Chương 1-3: Quyết minh, túc hưng trần thiết...
Một chiều nhàn rỗi, Huy Vũ ngồi ngáp dài, cậu hiếu kỳ hỏi chàng thiếu niên về chữ Duệ đã mà thánh thượng đã chọn. Cậu biết chữ ấy, thảo giấy nom đẹp mà nghĩa cũng hay ho, nhưng chỉ có thế, chẳng lý nào lại khiến người vui đến mức quên cả giận. Cố nhiên, là Huy Vũ nghĩ đúng. Chàng thiếu niên lấy ra một ít mồi nặn từ thính gạo rang trộn với đậu tương rang thơm bốc khói rải xuống mặt hồ. Ánh dương nhàn nhạt chiếu xuống làn nước, lóng lánh theo mỗi nhịp đớp mồi bồng bềnh của những con cá ngờ nhệch tham miếng bả thơm. Chàng phủ tay rồi lại về ngồi cạnh đứa em họ, tay nâng cần trúc lên chờ một cú giật từ dưới làn nước sóng sánh kia. Chữ Duệ ấy à? Chàng nhếch miệng cười nhạt. Thánh thượng chọn tên tự cho chàng mà thôi. Là mượn chuyện chọn chữ để nhắc chàng nhìn xa trông rộng, suy xét mỗi việc làm kẻo kẻ dưới lại mắc lụy theo. Huy Vũ nghe kiến giải thì gật gù chiều đã hiểu. Hai chàng thiếu niên ngồi trên con thuyền tam bản, cần trúc vẫn im lìm. Tiếng thở dài ảo não của chàng thiếu niên làm Huy Vũ chột dạ. Sang năm cậu cũng đến quan lễ, liệu qua cái ngày hôm ấy, cậu có phải thở dài ảo não như anh họ hay không? Nom anh cầm cần câu nhưng thần trí thả đi tận chốn nào, cậu nhớ đến thầy mình mỗi bận ông chong đèn thức trắng đêm trong thư phòng, tính toán việc quân. Tóc thầy cậu qua mỗi phen như thế lại bạc thêm ít nhiều, còn người thì gầy rạc cả đi. Trước giờ cậu là đứa vô lo vô nghĩ, trừ vắt óc ra tìm cớ đi chơi thì chẳng phải suy tư gì nhiều. Thế nhưng khi chứng kiến cảnh tượng trong quan lễ của anh họ, cả cách thánh thượng giáng tội cho kẻ hầu, cậu sợ đến phát run. Hóa ra những người ăn trên ngồi chốc như anh họ cậu, như thầy của cậu nữa, cũng có lắm đầu dây mối nhợ trói buộc vào thân để mà chuyện khóc cười cũng chẳng được tùy ý. Cậu bắt đầu để tâm đến những lời thầy mẹ nói chuyện ở phủ, rồi từ đấy, cơ hồ mới mường tượng được chốn cung cấm rối ren làm sao. Ánh đèn vàng rộn hắt qua khe cửa giữa mỗi đêm khuya cũng vì vậy mà trở nên khác đi trong mắt cậu. Tựa hồ thứ ánh sáng leo lắt ấy mang theo cả những âu lo rút cạn đi hồn phách của con người ta, làm cho họ hóa thành bóng đen hắt trên vách tường, chẳng còn mặt mũi mà cứ là một tảng lầm lũi thô kệch. Như vậy thì có sống thanh thản được chăng? Có lẽ không được. Thầy của cậu lúc nào cũng cay nghiệt, cộc cằn với vợ con. Cả cuộc đời thầy đến nằm mơ cũng toàn nạt nộ, chém giết. Từ sau lễ gia quan, đôi lần cậu thấy anh nom chẳng khác thầy mình là bao. Huy Vũ chợt nghĩ trộm, liệu có phải hễ cứ qua lễ ấy thì ai cũng sẽ buồn nhiều hơn vui giống như thầy và anh họ cậu? Đầu óc cậu cứ miên man mãi những ngẫm nghĩ lẫn sợ hãi mơ hồ, dần dà cậu bỗng thấy thương cho người anh họ. Dẫu vai vế thì phải gọi anh xưng em đấy, nhưng tuổi tác cả hai cũng suýt soát nhau, nên kể ra lại giống bạn bè hơn. Nửa là bạn nửa là người nhà, vì lẽ đấy, cậu quý anh, kể cả khi thầy mẹ đều không vừa bụng chuyện hai anh em thân thiết. Đông Chính hầu thân với các võ tướng xuất thân từ lộ Thượng Nguyên, ông không ưa đám quan văn lộ Hải Thanh. Rặt toàn lũ dài lưng tốn vải, thi thoảng trong bữa cơm ông bĩu môi chê như vậy. Huy Vũ lại khác, cậu không thích võ tướng, đúng hơn là cậu sợ. Một nỗi sợ manh nha từ tấm bé. Thoạt đầu vì tính tình nóng nảy của Đông Chính hầu, sau đấy nó ngày càng lớn hơn vào mỗi lần cậu thấy Đoàn thái úy cầm thước gỗ đánh vào lòng bàn tay người anh họ ở học đường. Phát nào phát nấy đau buốt vào tận xương. Mà chẳng cứ gì Huy Vũ, đứa trẻ con nào đi học hồi ấy cũng sợ ông thái úy, riêng anh họ cậu thì ghét ông ta đến hắt nước đổ đi. Những sự yêu ghét, cậu nghĩ, luôn có căn nguyên sâu xa, mà cũng dễ làm cho người ta khổ sở. Đương lúc Huy Vũ đăm chiêu, đột nhiên cần trúc trên tay cậu giật mạnh. Chàng thiếu niên reo lên một tiếng. Nét mặt chàng trở nên tươi tỉnh hơn, chàng giục cậu em họ kéo cần. Huy Vũ luống cuống với con cá đang vùng vẫy trong làn nước kia mà nhìn sang ông lão chèo thuyền cầu cứu. Giật ngược cần lại, khéo là con cá to đấy. Chàng thiếu niên nói, đoạn vứt hẳn cần trúc trên tay sang một bên mà nghiêng người túm lấy cần câu của Huy Vũ. Con cá dường như quẫy mạnh hơn, tường chừng giật đứt sợi dây tơ, làm con thuyền tam bản lắc lư dữ dội. Cả hai cậu thiếu niên cố bung hết sức lực mà ghì lấy cần, con cá vẫn bơi lòng vòng, cố tìm đường thoát, dẫu kim uốn mắc ở đầu kia của sợi tơ đã móc chặt vào mồm nó. Chàng thiếu niên nghiêng người, tay kéo cần trúc về phía ngược với chiều bơi của con cá. Thình lình, đúng vào lúc cả chàng lẫn Huy Vũ tưởng rằng nó đã đuối sức mà nơi lỏng tay, toan kéo cần lên, cá lại quẫy mạnh làm nước văng tung tóe, cần câu đương uốn cong vút bỗng gãy làm đôi. Huy Vũ giật mình, cậu thả tay khỏi cần câu, theo đà sóng vỗ mạn thuyền mà chúi đầu về phía trước, lao ùm vào hồ. Anh họ cậu hoảng hốt ném nửa cái cần đi, đoạn giật lấy mái chèo của ông lão chèo thuyền thả xuống để cậu bám vào. Chật vật một hồi, Huy Vũ bò lên thuyền, cậu uống no bụng nước, áo xống ướt như chuột lột, tóc tai xổ ra vài lọn. Chàng thiếu niên vỗ lưng cậu, thúc giục nôn hết nước ra, rồi nghe thấy tiếng cậu ho sằng sặc, chàng lại cười ngặt nghẽo. Huy Vũ ngơ ngác, nhưng rồi như hiểu ra bộ dạng của cậu giờ lôi thôi thế nào, cậu cũng cười theo. Trên con thuyền tam bản bồng bềnh giữa mặt hồ, hai thiếu niên cùng nhìn nhau mà cười phá lên, chuyến đi câu vậy là trắng tay. Học đòi Thái Công, theo dấu Tử Lăng nào có dễ. Trời dần ngả bóng chiều tà, chàng thiếu niên ngoảnh mặt về hướng tây, dõi mắt nhìn đàn chim trời sải cánh chao liệng phía đằng xa, chỗ những đám mây sáng thành quầng rực rỡ như dát vàng. Con thuyền đưa chàng trôi lững lờ trên mặt nước theo mỗi nhịp khua mái chèo. Chàng chợt nhắc đến Đoàn thái úy với Huy Vũ, giọng điệu bình thản giống người ta bàn tán chuyện của người dưng. Nhẽ ra thánh thượng đã để chàng về Mai Xá. Chàng không rõ căn nguyên, nhưng thứ linh cảm mơ hồ tợ thành sau ngần ấy năm kề cận bên cạnh người, hoặc giả là từ phần máu thịt người ban cho chàng, mách bảo như thế. Nhẽ ra... chàng đã giữ trọn đạo hiếu, nếu lão già họ Đoàn kia không đâm thọc làm thành thượng đổi ý. Đoàn thái úy thì can hệ gì đến chuyện ở Mai Xá? Câu hỏi ấy buột khỏi miệng Huy Vũ ngay lúc nó vừa hiện ra trong đầu cậu.
"Ta chịu đại tang thì cưới con gái ông ta thế nào được." Chàng thiếu niên cầm nốt mấy viên thính gạo đang bọc trong lá sen mà ném xuống mặt hồ như người ta ném đá, chẳng phải để dụ cá mà chỉ để cho đỡ buồn tay.
Năm trước, lệnh bà đã đánh tiếng thay thay thánh thượng, muốn dạm hỏi con gái nhà họ Đoàn cho chàng. Một bên có quyền bính, một đằng nắm cả thiên hạ, kể cũng là môn đăng hộ đối. Chàng ghét Đoàn thái úy, nhưng ở đời cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy đã thành cái lệ, nên đành thuận theo. Huống hồ, chuyện cưới hỏi mà thành thì vây cánh của Đoàn Thái Trác cũng thôi hằn học với chàng. Lệnh bà khuyên giải, nói rõ thiệt hơn, chàng ngẫm cũng cho là phải mà yên phận chờ ngày định hôn phối. Cung Long Đức của chàng nuôi thêm một miệng ăn có hề gì, chàng đã nghĩ như thế mà cũng đinh ninh rằng chuyện đem đời mình buộc vào với cô vợ họ Đoàn chỉ ngang với nuôi con chó con mèo trong nhà, chiều chuộng, cho ăn uống, cho chỗ náu thân, cốt sao cô ả không đau ốm bệnh tật là được. Thính gạo rang có thơm mấy, nhưng muốn cá cắn câu vẫn phải trộn thêm bùn đấy thôi.
"Ai lại làm thế." Huy Vũ mượn ông lão chèo thuyền cái áo tơi để khoác lên người cho đỡ lạnh, cậu rụt cả cổ lại. Cậu biết con gái thái úy, chị ta hơn cậu hai tuổi, cũng là người hiền lành nết na. Ác với người như thế phải tội chết, cậu lẩm bẩm.
Chàng thiếu niên nhìn cậu em họ, rồi mím môi ném nốt viên thính gạo ra tuốt ngoài xa, làm thành tiếng rơi lọt thỏm xuống nước rõ to. Ừ, đúng, ai lại làm thế, chàng nghĩ. Ai lại ăn đời ở kiếp được với đứa mà chỉ cần nhìn thấy mặt hay nghe tên thôi đã làm mình nhớ đến lão già mình ghét rồi. Như thế thì quá là tự đeo gông vào cổ. Chàng chịu thế nào được cái gông nặng ấy?