Chương 1: bà lão mù
Giữa cái nắng hè gay gắt như lò thiêu, các bậc phụ huynh vẫn kiên nhẫn đứng đầy ngoài cổng trường. Trên gương mặt của họ có vẻ căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi, đôi mắt chất chứa hy vọng vẫn luôn nhìn về phía cổng. Dù tiếng còi xe inh ỏi trên đường vẫn không đánh động được đến họ.
"Tùng… tùng… tùng." Một hồi trống vang lên. Vài phút sau, tiếng cười nói, tiếng reo hò, hú hét từ các phòng học đổ ào ra sân trường, chạy ùa về phía cổng.
Lúc này, bầu không khí bên ngoài cổng trường cũng giãn ra, sự căng thẳng, lo lắng ban đầu cũng bị những tiếng reo hò, cười nói bên trong cuốn đi mất.
“Gia Hân, bà thi được không? Hu hu, tôi làm sai câu đồ thị hàm số rồi.” Một bạn nữ từ phía sau chạy đến bên cạnh Gia Hân, giọng nói chứa đầy sự tiếc nuối.
“Cũng được, câu đó lúc trước đi học thêm cô Hạnh có cho tôi làm qua rồi, là câu khó ăn điểm nhất trong bài thi.” Gia Hân đáp lại.
“Mấy bà được đi học thêm nên biết làm, sướng rồi còn gì.” Bạn nữ đó tiếp tục nói, giọng điệu có chút châm biếm.
“Thôi tôi về trước nha, bye bà!” Gia Hân không muốn tiếp tục chủ đề nói chuyện với cô gái đó nữa. Việc cô đi học thêm là do ba mẹ sắp xếp, người được hưởng những thứ tốt đẹp từ mồ hôi nước mắt như cô thì không có quyền phản bác lại. Huống chi, ba mẹ đều là vì muốn tốt cho cô nên dù cô không thích nhưng cũng không có ý chống đối lại.
Từ nhỏ, ba mẹ Gia Hân vì muốn cô không thua kém gì các bạn nên đăng ký cho cô học nhiều lớp bồi dưỡng bên ngoài. Từ ngoại ngữ cho đến các môn trên lớp, ngay cả lớp học kỹ năng, cô đều phải học. Bạn bè của cô sau giờ học là được đi chơi, xem phim, đua idol nhưng cô thì khác. Sau buổi học cô phải đến lớp học thêm, cuối tuần thì đến trung tâm học ngoại ngữ và lớp dạy đàn, múa. Vậy nên, Gia Hân chỉ mong muốn quãng đời học sinh này của mình nhanh chóng kết thúc, cô muốn được thoát khỏi sự tù túng, thoát khỏi sự thúc ép của ba mẹ.
Rời khỏi cổng trường, Gia Hân đi bộ đến quán trà sữa bên cạnh. Cô muốn tự thưởng cho mình một ly trà sữa đầy thạch vì đã cố gắng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp cấp ba một cách suôn sẻ.
Trong lúc đợi, cuộc trò chuyện của hai bạn nữ bên cạnh lọt thỏm vào tai của Gia Hân.
“Cuối cùng hôm nay mình cũng được cày phim rồi, chỉ cần nghĩ đến việc nằm nhâm nhi ly trà sữa full topping, lại được ngắm soái ca thì thanh xuân này của mình trải qua vô cùng xứng đáng.” Giọng nói vui sướng vang lên.
“Cậu đang xem bộ phim ‘xuyên không làm nữ chính' phải không?” Bạn nữ bên cạnh hùa vào.
“Ha ha, đúng rồi! Phim hot vậy, ai mà không xem thì quả thật cuộc sống người đó quá vô vị. Mình thích nam chính do anh Đình Sơn đóng ghê, đẹp trai mà lại khí chất, không kém gì mấy bộ phim bên Trung.” Bạn nữ kia nói với vẻ đầy tự hào.
“Nữ chính của chị Minh Thảo đóng cũng hay, xuất sắc, vô cùng xuất sắc.” Bạn nữ bên cạnh cũng tự hào không kém.
Đang mải mê theo dõi cuộc nói chuyện của hai cô gái thì tiếng anh nhân viên cất lên làm đứt đoạn sự chú tâm của Gia Hân: “Em ơi, trà sữa của em xong rồi.”
Gia Hân bước lên phía trước nhận lấy ly trà sữa rồi rời đi nhưng trong đầu cô lúc này vẫn đang nghĩ về bộ phim mà hai bạn nữ kia nhắc đến. Cô lẩm nhẩm: “xuyên không làm nữ chính.”
Gia Hân đi đến ngã tư và đứng chờ đèn xanh.
Cứ vào tầm chiều tan học, tan làm thì đoạn đường này nhiều xe kinh khủng, cũng thường xuyên xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông.
Đèn xanh hiện lên, Gia Hân nhanh chóng cất bước hoà theo dòng người đi qua bên phía đối diện. Lúc qua tới nơi thì đèn đỏ cũng hiện lên, cô vừa định rời đi thì phía sau truyền đến tiếng bóp kèn inh ỏi, tiếng mắng chửi của người chạy xe.
“Này bà già kia, qua đường kiểu gì vậy? Già rồi thì ở yên trong nhà đi, đi lung tung ngoài này để hại làng hại nước à?” Một người đàn ông bực dọc quát tháo.
Không biết ai xấu số rồi đây?
Gia Hân quay đầu lại để nhìn người đang bị mắng là ai. Một bà lão già lọm khọm bước đi, một tay cầm lấy chiếc gậy khua khua về phía trước để dò đường, tay kia thì quơ quơ về phía dòng xe ra hiệu xin nhường đường.
Ai lại đi quát tháo một bà lão bị mù cơ chứ? Gia Hân liền chạy lại dìu bà cụ đi, cũng không quên buông vài câu châm chọc người đàn ông kia: “Người gì đâu vô nhân tính, sống mà không để chút phúc đức cho con cháu.”
Bà lão nghe thấy vậy vội giơ tay vỗ vỗ nhẹ lên tay cô, thều thào nói: “Không sao đâu cháu, bà quen rồi. Bà cảm ơn cháu nhé.”
“Bà ơi, qua tới rồi, bà cẩn thận bậc thềm nha.” Gia Hân cẩn thận dìu bà lão bước lên vỉa hè.
Bà lão lúc này vô cùng cảm kích Gia Hân, hai tay bà nắm lấy tay cô rồi nhẹ nhàng nói: “Bà cảm ơn cháu nhé. Cháu thật là một đứa trẻ ngoan. Hồi nãy qua vội ra ngoài nên không mang theo tiền, không mua bánh cho cháu được rồi.”
Gia Hân nghe thấy vậy vội xua tay, nói: “Bà ơi, không cần đâu ạ, chút việc cỏn con ấy mà, cháu không cần bà mua bánh kẹo gì đâu, không cần phải tốn kém.”
“Hay là vậy đi, bà cho cháu một điều ước, cháu có muốn ước gì không nào?” Bà lão lại tiếp tục nói, lời này nghe có chút kỳ lạ.
Gia Hân lúc này cũng hơi ngạc nhiên. Rồi cô thầm nghĩ lẽ nào bà lão có vấn đề về thần kinh nhưng nhìn mặt bà lại không giống như đang nói giỡn.
Gia Hân chỉ biết cười trừ rồi từ chối, tìm cách chuồn lẹ: “Không cần đâu bà, cháu xin phép đi trước ạ, bà đi cẩn thận nha.”
Lúc này bà lão lại nắm lấy tay Gia Hân, bà kiên quyết muốn cô nhận lấy món quà của mình. Từ trong túi áo, bà lão lấy ra một chiếc lá ngân hạnh màu xanh, giọng thần bí nói: “Đây là điều ước ta tặng cho cháu, khi chiếc lá chưa vàng thì cháu hãy nói lên điều ước của mình, nó sẽ giúp cháu thực hiện.”
Nói xong, bà lão dúi chiếc lá vào lòng bàn tay của Gia Hân rồi quay người rời đi, để lại cô với sự khó hiểu.
Gì mà điều ước? Cô có còn nhỏ nữa đâu mà ban điều ước này điều ước nọ. Có lẽ cô gặp phải bà lão mù bị điên rồi.