Chương 1: Lấy lại nhà
Chiều thu se lạnh khiến con người ta dễ dàng rơi vào cảm xúc miên man. Trúc Linh đạp “xế yêu” qua con đường rợp đầy lá vàng khô. Bánh xe ghiền qua lá đến đâu đều vang lên tiếng rôm rốp đã tai. Một tay điều khiển bánh lái, tay kia cầm bánh mỳ đưa lên miệng. Trúc Linh vừa cắm mẩu bánh vừa đạp băng băng qua đường. Lúc gần đến nơi, Trúc Linh vừa vặn cắn nốt miếng cuối cùng. Cô dắt xe dựng bên vỉa hè, khóa xe cẩn thận rồi mới lấy điện thoại ra ấn một dãy số.
Không đợi lâu lắm, đầu dây bên kia nhấc máy. Nhận được tín hiệu, Trúc Linh ngẩng đầu nhìn phía trước, vừa nói: “Tớ đến nơi rồi, cậu đang ở đâu?”
“Ở đây ở đây! Nhìn lên trên này nè Như!” Nghe giọng nói ríu rít qua loa nghe, Trúc Linh giữ nguyên tư thế áp tai nghe điện thoại, nhìn theo hướng đối phương chỉ.
Đối diện chỗ Trúc Linh đang đứng là quán cà phê rộng rãi hai tầng. Bề ngoài quán sơn tường màu nâu, có treo dây đèn lấp lánh tỏa ánh sáng dịu nhẹ. Khách dưới tầng một đã chật kín, phục vụ rảo bước đi qua lại ghi chép menu. Nhìn lên trên, tầng hai được thiết kế kiểu sân thượng thoáng đãng. Có một cô gái đang nhoài người ra khỏi lan can, ra sức vẫy vẫy với cô trông đến là ngộ. Trúc Linh cạn lời, bước lên tầng hai.
Vừa tìm đến nơi, Trúc Linh chủ động kéo ghế ngồi xuống đối diện.
“Cậu đến lâu quá đó, làm tớ tưởng cậu cho tớ leo cây!” Cô gái vừa vẫy tay khi nãy bây giờ đang bĩu môi bĩu mỏ lườm Trúc Linh. Giọng điệu hờn dỗi.
Trúc Linh ho nhẹ một tiếng che giấu nét xấu hổ: “Xin lỗi Huệ nha, khó nhớ đường quá. Tớ xuýt thì bị lạc đường. Được rồi, cậu uống gì không tớ mời? Coi như bồi thường.”
“Lại không dùng mạng tra map à?” Cô gái nào đó tiếp tục lườm, nhưng thôi không nhắc đến nữa, xua tay: “Thôi khỏi, tớ vừa gọi đồ uống xong. Cậu chọn đi.”
Nghe Mỹ Huệ từ chối, Trúc Linh đành nhún vai gọi phục vụ cho một cốc nước chanh. Cô không thích mấy món đồ uống đắt tiền, cơ mà chỉ riêng cốc nước chanh ở quán đã đắt hơn tự pha chanh uống rất nhiều rồi.
Mỹ Huệ là bạn thân của cô. Đã mấy năm cô không trở về nước, bây giờ gặp lại bạn cũ cảm thấy thật mới mẻ. Cho dù hai người luôn thường xuyên liên lạc qua phương thức online.
Trong lúc chờ đợi phục vụ, Trúc Linh lấy tấm bản đồ ra cho Mỹ Huệ xem: “Chốc nữa cậu dẫn tớ tới chỗ này nhé.”
Mỹ Huệ ghé mắt nhìn vùng được khoanh đỏ trên bản đồ, vừa nhìn vừa tỏ thái độ khó tin. Giọng nói cất lên không biết là khen hay chê: “Bà cô của tui ơi, thời buổi nào rồi còn dùng bản đồ giấy? Đã thế người ta còn chưa ngồi ấm mông, chưa được ai đó hỏi han sức khỏe, bà cô đã bắt tui đèo bà là thế nào hả?”
Trúc Linh bình sinh ngu ngơ với mấy thứ đồ công nghệ. Mỹ Huệ thì ngược lại, luôn bắt kịp xu thế. Ấy thế mà chẳng ai ngờ, hai người này lại có thể trở thành bạn thân lâu như vậy? Chắc phải gọi đây là hai cục nam châm hút nhau nhỉ?
Không ngoài dự đoán, Trúc Linh lấy “cục gạch” của mình ra bày tỏ nó không có mạng 3G, ngây thơ vô tội nói: “Còn chưa bắt cậu đi ngay mà, với cả hình như cậu ngồi ấm mông được một lúc rồi.”
“Là do ai hả?” Mỹ Huệ trừng mắt.
“Do tớ do tớ.” Trúc Linh thức thời nhận sai.
Hai người tán dóc một lúc. Mãi đến khi uống hơn nửa ly nước, Mỹ Huệ mới đứng dậy đèo Trúc Linh đi. Còn xe đạp của Trúc Linh thì nhờ bảo vệ quán trông hộ, đương nhiên là thu thêm phụ phí gửi xe.
Mỹ Huệ lên xe chở Trúc Linh qua hai con phố, đến ngã tư rẽ phải. Sau đó đi thêm hai trăm mét nữa thì Trúc Linh ngồi đằng sau cất tiếng: “Tới nơi rồi.”
Một xe hai người lập tức tấp vào lề đường.
Căn nhà cũ kỹ không mấy nổi bật đập vào mắt họ. Hai bên đều là cửa hàng trang trí rực rỡ lấp lánh, khiến cho căn nhà thoạt nhìn bị lọt thỏm nay càng thêm đìu hiu. Điều duy nhất giúp nó không bị “tàng hình” là có mấy người trung niên đang ngồi tụ tập uống chè hút thuốc trước cửa vào. Cửa sổ treo đầy dây bim bim và gói cà phê, dưới bệ cửa đặt ngăn nắp các loại nước ngọt hoặc là chè xanh nhân trần. Nhìn kỹ bên trong còn thấy được tủ kính trong suốt đựng đủ thứ lỉnh kỉnh.
Có lẽ bây giờ đang chiều tan tầm nên khách nhiều. Họ đều tới đây nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi, hoặc là tán dóc kể chuyện. Đa số đều là các ông bác trung niên. Mỹ Huệ dắt xe lên hè, Trúc Linh xuống xe thẳng bước đi tới chỗ bác gái đang lau sơ qua bàn ghế và dọn vỏ hạt dưa. Cô chủ động lên tiếng chào hỏi: “Cháu chào bác, đây có phải là nhà của ông Phúc không ạ?”
Bác gái đang lau dọn nghe vậy giật mình, hỏi lại: “Cô là gì của ông Phúc?”
“Cháu là cháu gái ông Phúc ạ. Hôm nay cháu nghe ông đến đây nhận lại nhà.” Trúc Linh lễ phép đáp lại. Cô vừa nói vừa lấy tờ giấy nhà đất ông đưa. Gia đình Trúc Linh từ ngày làm ăn khấm khá phát đạt, nên không còn đoái hoài gì đến quán nước cả. Các con cháu đều mải kiếm tiền hoặc là tập trung học chuyên ngành. Vì thế quán nước bị bỏ quên bao lâu nay. Nếu nói quán nước có điểm nào tốt, thì chắc là nó nằm ở khu phố cổ du lịch, giá trị rất cao. Sau khi ông nội cô nghe cô giãy bày thì dứt khoát thảy cho cô miếng đất mà ông từng ở bao năm, bảo cô thích làm thì làm.
Bác gái xem xong không còn nghi ngờ, nói với họ: “Đợi bác chút nhé.” Vừa hay tiễn nốt tốp khách cuối cùng, bác gái thu dọn gọn gàng.
Xong xuôi, bác mới dẫn Trúc Linh và Mỹ Huệ vào nhà, giới thiệu: “Bác chỉ là người giúp việc ở đây, hàng tháng cũng được khoản tiền. Bình thường chả ai ngó ngàng, chỉ có ông Phúc thi thoảng về thăm. Bác còn tưởng ông ấy sống một mình, thì ra là có cháu chắt. Hai cháu ngồi đi, đừng ngại.”
Lời lẽ nghe thì bình thường, nhưng cẩn thận ngẫm lại làm Trúc Linh cảm thấy có điều kỳ lạ. Bác gái này đang ám chỉ chê trách con cháu không chăm sóc ông cụ sao?
Nếu vậy thì cũng hiểu, bác gái này làm giúp việc lâu năm, chắc là rất thương ông nội nhỉ?
Nhưng mà…
“Tớ không ưa bà này.” Mỹ Huệ thì thào ghé sát tai Trúc Linh.
Mỹ Huệ có trực giác nhạy cảm. Cô cảm thấy giọng điệu bác gái này cứ như tự cho mình là chủ nhà vậy, rất không thoải mái.
Trúc Linh nghe Mỹ Huệ nói chỉ mỉm cười, không biết là có nghe vào không. Cô nhìn bác gái vừa mời họ ngồi xuống đã bắt đầu bỏ đi làm việc khác, dường như cố ý phớt lờ họ vậy. Trúc Linh bèn cất giọng: “Bác, cháu có chuyện muốn nói với bác.”
Bác gái ngạc nhiên, vừa tiếp tục công việc dang dở vừa mở miệng: “Cháu có chuyện gì thì nói đi.”
“Hôm nay cháu đến nhận lại nhà.” Trúc Linh vào thẳng vấn đề. Bởi cô tôn trọng bác là giúp việc lâu năm, với lại trước khi đi ông nội có từng nhắc đến bác gái này rồi.
Nhưng trông phản ứng của bác gái không có vẻ gì là quan tâm mấy, Trúc Linh đành nhấn mạnh: “Cảm ơn bác đã trông coi nhà cháu suốt thời gian qua. Số tiền lương sẽ được chuyển vào tài khoản bác đúng hạn ạ.”
Cô nói rõ ràng như vậy, hẳn là bác gái sẽ hiểu nhỉ.
“Có gì đâu mà cảm ơn.” Bác gái xuề xòa đáp.
Vừa dứt lời, bỗng có thêm một người xuất hiện ngoài cửa, trông có vẻ là vừa đi làm về. Ông ta xách túi đồ vào nhà một cách tự nhiên: “Anh về rồi.”
“Mau rửa tay rửa chân rồi vào ăn cơm, cơm để trên bếp đấy.” Bác gái thúc giục.
Mỹ Huệ và Trúc Linh hai mặt nhìn nhau. Trúc Linh đưa mắt ngăn cản Mỹ Huệ, đứng dậy cười lễ phép với bác gái: “Chúng cháu về đây ạ, không làm phiền gia đình bác nghỉ ngơi.”
Nói xong thì kéo tay Mỹ Huệ đi về, lúc ra tới cửa còn nghe được tiếng bác gái vui vẻ tiễn đưa: “Hai đứa đi cẩn thận, hôm nào rảnh lại ghé qua nhé!”
Mỹ Huệ bị kéo theo bỗng dừng bước, mặt mũi khó coi đang muốn quay đầu lại bị Trúc Linh mạnh mẽ lôi đi.
Mãi tới khi ngồi yên ổn trên xe, Mỹ Huệ mới bất mãn khó hiểu: “Sao cậu không để tớ nói? Chỉ là giúp việc mà mang theo cả gia đình vào nhà chủ ở không xin phép, thế này cướp nhà trắng trợn rồi còn gì. Đâu ra kiểu người như vậy chứ?”
Càng nói cô càng bức xúc thay bạn mình, chỉ muốn quay lại xả một câu cho hả lòng. Trúc Linh cảm động Mỹ Huệ bênh vực, nhưng vẫn lắc đầu lên tiếng: “Hàng xóm quanh đây nhiều người. Bác ấy chỉ cần hét to ăn vạ rồi vu cho mình là ngươi vô ơn, có khi còn bị đổ thành con cháu bất hiếu không về thăm ông. Bây giờ về đã muốn đuổi bác ấy đi, cậu nghĩ làm rùm beng lên thì hàng xóm sẽ đứng về phía ai?”
“Nhưng cũng phải lấy nhà về chứ? Ông nội cho cậu mà. Hay là bảo ông nội sang đây hoặc gọi điện thoại ra mặt hỗ trợ?” Mỹ Huệ ngẫm nghĩ cẩn thận thấy cũng đúng, tỏ ra lo lắng.
“Ông mình lớn tuổi rồi. Mãi mới bảo được ông chuyển nhà an tâm tĩnh dưỡng, sao làm phiền ông được.” Trúc Linh lắc đầu từ chối, quay ra cười nói với bạn mình: “Chuyện này mình không lo được, sẽ có người khác lo được.”
Mỹ Huệ tò mò: “Ai cơ?”
Trúc Linh nói nhỏ bên tai Mỹ Huệ. Cô nàng nghe xong phút chốc mặt mũi sáng bừng, vui vẻ bật ngón tay cái.