Chương 2: Mụ Mân điên
Tiếng gào thê thảm như con thú hoang bị đạn ghim vào yếu huyệt, giữa tiết trời ngả chiều nghe đến thê lương. Bàn chân chớm đặt trên bậc thang xi măng nhà ông Hưng vội chuyển hướng, Hân vội chạy ra ngoài cổng để xem đã có chuyện gì xảy ra.
“Giết người! Giết người! Giết người!”
Thanh âm the thé tiếp tục vang lên, trước hàng rào râm bụt mọc xum xuê trên mấy cọc xi măng được đắp tạm bợ, một người đàn bà tóc tai rũ rượi với gương mặt bẩn thỉu đang nằm lăn lộn dưới mặt đất đầy sình bùn. Quần áo bà ta cũ kỹ rách nát như ăn mày, móng tay đầy ghẻ đất, chân không đi giày dép mà cứ vậy gào thét không ngừng.
“Này! Lại bả nữa. Kêu mấy người kéo bả đi đi. Cứ ở đây la hét cái gì không biết!” Một người trong sân trước tò mò chạy ra xem, vừa nhìn ra là ai thì quay đầu hét lên với những người bên trong.
Đây là… dì Mân! Hân cố lục lọi trí nhớ khi thấy nốt ruồi lệ dưới mắt phải của người phụ nữ tâm thần đang thét gào những câu từ vô nghĩa. Ký ức năm mười một tuổi quay lại trong tâm trí nó, dì Mân khi đó vẫn còn là người đàn bà hiền lành đằm thước, tần tảo chăm sóc con trai mới sáu tuổi tên Đức của mình. Hai mẹ con dì Mân đi theo chồng là ông Trung từ miền ngoài tới xã Phong Vị định cư, cần mẫn cầm cuốc rựa làm nông, nuôi mấy con gà như bao người dân khác trong xã. Thế nhưng cuộc đời đối xử với người đàn bà này tàn tệ vô cùng. Thằng Đức đuối nước chỉ sau hơn một năm cả nhà ba người đến đây ở, ngay cái hồ Vọng Nguyệt phía sau nhà ông Hưng đây. Như đã từng nhắc đến trong cuộc trò chuyện gượng gạo trước đó với Hoàng, chồng dì Mân bỏ đi biệt tích cùng khoảng thời gian với việc ba Hân trúng nọc rắn mà qua đời. Thế nên trong một thời gian ngắn sau đó mẹ cô khá thân thiết với dì Mân, dì ấy cũng thường ghé sang nhờ bà Thuỷ bốc vài thang thuốc an thần. Khi rời xã để lên phố huyện học, Hân cứ nghĩ ít nhất mẹ mình cũng có dì Mân để bầu bạn, nào ngờ lần này trở về mới biết dì ấy đã trở nên điên loạn như kia.
“Chúng mày giết người ăn thịt sẽ bị quả báo! Quả báo!” Bà Mân vẫn cứ gào thét, lăn lộn không ngừng dưới đất mặc cho việc đã có hai, ba người nhào ra xách nách, kéo tay bà đi xa khỏi nhà ông Hưng.
“Lại dì Mân điên à, dạo này dì ấy lên cơn nhiều lắm.” Chợt Hân nhận ra Thuỳ đã đứng bên cạnh nó từ lúc nào, ánh mắt chị ta thoáng hiện lên chút nỗi đồng cảm, sau đó nói tiếp: “Mấy năm gần đây bệnh tình dì ấy càng lúc càng nặng, thuốc của dì Thuỷ cũng mất tác dụng dần rồi. Chắc mấy nay dì Mân lại quên uống thuốc an thần dì Thuỷ sắc cho.”
Hân nghe vậy liền nhớ tới mẹ mình, bà Thuỷ. Hai gia đình của nó và dì Mân đều là người từ ngoài xã dọn đến, thế nên đôi bên đều có sự đồng cảm với nhau, nhất là khi mẹ Hân – một phụ nữ xuất thân từ gia đình truyền thống Đông y, đã luôn bốc thuốc an thần cũng như hỗ trợ nhiều về việc chăm sóc, ăn uống cho dì Mân từ khi dì ấy mất đi đứa con trai duy nhất. Hân chợt muốn chạy ngay về nhà để gặp mẹ mình, nỗi nhớ mẹ bị ép xuống từ bấy đến giờ vì cuốn theo biến cố xảy ra liên tục nay cồn cào trong lòng. Hân chào hỏi loa qua với Thuỳ rồi xách ba lô đi thằng, thầm nghĩ ngày mai sẽ ghé sang thắp hương cho bà Mai và hỏi thăm chòm xóm sau.
Thế mà chưa kịp dứt câu chào, Hân lại nghe tiếng cãi vã vang lên từ hiên bên nhà ông Hưng. Cái giọng tru tréo quen thuộc cùng câu từ đe nẹt này nghe qua là biết của ông Hưng, trưởng họ Lý kiêm trưởng xã Phong Vị. Ngày nhỏ lứa trẻ con trong xã ghét ông Hưng lắm, vì cái tính gia trưởng lại cục cằn, hằn học như thể chỉ đợi người khác phạm sai lầm là hăm he nhảy bổ vào chửi bới. Từ nhà trong, ông Hưng đi ra với bộ dạng hùng hổ. Dân lực điền lao động quanh năm nên đã hơn sáu mươi song trông ông vẫn còn tráng kiện lắm, cơ nhục nhão đi nhiều theo thời gian tuy nhiên thái độ sấn sổ và cái giọng quát tháo ấy vẫn giống hệt như trong ký ức mà Hân có:
“Lại con mụ điên này! Bao nhiêu lần đánh đuổi rồi vẫn lì lợm thế hả, người hay ngợm mà nói chả nghe. Ai đấy rảnh rang tống cổ mụ sang bà Thuỷ bốc thuốc an thần cho uống đi, cứ lên cơn là gào thét điếc hết cả tai. Nhà tao đang trong kỳ tang ma chay tịnh, mụ cứ tới quấy quá là tao không nể tình làng nghĩa xóm gì nữa đâu nhé!”
Nghe một tràng mắng mỏ chửi bới như tát nước vào mặt, Hân rụt cổ theo bản năng đứng nép sang bên như thủa nhỏ. Gương mặt nghiêm khắc sâu cay của ông Hưng đỏ lựng, lỗ mũi phập phồng phì phò thở lấy hơi sau mấy câu chửi chẳng hề ngắt nghỉ chút nào. Mắt ông long lên đầy tính đe doạ, chẳng khác gì hung thú lâm vào đường cùng. Hân thoáng nghĩ có lẽ ông Hưng cũng đã đẫy bụng rượu trắng nhà nấu nãy giờ nên bấy chừ có vẻ không giữ nổi bình tĩnh, y như rằng hai cậu con trai nghe thấy giọng bố mình quát tháo ầm ĩ liền chạy vội lên cản ông lại, người lôi, người kéo mãi mới đưa được ông Hưng vào nhà.
“Người đâu mà dữ dằn thế không biết. Ông Hưng đúng là không thay đổi chút nào.” Hân lầm bầm cảm thán. “Sao cứ phải sống hằn học thế nhỉ!”
“Vì ông ta có phải con người đâu. Dòng thứ ác quỷ…”
Thuỳ bỗng đáp lại nó bằng chất giọng trầm dục, thanh âm nhỏ như muỗi kêu song cũng vừa đủ để Hân nghe thấy. Nó chợt lạnh gáy khi phát hiện ra nơi đáy mắt chị ta thoáng hiện lên tia nhìn hận thù thấu xương. Nó không dám ở lại nơi này nữa, xem chừng lúc nào cũng sẽ xảy ra lửa cháy đùng đùng bởi mối quan hệ kì quặc giữa vợ chồng và bố chồng nàng dâu. Hân vội chào hỏi Thuỳ rồi chạy ra khỏi sân, trong lòng thầm nghĩ chuyện làm dâu thật đáng sợ. Ngày trước ở cùng bố mẹ nó từng mong mỏi sau này lớn lên phải tìm một người hiền lành, yêu thương vợ con như bố Tùng. Song bấy giờ thấy cách anh Hoàng cư xử với chị Thuỳ, rồi ánh mắt chất chứa thù hằn chị ta nhìn bố chồng… Hân bỗng nảy sinh cảm tưởng không muốn kết hôn nữa. Bảo sao người ta hay nói “hôn nhân là nấm mồ chôn tình yêu”.
Mới đi được vài bước Hân lại nghe có tiếng gì đó đổ vỡ, nó nhìn lại thì thấy mấy chén rượu nhỏ đặt trên cái miếu thờ nhỏ bằng gỗ rơi xuống mặt đường. Hân thuận tay nhặt lấy mà đặt lại, song trong lòng cảm thấy có gì đó kỳ quặc đang diễn ra. Cô nhìn về phía căn nhà có miếu thờ ngay cổng trước, là nhà bà Hồng. Hân vốn không thân thiết với bà, mà bà Hồng cũng nổi tiếng lập dị, không gần gũi với ai trừ nhà ông Hưng – anh trai ruột. Sau khi được chia miếng đất từ bố mẹ, bà Hồng cất căn nhà đơn sơ có diện tích chưa đầy mười sáu mét vuông, rào cái sân lại rồi ở giá mà không lấy chồng. Bà cứ thoắt ẩn thoắt hiện ở cửa trước, trừ lúc đi chợ trao đổi đồ thì chẳng mấy ai thấy bà ở đâu trong xã. Bấy giờ căn nhà bà Hồng đóng kín cửa im lìm đến đáng sợ, Hân ngó qua hàng rào thì thấy sân trước mọc cỏ dại um tùm, trông cứ như căn nhà đã bị bỏ hoang từ lâu. Nhiều câu hỏi thắc mắc dấy lên trong tâm trí song Hân đều gạt đi, từ khi lên phố huyện nó đã học được việc bàng quan trước việc của người khác để tránh mang rắc rối vào mình. Hơn nữa có lẽ vì thấy bà Hồng già cả lại sống một mình, nên nhà anh Hoàng, Hải đón bà về bên đấy rồi thì sao. Bây giờ đi hỏi han lại thành ra tọc mạch. Nghĩ vậy, Hân phủi bớt mạng nhện bám trên miếu thờ gỗ rồi tiếp tục đi về nhà.
Con đường về nhà vẫn quen thuộc như thế, song chẳng hiểu sao nó lại thấy mình đi nhanh đến lạ. Ngày trước đi từ đầu xã phải mất độ nửa tiếng mới đến nơi, bấy giờ chưa đến hai mươi phút Hân đã thấy chái nhà quen thuộc trước mắt. Nó bỗng sững lại, do dự và nhìn quanh. Vẫn rặng tre già mọc thành cụm ở gần ngã ba đường, vẫn hàng rào râm bụt nở hoa đỏ rực đằng xa, vẫn con mương cạn từ bao năm trước. Cảnh quan chưa đổi thay mấy, song trông chúng lại nhỏ bé hơn hẳn trong ký ức của Hân. Bước chân nó chậm rãi tiến về căn nhà nhỏ đã sinh trưởng hơn hai mươi năm, trên bức tường phía trước còn vằn vện những nét phấn dài Hân vẽ bậy năm mười tuổi, vườn rau cải ở sân bên đổi rồi, thay bằng mấy chậu hoa hồng đang trổ nụ. Cửa nhà khép hờ, tiếng radio vang khúc nhạc bolero đều đều, rè rè. Tầm giờ này trong xã đã vãng dần, nhà nào khá giả mới bật đèn điện sáng choang, chứ đa phần người dân vẫn tận dụng đèn dầu cho đỡ tiền đóng điện. Nhà bà Thuỷ mẹ nó cũng thế, bên trong trừ chiếc radio chạy pin thì leo lét ánh đèn vàng mờ loang loáng, Hân nhắm mắt mường tượng về hồi ức thủa nhỏ, mẹ và cô ngồi trên phảng, đèn dầu đặt trên bậu cửa sổ. Màu trăng đêm rọi xuống trên mấy cục đá cuội, nó đặt một viên lên mu bàn tay rồi hất tung lên, nhặt tiếp một viên, lại một viên nữa. Khi đủ năm viên thì khoe với mẹ, bà Thuỷ cười tươi, vuốt tóc mai Hân khen ngợi nó khéo tay. Như thế đấy.
Mở mắt ra, Hân thấy bóng mẹ ngồi võng đung đưa trong nhà hắt trên nền bậc thang trông cô đơn đến lạ. Có tiếng ho khàn giọng phát ra, Hân vội bước vào hiên trước, giọng bà Thuỷ lầm rầm tâm sự cùng người chồng đã khuất, chủ đề đa phần là về nó. Hân mím môi cố kìm nước mắt. Nó về nhà rồi. Con về rồi, mẹ ơi!
“Mẹ ơi!” Hân đứng giữa sân, lớn giọng gọi mẹ. Nó không muốn để bà biết mình đã nghe được dòng tâm sự lo toan của mẹ dành cho mình. “Mẹ ơi con về rồi nè!”
Cánh cửa gỗ bật mở, bà Thuỷ tất tả chạy ra. Trông bà gầy hơn hẳn so với lần cuối cùng gặp mặt, đã ba năm trôi qua rồi, Hân lại hít sâu cố kìm cho mình không khóc. Sao mẹ trở nên nhỏ yếu đến vậy, lưng bà vẫn luôn gù như thế, gương mặt khắc khổ hóp lại hai bên má trông buồn đến thế? Sao tới tận bây giờ nó mới nhận ra bàn tay mẹ vốn đã luôn xương xẩu như này? Bà Thuỷ mặc đồ bộ đã sờn, xem chừng cũng chẳng mấy để tâm nếu nó rách vài chỗ, đôi dép tổ ong nứt gãy gần nửa lết chân ra sân trước vội vã siết lấy con gái vào lòng.
“Con Hân! Sao về lúc này? Về tối trời vậy con? Sao mày không đánh điện trước để mẹ nhờ người ra bến xe đón, mày đi bộ về đấy à? Đã ăn uống gì chưa?” Bà Thuỷ vồn vã hỏi.
Hân trả lời từng câu một rồi đưa mẹ vào nhà, nội thất bài trí bên trong vẫn không thay đổi gì, nó tiện tay xách ấm nước đổ đầy ly thuỷ tinh ba màu cầm lên uống cạn. Cổ họng khô khốc được làm ẩm, Hân ngồi xuống ghế nghỉ mệt, ngồi kể huyên thuyên chuyện học hành cho mẹ nghe. Mùi thuốc Nam bốc lên ngai ngái đưa Hân trở về ký ức thủa nhỏ, ba đi ruộng, mẹ ngồi nhà bốc thuốc cho chòm xóm. Chỉ chữa mấy bệnh vặt nên bà Thuỷ chưa bao giờ lấy tiền hoặc lấy rất ít, chủ yếu người ta khoẻ rồi thì mang đấu gạo, con gà, hoặc mấy bó rau tươi sang nhà đáp lễ. Bà Thuỷ có hẳn một tủ đựng thuốc như mấy quầy Đông y trên thành phố cô từng thấy, nghe bảo là của gia truyền mang theo từ thời con gái. Sân trước trồng rau, sân sau trồng thuốc. Mảng đất sau nhà đầy những cây thuốc, có vài loại bà nhờ người ra thị trấn mua về, cũng không đủ đầy lắm mà vừa vặn chữa cảm mạo, đau đầu mà thôi.
Chiếc võng được bà Thuỷ kê gần cửa trước, đấu với cái bàn nước là nơi bà tiếp khách, bốc thuốc. Bà thấy Hân về, nơi đáy mắt loang loáng nước, tất tả hâm đồ ăn, nấu nướng bắt nó ăn uống cho bằng được rồi lại đòi chạy sang hàng xóm mượn con gà đem luộc chấm muối tiêu, Hân cản mãi bà mới lội ra sau hè tìm vài cây rau ăn được, lục cạn tủ gạc-măng-rê tìm đồ nấu cho nó. Hân thở dài, mặc cho mẹ mình ngược xuôi tuỳ ý. Nó chợt nhận ra lúc mình không có nhà đồ đạc chẳng ngờ lại ít ỏi đến vậy, trong tủ gạc-măng-rê chẳng có tí thực phẩm dự trữ gì, chỉ nõn bịch khô cá. Vậy mà lần nào có dịp gửi đồ lên trên huyện, bà toàn gửi cho Hân những thịt thà, rau củ tươi, rồi gạo, ngũ cốc… đủ cả.
Bữa cơm đơn giản được bà Thuỷ dọn lên cho Hân là khô cá chiên giòn, chút rau xào và canh cải nấu tôm khô. Cơm trắng được nấu vội còn nhão, nhưng Hân lùa từng đũa lại thấy ngon vô cùng. Cái hương vị lâu rồi chưa nếm lại khiến đầu lưỡi nó run rẩy vì nỗi nhớ, nhớ thời gian hạnh phúc còn mẹ còn ba; nhớ lúc hai mẹ con nương tựa vào nhau, ngồi cạnh nhau ăn từng chén cơm dưới bài vị của ba. Cảm xúc tràn nơi đầu đũa, Hân liếm môi giả vờ như có bụi bay vào mắt để dụi đi giọt lệ nhỡ trào. Đương trò chuyện câu được câu mất với mẹ thì nó thoáng thấy có bóng người lấp ló ngoài sân trước, trông quen thuộc biết mấy.
Dì Mân. Lại là dì Mân.
Bà Mân đứng ngay chính giữa sân trước, nhìn lom lom vào nhà. Vẻ ngoài vẫn bù xù lếch thếch như vậy, song ánh mắt đã bớt phần loạn trí. Bà Thuỷ thấy người quen liền xới cơm cho vào chén chuẩn bị từ trước, ngoắc tay ra hiệu cho bà Mân vào nhà.
“Kìa mẹ. Dì Mân dì ấy…” Hân toan cản mẹ mình, nó nói lấp lửng. Song bà Mân đã đi vào trong nhà.
Cũng như việc mẹ Hân xới cơm khi thấy người quen, bà Mân đón lấy chén cơm như đã quen thuộc lắm rồi dùng muỗng xúc đồ ăn, nhai ngồm ngoàm. Thấy cảnh tượng ấy Hân mới nhận ra có lẽ mẹ mình chính là người đã luôn chăm sóc cho dì Mân suốt mấy năm qua.
Nó hỏi: “Con nhớ trước khi lên thành phố dì Mân vẫn ổn định lắm, mấy năm nay bộ đã xảy ra chuyện gì mà lại khiến dì ấy trở nên như thế?”
Bà Thuỷ nhìn người chị em bạn dì trong dáng vẻ xốc xếch tàn tạ, đáy mắt ánh lên nỗi xót thương vô hạn. Bà thở dài lấy khăn ướt lau vội vệt bẩn trên gương mặt bà Mân rồi thuật lại: “Trước đó tình hình của dì Mân mày đã không ổn rồi, do con không để ý đấy thôi. Dì ấy thường xuyên phải sử dụng thuốc an thần mới ngủ được, vì liều lượng dùng quá nhiều nên gây ra đoản trí. Dần dà thuốc mẹ sắc cho cũng không còn tác dụng mấy nữa, dì Mân mày mỗi lúc mỗi loạn thần hơn. Đêm đêm lại ra bờ hồ ngủ cạnh miếu thờ kêu tên thằng Đức, lúc lại chạy níu người này người kia trong làng gào thét rằng họ bắt con dì ấy, giết con dì ấy. Cũng đã hơn hai năm rồi, mẹ luôn phải sắc thuốc nặng hơn để dì ấy được an ổn tâm thần. Nhưng từ khi cái miếu bị dời đi thì…”
“Cái miếu bị dời à…? Không lẽ… bà Hồng dời cái miếu hả mẹ? Hồi chiều chạy về tới chỗ nhà ông Hưng con có thấy tự dưng trước nhà bà Hồng lại có miếu, cứ kỳ kỳ thì thế nào đấy, không dè…” Hân sực nhớ ra, nhà bà Hồng sát bên nhà ông Hưng vì cả hai ông bà là anh em ruột thịt, khi trước được bố mẹ chia đất như thế. Song trước nay ông Hưng nổi tiếng không thờ thần Phật chỉ thờ ông bà tổ tiên, thế nên lúc chiều ngó qua thấy trước nhà bà Hồng có miếu thờ nó mới cảm thấy sai sai thế nào đó.
Kể từ khi thằng Đức gặp nạn ở hồ Vọng Nguyệt, chẳng mấy ai dám đến nơi ấy nữa. Bọn trẻ con bị cấm tiệt không được bén mảng tới gần hồ, người lớn thường kháo nhau cứ vào đêm rằm hay ngày trăng non là lại thấy lập loè lửa ma Trơi ở khu vực hồ Vọng Nguyệt. Cũng bởi vì thế nên họ mới lập miếu thờ, mong thằng Đức sống khôn thác thiêng đừng quấy quá nữa. Chuyện xảy ra cũng lâu nên Hân không nhớ nổi cái miếu ấy trông như thế nào, hoá ra đó lại là căn miếu nhỏ ngay trước nhà bà Hồng. Nhưng… sao bà ấy lại làm thế?
“Ừ, bà ấy nằng nặc đòi dời miếu về tự thờ cúng tầm hai năm trước. Cả xã đều khuyên không nên nhưng bà ấy chẳng chịu nghe ai. Hình như sau một trận ốm dậy, bà Hồng cứ lảm nhảm rằng bị mình thứ xú uế quấy quá, phải thờ miếu mới tai qua nạn khỏi. Thần trí bà ấy khi đó cũng không mấy ổn định, mẹ sắc cho vài thang thuốc mà vẫn chẳng thuyên giảm gì.” Bà Thuỷ nói.
“Kỳ lạ thật, nhà bà Hồng ông Hưng trước giờ đâu có tin mấy chuyện thờ cúng rồi quỷ ma quấy quá như kia. Thế là bà ấy để miếu thờ tới nay luôn hả mẹ, sao con thấy cái miếu ấy như bỏ hoang lâu lắm rồi.” Hân chép miệng, lầm rầm cảm thán.
“Bà Hồng ấy à…” Bà Thuỷ còn đang định nói tiếp chủ đề thì bỗng bên ngoài có người gọi lớn, giọng nghe hớt hải lắm.
Trừ dì Mân vẫn cắm cúi ăn khô cá chiên, hai mẹ con Hân ngó xem ai vừa đến nhà thì thấy là Hải, anh chạy xộc vào hớt hải nói lớn: “Bác Thuỷ ơi cứu bố cháu! Cứu bố cháu với! Ông ấy đang ăn đám bên nhà bỗng ngã vật ra, bác chạy sang xem cứu bố cháu với!”
Bà Thuỷ đứng bật dậy, lao đến tủ thuốc vừa lấy ra một số thảo dược vừa hỏi: “Ông ấy có triệu chứng gì? Nôn, chóng mặt, đau bụng hay còn gì khác không?”
“Choáng váng, đau đầu và nôn ói liên tục tới mức lịm đi. Không thấy kêu đau bụng gì cả!” Hải lập tức trả lời, đôi chân trần nhấp nhổm nhìn theo bàn tay thoăn thoắt bốc thuốc mang theo của bà Thuỷ.
Nghe câu trả lời từ Hải, bà Thuỷ lại nhón thêm một vài loại dược liệu nữa rồi đóng gói mang đi, tới cả dép cũng quên mang vào. Hân bối rối nhìn mẹ chạy khỏi nhà về hướng gia đình ông Hưng, không tin được nó chỉ mới về lại quê hương chưa đến nửa ngày mà lại xảy ra quá nhiều chuyện đến vậy. Khi bóng dáng tất tưởi của Hải và bà Thuỷ khuất dần, Hân bỗng nghe thấy giọng cười của dì Mân vang lên khùng khục. Nó quay lại, chỉ thấy dì Mân đang lững thững bước đến gần, cái đầu dì ta ngoặc sang một bên, mắt trợn tròng đảo quanh. Khoé miệng dì Mân nhếch lên tạo thành hình trăng khuyết méo mó để lộ hàm răng vàng khè đã lâu không được chăm sóc, đôi chân trần lảo đảo đi ra khỏi sân trước, vừa cười vừa rên rỉ như tiếng khóc não nề.
“Trời trả báo! Trời trả báo! Đời cha ăn mặn đời con khát nước. Rồi chúng mày sớm chết cả thôi! Khặc… Khặc… hừ… hừ…!”
Hân sợ điếng người. Nó vội vơ lấy đôi dép của mẹ rồi bỏ chạy luôn, nhìn dì Mân như thế kia Hân chẳng dám ở nhà một mình với dì ấy chút nào. Chạy được một quãng rồi nó mới nhớ còn chưa khoá cửa, song lại do dự khi phải quay lại đối mặt với dì Mân đang lên cơn điên dại. Thôi thì chẳng còn thời gian nữa, mà dầu sao trong nhà cũng chẳng có đồ đạc quý giá gì cho cam. Màn đêm nuốt chửng lấy họ, vào thời điểm này trong xã vẫn còn rất ít hộ dân đủ điều kiện kéo điện về, chủ yếu vẫn sử dụng đèn dầu hoặc đèn điện sạc pin là chính. Trăng treo trên đỉnh đầu soi sáng mặt đường đất vẫn lồi lõm bùn sình sau mưa, bà Thuỷ chạy vào trong nhà ông Hưng liền thấy lố nhố những người là người.
Ông Hưng đang nằm lịm trên hiên nhà, xung quanh vương vãi bãi nôn mửa bốc mùi chua loét. Mấy cái bàn vốn được bày ra để làm đám giờ xô lệch đi hết, còn có vài người khác cũng đang ôm bụng ói không ngừng. Hoàng đã chạy đi mượn xe ba gác và gọi thêm hỗ trợ để chở những ai đang trúng thực lên trạm xá ở xã bên cạnh. Khung cảnh hỗn loạn cực kỳ, Hân xác đôi dép cho mẹ len lỏi qua đám người lố nhố đến gần ông Hưng đã bất tỉnh. Bà Thuỷ lập tức sà đến dùng ngón cái ấn vào huyệt nhân trung, bắt mạch cổ tay cho ông Hưng để kiểm tra tình trạng. Bà chau mày, lầm bầm: ‘Trúng thực rồi, nặng lắm.” Sau đó vội vàng gọi người lấy nước nóng, đâm dập dược liệu và cho ông Hưng ngửi trước, uống sau.
Thuốc vừa đưa lên trước nhân trung, ông Hưng đã nhộn nhạo, lờ đờ mở mắt. Nước thuốc xanh đen trôi xuống cuống họng lập tức khiến ông ói ra mật xanh mật vàng, bà Thuỷ ngồi cạnh không nề hà chuyện vạt áo mình dính phải bãi nôn mửa của bệnh nhân, liên tục vỗ lưng và ép ông Hưng uống nước thuốc, vừa khuyên lơn: “Ói hết ra đi chú, ói hết ra thì mới đỡ được. Thằng Hoàng đi lấy xe chưa về nữa cơ à?”
Vừa lúc ấy, tiếng máy xe nổ đì đùng vang lên trước cổng. Ba chiếc xe thồ, xe chở hàng đỗ lại. Họ lập tức kéo những ai trúng thực lên thùng sau rồi đạp số để chở bệnh nhân lên trạm xá. Hoàng và Hải nhảy bổ đến xốc nách bố mình lên, cả hai dùng xe riêng của gia đình và ra hiệu cho bà Thuỷ cũng đi theo. Hân thấy thế liền chạy vội đến leo lên thùng xe bám sát mẹ mình, Hải cầm lái, đạp chân ga mấy lần rồi rồ xe đi để lại vợ chồng Hoàng lo liệu mấy vị khách xui xẻo trúng thực giống bố mình. Tiếng huyên náo nhỏ dần, rồi chỉ còn lại thanh âm máy xe nổ khói lịch xịch của chiếc xe ba gác chở mẹ con Hân và ông Hưng đang lịm đi chạy dọc con đường dẫn ra khỏi xã.
“Éccc! Éccc! Éccc! Éccc!”
Có tiếng chim lợn kêu vang ngay khi họ chạy ngang qua gốc me già ở lối vào xã, bà Thuỷ ngẩng đầu nhìn lên chạc cây, Hân cũng đưa mắt theo bà và thấy bóng con chim lợn to bằng cái gối nằm trên đấy. Nó dõi theo bóng xe ba gác chạy vụt qua, lại kêu thêm mấy tiếng liên hồi như cười nhạo, nửa lại như khóc than. Hân không dám nhìn nữa, nó ngồi bó gối ngó đăm đăm gương mặt tiều tuỵ mà vẫn còn vương nét khó gần của ông Hưng đang nằm xoãi trên thùng xe, bất chợt cảm giác rờn rợn. Chim lợn kêu nghĩa là đang báo tử, cái lời đồn thổi ấy Hân nghe nhiều lần từ nhỏ rồi. Nó vẫn còn nhớ lúc mang bố Tùng về liệm tại nhà cũng có con chim lợn đậu ngay trên nóc kêu vang như thế, xóm làng đến điếu tang cũng nhắc tới lời đồn và Hân nghe được. Lần này chim lợn cũng kêu, mà còn kêu liên hồi đến mức Hải chạy xa lắm rồi vẫn nghe thấy thanh âm não nề đó.
“Trời đất ơi!”
Hân bỗng nghe thấy Hải la lớn. Chiếc xe ba gác bỗng dừng lại đột ngột do anh ta kéo phanh thắng gấp, hai mẹ con Hân bổ nhào về phía trước, suýt nữa văng khỏi thùng xe. Hân lồm cồm bò dậy nhìn qua vai của Hải xem rốt cuộc chuyện gì xảy ra mà khiến anh ta hoảng hốt như vậy, khi thấy rõ vật đang cản đường bọn họ thì da gà da vịt nó nổi lên hết cả. Cảm giác sợ hãi bùng lên nhấn chìm lấy nó khiến con Hân run rẩy hoảng loạn vô cùng.