bởi Diệp Anh

49
2
1547 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1: Mẹ và con gái (1)


    “Lại một ngày hè đến, lại một chiều hạ nữa anh nhớ em.”

    Khi ánh mặt trời dần tắt ở phía xa xa chân trời là lúc đồng hồ thời gian buổi tối bắt đầu quay, cũng chính lúc này tôi rời khỏi vách núi đang đứng sau khi ngắm nhìn ánh hoàng hôn nhảy múa cùng mây trên màu trời vùng biển. Đó là nơi có đồng cỏ xanh ngát cùng những đóa hoa cúc dại lấp ló trong đám cỏ xanh mơn mởn đang đu đưa theo gió và đó còn là nơi tôi gặp được em, người con gái tôi yêu.

    Rời khỏi vách núi, tôi bước từng bước đều trên bãi cát trắng mịn rồi đắm mình trong tiếng sóng đánh vào bờ không nghỉ, tiếng gió thổi, tiếng chào hỏi nhau của hai bác ngư dân phía đối diện, tiếng bọn trẻ con cười khúc khích đang thi xem ai sẽ chạy về nhà trước tiên, tiếng của bà mẹ nào đó đang gọi con về cứ văng vẳng bên tai. Ngoài những âm thanh thân thuộc đó còn có cái mùi hương mằn mặn mà thân thương của biển làm cho tâm hồn tôi bình yên đến lạ.

    Đang tận hưởng cái cảm giác yên bình đó thì một giọng nói bông đùa quá đỗi quen thuộc kéo tôi ra khỏi thế giới nhỏ trong tâm trí mình, lúc nhận ra thì đã đi ngang sạp hàng của bạn tôi:

    “Này anh nhà văn! Lại nhớ người yêu đấy à?”

    “Ra là mày, thằng quỷ!” tôi cười hì hì trả lời.

    “Đi ngắm hoàng hôn thôi, không gì khiến tao say đắm như ánh chiều tà đâu Tuấn.”

    “Ôi giồi, thôi đi ông. Chơi với ông từ cái thời còn tắm mưa bắt dế tới giờ mà ông tính gạt tôi sao Đông? Này cầm mớ cá này về cho bé Hạ Thảo nó ăn, còn tươi lắm đó.” Tuấn nói với vẻ mặt đắc ý rồi dí túi cá vào tay tôi cười.

    “Ngày nào mày cũng cho cá thế này, tao thấy ngại quá” Tôi gãi gãi đầu đáp.

    “Tao cho Hạ Thảo, chứ có cho mày đâu mà ngại. Lần nào lấy cá mày chả nói vậy? Cái thằng này!” Nói rồi cả hai phá lên cười rõ to.

    “Vậy cung kính không bằng tuân lệnh!”

    “ Trời ạ, câu này mới. Nhà văn có khác hen!” Tuấn nhìn tôi cười trả lời.

    Nụ cười vừa tắt, mặt nó chợt nghiêm lại hệt như lúc nó đi mua bán với người ta làm tôi vừa bất ngờ mà cũng vừa bối rối.

    “Gì đấy?” Tôi hỏi.

    “Hạ Thảo hôm nay sang chơi, lại năn nỉ tao nói về mẹ nó. Mày vẫn chưa định nói cho con bé biết sao? Mười năm rồi còn gì?”

    Tim tôi như thắt lại: “Bây giờ chưa phải lúc…”

    Thấy tôi có vẻ khó xử Tuấn cất giọng: “Thôi trễ rồi, tao phải dọn hàng vào còn về ăn cơm, 5 giờ 30 rồi. Kẻo Nhi lại đợi...”

    “Ừ, tao cũng phải về đây, liệu mà dọn nhanh. Không thì cơm tối mày khó nuốt rồi.” Tôi cười ha hả rồi nói tiếp. “Ngày mai tao làm thơ cho mày treo ngoài sạp.”

    “Thôi! Tha cho tui đi ông.” Tuấn cười rồi cả hai vẫy tay chào như hồi hai đứa chào nhau lúc tan trường đi về nhà.

    Nghĩ lại thì tôi và Tuấn chơi với nhau từ thời hai đứa lên 5, tính đến bây giờ thì cũng đã 25 năm. Biết bao nhiêu là kỷ niệm đẹp và rồi chuyến phiêu lưu của hai đứa tạm kết thúc khi nó cưới Nhi vào năm ngoái, nhỏ hàng xóm gần nhà nó, đồng thời cũng là bạn cùng bàn của tôi mà thời đi học Tuấn cứ chê Nhi hoài. Nó nối nghiệp gia đình thu mua hải sản của ngư dân rồi bán lại cho người ta hoặc bỏ mối cho các nhà hàng trên thị xã và thành phố.

    Đến bây giờ cả hai đã 30 tuổi rồi mà vẫn còn thân như anh em không có gì thay đổi cả. Tôi và nó cũng cao xêm xêm nhau, tôi cao 1 mét 73 còn nó thì hơn tôi vài centi, cả hai dáng người đều gầy gầy nên nhiều khi người lạ nhìn vào cứ nghĩ là hai anh em ruột, mà nghĩ như vậy cũng chẳng có sai.

    Nhà chúng tôi cách nhau 3 phút đi bộ, đi dọc theo con đường xi măng rồi rẽ trái là tới, phía trước là cảnh cửa sắt màu xanh biển, còn bên trong là ngôi nhà nhỏ 2 tầng màu vàng với sân vườn có vài chậu cây cảnh, một bộ ghế đá cạnh hồ cá nhỏ là nhà tôi.

    Nhớ lúc trước, khi mà đập nhà cũ để xây lên ngôi nhà này là nội chiến chọn màu sơn giữa tôi và mẹ. Tôi thì thích màu xanh, còn mẹ thì thích màu vàng nên hai mẹ con cứ giành nhau mãi, thế rồi đến một ngày nọ mẹ tôi cũng dùng cái đặc quyền “người phụ nữ của gia đình” nói:

    “Thôi được rồi, mẹ tính thế này. Con là con trai của mẹ nên màu xanh của con sẽ được sơn cho cái cửa sắt ngoài cổng kia vì con cũng như cánh cổng bảo vệ mẹ trong ngôi nhà này. Còn màu vàng thì con biết rồi đó.”

    Tôi vẫn nhớ như in giọng cười thõa mãn khi đó của mẹ, nhưng lúc đó không còn biết nên nói gì nữa, thôi thì nhận thua cho rồi. Từ ngoài ngõ, tôi đã nghe thấy tiếng khóc của Hạ Thảo, nên mở nhanh cửa rồi chạy vội vào nhà. Vừa đặt chân tới phòng khách, tiếng khóc nghe to và rõ hơn, trước mắt tôi lúc này là cảnh ba và mẹ đang cố vỗ về đứa con gái nhỏ của tôi.

    “Hạ Thảo bị làm sao vậy mẹ?” “Con bé lại bị bạn trêu, chắc nó tức dữ lắm nên mới khóc như thế này. Bình thường thì nó bỏ ngoài tai rồi về kể lại với mẹ thôi, nhưng không biết hôm nay bạn nó nói thêm gì nữa… hỏi thì nó lại không nói.” Mẹ tôi quay sang trả lời với ánh mặt đượm buồn trông già thêm vài tuổi.

    Tôi tiến tới chỗ Hạ Thảo ôm con vào lòng, xoa xoa lưng nói: “Hạ Thảo, ba ba về rồi. Con không muốn nói với ông bà nội thi nói với ba được không?”

    Câu trả lời của Hạ Thảo tuy ngắn gọn nhưng làm cho tôi như chết lặng: “Con muốn nói với mẹ thôi!” Con bé hét toáng lên rồi chạy vào phòng mà đóng sầm cửa lại, chưa bao giờ tôi lại nghe tiếng khóa cửa từ phòng con mình rõ và to như thế này.

    Hướng ánh nhìn sang ba mẹ, rồi cả ba người đều im lặng không ai nói với nhau câu nào, tôi chạy theo Hạ Thảo lên phòng con bé nhưng chỉ ngồi đợi con tôi trước cửa, còn ba mẹ thì ngồi trên ghế đá ngoài sân to nhỏ điều gì đó liên quan đến Hạ Thảo.

    Bữa cơm tối tạm gác sang một bên vì bây giờ cả nhà không còn tâm trạng nào mà ăn nữa. Cũng đã lâu rồi con bé mới khóc đòi mẹ như bây giờ, hồi Hạ Thảo 5 tuổi nhìn thấy bạn bè trong xóm được me ẳm bồng, được mẹ đưa đi chơi thì nó thường hay hỏi tôi mẹ con đâu rồi. Và nó bắt đầu khóc mỗi khi về nhà vì bị bạn nói là đồ không có mẹ, khi lên 7 thì Hạ Thảo không còn khóc đòi mẹ nữa và mãi đến bây giờ đã 10 tuổi thì những ký ức ngày xưa như ùa về đu bám mà trêu chọc con gái tôi.

    Có đứa trẻ nào lại chấp nhận được việc mình là con nuôi một cách vui vẻ đâu? Có người cha nào nhẫn tâm nói ra những lời đó với con mình? Tới bây giờ tôi, mẹ và ba chỉ nói với Hạ Thảo rằng mẹ nó đi làm ăn xa nên chưa về được, rồi cố gắng bù đắp khoảng trống về mẹ cho con bé nhưng không bao giờ là đủ cả.

    Ba mươi phút, một tiếng rồi hai tiếng trôi qua, tiếng mở cửa từ trong phòng vang lên khiến trái tim tôi khẽ nhảy múa, gương mặt tôi không thế giấu được nụ cười. Giọng nói nhỏ bé vang lên xoa diệu không khí nặng nề trong ngôi nhà: “Ba ơi con đói!”

    Lúc này, thật sự tôi không biết mình nên khóc hay nên cười nữa...