Chương 2: Du Nhân (2)
Không riêng gì những năm Quang Thái [1], từ sau kỳ Anh Minh Thịnh Thế [2] giang sơn họ Trần đã lâm cảnh giặc giã vô kể. Mà từ tháng tám năm nay, nội phản ngoại xâm như chớp được thời cơ, nhất tề xéo giày Thanh Hoá, cũng là mảnh đất dưới chân Lam lúc bấy giờ. Tháng tám có Nguyễn Thanh, tháng chín có Nguyễn Kỵ, tháng mười có Chiêm Thành. Và khu chợ thanh bình trước mặt Lam đây là cảnh chợ huyện Nông Cống [3], nơi sắp bị bè lũ Nguyễn Kỵ nổi dậy cướp bóc.
Chếch về phía tây bắc cứ địa của Nguyễn Kỵ đất Nông Cống là sông Lương [4]. Một tháng trước ở dòng sông này, Nguyễn Thanh tự xưng là Linh Đức vương - tức vua Xương Phù [5] vừa bị Thượng hoàng phế truất và bức tử - đến lánh nạn. Hắn được lòng dân cũng bởi việc mạo danh ấy, nên sẽ không liên hợp với phường giặc cỏ như Nguyễn Kỵ. Vì vậy chỉ trong hai ba tháng, phía nam Thanh Hoá hình thành thế chân vạc giữa các phe Thanh, Kỵ và lộ quân của triều đình. Kẻ được lợi sau cùng vẫn là Chiêm Thành. Nếu không phải như thế, một tháng sau chúng sẽ chẳng tràn vào hương Cổ Vô cướp của, hại dân.
Lam rũ mắt, hít thở sâu hòng an định những suy tưởng trong lòng. Việc bây giờ vẫn chưa can hệ đến nàng, mà chính nàng cũng chưa tìm được cách can thiệp. Ít nhiều, phải chờ đến khi Trần Khát Chân được trọng vọng hoạ may nàng mới chen được một chân vào, tìm thời cơ thay đổi lịch sử.
Còn bây giờ? Nàng phải làm gì đây?
- Cậu ơi, chúng mình vào chợ nhé?
Giọng điệu nũng nịu hiếm hoi của Quảng kéo Lam ra khỏi suy tính. Hình như thằng bé nài nỉ đã lâu, thế nhưng vì loạn Thanh Hóa sắp tới mà nàng phớt lờ nó suốt. Nàng nhíu mày, khom người hỏi nó:
- Cháu muốn vào làm gì?
- Mua cốm ạ! Trước nay hễ mùa thu là thầy u lại mang cốm về cho cháu. - Đương liến thoắng mà nhắc đến thầy u đã khuất, Quảng rưng rưng, gục mặt - Cháu nhớ thầy u...
Tiền làm thuê gom hết vẫn chẳng đầy một quan, chỉ đến bốn trăm đồng. Mấy ngày qua nàng và Quảng tuy chi tiêu thư thả hơn thật, song không tiêu đồng nào vào quà bánh. Nếu tốn tiền mua quà cho thằng bé, đường lên Long Hưng sẽ kham khổ hơn nhiều. Tội tình gì phải chịu gian nan vì chút niềm vui trước mắt? Lam vốn định khuyên răn Hạnh nhưng trông đến đôi mắt ầng ậng nước nọ, hốt nhiên nàng mềm lòng. Ăn một hôm cũng chẳng sao đâu nhỉ?
- Chỉ lần này thôi nhé!
Nàng thở hắt, đoạn bế thằng bé lên, vừa đi vẫn vừa ngẫm xem phải làm sao mới gặp được và kết thân với người họ Trần. Khi đã mua xong mấy đồng cốm non cho Quảng, khu chợ ồn ào đột ngột lặng tờ. Gió cuộn, bụi mờ, tiếng chân người chạy rầm rập như quân đoàn nào sắp đến. Như nhận ra điều gì, Lam giật nảy mình, mặt tái mét. Nàng nhanh như cắt bế Quảng bỏ chạy, mặc kệ người phía sau í ới về món tiền thừa. Sau lưng nàng và thằng bé, tiếng la hét ngày một to, vọng thành từng hồi tưởng chừng lung lay cả vòm trời. Có người kêu toáng lên "giặc tới", "Chiêm tới" nhưng không ai ngờ được kẻ đến cướp giết lại là dân Thanh Hóa, kẻ đồng hương.
Kẻ ấy đích thị là Nguyễn Kỵ.
Tim Lam đập ngày một nhanh, loáng thoáng có cảm giác nhói đau, mệt mỏi. Nàng gắng sức hít thở để lao đầu về phía trước, miệng vẫn không quên dặn Quảng:
- Đừng nhìn!
Có điều vẻ như không kịp nữa. Thứ không kịp không phải là việc ngăn thằng bé nhìn cảnh cướp của đánh chém mà là việc bỏ chạy. Một thanh đao kề vào cổ Lam, buộc nàng loạng choạng sựng chân lại. Gần như lập tức, nàng cảm nhận được lồng ngực mình trống hoác còn một bên cổ thì nóng hổi. Ngó xiên, chỉ thấy máu đã đổ rồi.
Ở bên vai còn lại, Quảng chết điếng, vô thức run bần bật. Nó không biết vì sao cô mình đột nhiên cuống quýt chạy trốn, đến khi hiểu thì đã thấy người ta đuổi tới, rạch lên cổ cô một đường. Mãi lâu sau nó mới đủ sức rên hờ, nhưng thanh âm kinh hãi lí nhí kia lại bị át bởi giọng đàn ông gằn gừ đe dọa:
- Có bao nhiêu đồng đưa hết bấy nhiêu, tau sẽ tha sống! Nỏ thì chết!
Người Lam run run, mồ hôi lạnh túa ra như tắm. Nàng chưa kịp nghĩ đã nhanh tay giật túi tiền giắt ở đai thao, chìa ra. Người đàn ông quắc mắt, tóm gọn chiếc túi nhẹ hẫng. Gã hầm hè điều gì trong miệng, đoạn rút đao về bảo "cút". Lam gật đầu như giã tỏi, nín thở lê bước khỏi tầm mắt gã.
Bất thình lình, từ phía chợ huyện vọng đến tiếng đàn bà gào thét. Lam chùn chân, ngoái đầu, chỉ thấy loáng thoáng một bóng áo nâu giằng co với một toán áng chừng năm, sáu gã đàn ông. Người nàng dại ra, tay chân run run nhưng đôi mày đã dần nhíu chặt. Chỉ một chốc Lam đã quyết đoán đưa Quảng đến nấp ở quán nghinh hương đầu làng rồi chạy vụt về phía chợ. Nếu đã về đây vì Đại Việt thì trước khi xoay chuyển lịch sử, nàng có trách nhiệm phải bảo vệ con dân Đại Việt, cũng là con dân của cha nàng, của em trai nàng.
Ở chợ bấy giờ phần đông là đàn bà con gái, mà bọn Nguyễn Kỵ lại toàn tráng đinh sức dài vai rộng. Thế nên khi chúng đến người trong chợ phần đông quỳ mọp dâng của cải, số ít quá hãi nên ngất tại chỗ rồi. Cầm bằng không ngất, các thị cũng chẳng dám đả động đến bọn Nguyễn Kỵ, dù chúng có bắt người. Tựa như lúc này, khi người dưới trướng Nguyễn Kỵ vây quanh một người đàn bà có sắc vóc, không một ai dám lên tiếng thẳng, chỉ khép nép van lơn.
Lam đến khi sự sắp như ván đóng thuyền. Nàng thả chậm bước, liếm môi, không biết đang lấy can đảm hay đang phân vân chùn bước. Song vì không thể chậm chạp, nàng đành rảo chân lên một ít, hô to:
- Các ông cướp của thì thôi, bắt người làm gì?
- Can chi đến mi? - Người đàn ông vừa cứa vào cổ Lam nhận ra nàng, nhanh nhảu quát - Tau đã tha cho mi mà răng vẫn lì? Hồi nãy còn vắt chân lên cổ chạy, chừ lại muốn mần anh hùng rơm à? Muốn mần anh hùng thì sang bên ni đánh với chúng tau, già mồm làm chi.
Lam nuốt khan, cổ họng khô rang, hơi thở cũng nhịp được nhịp chăng. Nàng phớt lờ gã, liếc mắt hết cả bọn, đoạn dừng lại ở một người khoanh tay ôm đao, thần tình nhàn nhã không hợp với buổi đánh cướp. Nghĩ kỹ, Lam gọi lớn:
- Nguyễn Kỵ!
Nghe gọi người ấy nheo mắt, đôi con người thẫm sắc càng lộ vẻ hung tàn, tuy vậy vẫn không lên tiếng. Có kẻ trong bọn trỏ thẳng vào nàng, mắng:
- Răng mi dám kêu thẳng tên của Lỗ vương?
- Lỗ vương?
Vài chữ lẻ tẻ lướt nhanh qua tâm trí Lam. Nàng hỏi, vừa cười vừa khom lưng ho hòng giấu vẻ toan tính, lòng cũng bình tĩnh dần. Tận lúc này nàng vẫn thấy nực cười và khó hiểu, vì đâu phường ất ơ như Nguyễn Kỵ lại dám tự xưng là Lỗ vương Điền Kỵ, tự ý hoành hành. Trong tay hắn không có Từ Châu, không có ba ngàn nén vàng để thắng cuộc đua ngựa, càng chưa từng khiến Ngụy đại bại tại Quế Lăng, làm cho Bàng Quyên uất hận tự vẫn ở Mã Lăng như Điền Kỵ [6], lẽ nào chỉ vin vào một chữ "Kỵ" thôi ư? Dẫu càng nghĩ càng nực cười, Lam vẫn cố ra vẻ điềm nhiên, nhênh nhếch môi:
- Từ Châu Tử Kỳ khuất đã nghìn năm, nếu gọi Nguyễn Kỵ là Lỗ vương mới thực là mạo phạm bề trên...
- Khua môi múa mép quá. Giết đi!
Ngoài ý muốn của Lam, người nhàn nhã ôm đao đột ngột ngắt lời nàng, hất cằm, lạnh giọng ra lệnh cho bề tôi của hắn. Thấy vài kẻ vâng dạ tuốt đao xăm xăm lao tới, Lam lạnh cả sống lưng, nhủ thầm với bọn thất học thì chữ nghĩa đến mấy cũng ra công cốc. Buộc lòng, nàng cắn răng giữ một thanh đao lại bằng tay không, cao giọng nói một tràng:
- Tôi biết các anh lâm vào cảnh khốn cùng mới đi cướp bóc, thực tâm lại không xấu, vì nếu xấu bụng đã chẳng xưng Lỗ vương làm gì. Nguyễn Kỵ, anh đã có tráng chí, muốn làm Điền Kỵ của nước Nam, vì sao không đường hoàng phất cờ, gây uy lập thế? Đến cả Linh Đức giả như Nguyễn Thanh ở sông Lương còn được tiền hô hậu ủng, người quân tử áo vải, bộc trực can trường sợ gì lòng dân không theo, sá gì triều đình bạc nhược!
Vẻ ngoài bình tĩnh song ruột gan Lam đã sôi cả lên. Đôi tay đang tuôn máu cũng không đau đớn bằng tâm khảm nàng lúc này. Nhớ đến triều đình, lòng nàng se sắt, âm thầm hối lỗi vì những lời nanh nọc. Trái với thái độ quyết sống mái của nàng, kẻ cầm đao thấy nàng trừng mắt, tay bị thương mà mặt mày vẫn tĩnh tại bèn quay đầu tư lự nhìn người ôm đao. Người ấy hết nhìn Lam lại ngó sang người đàn bà bị bỏ quên từ nãy, hừ mũi hỏi:
- Việc mi nói có liên quan chi đến ả?
- Có. - Lam lựa lời - Tôi tin vào mắt mình, cho rằng các anh không xấu, nên không đành tâm để các anh phóng tay làm ác đến mức không thể hoàn lương. Tôi ngăn cản thế này lợi cho các anh chứ lợi được cho ai?!
Gã đàn ông cướp mấy đồng của Lam không phải người kiên nhẫn. Sao ai cũng đột nhiên dùng dằng với một thằng oắt liến thoắng thế kia? Đã là cướp thì cần gì lương tri. Lương tri của bọn gã mất tong theo sưu thuế triều đình rồi, làm ác phải chết mà không làm ác cũng đành chờ chết. Bực mình, gã hậm hực chen ngang:
- Thôi đừng điêu! Đừng Điền với chả Kỵ, việc tốt việc xấu chi hết. Chúng tau bắt mê ra rồi, thêm một mụ cũng nỏ thêm bao nhiêu tội, việc chi phải nghe lời mi?
- Vậy thì đổi tôi với thị, được không? Để thị ở lại, tôi đi thay.
Gã như phải gió độc, nhất thời méo mồm á khẩu. Bọn còn lại bao gồm cả Nguyễn Kỵ ai nấy trố mắt, khinh khỉnh cười lớn. Một kẻ vừa ôm bụng ngắc ngứ vừa rao to:
- Mi là đàn ông, mần ăn được chi! Dao mà chém thịt thì đau. Thịt mà chém thịt thì hận nhau suốt đời [7], nhở?
Trước những lời đùa cợt dậy như sóng cả, trông Lam không có vẻ gì ngượng ngùng, chỉ suy tính rồi chớp thời cơ. Nàng nhanh chóng buông tay khỏi thanh đao, kéo lê người đàn bà về phía mình. Thị biết ý nàng, gắng hết sức bình sinh nửa bò nửa chạy, khúm núm nấp sau lưng những người đàn bà khác. Cứu được thị rồi Lam vững dạ hơn hẳn. Tuy vậy, bọn Nguyễn Kỵ chưa chắc đã tha cho nàng. Nhớ đến Hạnh và đoạn đường đến Long Hưng, đến những trù tính nung nấu trong lòng, nàng bần thần một chốc rồi hạ quyết tâm. Phóng lao thì theo lao vậy.
- Mang thị về chỉ đổi được một đêm ân ái. - Giọng Lam dõng dạc cắt đứt những lời đùa cợt quá đáng - Nhưng mang tôi về, biết đâu chừng đổi được cả giang sơn.
__________
Chú thích:
[1] Quang Thái: niên hiệu của vua Trần Thuận Tông.
[2] Anh Minh Thịnh Thế: giai đoạn trị vì của vua Trần Anh Tông và Trần Minh Tông.
[3] Nông Cống: tức huyện Nông Cống, Thanh Hóa ngày nay.
[4] Sông Lương: tức sông Chu, Thanh Hóa ngày nay.
[5] Xương Phù: niên hiệu của vua Trần Phế Đế. Phế Đế không có miếu hiệu nên mình tạm gọi là vua Xương Phù.
[6] Điền Kỵ: Điền Kỵ 田忌, tự là Kỳ, lại còn gọi là Kỳ Tư, được đất phong Từ Châu nên còn gọi là Từ Châu Tử Kỳ, xuất thân từ tông tộc Điền Tề danh giá và là danh tướng nước Tề đầu thời Chiến Quốc. Các việc như thắng cuộc đua ngựa, đánh bại quân Ngụy ở Quế lăng và thắng trận Mã Lăng khiến cho tướng Ngụy là Bàng Quyên tử trận đều là tích về Điền Kỵ.
[7] Câu này viết lại dựa trên một câu ca dao khác "Kim mà đâm thịt thì đau, Thịt đâm vào thịt nhớ nhau suốt đời", vì vậy, mình không chuyển một số từ trong câu mới thành tiếng địa phương. Đây là câu ca dao mang nghĩa trưởng thành, mình xin phép không giải thích thêm.