hòa như gió mát. Ôn hòa. Ở đời này, người ôn hòa hay được yên ổn. Người muốn con của mình sẽ yên ổn mà sống cho trọn kiếp người. Có điều, chữ mục mà người chọn, trớ trêu thay, lại không ứng vào mục như thanh phong mà lại ứng vào mục mục Văn Vương. Người vô tình, nhưng trời cao hữu ý. Âu là sự đã an bài. Thánh thượng thở dài, người cầm sớ thỉnh tội được quan nội thị dâng lên. Lời lẽ trong sớ ấy chừng mực lại thống thiết, nét chữ uyển chuyển, nhã nhặn, từng câu từng chữ đều như rút sạch tâm can ra để tỏ bày sự hối lỗi. Rõ là... nhờ người khác viết hộ. Noi theo Ngu Thuấn, hiếu cảm động thiên? Người thở hắt, con trai người mà biết điều như thế thì đã chẳng phải đến đây tạ tội.

"Cứ bảo nó quỳ thêm một canh giờ nữa rồi hẵng vời vào." Nói rồi, thánh thượng phẩy tay áo xoay người đi vào trong điện.

Quan nội thị chuyển lời. Chàng thiếu niên răm rắp nghe theo, quỳ gối đợi thêm một canh giờ nữa. Dưới vòm trời u ám mây đen, chàng run lên vì lạnh, hai hàm răng nghiến chặt vào nhau mỗi bận gió thổi lùa qua sân rồng. Trong lòng chàng giờ đây như dậy sóng, miệng chàng lẩm bẩm chửi thầm đứa đã viết ra cái sớ thỉnh tội kia. Thằng Huy Vũ, chuyến này về mày chết với ông!

Đến đầu giờ Ngọ, chàng thiếu niên mới được vái tạ thiên tử rồi loạng choạng đứng dậy lết bước theo quan nội thị vào điện. Thánh thượng đang ngồi trên sập, vừa thấy chàng, người nhặt một miếng trầu đã têm sẵn trong khơi gỗ lên nhai. Kẻ hầu người hạ đứng thành hàng, chúng nép mình sang hai bên, mặt cúi gằm nom như tượng cả lượt. Chàng thiếu niên dập đầu phủ phục trên nền gạch, nhưng người không đáp lại cũng không truyền cho miễn lễ. Mãi một lúc sau, thánh thượng mới cất lời. Người hỏi chàng đã rõ tội trạng hay chưa. Hẳn nhiên, chàng biết mình phạm phải tội gì, chỉ là chàng không cam lòng nhận về. Tội ấy chẳng phải điều sai quấy, lòng chàng quả quyết như thế. Tựa hồ thánh thượng cũng đoán ra được cái sự bất kham trong đầu chàng, người nhắc lại sự biến năm Thần Quang thứ hai. Anh trai người, tức Quảng Vũ Vương, nửa đêm tự ý xuất cung để hội quân cùng lũ phường phản nghịch. Kể từ dạo ấy, hễ không có lệnh trên ban xuống, ra vào cung đều là chuyện kiêng kị.

"Người trên kẻ dưới nhìn vào chỉ biết con tự ý xuất cung, làm trái phép nước. Ai biết phải quấy thế nào." Thánh thượng nhấc ống đồng, nhổ ra một bụm bã trầu. Đoạn người nói tiếp. "Miệng lưỡi thiên hạ bàn ra tán vào, con cãi được hay không?"

"Thưa..." Giọng chàng lí nhí không thoát nổi ra để thành câu rành dọt.

Chàng cãi không được miệng lưỡi thiên hạ. Mà kỳ thực trên đời này chẳng ai cãi nổi. Thứ ma quỷ ấy có tên nhưng không có hình, bất tuân quyền bính mà cũng xem nhẹ gươm đao, cứ hễ đã nhắm vào ai là sẽ hành người ta cho kỳ được, hành đến chết đi sống lại, làm cho khốn đốn rồi cũng chưa chắc buông tha. Mấy ngày qua, chàng ở lì trong phòng, khổ sở xót thương phu nhân Trần thị. Vậy mà bên ngoài thiên hạ thêu dệt lên đủ điều xấu xa. Kẻ đồn rằng chàng ham vui nên trốn đi chơi bời cùng chúng bạn, người bàn tán chàng không biết giữ thân mới trèo tường làm chuyện khuất tất. Chàng muốn thanh minh, muốn cãi lại, muốn gào lên cho những kẻ ấy biết lòng chàng buồn khổ, dằn vặt nhường nào khi không thể làm cái việc mà bất kỳ ai trên đời, dẫu có phải hạng cùng đinh khố rách, cũng đều được làm là vái lạy người đàn bà mang nặng đẻ đau ra mình lấy một lần. Nhưng chàng không biết phải tìm kẻ nào để cãi, tìm kẻ nào để thanh minh. Miệng lưỡi thiên hạ gớm ghê còn hơn cả thuốc độc, nó khiến chàng chỉ nghĩ đến thôi đã rùng mình, vừa kinh khiếp vừa uất hận. Đôi phần bất kham, khăng khăng níu giữ cái lý đúng riêng của chàng thoáng chốc cũng theo đấy mà trở nên lung lay. Rồi chàng thấy chính mình cũng là một kẻ hèn nhát khi không gắng gượng bơi qua con sông kia mà lại bám vào tay người đánh vó đêm nào. Chàng thù ghét lòng dạ bạc bẽo của thánh thượng, nhưng liệu có kẻ ngay thẳng nào lại vẫn phải bám vào người họ thù ghét để xin vị ấy đoái thương, giáng phúc cho như chàng đang làm lúc này đây? Lòng chàng chất đầy nỗi ấm ức lẫn tủi nhục, lồng ngực chàng nặng trĩu, kéo ghì cái thân mình mảnh khảnh đang tuổi nhổ giò uốn rạp xuống. Vầng trán của chàng áp vào miếng gạch lạnh toát. Chàng im lặng. Một sự im lặng ôn hòa, nhún nhường của kẻ biết sai và đuối lý, nó khiến cho thánh thượng ngự trên sập cao nhìn xuống mà thấy đẹp lòng. Người đã định quở trách nhiều hơn, nhưng trước cái cách chàng quỳ rạp, không có nửa lời đối đáp ấy, người lại thôi. Thánh thượng tiếp tục nhai trầu, người không để chàng đứng dậy. Quan nội thị dâng lên hai tờ sớ của thượng thư sảnh và bộ lễ. Người chăm chú đọc cả hai, rồi nói với quan nội thị vỏn vẹn một câu "Chọn chữ Duệ". Quan nội thị cúi người hành lễ rồi chậm chạp lui ra ngoài. Đợi khi quan nội thị đi hẳn, thánh thượng mới nhìn chàng và hỏi có đoán ra chữ Duệ người nói là chữ Duệ nào hay không. Chàng nghĩ ngợi rồi rụt rè đoán chữ Duệ có bộ Mục. Thánh thượng cười nhẹ, người phẩy tay cho chàng lui, tỏ ý không trách tội nữa. Sáng hôm sau, người ta thả Thận ra, cho nằm võng đưa về đến tận cửa cung Long Đức.


Chú thích:

Mục - 穆 trong Kinh Thi phần Đại Nhã có câu 穆如清風 - Ôn hòa như gió mát. Mục có nghĩa là ôn hòa, cung kính.

Mục - 穆 trong Kinh Thi phần Đại Nhã lại có câu 穆穆文王 - Mục mục Văn Vương hay Vua Văn Vương hùng tráng cao đẹp. Mục có nghĩa là hùng tráng, nguy nga.

睿 - Duệ, lấy từ một câu trong Thư Kinh phần Hồng Phạm "Thị viết minh, thính viết thông, tư viết duệ" - 視曰, 聽曰聰, 思曰睿, đại ý "thấy được gọi là sáng, nghe được gọi thông, hiểu được gọi là duệ."