bởi Kha Nguyên

1290
128
3601 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1: Hai đứa trẻ nhặt rác


Năm 1996. 

 

 "Khanh! Đây là lần thứ ba cô nhắc em về việc đóng tiền học. Tại sao em không nhắc bố mẹ hả?"

 

Khanh đứng trên bục giảng với chiếc áo đồng phục màu cháo gà nhàu nhĩ che khuất cơ thể còi cọc. Mái tóc bù xù rám nắng nuốt phần lớn khuôn mặt nhỏ gầy. Môi nó mím chặt, để mặc các lời mắng chửi khó nghe của cô giáo đâm vào tai.

 

Nó không xấu hổ khi bị các bạn học bên dưới nhìn chòng chọc như đang xem khỉ trong vườn thú. 

 

Nó quen rồi!

 

Ánh mắt nó xuyên qua những sợi tóc khô cứng trước trán, đậu trên tán lá phượng ngoài khung cửa. Nắng vàng phủ lên màu xanh những hạt bụi nhỏ li ti, bay bay trong không khí. Tiếng ve rả rích báo hiệu một năm học chán ngắt với cô Toan ác quỷ sắp kết thúc. 

 

"Rầm!" 

 

Thước kẻ gỗ đập mạnh lên bảng xanh khiến tiếng nói chuyện trong lớp nín bặt. Khanh giật mình dứt mắt khỏi tán phượng ngoài cửa sổ, bị dọa bởi khuôn mặt đỏ bừng tím tái vì giận của cô Toan. 

 

Do nó ăn uống thiếu chất nên còm nhom và lùn xủn, chín tuổi chỉ đứng đến giữa ngực một người trưởng thành. Cô Toan hơi khom lưng, trợn mắt hung dữ, lời nói khó nghe tuôn ra gay gắt.

 

"Em nghĩ học giỏi là không cần đóng tiền học hả? Tháng nào cũng nộp tiền chậm trễ nhất lớp, bố mẹ em thật vô trách nhiệm..."

 

"Khanh không có bố!" 

 

Câu nói ngắn gọn, súc tích cắt ngang khiến sắc mặt cô Toan tái xanh. Môi cô mấp máy vài lần mới đủ sức tạo thành tiếng quát. "Ai cho cậu nói leo hả? Lên bảng đứng phạt cho tôi!"

 

Một thằng nhóc da đen chắc nịch, mắt hình tam giác, khuôn mặt trẻ con hơi hung dữ, cười nham nhở đi chậm rề rề lên bảng. Hành vi cố tình lê bước làm tụi bạn cười nắc nẻ khi nhìn xuống chân cậu ta. Dép quai hậu đứt quai bị cậu ta trượt từng bước dài trên sàn nhà, tạo ra tiếng loẹt xoẹt chói tai.

 

Cô Toan nhìn bộ đồng phục xộc xệch nhem vết mực tím của Biên, cảm thấy ấm ức trong lòng. Năm nay cô thật xui xẻo! Làm chủ nhiệm một lớp nghèo là xác định ngày lễ không quà, mỗi tháng đến ngày đóng học phí là đau đầu vì thúc giục. Cô ngán đến tận cổ rồi.

 

Biên cười hề hề đứng cạnh Khanh, thái độ nhơn nhơn của cậu ta khiến cô giáo giận nghiến chặt răng. Khanh ra tay nhanh hơn cơn giận của cô giáo. Nó đấm vào mắt Biên làm cậu ta ngã ngửa xuống sàn.


Biên nhanh nhẹn đạp thẳng vào bụng Khanh khi nó nhảy chồm lên người. Cậu ta bật dậy như chú khỉ nhanh nhẹn, đè xuống người Khanh. Sắc mặt Biên thâm xì, bất mãn quát vào mặt Khanh. 

 

"Tao vừa nói giúp mày."

 

"Ai mượn?" Chất giọng trong vắt của Khanh trở nên khàn đặc. Cặp mắt đỏ hoe làm cú đấm của Biên khựng lại giữa không trung. Chỉ một giây sững người cũng đủ tạo cơ hội cho Khanh. 

 

Biên trúng cú đấm vào quai hàm, ngã đập vai vào tường. Cậu ta tự chửi bản thân ngu ngốc, lúc nào cũng yếu lòng nhượng bộ mỗi khi Khanh có vẻ mặt muốn khóc.

 

Cô Toan chạy vội đến ngăn cản, miệng mắng như tát nước vào mặt học sinh.

 

Kết quả hai đứa bị phạt đứng góc lớp. Khanh phải giữ nguyên tư thế giơ cao hai tay cho đến hết giờ.

 

Mặt cô Toan hầm hầm như muốn ăn tươi nuốt sống bất kỳ học sinh nào dám hó hé. Lớp học im phăng phắc trôi qua trong tiếng giảng nhạt nhẽo.

 

Trống tan trường, cô Toan tức giận đi ra khỏi lớp, không hề nói một lời về việc dừng hình phạt. Biên làm mặt quỷ, lè lưỡi thể hiện thái độ chán ghét theo bước chân cô giáo. 

 

Khanh liếc mắt nhìn hành vi ấu trĩ của cậu ta, đi nhanh về chỗ, lấy vở chép bài tập về nhà trên bảng. 

 

Vài cậu bạn trong lớp vây quay vỗ vai đập tay Biên, khen cậu ta dũng cảm vì dám đối chọi cô giáo chủ nhiệm. Đến khi lớp học trống không, Biên phát hiện Khanh vẫn cắm cúi chép bài. Mắt cậu ta đảo tròn, cười ỏn ẻn đến gần, ngồi phịch xuống chiếc ghế dài ọp ẹp, dịch mông thật gần rồi nịnh nọt huých vai Khanh.

 

Khanh như tượng gỗ, nghiêm túc chép bài, không thèm bố thí ánh mắt nào cho cậu ta.

 

Biên xụ mặt bĩu môi, lấy vở ra hí hoáy chép bài tập về nhà, thỉnh thoảng ngó sang lo sợ Khanh viết xong sẽ bỏ về trước. Chữ Biên xiên vẹo như gà bới. Biên dỏng tai nghe tiếng ve sầu râm ran và tiếng nô đùa ngoài sân trường rồi tủm tỉm thì thầm.

 

"Sắp nghỉ hè rồi. Lên lớp bốn đổi giáo viên chủ nhiệm, sẽ không phải học lớp mụ Toan dơi già nữa đâu. Bả nói gì, kệ bả, mày đừng có buồn!"

 

Nét chữ bị ấn mạnh khiến vết mực lem ra, tay Khanh dừng hai giây rồi tiếp tục viết.

 

 "Không có bố thì sao chứ? Bố tao chết, tao cũng không bố như mày này. Mày đừng có dỗi nữa! Nhìn mặt mày quạu quọ là muốn thụi cho vài cú..."

 

Nắp bút trên tay Khanh đóng phập vào khiến Biên dừng nói, cười nham nhở khoe hàm răng trắng. 

 

Khanh cất sách vở thật nhanh, xô Biên ngã khỏi ghế, rồi đi thẳng một mạch ra cửa lớp. Biên lóp ngóp bò dậy, í ới gọi theo.

 

"Đồ quỷ!" Biên đá mạnh vào chân bàn, nhảy loi choi ôm chân vì đau. Cậu ta quên mất đang đi chân đất, ngón cái sưng đỏ đau nhức. Cơn đau làm Biên cáu kỉnh, nhìn theo bóng dáng cô độc của Khanh bị nắng vàng oi bức nuốt chửng.

 

Khanh không về thẳng nhà sau khi tan học. Nó lang thang quanh trường, thứ gì bằng nhựa nằm chỏng chơ trên đường cũng bị nhặt lên nhét vào bao tải gai.

 

Mái tóc bù xù vừa che nắng gắt vừa che khuất phần lớn khuôn mặt đen đúa của Khanh. Nó lầm lũi đi trên đường vào khung giờ mọi nhà quây quần bên mâm cơm gia đình. Nó ngồi sụp xuống cạnh cột điện, mở túi ni lông rác, lục lọi bên trong, lôi ra bỏ chai nhựa móp méo, vỗ bộp bộp vào cột điện, lắc rụng đống cơm thiu bám dính quanh vỏ chai. Mùi thum thủm chua loét từ đống rác bẩn không còn làm phiền nó như những ngày đầu đi nhặt đồng nát.

 

Thu hoạch sau một tiếng đội nắng là hai túi ni lông đầy ụ chai lọ nhựa, Khanh đi nhanh đến căn nhà thu mua đồng nát cuối con hẻm.

 

"Bây lại lang thang đội mưa đội nắng đi nhặt chai đó hả? Không về ăn trưa, bố mẹ không mắng hả bây?" Ông Hinh ngồi khuỳnh chân trên dát giường kẽo kẹt, vuốt phẳng tờ năm trăm đồng nhàu nhĩ rồi đưa Khanh. Mắt nhìn chằm chằm cặp sách cũ mèm sờn rách của nó, thầm thương cảm. 

 

"Nhà cháu ăn cơm muộn ạ."

 

Ông Hinh góa vợ, có đứa con gái đi lấy chồng xa, lúc nào cũng thui thủi với nhôm nát sắt vụn, Khanh không rõ ông kiếm được nhiều tiền từ đống rác phế thải này không, nhưng ông rất dễ tính, thu mua hết mấy thứ lặt vặt mà nó móc được từ bãi rác. 

 

Mang theo hơi nóng hầm hập lếch thếch về nhà, Khanh nhìn căn nhà ba tầng với lớp vôi màu vàng cũ kỹ, ngay cửa nhà là cây sấu sum sê lá xanh ngát. Cả căn nhà chìm trong giấc ngủ trưa, nó rón rén kéo cửa sắt, nhẹ chân nhẹ tay đi vào bếp. Sẽ chẳng ai tin nó luôn về nhà muộn vì dì An ghét nó ngồi chung mâm cơm với gia đình dì.

 

"Thịt kho đậu?" Khanh ngạc nhiên đến mức thốt thành lời. "Hai miếng nửa nạc nửa mỡ, ba miếng đậu phụ bé tin hin, quá nhiều so với mọi ngày nhỉ."

 

Khanh vét cháy trong nồi cho vào bát, dùng muôi ấn mạnh để lấy được nhiều, gắp hết thịt và đậu kho phủ lên trên. Nó nuốt nước bọt cái ực, một đứa bé chín tuổi như nó phải chờ qua buổi trưa mới được ăn, bụng xẹp lép lắm rồi. 

 

Đặt bát cơm to ụ lên bàn, lúc này nó mới mở nồi gang đen kịt bắc trên bếp lò, bên trong là cháo trắng lõng bõng vài miếng thịt băm nhỏ xíu. Nó vui vẻ múc ra lưng bát. Tuy dì An kiệt xỉ và khắc nghiệt với nó nhưng chưa từng bỏ đói mẹ con nó.

 

Lưng đeo cặp sách, tay cẩn thận bê bát đi dọc hành lang tối thui, nó đi lên tầng hai, đến căn phòng có cánh cửa gỗ tróc sơn màu xanh lá.

 

"Mẹ ơi, con về rồi."

 

Bước vào phòng, mùi ẩm mốc trộn lẫn mùi hôi thối đập thẳng vào mặt Khanh.

 

Phòng nhỏ khoảng mười lăm mét vuông, một bàn gỗ kê ngay sát cửa sổ để lấy ánh sáng, tủ quần áo xập xệ với cánh cửa long khỏi bản lề. Sát góc tường là một phụ nữ trạc bốn mươi tuổi nằm im lìm trên chiếc giường gỗ trải chiếu cói. Mặt bà đầy tàn nhang, da sạm khô cùng gò má gầy guộc, chân tay khô quắt, thứ duy nhất chuyển động chính là tròng mắt.

 

Khanh đặt đồ ăn lên bàn rồi xoay người đi khỏi phòng. Rất nhanh, nó trở lại với chậu nước nhỏ cùng cuộn giấy vệ sinh.

 

"Mẹ chắc đói bụng lắm rồi phải không? Đợi con rửa sạch rồi mình ăn cơm nhé." Miệng nói tay làm, Khanh trèo lên giường, cởi quần rồi đẩy hai chân người phụ nữ gập lại.

 

Mẹ Khanh tên Hoài, tuổi thật trẻ hơn vẻ ngoài hốc hác già nua. Nó không nhớ chính xác mẹ bị liệt toàn thân cách đây mấy năm.

 

Sau ba năm lau chùi vệ sinh các chất thải, Khanh không còn buồn nôn hay ám ảnh bởi thứ bẩn thỉu này nữa. Nó cẩn thận làm rất nhanh, gom mọi thứ nhét vào túi ni lông, rồi đi thẳng ra bãi rác gần nhà ném bỏ. Toàn bộ quá trình, khuôn mặt đen nhẻm không có tia ghét bỏ nào.

 

Hiện tại Khanh có thể vừa đút cháo cho mẹ, vừa ngồm ngoàm nhai cơm nguội ngay sau khi lau chùi rửa ráy.

 

"Hôm nay con được mười điểm toán đấy. Cả lớp chỉ có ba bạn được điểm mười thôi." Khanh không nói dối, cô Toan chủ nhiệm cho nó điểm mười trước khi bắt đứng phạt.

 

Rèm mi thưa sợi chớp nhẹ biểu hiện đã nghe thấy. 

 

Giải quyết xong bữa trưa, nó kể xong toàn bộ chuyện đã xảy ra ở lớp, trừ việc chưa đóng tiền học và đứng phạt. Việc tiền học đã có dì An lo, chỉ là dì chưa thích cho nó tiền nên nhà trường phải đợi.

 

Ăn xong, mẹ nhắm mắt lim dim, nó không chắc mẹ có ngủ không, dù sao mẹ luôn trên giường mấy năm nay, ăn ngủ vệ sinh cá nhân đều nằm một chỗ. Nó nghi dát giường dưới chỗ mẹ nằm đã thấm nước nhiều đến mức sắp mục rữa rồi.

 

"Khanh! Mày định chết rục trong phòng đấy hả? Việc nhà đầy ra, ai thừa tiền nuôi báo cô lũ chúng mày hả?"

 

Tiếng đạp cửa rầm rầm làm hai mẹ con giật mình. Khanh vỗ vỗ tay mẹ, rồi đứng dậy ra khỏi phòng.

 

Thứ duy nhất có thể cử động trên cơ thể Hoài chính là đôi mắt, nhìn cánh cửa gỗ im lìm, cảm nhận không gian xung quanh tĩnh lặng đáng sợ, nước chảy khỏi hốc mắt, thấm vào chiếc gối đã mốc thâm lại vì lâu ngày không được phơi nắng. 

 

Năm tháng đã mài mòn cảm xúc của cô, mọi thứ đều cúi đầu cam chịu trước chiếc lưỡi cứng ngắc không phát được tiếng nói.

 

Khanh không đọc được suy nghĩ của mẹ, nó đi ra nhà trước, bắt đầu làm việc như mọi ngày.

 

An là em gái ruột của Hoài, là một phụ nữ to béo phốp pháp, mắt híp mỏng dài, nhìn đặc biệt gian xảo mỗi khi săm soi Khanh. 

 

Sau khi Hoài bị liệt, An cho mẹ con Khanh nơi ăn chốn ở, đóng học phí, bù lại nó sẽ phải làm việc trong quán cơm vỉa hè của gia đình cô.

 

Nơi xóm lao động nghèo, quán cơm vỉa hè là thứ vô cùng xa xỉ, năm đầu tiên để duy trì quán, dì An trầy trật mệt mỏi. May mắn một năm sau, xung quanh mọc lên xưởng làm đá và xưởng nước khoáng đóng chai, kinh doanh trong quán khá lên dần, không còn ế ẩm leo lắt nữa.

 

"Rửa rau muống và gọt su hào trước đi!" Dì An không thắc mắc đứa cháu về nhà vào lúc nào. Cứ đúng hai giờ chiều, dì sẽ đập cửa gọi nó ra cùng chuẩn bị thức ăn. 

 

Bếp rộng mười lăm mét vuông, mọi thứ chen chúc san sát nhau khiến không gian ngột ngạt. Hai chậu nước rửa rau lớn nơi góc bếp được tận dụng rửa bát cuối ngày. Kệ bát ốp vào mặt tường quét vôi trắng, bị khói bếp than hun xám đen. Trên trường treo lủng lẳng các loại dao chặt. Xoong nồi và rổ rá xếp chồng trên nền gạch vỡ lộ ra lớp cát bên dưới. Có bốn bếp lò hừng hực lửa, bên trên là chảo dầu rán cá nổ lốp đốp, là nồi cơm bằng gang to như chiếc mâm, là nồi canh lớn như chậu rửa rau.

 

Thứ ít dầu mỡ nhất trong căn bếp chật chội là chiếc bàn gỗ để các bát tô đựng thức ăn đã nấu chín.

 

Khanh và dì An tất bật, mỗi người làm một việc.

 

Con dao bầu sắc bén thái cuống rau già vứt đi, nó vỗ vỗ bó rau rũ lá vàng, ném vào chậu. Động tác nhanh thoăn thoắt lập đi lập lại, nó lén liếc mắt nhìn dì An, ướm lời. "Dì ơi, hôm nay cuối tháng rồi, cô giáo nhắc cháu đóng tiền học."

 

Tiếng phập phập của dao chặt lên mặt thớt khựng lại, dì An đang băm thịt quay lại trợn mắt nhìn nó, chì chiết nói. "Chưa mở hàng mà đã ám tao hả mày? Mẹ con mày mở miệng ra là tiền với tiền. Không được tích sự gì!" 

 

Khanh mím môi, cúi đầu tiếp tục công việc rửa rau. Thời điểm nó ngẩng đầu lên, mặt đỏ ửng vì phải nói lời trái lòng. "Cô giáo nói nếu con không đóng tiền học, sẽ mời phụ huynh."

 

"Choang." An đập mạnh con dao xuống mặt bàn ốp tấm sắt, nghe chát chúa chói tai. Nổi tiếng vì có tấm lòng bồ tát, cưu mang mẹ con chị gái ruột, nếu bây giờ trôi ra tin đồn không đóng học cho cháu, cô không biết phải giấu mặt vào đâu.

 

"Mày tính rửa nát rau của tao đấy hả thằng kia?" An đá mạnh vào mông Khanh để trút giận, làm nó ngã dúi xuống chậu nước rửa rau. Cô giậm chân tức tối đến mở vung nồi gang, dùng đũa cả quấy gạo, đập đũa lên thành nồi côm cốp, rồi mới quay lại quát Khanh lúc này vẫn đang lóp ngóp vớt rau. "Canh nồi cơm cho tao, khê thì mày liệu hồn!"

 

Khanh ngoan ngoãn nghe lời, không đả động đến tiền học. 

 

Căn bếp chật chội bị hun nóng bởi hơi nước và mùi thức ăn dầu mỡ. Mùi mỡ chiên nhiều lần khen khét, mùi cơm trắng mới chín, mùi rau muống hăng hăng... đủ loại mùi xoắn vào nhau khiến căn bếp thêm ngột ngạt. Ngay cả cây kem mút mát lạnh trong tay thằng em họ đứng nhởn nhơ nơi cửa bếp cũng không xua nổi bầu không khí ngộp thở này.

 

Hơn sáu giờ, quán cơm vỉa hè bắt đầu có khách. Dì An đứng bên kia tủ kính đầy bựa mỡ lâu ngày, chỉ huy chồng và cháu trai chạy bàn.

 

Khanh như con thoi, luồn chỗ này bê đồ ăn, lách chỗ kia lấy thêm canh, lại chạy vọt đi rót trà đá, rảnh là vào trong bếp vục mặt xuống chậu bát to đùng. Ngay cả cơn đói của chiếc bụng rỗng cùng các lời nói đay nghiến của dì An cũng không khiến nó dừng công việc.

 

"Hừ! Mẹ mày học nhiều hơn tao, cuối cùng cũng nằm rịt một chỗ chờ chết." Dì An đưa Khanh đĩa cơm rưới mỡ gà, lẩm bẩm.

 

"Học giỏi lấy giấy khen chỉ để bán đồng nát thôi con ạ. Vài năm nữa mày học lấy cái nghề thì hơn. Đến xưởng bia làm công nhân cũng là ý hay." Nhận hai cốc trà đá từ tay dì An, Khanh tự động đóng kén tai.

 

"Ăn tốn cơm tốn gạo, sểnh ra là tiền tiền. Không biết kiếp trước tao mắc nợ gì nhà mày nữa." Dì An dằn mạnh bốn chiếc bát bẩn lên chiếc khay xếp bát bẩn. 

 

Khanh bặm môi xoay người đi thẳng vào bếp.

 

Nó sẽ không khóc.

 

Năm đầu về đây sống, nó đã khóc hằng đêm. Nước mắt trong nhiều năm bị nó dùng vô tội vạ nên cạn kiệt hết rồi.

 

Chạy bàn và rửa bát để bù lại sự cưu mang của người dì tốt bụng đến mười giờ tối. Khanh lê cơ thể rã rượi cùng bàn tay trắng bợt vì ngâm nước lâu quay về phòng.

 

Nó đặt bát cháo trắng lên mặt bàn, loay hoay kiểm tra xấp khăn xô bên trong quần mẹ. Không phải nó ghê tởm gì đâu, chỉ là hôm nay nó mệt hơn mọi ngày, bớt một việc là nó có thêm thời gian học bài.

 

Đút mẹ ăn cháo, lau chân lau tay cẩn thận, rồi nó ngồi vào bàn làm bài. 

 

Bên ngoài khung cửa sổ là trăng tròn vành vạnh, nó thích những ngày rằm, vì trăng vừa sáng vừa tròn. Bóng đèn trong phòng nó già khú, ánh sáng màu vàng cam hắt xuống khá mờ, nếu thêm ánh sáng vàng nhạt của trăng, nó sẽ thấy bừng trên trang vở là những đốm sáng kỳ diệu, ngòi bút của nó sẽ đưa chữ đẩy câu thoăn thoắt mượt mà.

 

Đột ngột, một cành hoa trắng với từng chùm nhỏ xíu đặt lên trên trang vở, che khuất dòng chữ mực tím xinh đẹp. Khanh ngẩng lên, bắt gặp mái tóc ngắn lởm chởm cùng đôi mắt xếch to tướng của Biên thập thò trên khung cửa sổ.

 

Cánh tay đen đúa vươn vào trong, lắc lắc cành hoa trắng trước mặt nó. Hương thơm dịu quyện lấy cánh mũi Khanh, vuốt ve tức giận còn sót lại từ buổi học ban sáng. Nó cầm cành hoa rón rén đến gần giường.

 

Mẹ Khanh rất thích hoa sưa.

 

Nó đứng im nhìn khuôn mặt gầy guộc xám xanh của mẹ chìm trong giấc ngủ, cuối cùng dứt khoát xoay người, thu dọn sách vở trong lời cầu xin của Biên. "Cho tao mượn bài tập toán về nhà với."

 

Nó dắt vở vào cạp quần rồi như chú khỉ nhanh nhẹn trèo sang cây sấu, đánh đu nhảy xuống đất.

 

Dưới trăng rằm, hai bóng đen kéo dài trên mặt đường quấn vào nhau, giọng trẻ con làu bàu giữa đêm khuya. "Hồi bảy tuổi, mày đi nhặt vỏ chai suốt đêm vì muốn mua bánh nướng cho mẹ. Bây giờ chín tuổi, mày trèo tường lang thang nhặt đồng nát chỉ để mua tấm lót hứng cứt đái của mẹ. Mày quái dị thật đấy!"

 

"Là tấm lót cho người già. Tao ngán việc giặt đi giặt lại vải xô sau khi dùng rồi. Nó xỉn màu thấy ghê!" 

 

Trong tiếng chó sủa cùng tiếng mèo than thở, có hai đứa trẻ cãi nhau ầm ĩ, đi khắp xóm làng chỉ để nhặt đồng nát bán lấy vài đồng bạc lẻ.

 

Một đứa mua kẹo.

 

Một đứa mua tấm lót người già cho mẹ.