bởi Vi Phong

415
51
2919 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1: Có một đứa trẻ ở đất Văn Lang


Giữa mùa đông, tuyết rơi dày đến nỗi không nhìn thấy đường đi. Gió rít gào bạt qua rừng hoang trơ trụi. Một bóng người khoác áo choàng trắng lẫn trong mưa tuyết, gương mặt nghiêm nghị phủ đầy sương giá, môi mỏng tái nhợt, đôi mắt màu xám tro đăm đăm nhìn về phía trước. Không thấy hắn thở, cũng không thấy hắn chớp mắt lấy một cái. Dường như chỉ cần lơ là một khắc thôi, tia hi vọng ở phía trước sẽ tan thành mây khói.

Đón hắn nơi cửa hang động là một ông lão trùm áo đen. Hai người không nói với nhau một lời mà đi rất nhanh vào trong hang. Ông lão đi trước dẫn đường, hắn khom người theo sau, có chút khó khăn vì chiều cao quá khổ. Họ luồn lách qua nhiều khe đá nhỏ hẹp và xuống tới lòng đất. Nhờ kín gió và những cây đuốc cháy bập bùng mà nơi này ấm hơn rất nhiều. Người đàn ông cởi bỏ áo choàng trắng. Mái tóc đen dài ngang thắt lưng ươn ướt nước, băng tuyết bám trên mặt dần tan ra rồi chảy xuống cổ, luồn vào áo. Hắn tiến đến gần viên đá thô màu đen, nhỏ tầm ba ngón tay đặt trang trọng trên bục. Giọng hắn trầm, đều đều, không biểu lộ cảm xúc:

"Thiên lão, ngài bảo đá sinh mệnh phát sáng trở lại?"

Người được gọi là Thiên lão cũng đã trút bỏ áo choàng, để lộ mái tóc muối tiêu lòa xòa ngang vai, khuôn mặt chữ điền hiền hòa, râu quai nón điểm bạc. Ông không trả lời ngay mà có vẻ dè chừng, tách trà gừng trong tay hết đưa lên lại hạ xuống. Đây là vùng đọa tiên, pháp thuật vô hiệu, nhưng lão không biết mấy quy luật này có ảnh hưởng đến hắn không. Nhỡ đâu thứ kết giới kia vẫn còn quanh đây thì bàn tay của lão cũng đi đời.

"Yên tâm, không có kết giới." Hắn nói.

Thiên lão thở phào đưa tách trà cho hắn, từ từ trả lời: “Đúng là sinh thạch đã phát sáng trở lại, nhưng chỉ một giây sau lại vụt tắt."

Phong Thần vươn tay chạm vào viên đá lạnh lẽo, ưu tư đọng lại nơi đáy mắt: "Tức là vẫn còn hy vọng?"

"Đá sinh mệnh chỉ tắt khi chủ nhân không còn cơ hội luân hồi. Nay đột ngột phát sáng, rồi đột ngột tắt, chứng tỏ sinh mệnh của con bé đang bị một thứ gì đó mạnh hơn cả thần mệnh khống chế. Năm xưa Lâm Phiên đốt sổ sinh tử là vì muốn che giấu những chuyện phát sinh trong thời gian lịch kiếp, rốt cuộc chuyện đó là gì, thứ đang giữ con bé là gì? Liệu có phải…”

Giọng Thiên lão mỗi lúc một nhỏ, cuối cùng bỏ lửng cùng một ánh mắt đau đáu nhìn kẻ trước mặt.

Phong Thần thu lại tay: "Thứ mạnh hơn cả thần mệnh, chẳng phải cũng đang ở trong người ta hay sao?"

Thiên lão quỳ xuống: "Thần tôn, ta biết những điều này không thể tùy tiện nói ra."

Phong Thần nâng Thiên lão dậy.

Ngoài trời bóng tối dần bao phủ, gió một lúc một lớn, tuyết càng lúc càng dày.

Hắn kết luận: "Cổ Phụng tái sinh rồi."

Thời Hùng Vương thứ mười bốn - Hùng Anh Vương, nước Văn Lang, bộ Việt Thường (thuộc địa bàn Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay).

Đứa nhỏ lẩm bẩm trong miệng một câu hỏi có vẻ quá trừu tượng so với số tuổi của nó. Đôi chân trần bươn trên gò đất len lỏi dọc cánh đồng, mái tóc tơ xõa ngang vai tua tủa mướt mồ hôi. Nó chăm chăm nhìn xuống đất vì sợ nếu vấp ngã thì câu hỏi “có vẻ hay ho” kia sẽ văng đi mất.

Dăm ba sợi khói bếp vương vít sau lũy tre làng. Nó biết rõ sợi khói thứ tư kia, gầy gò, luồn lách bên triền núi, chính là sợi khói dệt từ đôi bàn tay cũng gầy gầy của cha. Mặt trời chưa lặn thì cha đã nổi lửa nấu cơm cho nó ăn, vì nó ăn khỏe và mau đói bụng lắm. Nhiều lúc nó nghĩ liệu mình có họ hàng gì với Thánh Gióng chăng? Xuất thân của nó cũng lạ, ăn cũng khỏe, người cũng mau lớn nữa. Lần trước nó hỏi cha thì ông chỉ cười xòa, bảo rằng sau này có về trời nhớ kéo ông theo với. Ông không cần cưỡi ngựa sắt, chỉ cần túm cái đuôi ngựa đi ké thôi.

Nó không đồng ý, chắc mẩm trong bụng sẽ đem ngựa xuống cho ông cưỡi đàng hoàng. Lúc đó dân làng sẽ biết rốt cuộc nó là ai, và cha không phải kẻ nuôi ma quỷ.

Con bé chạy một vòng sau bếp, cơm canh phủ lại bằng tấm vải gai để khỏi bụi tro bay vào. Trên bếp là một cái ấm bằng đất, than hồng hãy còn tí tách. Không thấy cha đâu, nó leo lên cái thang bằng gỗ nối với nhà sàn nho nhỏ. Mấy củ nâu cha đào trong rừng về nhuộm vải vẫn ở nguyên trong gùi. Mớ lanh phơi sắp khô được mang lên nhà sàn cất cho khỏi sương đêm. Đằng sau vách tre đơn giản ngăn một góc nhà sàn, cha của nó nằm gác tay lên trán trên chiếc phản ọp ẹp. Đó là một người đàn ông gầy, tuổi ngoại tứ tuần, hai gò má lõm sâu, đôi mắt to và nụ cười hiền dịu như ông bụt trong câu chuyện cổ tích.

Ông bỏ cánh tay đang gác trên trán xuống, dịu dàng đáp: “Cha chưa.”

Con bé xoa xoa bàn tay gầy gò lạnh lẽo của cha. Tuy rằng trông bàn tay này và hai từ sức mạnh thật tương phản, nhưng nó vẫn mong rằng thứ sức mạnh kia thực sự tồn tại.

Ông nheo nheo mắt: “Sức mạnh không chỉ thể hiện trên cơ bắp, nó còn thể hiện trong tấm lòng.”

Mắt con bé long lanh: “Vậy cha là người mạnh nhất làng rồi!”

Sau đó giọng nó chùng xuống, tia sáng trong mắt cũng rút đi mất dạng: “Không giống như họ.”

Ông xoa đầu con gái nhỏ: “Tuyết Tử, nhân chi sơ, tính bản thiện. Dù họ đối với chúng ta như thế nào đi nữa thì sâu trong lòng vẫn là bản tính lương thiện, chỉ vì sợ hãi gì đó mà không thể hiện ra ngoài. Con đừng oán trách số phận, cũng đừng bao giờ oán trách người khác. Chỉ cần con luôn sống thiện lương, nhất định sẽ có ngày khiến họ thay đổi suy nghĩ. Dân tộc Văn Lang chúng ta cùng mẹ cùng cha, xóm giềng là mái nhà, trước giờ vẫn luôn như vậy, và sau này vẫn vậy…”

Tuyết Tử rũ mắt, mím môi suy nghĩ gì đó.

Cha nó lim dim rồi lặng hẳn, tiếng thở phì phò đều đều.

Gương mặt ông in trong đáy mắt màu nâu nhạt bất động của con bé. Một hồi sau, nó đi vắt cái khăn ướt áp vào trán cha rồi lặng lẽ xuống bếp. Tiếng tí tách từ củi lửa như có phép thôi miên. Mãi đến khi bụng réo ồn ột thì nó mới sực tỉnh. Tuyết Tử bốc nhúm rau đay luộc chấm muối, ăn vào nhao nhão nhưng mà ngon. Rồi con bé mở cái ấm đất trên bếp, phát hiện có trứng gà, tâm trạng nó tốt lên, trút một nửa số trứng vào rổ tre rồi chạy ra con đường mòn sau nhà.

Tuyết Tử vừa chui qua đám cây bụi thì nhìn thấy một đứa nhóc khác chạy ngược trở lại. Con bé kia tầm mười tuổi, da đen nhẻm, hàm răng cũng đen nốt vì nhuộm từ nhỏ. Tóc nó thả tung, dài ngang lưng, trên tay là xâu chuột đồng nướng vẫn còn xiên qua khúc tre, trong lòng ôm thêm một cái ấm đất bọc trong vải, trông có vẻ kềnh càng so với vóc người nhỏ con của nó.

Tuyết Tử phát hiện ra điểm kì lạ, hét lớn: “Nguyên, dưới chân! Có con rắn!”

Con rắn màu đất nằm khuất sau lùm cỏ mà con bé Nguyên không thấy. Hai đứa hợp lực bắt con rắn rồi treo ngược lên một cái cây bên cạnh bờ ao rồi ngồi gặm thịt chuột đồng giòn rùm rụm gần đó.

Bé Nguyên mút mút ngón tay: “Ước gì chúng ta vào được giấc mơ của chú để gặp thần tiên chị nhỉ? Sao em ngủ hoài mà hổng thấy gì hết trơn.”

Tuyết Tử im lặng một chút rồi nói: “Chị nghi không phải cha đi gặp thần tiên đâu.”

Con bé Nguyên trợn mắt, ghé sát lại như kiểu đây là tin tức tuyệt mật.

Tuyết Tử chỉ cái ấm đất bọc trong khăn của con bé: “Em mang cái gì qua đó?”

Tuyết Tử nhỏ giọng: “Mấy món đó phải đổi biết bao nhiêu gạo mới được. Toàn đồ quý tẩm bổ thôi. Em còn chưa có ăn, sao dì Vân lại cho nhà chị? Còn cho nhiều như vậy, chắc chắn để chị ăn không hết rồi cha ăn. Gián tiếp cho cha đó.”

Bé Nguyên nhăn nhó: “Chị nói cái gì mà rối nùi vậy?”

..

Trong làng người già nhất là ông Ba Râu, có điều đầu óc ông không được bình thường cho lắm. Ông Ba Râu không có tóc, râu mọc rất dài, phất phất phơ phơ. Người ốm tong, mắt híp, chỉ còn sót lại ba cái răng nhuộm đen trong khuôn miệng móm mém. Ông lão hay cởi trần nằm ngoài đất, thân hình không một chút cơ bắp khiến những hình xăm bằng mực chàm như thể khắc vào từng chiếc xương sườn nhấp nhô. Thoạt nhiên trông rất quái dị. Thế nhưng trẻ con không sợ ông bởi vì những chuyện ly kỳ ông vẫn kể. Nhất là những đêm trăng sáng, ông lão sẽ kể về rồng.

Người kì lạ tiếp theo chính là con bé Nguyên, mười tuổi. Ngoài nước da đen bóng hiếm gặp thì nó còn thích làm chuyện linh tinh, ví dụ như tắm cho bọn cóc, cắt móng chân cho các loài chim. Nghe bảo dạo trước còn mở dịch vụ nhổ tóc bạc cho người cao tuổi. Ông Ba Râu là khách hàng đầu tiên của nó, sau ngày ấy không một ai dám đặt hàng nữa.

Tiếp theo là Tuyết Tử. Mùa đông mười hai năm về trước cha ôm nó về sau một chuyến đi về từ bộ Vũ Định (*). Cha chưa bao giờ giấu nó điều gì, kể cả về xuất thân của nó. Ông kể tường tận đầu đuôi vì sợ nó nghe mấy lời đàm tiếu mà hiểu nhầm. Ngày ấy nó là một đứa trẻ sơ sinh trần trụi nằm trên chiếc lá to trôi dọc sông băng, giữa trận bão tuyết đì đùng suốt mấy ngày liền. Vì quá lạnh mà da nó chuyển tím xanh như màu chàm pha loãng.

(*) Bộ Vũ Định thuộc địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng ngày nay.

Thời điểm đó bọn hồ tinh, ngư tinh tác oai tác quái ở nhiều vùng miền nên dân làng rất kị người lạ. Lúc trở về ông phải đóng chòi tạm trú bên ngoài. Năm nó lên tám tuổi thì bồ chính mới cho phép hai cha con trở lại làng. Nhờ vậy mà bớt đi nguy cơ bị thú dữ tấn công, nhưng vẫn còn đó nỗi lo sợ trong mắt bà con xóm giềng, đặc biệt là khi họ thấy Tư Bình khỏe mạnh ngày xưa giờ ốm yếu như mất hết sinh khí. Ngoài cha, hai mẹ con bé Nguyên, ông Ba Râu và bồ chính thì chẳng có ai nói chuyện với Tuyết Tử. Người tốt cũng nhiều, nhưng người tốt không biết sợ thì hiếm lắm.

Hôm nay là một đêm trăng sáng, ông Ba Râu ngồi bên bếp lửa và cầm trong tay một cuộn da cũ kĩ.

"Những gì các con sắp nghe không phải một câu chuyện hoang đường."

Hai đứa nhỏ chong mắt nhìn ông.

"Truyền thuyết kể lại, thần Trụ Trời chính là người dựng nên thế giới. Ngày đó chưa có trời đất, thần đã dùng tay nâng bầu trời lên, đào đất đá bồi thành một trụ cao chống trời, gọi là trụ Kình Thiên. Thần đào mãi, nâng mãi, đến khi trời đủ cao, thì thần phá cái trụ đá đi. Tương truyền tàn tích của trụ Kình Thiên còn ở núi Thạch Môn (*). Đá văng ra khắp nhân gian tạo thành đồi núi. Nơi thần đào trở thành biển cả rộng lớn.”

(*) Thuộc tỉnh Sơn Tây ngày nay.

Bé Nguyên gãi gãi sau mông, chắc là mới bị muỗi đốt: “Ông ơi, cái này bồ chính kể tụi con nghe rồi, còn chuyện nào khác không ông?”

Ông Ba Râu vuốt chòm râu dưới cằm, đôi mắt đang lim dim mở ra, gương mặt già nua bỗng có vẻ tinh ranh hiếm hoi, ánh lửa bập bùng nhảy nhót trong đôi mắt đó. Ông cười khàn khàn.

Hai đứa nhỏ ngồi sát hơn vì giọng ông nhỏ lại.

Từng câu chữ như tàn tro bay lên, dìu dịu, mở ra một thế giới kì ảo diệu kì.

Đứng đầu sáu cõi là Ngọc Hoàng Thượng Đế, phò tá ngài còn có ba vị Vua Cha và bốn vị Thánh Mẫu. Dưới trướng họ là cả ngàn vạn thần tiên, thiên binh thiên tướng.

Trời đất vốn hòa hợp, luân hồi lưu chuyển trôi chảy, tuy cõi Atula vẫn chiến tranh liên miên nhưng kể không có gì đáng ngại. Cho đến một hôm, Ngọc Hoàng Thượng Đế quy tụ chúng tiên về Thiên Phù và tuyên bố ngài ấy sẽ ẩn mình một thời gian và giao trọng trách cai quản chư thần cho…”

Hai đứa nhỏ mở to cặp mắt long lanh, miệng há ra từ bao giờ, dường như muốn nuốt trọn từng câu từng chữ ông nói.

Tuyết Tử nhanh nhảu: “Có phải cho Thánh Gióng không ông?”

Ông Ba Râu cười húc hắc: “Không không, Phù Đổng Thiên Vương kể ra vẫn còn nhỏ tuổi lắm!”

Năm ấy, Thiên Phù - Nơi Ngọc Hoàng ngự trị.

Dưới ngai Ngọc Hoàng là ức triệu thần tiên, mây trời quyện lẫn, ánh ngũ sắc lấp lóa, gió thổi gấu áo bào đỏ bay bay. Ngài ấy chỉ tay về hướng vị thần mang tước hiệu Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên, tôn xưng Đức Thánh Cả, con trai lớn của Vua Cha Bát Hải Động Đình.

Đức Thánh Cả mang áo bào đỏ thẫm đặc trưng của các vị thần thượng thiên. Vóc dáng ngài ấy cao lớn, phong thái đĩnh đạc, khí phách xuất chúng, bước đến gần ngai Ngọc Hoàng và cúi đầu lĩnh thánh chỉ.

Ngọc Hoàng nói: “Ta giao cho con nhiệm vụ phò tá Kỷ Nhâm lên ngôi Thiên Tử.”

Bên dưới nghe như sấm đánh bên tai, ngơ ngác nhìn nhau, rồi cùng hướng về phía Đức Thánh Cả đứng ban nãy. Bởi vì ở đâu có Đức Thánh Cả là có Kỷ Nhâm. Đó là một thiếu niên xuất thân không phải rồng, mà là cá chép thành công vượt ba ngọn sóng và hóa rồng thăng thiên. Sau một thời gian lo việc mưa gió ở nhân gian thì được Đức Thánh Cả thu nhận và cùng ngài ấy lập nên một giáo phái tu luyện gọi là Lệnh Vũ, hoạt động ở vùng đất của rồng, cụ thể là ngọn núi Đông Long. Nhiệm vụ của họ là đào tạo ra những vị thần có năng lực chiến đấu xuất chúng để có thể bảo vệ yên bình trong sáu cõi.

Kỷ Nhâm có ý chí, có thực lực, nhưng quy cho cùng vẫn chỉ là một thiếu niên phẩm trật thua kém hàng trăm vị thượng thần. Làm sao gánh vác nổi trọng trách?

Ngọc Hoàng ôn tồn đáp bằng một nụ cười hiền từ: “Kỷ Nhâm không chỉ có tài, mà còn có căn. Nếu được các vị tận tình ủng hộ thì sẽ đảm đương tốt mọi chuyện cho đến khi ta quay lại. Các vị có tin tưởng mắt nhìn người của ta không?”

Tiếng bàn tán dần dần lắng lại. Bắt đầu từ các vị Thánh Mẫu, Vua Cha, Đức Thánh Cả đều lần lượt đồng ý, chúng tiên theo đó cũng cúi đầu thần phục.

Thế là Kỷ Nhâm lên ngôi.”

Hai đứa nhỏ đồng loạt thở dài như bà cụ non.

Tuyết Tử hỏi: “Vì sao Ngọc Hoàng phải đi ẩn mình vậy ạ?”

Ông Ba Râu xoa xoa đầu con bé: “Ngài ấy phải tìm cách tiêu diệt một thứ.”

Tuyết Tử nhanh nhảu: “Là cái ác không được phép tồn tại?”

"Đúng vậy, ngài ấy phát hiện nó đã dần thành hình."

"Là gì vậy ông?"

"Trong các tộc tiên có một dòng giống gọi là Phượng Hoàng. Họ là chủ nhân của những ngọn lửa vĩnh cửu vô địch trong trời đất, không những vậy còn có khả năng tái sinh từ tro tàn. Có thể nói, Phượng Hoàng bất tử.”

"Oa!" Hai đứa nhỏ mắt sáng như sao.

...

Chú thích:

Trong Lĩnh Nam chích quái có ghi chép về Thần Trụ Trời, dân gian sau này gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế.