bởi Bắc Hà

128
20
1191 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1


                       NÀY MƯA XUÂN, HOA CHANH NỞ RỒI!

   Trời lại bắt đầu trở mưa. Hạnh từ mé sông ù té chạy vào. Mưa tháng giêng vẫn chưa nặng hạt, cứ e ấp rơi như những hạt bụi li ti. Hạnh vuỗi vuỗi vài cánh hoa chanh tim tím còn vương trên mái tóc.

   - Vừa Tết ra, ít người sang đò. Kém quá.

    Hạnh cười cười, tự nói một mình. Hà nghe hết, cứ cho là Hạnh nói với Hà đi. Nhưng Hà không đáp lại, kệ Hạnh. Hạnh chỉ định vào trú mưa một chốc thôi, sẽ lại đi ngay. Hạnh gần như chẳng để ý gì đến Hà, cứ tự nhiên như không ấy. Chỉ qua loa chào hỏi mẹ Hà, rồi ngồi ngay mép hiên nhà Hà mà trú.

    Hà ngắm Hạnh từ lúc Hạnh vừa xuống đò, chạy tắt ngang qua vườn chanh đang độ trổ hoa ở rìa sông vào đây. Ngắm, chẳng vì gì cả. Hạnh trông bình thường, không đẹp mấy. Nhưng Hạnh là người Hà yêu. Cũng chẳng biết đến giờ Hà có còn yêu hay không, chuyện đã xưa lắm rồi. Hạnh không hay biết, Hà chưa từng thổ lộ, nên tình cảm ấy rồi cũng chẳng đi đến đâu.

    Hà rời làng cũng ba, bốn năm gì đấy. Hà từng bảo ở làng tẻ nhạt quá, bình lặng quá, không thể giúp Hà có những ý tưởng cho những cuốn tiểu thuyết của mình. Và rồi Hà đi. Chẳng kịp nói với Hạnh lời nào. Lời yêu chẳng hạn.

   Hà đi biệt. Lang thang và phiêu bạt, Hà chưa từng dừng chân cố định ở bất cứ đâu. Trong mấy năm ấy, Hà đã đi qua đến quá nửa đất nước mình rồi. Nhiều nơi đẹp, nên thơ. Nhiều nơi là miền đất hứa. Nhưng chẳng có nơi nào đủ sức níu chân Hà lại. Hà là một đứa con trai thích tự do, ưa bay nhảy, tự trong lòng Hà bảo thế. Có lẽ đến chính Hà cũng chẳng rõ rằng, đó không phải lý do để Hà lang bạt khắp nơi. Và rồi Hà lại đi, với một niềm mong mỏi thậm chí còn chẳng rõ ràng.

  Hoa chanh cứ thế nở ba, bốn lần. Và mưa phùn cứ thế rơi ba, bốn bận.

  Và Hạnh, sớm chiều lái đò đưa người sang sông, ngày này qua ngày khác, cứ thế ba, bốn năm.

  Hạnh chẳng đợi Hà đâu. Vì Hà chưa từng hứa hẹn gì với Hạnh cả. Hạnh vẫn cứ sống đời mình, thong thả y như trước.

  Nhà Hà ngay bến sông, đôi lần mưa Hạnh lại chạy vào trú, cơm nước cho mẹ của Hà, ngồi chơi và nói chuyện với bà. Chuyện cát lở bên kia sông, chuyện cô Thúy neo thuyền giữa dòng chuẩn bị gả con gái, chuyện mấy cây chanh con mọc quanh gốc chanh già đã bắt đầu trổ lứa hoa đầu tiên… Không có câu chuyện nào về Hà cả. Mẹ Hà cũng không hỏi. Hà đi biền biệt bao nhiêu ngày tháng rồi, có ai biết tí tin tức gì về Hà đâu.

                                                                   *

Mưa nhạt dần. Bên kia sông vọng sang tiếng gọi đò buồn buồn lạ. Hạnh tất tả vơ lấy cái nón treo trên cột hiên, nói với vào trong bếp: “Dì cho con mượn cái nón.” Rồi chạy biến vào trong làn mưa bụi lất phất.

Hà ngồi thẫn thờ bên chiếc máy đánh chữ cạnh khung cửa sổ, nhìn theo cái dáng thon thon của Hạnh lần xuống bến sông, bước sang chiếc đò neo ở đấy, mềm dẻo tay chèo, vừa chèo vừa đáp vọng lại sang bờ bên kia.

Hoa chanh lại lả tả rơi.

                               

                                                           * * *


Đêm. Trăng tròn sáng vằng vặc. Hương hoa chanh ngan ngát đưa vào mũi. Hà lặng thinh, dồn vào lồng ngực thứ hương thơm dịu dàng khoan khoái thanh lọc cả tâm hồn cằn cỗi của mình. Cái tâm hồn từng trải qua bao cung bậc cảm xúc, đã lại dửng dưng trước cái đẹp trong đời.

Hà là một nhà văn xoàng xĩnh, một kẻ vãng lai vô hồn. Bằng chứng là Hà chẳng còn hứng thú gì với những đề tài mà Hà đã phải bỏ làng đi để tìm kiếm. Không có người nghệ sĩ nào không biết rung động trước cái đẹp, cái trữ tình. Vậy tại sao, tại sao Hà lại như thế? Phải chăng Hà đã đánh mất điều gì? Hay Hà chưa từng đánh mất, mà vẫn luôn tìm kiếm? Tìm kiếm điều không có thật ư, khi mà Hà đã bỏ ra quá nhiều thời gian rồi vẫn không thấy?

  Đó là điều mà Hà từng nhiều lần trằn trọc nghĩ ngợi trong những đêm mất ngủ nơi xa lạ. Hà cũng đã từng hăm hở xách túi lên đường, từng mong chờ vào những điều mới mẻ đang chờ ở phía trước. Nhưng dù đã đi đến những nơi người ta cho rằng là đẹp nhất, là nên thơ, là trữ tình nhất, Hà vẫn thấy thiếu một thứ gì đó. Một thứ mà Hà hằng khao khát được thấy rõ một lần, ngay cả trong giấc mơ. Hà chẳng thể hiểu nổi chính bản thân mình nữa. Một nhà văn mà đến cả chính mình còn chưa thấu hiểu, thì làm sao đòi hiểu sự đời mà mang nó vào văn chương?

Mấy năm trôi nhanh như cái chớp mắt của cô gái nhỏ nhìn về phía người thương. Và Hà thì vẫn cứ sống trong tạm bợ và những tháng ngày mải miết kiếm tìm.

                                                           ***

Rồi Hà lại về làng. Về làng vào cuối đông, sau những chuyến phiêu lưu trống rỗng và đầy mỏi mệt. Hà khoác ba lô, từ bến tàu lững thững men xuống bờ sông mà đi. Nhà Hà ở ngay đằng kia, chỉ cách bến sông một vườn chanh nho nhỏ. Ngày Hà đi, ở đấy chỉ có một cây chanh đứng đơn độc, tán lá xum xuê, hương lá chanh hăng hắc quyện vào không khí. Bây giờ đứng đó là gốc chanh già chĩa đầy gai nhọn, xung quanh quấn quít mấy cây chanh nhỏ. Hà dừng lại, nhìn nó, rồi định đi tiếp. Hà không cho phép mình có nhiều thời gian để nghĩ về nó. Chẳng biết tại sao, tự dưng Hà không muốn, vậy thôi.

  Nhưng cuối cùng Hà vẫn đứng ở đấy thêm một lúc lâu nữa. Hà lặng lẽ nhìn dáng người con gái đội chiếc nón lá cũ mèm thoăn thoắt chèo đò giữa sông kia. Hạnh vẫn vậy, vẫn là cô gái trong kí ức của Hà, vẫn gầy gầy tay chèo tay chống đưa người sang sông. Hà chợt thấy trái tim mình nóng lên một chút, một chút thôi nhưng cũng đủ để Hà giật mình, lắc lắc đầu rồi vội vã chạy ngược lên trên bờ đê, mải miết đi vào trong nhà.


Truyện cùng tác giả