bởi Quynh Anh

44
8
1817 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1: Hôm nay là lễ cưới của bố.


Rất lâu trước đây, tôi đã từng được hỏi một câu rằng:

"Nếu bố và mẹ ly hôn, con sẽ ở với ai?"

Lúc đó tôi đã đáp:

"Không ai cả."

Nhưng sau này thực tế đã chứng minh cho tôi thấy rằng, tôi không có quyền lựa chọn, và người khác sẽ giúp tôi chọn một trong hai người.

Đến cuối cùng, tôi ở với mẹ.

Những đêm sau khi bố mẹ ly hôn, tôi đã khóc thật nhiều, tôi cảm thấy tủi thân, tôi hờn trách những người lớn tại sao lại như vậy, tôi trách bố đã bỏ rơi mẹ con tôi, tôi trách bố không thương tôi.

Tôi cảm thấy cô đơn và tù túng trong chính ngôi nhà của mình.

Tôi vẫn nhớ như in ngày trước khi bố và mẹ ra tòa, tôi đã cãi nhau một trận thật to với hai người họ rằng:

"Con thừa nhận, con thừa nhận con làm tất cả mọi việc chỉ vì muốn níu kéo bố mẹ. Con tự hỏi bản thân mình rằng tại sao không phải là hai người níu kéo nhau mà lại là con níu kéo hai người? Tại sao hai người đã đến với nhau rồi lại chia tay, để rồi người chịu đau khổ nhất là con kia chứ!" Tôi gào lên, rồi khóc nghẹn, tôi ước gì bao cố gắng của bản thân có thể được đáp lại, nhưng không.

"Con nít như con thì hiểu cái gì, sau này lớn con sẽ hiểu cho bố mẹ mà thôi." Gương mặt mẹ buồn buồn, giọng nói mệt mỏi, bà nói với tôi mà như chẳng muốn cất lời. Nhưng tôi đâu có chấp nhận điều đó. 

"Sau này? Sau này là bao giờ hay là mãi mãi? Con không cần sau này, bây giờ con cũng đã đủ hiểu được mọi chuyện rồi, con có nhận thức rồi, tại sao mẹ cứ coi con như một đứa trẻ con như thế!"

Mẹ tôi quay lại, giáng cho tôi một cái tát, lúc ấy nước mắt tôi như biến thành màu đen, mọi thứ xung quanh cũng đều biến thành màu đen, tăm tối và mịt mờ. Tôi cảm giác một bên mặt mình tê dại. Và rồi mẹ tôi hét lên:

"Hỗn láo! Để rồi sau này con có chồng rồi có ra sao không! Lấy bố con chính là điều hối hận nhất trong cuộc đời của mẹ." Mẹ tôi dằn vặt chỉ tay vào tôi rồi lại vào bố tôi, lúc này ông tiến đến, đẩy mẹ tôi ra.

"Cô đừng có nói như vậy trước mặt con."

Rồi quay lại nhẹ giọng với tôi:

"Lan Đường à, bố và mẹ..."

"Con cũng không cần được sinh ra. Con ghét hai người!" Tôi đẩy mạnh bố mẹ ra rồi xô cửa chạy ra ngoài. Đón tôi sau cái gia đình tăm tối ấy là một cái lạnh thấu sương của mùa đông miền Bắc và cũng là một màn đêm đen mịt mờ. Tôi ôm mặt chạy ra khỏi nhà, tôi như một con thú hoang mang theo những vết thương chí mạng mà lảo đảo chạy trốn, nhưng dù cho đã chạy thoát khỏi bàn tay gã thợ săn thì những vết thương ấy cũng đang khiến tôi đau đớn kiệt quệ và đang ăn dần ăn mòn sự sống của tôi. Nước mắt tôi chảy nhiều đến độ tôi không thể biết được bao nhiêu hạt đã rơi ra, bao nhiêu hạt đã khiến tôi nếm được sự mặn chát, bao nhiêu hạt đã khô đi trên gương mặt của tôi. Những người đi đường nhìn tôi với ánh mắt tò mò và thương hại. Tôi điên cuồng chạy, và rồi ngã gục lúc nào không hay.

Tôi đã suy nghĩ rằng hay lúc này tôi nên đi chết cho rồi, nếu ngay giờ đây tôi chết, liệu tôi có điều gì để hối tiếc hay không? Có lẽ là không. Không biết cảm giác lúc chết đi sẽ như thế nào. Đau đớn sẽ dịu đi trong bao lâu? Và nếu tôi chết đi, liệu bố mẹ có hối hận khi họ đã ly hôn...

Nhưng rồi đến cuối cùng, tôi vẫn không đủ can đảm tìm đến cái chết.

Thì ra sự khác biệt giữa người cùng lâm vào đau khổ đi tìm cái chết và sống tiếp chỉ là sự can đảm mà thôi.

Sau đó, bố dọn ra khỏi nhà, để lại căn nhà cho mẹ con tôi, thi thoảng bố vẫn đến trường tìm tôi, nhưng tôi không gặp, thế là dần dà ông cũng không đến nữa.

Sau này, khoảng cách giữa tôi và mẹ ngày càng xa, nên tôi đã lựa chọn về quê ở với bà ngoại.

Năm tôi lớp tám, mẹ tôi lấy chồng hai.

Không lâu sau thì bà có con, một gia đình đầy đủ trọn đầy.

Năm tôi lên cấp 3, tôi về ở với mẹ để theo học một trường cấp ba trên thành phố.

Trước khi đi, tôi đã để lại một câu hết sức trịnh trọng trên trang nhật ký của mình:

"Xin chào, tôi là Lê Lan Đường, một đứa trẻ có bố mẹ ly hôn."

 

...

 

"Hôm nay là lễ cưới của bố con đấy, con có muốn đi không?"

"Con không đi." Tôi ảm đạm đáp rồi ngoảnh đầu nhìn ra ngoài cửa xe, cảnh vật làng quê đang dần trôi về phía sau, cũng như bỏ lại bao nhiêu kỷ niệm và cảm xúc. Tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu với mẹ, tại sao bà biết đáp án rồi mà vẫn còn hỏi, như thể bà đang cố tình muốn thể hiện điều gì đó với tôi vậy.

"Bố con lấy một người phụ nữ cũng đã từng qua một đời chồng, bà ta có một đứa con riêng. Nghe nói đám cưới họ tổ chức to lắm. Con qua một chút..." Mẹ tôi tiếp lời, nhưng trong khi bà đang thao thao bất tuyệt thì tôi đã không chịu được nữa mà ngắt lời bà:

"Mẹ có thể tập trung để lái xe được không?"

Lời nói của mẹ bị cắt đứt đột ngột, khoé miệng hơi cứng lại, bà cũng đã nhận ra nhận ra thái độ của tôi và có lẽ ra bà đã phải biết điều này ngay từ khi cất lời rồi, mẹ tôi điềm đạm nói:

"Không phải đó là chuyện vui của bố con sao, con không mừng cho bố à."

"Không phải mẹ cũng như vậy rồi à." 

Nghe tôi nói vậy, mẹ không nói được thêm một câu gì nữa, nhưng nhìn vẻ mặt thì hẳn đã bắt đầu phật ý vì lời nói của tôi.

Thực tình tôi cũng không muốn sau bao nhiêu năm gặp lại mà không khí giữa mẹ con tôi đã căng thẳng đến thế. Dù trong những năm qua tôi cũng không hề thân thiết với mẹ, tôi luôn cố gắng tránh né bà, tần suất gặp mặt giữa hai mẹ con đã ít nay lại càng ít hơn. Nhưng bây giờ dù sao tôi cũng đã  về sống với mẹ, sau này gặp mặt cũng nhiều, hơn nữa bây giờ tôi cũng đã trưởng thành, tôi thiết nghĩ rằng mình cũng nên thân thiết với mẹ nhiều hơn, dù sao thì thời gian tôi với bà bên nhau cũng không nhiều nữa và tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian cho những điều vô nghĩa.

Nhưng mà, mới những giây phút đầu mà đã như thế này rồi.

Tôi tự nhắc mình, từ bây giờ nhất định phải tích cực gần gũi với mẹ hơn.

...

Mất hơn hai tiếng ngồi xe ô tô để từ quê ngoại tôi đến nhà mẹ. Đó không còn là căn nhà mà gia đình tôi trước kia chung sống nữa, mẹ đã bán nó ngay khi tái hôn và chuyển đến sống cùng chồng ở một căn nhà khác. Nhà trước kia của chúng tôi là chung cư, mà nhà mới của mẹ thì lại là một căn nhà đất hai tầng, trước kia tôi đã từng nghe mọi người trong nhà nói qua rằng dượng là một người giàu có, nhưng nay tận mắt chứng kiến căn nhà mới cảm thấy những người họ hàng trước kia đúng là không hề nói điêu chút nào. Một căn nhà hai tầng khang trang, còn có sân vườn rộng rãi, có đất ở thành phố trong khi bất động sản đang leo thang như thế này, hẳn cũng là một người chẳng mấy tầm thường.

Những năm trước kia, dượng và mẹ cũng hay mua đồ gửi về quê cho bà cháu tôi, nhưng tôi trước nay chưa từng động đến nên cũng không để ý, nay thấy như vậy, tôi cũng lấy làm mừng cho mẹ.

Một người phụ nữ lấy chồng, cái sướng đầu tiên đó chính là không có gánh nặng về mặt tài chính.

Bố mẹ tôi trước kia thường xuyên cãi nhau cũng chính vì tiền.

Xe dừng lại trong sân, tôi thầm dẹp hết những suy nghĩ hỗn độn trong đầu. Động cơ xe vừa tắt, từ trong nhà đã có một đứa bé trai tầm bốn năm tuổi hồ hởi chạy ra, vui mừng reo lên:

"Mẹ về, mẹ về."

Mẹ tôi mở cửa xe bước ra trước, thằng bé nhanh chóng chạy đến ôm chầm lấy mẹ, xun xoe hỏi:

"Chị đâu hả mẹ, mẹ bảo đi đón chị cơ mà?"

Tôi nhìn thằng bé, đoán thầm rằng đây chắc hẳn là con của mẹ với dượng, nhìn thằng bé trắng bóc, "bảnh bao", tự dưng tôi lại thấy có chút lạ, có lẽ vì mắt tôi xưa nay đã nhìn quen những đứa trẻ dưới quê, đen như mía lùi, chân đi chân đất, trên người mặc chiếc áo đã truyền từ "nhiều đời" đến cũ sờn. 

Lúc này, tôi cũng mở cửa bước ra. Đồng thời, tôi cũng nhìn thấy một người đàn ông chậm rãi bước từ trong nhà ra ngoài, người đàn ông đó độ khoảng bốn mươi, gương mặt không hiền hoà cũng chẳng khó chịu, trên người mặc một bộ đồ ngủ. Tôi đoán thầm đây chính là chồng của mẹ nên cúi người chào:

"Con chào dượng."

Người đàn ông đó gật đầu.

"Lan Đường đi xe có mệt không?"

"Không ạ."

Đúng lúc này, thằng bé bên kia cũng đã chạy sang phía tôi, nó giương đôi mắt tròn xoe nhìn tôi rồi tíu tít:

"Chị, chị."

Tôi cười cười, xoa đầu nó.

Tóc thằng bé mềm như nhung, thật lạ quá, có lẽ do bàn tay thô ráp của tôi đã quen với nông thôn, quen với những mái tóc rễ tre nên giờ đây sờ đâu, nhìn đâu cũng thấy lạ.