2
0
3978 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1: Hồi hương


Nắng đổ giòn trên tấm hiên đã hoen rỉ của bến xe đông đúc, Hân nheo mắt, vội vã đội chiếc mũ quai bèo để tránh mặt trời chói chang trên đầu. Nó bước xuống xe đò và tách khỏi dòng người ngược xuôi, đi về phía cổng Tây hiếm người qua lại. Không lạ mấy khi chẳng có bác xe ôm nào chèo kéo khi thấy hướng Hân di chuyển, bởi nơi nó đến nằm rất xa bến xe. Xã Phong Vị là nơi chôn nhau cắt rốn của Hân, song nó đã trốn chạy khỏi nơi ấy nõn ba năm có lẻ. Nào ai muốn sinh ra và lớn lên trong một chốn heo hút mút mùa, đường xá xa xôi lại hiếm bạn đồng lứa. Xã Phong Vị như ốc đảo giữa sa mạc chứa lượng người thưa thớt đến độ muốn sang thăm hàng xóm cũng phải đi bộ cả năm, mười phút mới tới cổng nhà.

Tiếc thay, không ai chọn được quê hương và hoàn cảnh sinh trưởng. Hân và bà Thuỷ, mẹ nó, nương tựa vào nhau để sống từ khi ông Tùng, bố của Hân qua đời năm năm trước do rắn cắn. Bà Thuỷ vò võ nuôi con như thế suốt năm năm mà không đi bước nữa, đúng hơn cũng chẳng ai muốn đèo bòng một phụ nữ mẹ goá con côi như thế. Sau khi thi đậu một trường trung học cơ sở trên tỉnh năm năm trước, Hân rời xã xóm nhỏ tu chí học hành rồi ở miết tới nay tại nhà người họ hàng xa của mẹ. Mọi thường vào tầm đầu hè, mẹ Hân sẽ lên thị xã ở lại với nó đâu hơn tháng rồi lại về quê. Bà luôn mong Hân chú tâm học tập và tránh xa nơi chứa đầy ký ức đau thương ấy, có lẽ mẹ nó nghĩ rằng Hân sẽ buồn khi phải sống gần nơi bố mình gặp nạn.

Mãi cho đến tận hai tuần trước, trường trung học phổ thông đã cho nghỉ hè khá lâu mà chẳng thấy bà Thuỷ đánh điện báo ngày lên. Vào buổi trưa cuối tuần, dì Vân bỗng đến đưa cho Hân một xấp tiền rồi bảo nó về quê một chuyến. Nghe đâu có người gọi báo bà Thuỷ vừa ngã bệnh. Thế là Hân sắp xếp đồ đạc về quê, cái nơi đã năm năm rồi nó chưa từng quay lại.

Bước dài trên con đường đất ẩm bốc mùi cỏ dại ngai ngái sau mưa, Hân xốc lại ba lô và quệt bớt mồ hôi chảy dài làm bết tóc mai của nó. Hân lấy gương soi và khăn giấy ra để lau bớt mồ hôi, gương mặt trái xoan hiền hậu phản chiếu lại trong gương còn vương nét ngây thơ của thiếu nữ. Dáng người Hân gọn gàng, không đến mức gầy gò mà có da có thịt.

Mùa mưa tháng Tám tràn đến khiến cỏ cây tươi tốt song cũng làm người ta phiền lòng vì mặt đất  nhơ nhớp bùn sình, Hân đã đi hơn hai tiếng đồng hồ kể từ khi rời bến xe nằm trên quốc lộ đông đúc, xung quanh nhà cửa thưa thớt dần rồi chỉ còn lại vạt đồng hoang và cây cối mọc um tùm muốn lấn cả con đường nhỏ men vào xã. Hân tìm một tảng đá lớn lót giày ngồi nghỉ mệt, không nhớ nổi ngày xưa làm sao mình có thể cùng mẹ đi bộ cả quãng đường dài như vậy để rời xã lên thị xã học tập. Khi đang ngồi thở dốc lấy lại sức, Hân thấy có ai đó đang chạy con Dream cũ từ xa, người nọ hình như còn đang gọi tên mình.

“Con Hân? Hân con bà Thuỷ phải không đó?”

“Dạ. Em đây.” Hân đáp, kéo vành nón lên nheo mắt nhìn người nọ. Gương mặt nửa lạ nửa quen đang mỉm cười vẫy tay với cô, khi anh ta chạy lại gần Hân mới nhận ra đó là Hoàng, con bác Hưng trưởng xã.

“Mày đi đâu biệt tăm tới giờ mới về? Mẹ mày nhớ mày lắm đó, lần nào qua bốc thuốc bả cũng nhắc mày hoài.” Hoàng cao dong dỏng, dáng người thô kệch nhưng cơ bắp săn chắc đúng kiểu dân lực điền chuyên đồng áng. Gương mặt chữ điền vuông vức với đôi lông mày rậm khiến anh ta trông khá hung dữ, mắt Hoàng hơi lồi ra, bên to bên nhỏ làm người khác chạm mặt lần đầu dễ sợ chết khiếp vì nghĩ Hoàng khá bặm trợn. Tính tình anh cũng nóng nảy, thủa nhỏ hay đầu têu lũ choai choai đánh nhau gây gổ khắp nơi, phải mất mấy chặp ông Hưng cầm cán chổi rượt đánh thì anh ta mới ghìm tính mình lại.

Hoàng lái con xe Dream nối với đuôi ba gác chạy lọc xọc, ngồi phía sau trên thùng gác là chị Thuỳ, vợ của anh. Hai người vừa cưới được gần hai năm mà vẫn chưa sinh bé nào, trên thùng xe còn chất mấy giỏ mây lớn, thùng xốp và một vài vật liệu dựng bạt. Hoàng vừa thấy đúng là Hân thì cười tươi rói chào hỏi, rồi vô cùng tự nhiên giành lấy ba lô của nó để lên cổ con Dream và chỉ tay về thùng xe phía sau: “Lên đi tao chở vô, chứ mày đi bộ biết chừng nào tới.”

Hân không từ chối mà nhảy phốc lên yên sau, mừng húm vì gặp được người trong xã để đi nhờ. Đường vào làng mà dùng xe máy còn phải chạy hơn nửa tiếng mới tới nơi, nếu không có Hoàng chắc Hân phải lội bộ đến tối. Nó gật đầu chào Thuỳ, Thuỳ không phải người trong xã. Bởi trong trí nhớ của một đứa nhóc mười một tuổi, nó chưa từng gặp Thuỳ. Song chuyện cưới người ngoài xã hay có ai dọn đến nơi này ở cũng không lạ, hiếm, nhưng không lạ. Hân nhớ hồi xửa xưa đã có vài gia đình dắt díu nhau dọn đến ở, nghe đâu là đi làm kinh tế mới hoặc họ cho rằng về quê sẽ được cho đất ruộng cày, đủ ăn đủ mặc là tốt rồi.

Thuỳ ngồi co chân ở một góc đối diện Hân, gương mặt chị trông hài hoà, không đẹp nhưng xinh xắn dễ nhìn. Mỗi tội quầng thâm nơi mắt rất sâu, biểu cảm chị nom cũng mệt mỏi như người mất ngủ lâu ngày. Hân đoán chừng chị cao dong dỏng vì dù đã co gối mà nó vẫn nhận ra chân chị dài miên man, Thuỳ dựa người vào thùng xốp lớn lủng lỗ chỗ bên cạnh, gật đầu khẽ khàng khi thấy nó mở lời chào. Hân để ý Thuỳ dữ lắm, vì chị lạ. Lạ trong cả ký ức lẫn hiện tại. Nước da Thuỳ ngăm đen bánh mật, đặc trưng của dân cày ruộng nắng gió. Hai cánh tay xước xát hết cả, chân trần cũng bầm mất một ngón áp út như vừa bị té xe xong.

“Chị Thuỳ bị thương hả, nhìn nặng quá vậy. Chị có đi lên trạm xá kiểm tra chưa?” Hân buột miệng hỏi khi thấy vết thương của Thuỳ.

Nghe Hân hỏi chuyện, phản ứng đầu tiên của chị là giật mình. Có vẻ như Thuỳ là người rụt rè ít nói, chị mấp máy môi rồi mới đáp: “Chị bị quẹt xe, có đi khám rồi. Bà Thuỷ cho thuốc về đắp.”

“Bà Thuỷ là mẹ em nè.” Hân hớn hở nói. Mẹ nó xuất thân là con nhà thầy thuốc, thủa nhỏ có theo ông ngoại đi thăm khám, bốc thuốc rồi lành nghề. Sau quen với ba nó cưới xin xong thì dọn theo ông về xã Phong Vị.

Ánh mắt Thuỳ hơi thoáng hiện lên vẻ biết ơn và gần gũi, chị nhoẻn miệng cười với cô trong đúng một giây rồi lại co mình vào thế giới riêng. Vợ anh Hoàng ít nói thật, Hân nghĩ, nhưng cũng không lạ vì trên thị xã nó còn gặp gỡ nhiều người kỳ quặc hơn nhiều. Hoặc có khi chị ấy còn mệt. Hân ngó vòng quanh, muốn tìm đề tài khác để nói chuyện cho không khí bớt bối rối. Chiếc Dream già chạy bon bon qua đường đất cỏ dại mọc um tùm, Hân ngó thấy Hoàng đang đeo sợi dây chuyền bằng vàng sáng loá, xem chừng mấy năm nay làm ruộng bán gà cũng được mùa dữ lắm.

“Chà, anh Hoàng nay trông khá giả dữ ta. Hết chạy con Dream rồi đeo dây chuyền vàng, mấy năm nay làm ăn được lắm hả?”

Hân bắt chuyện. Vừa sang thế kỷ mới chưa đầy năm, ai mà tậu được con xe Honda cũng đã thuộc hàng khá giả. Nhất là ở cái xã mút mùa, thưa thớt như Phong Vị. Người dân quanh năm chăn nuôi gia súc và cày ruộng thì làm gì có ai đủ khá giả để mua xe máy hay vòng vàng, thế nên lúc thấy Hoàng chạy bon bon trên con Dream Hân cũng ngạc nhiên lắm.

“Làm gì có, tích cóp được nhiêu đổ vô con xe hết rồi. Với lại… nhà tao dạo này chộn rộn lắm.” Hoàng nói, giọng trầm xuống khiến Hân hơi ngạc nhiên.

Ai chẳng biết Hoàng là con trưởng xã, ông Hưng cũng là trưởng dòng họ Lý trong xã, xét về kinh tế lẫn tín nhiệm đều thuộc hàng bậc nhất. Xã Phong Vị quê của Hân chỉ là một xã nhỏ với nhân khẩu chưa tới bốn trăm người, gom lại độ đâu hai lăm, hai bảy hộ. Trong số đó phần lớn thuộc về họ nhà Lý, nghe đâu xửa xưa chạy nạn từ miệt Bắc vào rồi chọn nơi này để khai hoang, định cư đến giờ. Dần dà những gia đình nhỏ lẻ từ bên ngoài như nhà nó dắt díu nhau tới cùng mần ăn, làm chòm xóm rồi tạo thành xã Phong Vị như hiện nay. Vị trí địa lý của xã không ở gần quốc lộ, đúng hơn là gần như biệt lập. Song ngày trước do nơi này ở gần một cái hồ lớn được gọi là Vọng Nguyệt nên dân tình mới tụ tập lại, về sau đất ở lâu hoá thành quê hương ruột thịt nên họ cứ ở vậy mặc cho địa hình không mấy thuận tiện.

Lại nói đến giọng điệu kỳ lạ của Hoàng, Hân dè dặt hỏi: “Ủa chứ, nhà anh Hoàng có chuyện gì xảy ra hả?”

“Mày về cũng đúng lúc đó, hôm nay là đám một trăm ngày của mẹ tao.” Hoàng nói, giọng buồn rầu nghe nẫu ruột. “Mấy năm nay xui rủi lắm Hân ơi, mày nhớ cái hồi thằng Đức con bà Mân đuối nước năm năm trước không, từ lúc đó mấy nhà gần cái hồ Vọng Nguyệt cứ bệnh lên bệnh xuống. Mà nhà tao thì ở sát rạt, nên cũng chịu thương vong nặng nhất mà.”

Nghe Hoàng nhắc đến chuyện thằng Đức, Hân có hơi giật mình. Bởi sự cố đuối nước của thằng Đức năm nó sáu tuổi gắn liền với ký ức không vui mà Hân luôn muốn quên đi. Khi đó Hân vừa được mười một tuổi và vừa nhập học cấp hai trên thị xã, một tuần hết sáu ngày ở trọ xa nhà. Thời điểm ấy nó chỉ được nghe thuật lại rằng vợ chồng bà Mân đi thu lúa nên khoá cửa để thằng nhỏ ngủ trưa trong nhà, tới lúc chiều về thì chẳng thấy Đức đâu. Cả xã túa nhau đi tìm mãi rồi mới phát hiện đôi dép mà ông Trung, ba thằng nhỏ mua cho nó chưa đầy một tuần trước nổi lềnh phềnh giữa hồ. Bà Mân khóc đến điếng người, trai tráng trong xã đều nhảy xuống tìm mãi mà không thấy thằng nhỏ. Cứ như thể cái hồ đã nuốt chửng Đức, dìm nó xuống đáy sâu vĩnh viễn, ngăn cách đứa bé tội nghiệp không cho nó nhào vào lòng bố mẹ thêm lần nào nữa. Sự mất mát của nhà ông Trung, bà Mân khi ấy khiến cả xã rơi vào không khí trĩu nặng. Không thể để tang đứa con duy nhất đàng hoàng, bà Mân cứ nửa tỉnh nửa mê trong những trận khóc than đớn lòng. Có lẽ vì việc mất con, vợ trở nên tâm thần bất ổn đã khiến ông Trung không chịu đựng được nữa mà bỏ đi biệt tích.

Song biến cố ở hồ Vọng Nguyệt năm ấy có lẽ chỉ là khởi đầu của niềm đau thương kéo dài cho xã Phong Vị. Cũng cùng thời gian ấy, Hân mất đi người bố luôn yêu chiều nó nhất. Đó là một ngày trời âm u, mây đen mãi vần vũ từ sáng đến chiều mang theo nét sầu não của đất trời. Ông Tùng, trụ cột gia đình Hân đi cày ruộng ở khu đất phía sau hồ Vọng Nguyệt. Tầm trưa nó về sau buổi học tại trường tiểu học thấy mẹ đang ngủ thì lại nảy sinh ý định chạy ra chơi với bố mình, vậy là Hân vứt cặp trên tấm phản rồi lon ton đi về phía hồ. Mà có lẽ do nó ham chơi quá nên khi tỉnh lại trong bụi chuối thì trời đã tối, Hân sợ mẹ mắng nên chần chừ mãi không dám về nhà. Đến lúc người trong xã tìm thấy nó thì thứ đón chờ nào phải lời la mắng của mẹ, mà là thông báo ông Tùng đã qua đời tại trạm xá do bị rắn độc cắn. Những chuyện sau đó Hân không nhớ rõ ràng lắm, bà Thuỷ đã lo liệu tất thảy rồi ép Hân quay lại học hành. Nó đã trải qua quãng thời gian khó khăn ấy trong mơ hồ, để rồi sau khi thi đậu một trường trung học phổ thông trên huyện, bà Thuỷ gửi gắm con gái vào nhà người họ hàng xa để Hân chuyên tâm học tập. Thế là từ năm chớm mười hai Hân cứ ở trọ và trú lại tại nhà họ hàng mãi đến nay mới quay về xã Phong Vị lần đầu tiên.

Thấy Hân im lặng hồi lâu, Hoàng cũng nhận ra mình vừa nhắc nhớ những kỷ niệm không vui trong nó, anh ta vội vàng chữa cháy: “Thôi thì cũng toàn chuyện không hay. Người chết cũng chết rồi, người sống vẫn phải sống. Mày về nghỉ ngơi xíu rồi sang nhà tao ăn uống, thằng Hải chắc cũng đang làm món gần xong rồi.”

Hải là em trai của Hoàng, hai anh em cách nhau hai tuổi. Tính ra năm nay họ cũng đã hai mươi lăm, hai mươi bảy rồi. Ông Hưng cũng có một cô em gái ruột rà là bà Hồng sống sát bên nhà, Hoàng và Hải gọi bà là cô Hồng. Bà Hồng không lấy chồng mà ở giá như vậy suốt trong căn nhà nhỏ chưa tới hai mươi mét vuông, ai mai mối bà cũng từ chối nên riết rồi trong xã đều gọi bà là bà Hồng Đơn, ý là bà cứ cô đơn vậy đấy. Hân thấy Hoàng có ý định chuyển đề tài cũng hùa theo, dù cho nó muốn ăn những món mẹ mình nấu hơn là dùng bữa tại đám trăm ngày của người khác. Bọn họ về xã cũng hơn nửa tiếng đồng hồ do đường xá sau mưa sình lầy, ổ gà ổ voi nhiều quá. Phía trước lối vào xã có một cây me già, thân cây to oạch đến mức hai người ôm chẳng xuể. Hân không nhớ nổi gốc me kia được trồng từ bao giờ, chỉ biết khi nó biết trèo, biết phá thì nó đã ở đó, vẫn khổng lồ như thế.

“Chà, cái cây này vẫn y chang hồi xưa.” Hân cảm thán. “Hồi đó lúc chạy lên trạm xá tìm ba Tùng em không dám đi ngang cái cây này đâu, sợ lắm.” Nó buột miệng nói, nhớ lại cái đêm tất tả chạy theo hàng xóm lên trạm xá gặp bố mình lần cuối.

“Ủa? Tối đó mày có lên trạm xá hả Hân?” Hoàng ngẫm nghĩ, xong hỏi lại. Trạm xá chỉ có ở xã Phong Thuỵ cách xã Phong Vị gần một tiếng đi xe, mà lúc bố con Hân bị rắn cắn ngất cũng lâu lắm mới được phát hiện do trời khi ấy đã về khuya, chính anh với đứa em là thằng Hải chở bố nó lên trạm xá chứ đâu.

“Hình như vậy. Trí nhớ em lờ mờ lắm. Lúc đó em nhớ ba em đi tìm em á, nghe ổng gọi mà em ngủ béng đi mất. Tới lúc dậy thì…” Hân nói rồi ngưng bặt, không muốn thốt ra thêm lời nào về tai nạn của bố Tùng nữa.

“Mày dậy ở chỗ nào? Sao tao không nhớ thấy mày ở trạm xá ta.” Hoàng hỏi.

“Tới nhà mình rồi. Anh rẽ sai đường kìa.” Thuỳ chợt lên tiếng nhắc nhở.

Hoàng bẻ cua cái két, rẽ qua con đường đất đỏ đầy bùn sình để vòng lại hướng nhà mình. Hân bám chặt vào thành xe bằng sắt, bầu trời trên đầu đã chuyển màu. Hoàng chở Hân vào xã. Nó nhìn quanh, trong lòng bỗng dấy lên nỗi xúc động không vì lý do gì. Cảnh vật gần như giữ nguyên suốt ba năm qua, giống như trong trí nhớ của Hân khi nó rời xa nơi này. Nhà cửa thưa thớt cách xa nhau song tình làng nghĩa xóm nào có thế, từ khi bố Tùng mất, hai mẹ con nó cũng nhờ vả mọi người khá nhiều mới qua cơn bĩ cực. Nhà Hoàng nằm ở gần hồ Vọng Nguyệt, do là trưởng họ nên ông Hưng có quyền lựa chọn khu đất tốt nhất cho gia đình, khi đó khu vực gần hồ là nơi tốt nhất để chăn nuôi gia súc, lấy nước sinh hoạt. Hoàng chở Hân chạy thẳng vào nhà mình, có lẽ anh ta dự định đưa đồ vừa mua  từ bên ngoài xã rồi tiếp tục chở Hân về. Hân cũng không vội, nó nghĩ bét lắm cũng nên vào trong thắp cho bà Mai, mẹ của hai anh em Hoàng và Hải nén nhang mới đúng lễ nghĩa.

Hân nhảy xuống khỏi thùng xe sau, nó quay lại đưa tay toan phụ Thuỳ đỡ lấy thùng xốp lủng lỗ chỗ kia xuống. Chị vừa nhác thấy hành động của Hân liền giật thót mình, cả người loạng choạng ngã ngửa xuống thùng xe mà vẫn ôm cứng cái thùng xốp. Hân thấy vậy hốt hoảng toan leo lên lại để xem tình trạng của chị ra sao thì đã nghe Hoàng quát lên: “Cái gì đấy! Có bị làm sao không đấy? Đi đứng thôi cũng không xong!”

Đoạn, anh nhảy phốc lên ôm lấy thùng xốp liếc mắt quan sát bên trong qua cái lỗ rồi chỉ tay vào vợ mà mắng: “Hàng hoá mà có bị làm sao thì đền ốm cho người ta, mỗi việc giữ nó cho chặt mà làm không nổi à?”

Hoàng toan la mắng thêm nữa song khi nhác thấy Hân lơ ngơ đứng đó, anh mới sực nhớ ra lúc này còn có người ngoài. Hoàng ngậm bặt, ôm thùng xốp bỏ xuống xe rồi lắc đầu ra chiều bực dọc lắm. Thấy anh ta đi xa hẳn, Hân mới lò dò lại gần thùng xe hỏi han: “Chị Thuỳ té nặng không, cần em đỡ vô nhà không?”

“Không.” Thuỳ nói, rì rầm như muỗi kêu và leo xuống thùng xe, quày quả đi vào nhà.

“Sao thế? Lại mắng con vợ à. Thằng này nóng tính dữ.”

Còn đang lừng khừng ngoài sân trước, Hân bỗng nghe thấy giọng ai đó cảm thán. Nó dòm về phía có người đang tiến tới gần, đó là một thanh niên trạc tuổi anh Hoàng, nom có vẻ bảnh tỏn với áo sơ vin trắng đóng nịt cùng quần tây và giày da bóng lưỡng. Người này trông lạ mặt, dường như không phải người từ xã mà ở bên ngoài đến đi đám trăm ngày. Anh ta nhác thấy Hân nhìn mình liền nháy mắt cười tươi rói như chào hỏi, nó lúng búng gật đầu rồi vác ba lô chạy vào nhà để thắp nhang cho bà Mai.

Bàn chân Hân còn chưa đặt lên bậc thềm đầu tiên thì bỗng nghe thanh âm ồn ào phát ra từ phía sân sau. Hân bị trí tò mò đánh gục, nó chạy vào trong nghe ngóng thử thì thấy mấy người hàng xóm vốn qua phụ nấu nướng giờ đây đang bu đen bu đỏ ở góc nuôi lợn gà phía bên hông gian chính.

“Gì đấy? Có chuyện gì vậy?” Hoàng nói lớn, chạy xổ tới len qua đám người đang hóng chuyện từ phía hành lang hiên bên.

Hân cũng chạy theo sau bước chân Hoàng, cô nhìn thấy nhiều gương mặt quen thuộc, trong đó có Hải em trai của Hoàng. Trông anh ta có vẻ bực dọc, gương mặt na ná Hoàng song có vết bớt sẫm màu ngay dưới cằm trái đang nhăn nhó, chân mày chau lại chỉ tay vào chuồng heo mà đáp lại câu hỏi của anh mình: “Mẹ nó xúi quẩy thiệt chứ. Tự nhiên hai con heo nái lại lăn đùng ra chết.”

Nghe vậy, Hoàng đưa tay dạt mấy người hàng xóm hóng hớt ra mà leo vô chuồng heo. Hai con heo lớn gần cả tạ đang nằm chổng vó, miệng sùi bọt mép. Xác còn ấm, dường như chuyện chỉ vừa xảy ra tức thì. Có người lên tiếng kể lại họ đang nấu đồ ăn ngoài sân trước chuẩn bị làm đám trăm ngày thì không dưng từ chuồng gia súc vang lên tiếng rên thảm thiết của hai con heo này, còn chưa kịp định hình chuyện gì xảy ra, hai con heo đã tự lao đầu vào tường rồi lăn ra sùi bọt mép, chết ngắc. Có người chạy vào báo cho Hải, cậu ta vừa đến xem thì Hoàng cũng chở Hân từ ngoài xã về.

Đám đông tụ lại xôn xao trên xác hai con heo nái, Hoàng thảo luận với em trai cách xử lý rồi quay ra nói với chòm xóm: “Hai con heo này nào giờ cũng cắn xé nhau hoài, thôi hôm nay sẵn làm đám, anh em tụi tui xẻ thịt nó đãi cả xã luôn. Anh Tài anh Thành vô phụ tụi em khiêng nó ra với, một con thui luôn còn dư em xẻ bán nhe.”

Trước sự hào phóng của hai anh em, những ai đến phụ giúp nấu nướng đều hưởng ứng hết mình. Hân đứng nhìn họ kéo xác hai con heo ra xẻ thịt nóng, trong bụng bỗng cồn cào. Nó chợt có cảm giác không muốn thưởng thức bất cứ món ăn nào được làm từ thịt của hai con heo đó, Hân toan lẳng lặng bỏ về song sực nhớ ra mình còn chưa thắp nhang cho bà Mai nên nó bèn đi vào nhà chính.

Hân xốc lại ba lô rồi đi vào nhà, còn chưa bước hết bậc thềm thì bên ngoài cổng đã có người gào thét, giọng ai oán điên loạn đến mức khiến Hân nổi hết da gà.

“Giết người rồi! Giết người rồi!”