401
30
2156 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1: Du Nhân (1)


Những đợt gió khô cuối cùng của một sớm tháng trọng thu phả khắp Nghệ An, làm tan bớt khói lửa và bụi bặm nơi chiến tuyến. Giữa khi người ta nấp trong nhà chờ binh đao qua, nhiều kẻ dẫn theo con cái hãy còn để chỏm đi ngược lên hướng bắc. Hướng đấy là hướng chết. Trớ trêu thay, cứ cách dăm ngày lại bắt gặp một bóng đàn bà hoặc áo xống tả tơi, hoặc lành lăn mặt mày khô rạc hỏi đường lên trên kia, cầm chắc bảy phần là đi tìm chồng. Chiến sự liên miên, đàn ông chết nhiều, bây giờ lại đến phiên đàn bà muốn chết. 


Người lớn chết thì mặc, sao lại dẫn con trẻ chui đầu vào rọ theo? Hễ gặp những người dẫn theo con gái hoặc con trai đến xin ngủ nhờ, xin chỉ đường, dân xứ Nghệ lại thịnh tình chiêu đãi, hết lời khuyên lơn người đàn bà ấy dẫn đứa bé quay về. Có lẽ vì cái sự thịnh tình ngày chiến cũng chỉ đến nồi cháo độn khoai ngứa hay đĩa tầm ma, chua me, hoặc vì chí của người đàn bà quá cứng cỏi mà không ít lời khuyên thành ra công cốc. 


Nhưng việc lại khác đi nếu người đưa con đi là một gã thanh niên sức dài vai rộng. Như sớm nay, vừa bảnh mắt dân xứ ấy đã thấy một cậu trai vừa qua nhược quán cõng một đứa bé trai đeo túi vải trên lưng, đi loanh quanh những cái xác lưu linh. Hễ thấy thứ gì chàng ta lại thả đứa bé xuống, để nó tập tễnh nhặt nhạnh, còn mình kéo những cái xác đã rã đi lê thê, để lại những vệt dài sậm màu nồng mùi hôi thối. 


Ngạc nhiên vì cách đối xử tàn tệ với thây người của chàng ta, có kẻ to nhỏ thắc mắc, hoặc í ới can ngăn. Chàng ta bình chân như vại, vẫn tiếp tục thoắt đến thoắt đi cho đến khi bị một người đàn ông chặn lại giữa đường. Bàn chân bước xăm xăm, đôi tay vẫn còn nhớp nháp tiết lợn, gã đứng ngay trước lối chàng ta đi. Người thanh niên vẫn không cáu gắt, chỉ nhẹ nhàng ngẩng đầu. Đôi mắt chàng ta lặng và trong lạnh như sương đêm, thoáng chốc lùa qua cái xứ nóng rẫy một luồng hơi thở mùa đông. Người đàn ông sững người một chốc mới hồi thần, giọng vô ý bớt phần nanh nọc:


- Làm chi rứa? Răng người ta chết mà lôi xềnh xệch đi, rồi chuột chạy tán loạn tê tề?!


Chàng ta thả chậm bước, mày cau chặt, đáp lời:


- Tôi chỉ muốn mang xác đến hố thiêu thôi, để lâu thì thành dịch bệnh mất.


Gã đàn ông ngó người thanh niên, thấy dáng vóc và mặt mũi chàng ta không giống phường lừa gạt hay muốn gây sự. Vả lại, không người nào rỗi việc đến mức phá phách thi thể để rước bệnh vào thân. Nghĩ vậy, thái độ gã bất giác dịu lại, tò mò nối bước theo sau người trai lạ mặt. Chàng ta đi một mạch, rẽ trái rẽ phải, cuối cùng mới đưa thi thể xuống một cái hố ở bãi đất rộng nằm xa làng. Cái hố ấy không nhỏ và người hàng thịt cũng chắc mẩm nó mới xuất hiện vài ngày, vậy mà bây giờ hố đã gần đầy! Trong khi đó, người phơi thây vì chiến trận vẫn còn la liệt. 


Gã không dám đến gần, chỉ đứng ở đằng xa, nhìn người thanh niên và vài đinh nam luôn tay nhặt nhạnh củi khô và rơm cỏ lấp đầy trên mặt. Khi kín chỗ, phải chăng người ta sẽ đốt như hủy xác gà, vịt lúc có nạn dịch? Cả người làng này và những làng xung quanh, bọn gã phải đốt bao nhiêu đống rấm, xông bao nhiêu lần khói mới sạch mùi khét đến váng đầu đó? 


Cũng như "Khi nào xứ Nghệ mới thanh bình", câu hỏi của gã không ai giải đáp được. 


Biết người mới đến không có ý xấu mà chắc chỉ là phường làm thuê cho huyện nha, người hàng thịt bỏ về, tiếp tục mời rao buổi chợ thưa người. Mặt trời đứng bóng, bán hết mẩu khoanh giò cuối cùng, gã lại tất tả dọn hàng ra về. Gánh đôi quang xuyên qua đám khói mờ đến đặc quánh, nồng mùi thịt khét kia, không hiểu sao gã lại chùn lòng, quay đầu đi đến hố chôn ban sáng. 


Gió gào. Ngọn lửa vẫn bừng bừng nhảy múa trên lớp than đen kịt, đứng cách gần hai ngũ mà hơi nóng vẫn đủ sức táp lên da thịt. Đâu đó có tiếng chú Vãng sanh rầm rì, tựa hồ xoa dịu ngọn lửa mà lại như hun ánh đỏ lên cao. Trước khi tan vào hư vô, những phận người tha hương đã hoại diệt một cách rực rỡ và đớn đau nhường ấy. 


Khi bài chú được niệm không biết bao nhiêu biến, cuộc hoả thiêu lụi dần, chỉ sót lại tiếng lách tách, màu hồng âm ỉ và sức nóng của tro than. Người hàng thịt đến gần chàng thanh niên, sóng vai nhìn xuống đống tro lấp non nửa hố. Gã nheo mắt vỗ vai chàng ta, thấp giọng:


- Mi tên gì?


- Tôi tên Lam. - Bằng một giọng điệu không quá xa cách, chàng ta hỏi lại - Còn anh tên gì?


- Chí. - Gã đáp gọn lỏn rồi lại quay về việc chính - Rứa... mi có vội không?


Chàng ta ngạc nhiên:


- Chắc là có, nhưng không đến nỗi vội quá. Tôi định lát nữa lĩnh tiền công rồi lên đường.


- Mi mần thuê à? Đi mô mà đi gấp rứa? 


- Tôi lên Thanh Hoá, cách đây có bao xa. Chắc chỉ phải ngủ bờ ngủ bụi đêm nay thôi, nhưng không vội lại chẳng kịp thì giờ.


- Độ ni chúng nó giết nhau như ngóe, kịp với nỏ kịp có là chi. Đi nhiều thì chết như chơi! Mi còn dẫn theo một đứa con nít, lẽ nào mi muốn hắn đi biệt rồi chết với mi? 


Lam dõi mắt nhìn vào hố thiêu, lặng đi một quãng, hình như đã nhãng ra khỏi câu chuyện. Hồi lâu, chàng ta thở dài:


- Biết là biết vậy nhưng tôi không đủ tiền, ở hay đi cũng như nhau cả thôi. Thời chiến ai mà chẳng sống nay chết mai.


Lần này đến phiên người hàng thịt tần ngần. Đầu gã trôi nổi những con chữ vụn vặt từng học năm xưa, thứ đã vùi chôn vì sinh nhai và chiến cuộc. Trước khi có bộ dáng nóng nảy và hằm hè, bặm trợn như bây giờ, ít ai biết gã cũng từng dùi mài kinh sử. Đôi tay ngày nào cầm dao xưa kia cũng từng giấy mực, bút nghiên và thi hoạ. Rồi tất cả biến mất khi gia đình nhỏ của gã ly tán vì Chiêm Thành công đất Nghệ An. Vợ mất, con thơ chết, một mình gã lang bạt đến đây, bám trụ từ hồi lay lắt cướp giật cho đến khi hoàn lương, hành nghề giết mổ này. Với số phận mình, gã không còn trông mong gì; song với những người cùng phần tha phương, gã lại sinh thói bao đồng. Có khi gã sợ đời ai đó phải lụn bại như đời gã, có lúc lại sợ đứa trẻ nào phải bỏ mạng vì giặc như con gái gã khi xưa. 


Suy đi nghĩ lại, gã quyết không để người thanh niên lên Thanh Hoá quá sớm. Dẫu gì chàng ta cũng nên nán lại hai, ba hôm, chờ cho trên ấy thật sự yên ổn rồi đi cũng chẳng muộn. Nghĩ là làm, gã nghiêm giọng đề nghị:


- Thôi mi cứ ở lại ni, anh cho chúng mi ngủ nhờ. Khi mô nghe trên nớ yên ổn thì anh để chúng mi đi. Chắc chỉ vài bữa thôi.


Lam chắp tay, cúi đầu từ chối ngay tắp lự:


- Anh có lòng thì tôi biết ơn lắm! Nhưng tôi hơi vội thật, hơn nữa nếu giữ tôi lại chỉ e không tiện cho nhà anh. 


Người hàng thịt quả quyết không cho từ chối, xua tay:


- Anh ở một mình, răng mà phiền. Nỏ phiền! 


Chần chừ mãi, người thanh niên cuối cùng cũng e dè gật đầu. Hàng thịt có vẻ nhẹ nhõm. Không chờ chàng ta thôi lưỡng lự, gã xốc đôi quang gánh lên vai, khoát tay giục:


- Đi! Về thôi!


...


Mấy ngày nay, bữa cơm chiều trong gian nhà bấy lâu đã hiu quạnh của Chí chợt có chút sức sống. Có bận mâm cơm đầy đủ hơn hẳn, dù mùa này đói kém liên miên. Thường thường Chí chỉ dùng rau và khoai nấu độn vào gạo, nhưng sợ thằng cu Quảng không ăn rau được, gã nhờ Lam bày thêm một món mặn nấu chay. 


Cái món nước mắm kho sệt thêm chút hành, tỏi và ớt lấy vị của Lam chỉ xuất hiện một bữa lại khiến gã tấm tắc mấy ngày liền. Sau đó vì nước mắm đắt và vì chàng trai trẻ sượng sùng, bữa cơm lại quay về với rau luộc và khoai vụn. Cu Quảng cũng chẳng vì vậy mà kêu ca. Nó vẫn giữ nguyên vẻ lầm lì như hồi mới đến, và chỉ khi nói chuyện với cậu mình đôi mắt sẫm tối đó mới ánh lên chút niềm vui. 


Cảnh sum vầy giữa những người lạ mặt không kéo dài được bao lâu. Lam càng lúc càng sốt sắng, và chỉ sau bảy ngày chàng ta đã thu vén xin rời đi. Trước lúc hai cậu cháu nọ nhấc bước ra khỏi cổng làng, người hàng thịt dúi vào tay Lam một túi túi vải con, bên trong rủng rỉnh tiếng kim loại. Không để Lam có cơ hội kỳ kèo, gã thốt:


- Giữ lấy, anh cho cháu, nỏ cho mi. - Rồi gã giải thích bằng tiếng than - Hắn giống con anh lắm... Con bé nớ đi vì giặc rồi.


Người thanh niên không nói điều gì an ủi, song đôi tay nhận lộ phí không còn dằng dứ. Chàng ta gật đầu cảm tạ, mắt hấp háy, hít một hơi sâu như sắp nói việc hệ trọng gì:


- Mai mốt có về Nghệ An tôi và cháu sẽ đến tìm anh. Tôi hứa đấy.


Chí đập bồm bộp vào vai chàng ta, cười hề hề:


- Rứa thì về, ai cấm! Nhớ cho kỹ tên làng, tau chờ ở ni, hoặc là sẽ ra nớ kiếm mi với hắn.  


- Đừng! - Lam hấp tấp xua tay, ngắt lời gã - Ngoài đấy không yên, anh nên ở lại thì hơn.


- Rứa răng mi còn đi? 


Chàng ta láo liên mắt, đánh cái thở dài hơi kịch:


- Thì tôi phải tìm bà con mà. Còn anh... Anh muốn đi cũng được, nhưng để sang năm đã. Ít nhất thì phải đến tháng hai, khi ấy mới an toàn. - Rồi bằng điệu bộ cuống quýt, chàng ta đưa tay vái chào - Thôi, tôi đi, không thì muộn mất. Anh ở lại mạnh giỏi nhé!


Còn lại một mình, gã hàng thịt vừa ngẩn ngơ vừa đầy bụng thắc mắc. Gã không ngừng tự hỏi, vì sao lại là năm tới, vì sao lại là tháng hai? Chiêm Thành gần như đã chiếm hết các phủ lộ miền nam Đại Việt, đồ rằng sắp tới sẽ còn đánh nhau liên miên, dễ gì vừa tháng hai đã yên ổn. Cho dù là vậy, bây giờ binh bị tạm lắng nên Lam mới lên đường, sao chàng ta lại bảo chưa an toàn? 


Thế mà, chỉ ít ngày sau, tin đồn loan từ Thanh Hóa xuống Nghệ An đã giúp Chí tỏ tường đôi việc. Nghe đâu trên mạn ấy có người tự xưng là Linh Đức vương, hay là Xương Phù đế vừa mất cách đây không lâu. Người nọ dấy quân ở Lương Giang, gầy cơ dựng nghiệp phục chúng. Ít lâu sau, một người khác là Nguyễn Kỵ ở huyện Nông Cống cũng tụ họp bè lũ, đến đánh cướp các làng vùng ven Thanh - Nghệ. Triều đình đã quá yếu trước cường địch là Chiêm Thành, lần này tuy đưa quân xuống dẹp nhưng vẻ như chỉ làm lấy lệ. Kỳ thực lũ giặc cỏ vẫn đang lớn mạnh, nuôi mưu cát cứ ngày ngày.


Khi Chí hay những việc ấy, năm Quang Thái thứ hai đã bước sang thượng tuần tháng chín.