bởi Diệp Anh

42
1
2001 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 2: Hạ Thảo



Bữa cơm tối được bao trùm bởi một bầu không khí im lặng không còn vui vẻ như mọi ngày, vì đã hiểu được câu chuyện từ câu nói chỉ muốn nói với mẹ của con bé nên cả ba người lớn chúng tôi không hỏi gì thêm.

Đang mải suy nghĩ nên nói gì để phá tan bầu không khí im lặng này, thì mẹ tôi quay sang Hạ Thảo đang ngồi cắm cúi ăn với ánh mắt trìu mến mang theo tất cả tâm tình của một người mẹ, một người bà.

“Ngày mai ba con lên thành phố gặp nhà xuất bản, để bà nói ba đưa con theo ghé nhà bác Ba chơi với chị Hạnh và chị Thi nhé?”

“Ý hay đó mẹ, lâu rồi con cũng chưa gặp anh Ba nên cũng tính như thế!”

Tôi ngay lập tức tiếp lời của bà mà trong lòng thầm mừng, vì thật ra tôi chẳng gặp nhà xuất bản nào cả.

Đưa mắt nhìn sang đứa con gái bé nhỏ của mình, tôi thấy môi con bé khẽ cong lên, nhưng chỉ trong phút chốc thì gương mặt lại trở về nét giận dỗi y như lúc tôi gạt nó để đi ra ngoài làm vài ly với thằng Tuấn.

“Hạ Thảo, con thấy sao?” Ba tôi lúc này mới lên tiếng.

“Dạ.”

Một câu trả lời ngắn gọn nhưng tôi và ông bà nội nó như trút bỏ hết toàn bộ sự lo lắng và cảm giác tội lỗi từ lúc Hạ Thảo khóc cho tới bây giờ mới chịu lắng xuống.

Anh Ba là anh họ của tôi, bình thường tôi hay gọi bằng tên là Khang thôi, nhưng khi có người lớn thì cái cách xưng hô tự nhiên khác đi. Lúc nhỏ ngày nào tôi cũng sang nhà anh chơi điện tử, trong lúc chơi buột miệng gọi mày tao riết rồi đâm ra thành thói quen lúc nào không hay.

Tôi, anh Khang và thằng Tuấn là bộ ba lì nhất cái làng chài này hồi đó, nhưng hai năm trước anh chuyển lên thành phố lập nghiệp sau khi có ít vốn để kinh doanh nên chúng tôi cũng ít liên lạc.

Anh có hai đứa con gái, là một cặp sinh đôi. Chúng giống nhau đến nỗi không cách nào phân biệt được nên phải mặc đồ đôi khác màu để nhận dạng, riêng chỉ có Hạ Thảo, con bé thường xuyên chơi với các chị của nó và không biết ba đứa bàn nhau như thế nào mà chỉ có nó mới phân biệt được đâu là Hạnh, đâu là Thi một cách nhanh chóng và chính xác nhất.

Bữa cơm tối kết thúc, con gái tôi chạy ngay lên phòng làm gì đó, chắc là con bé đang chuẩn bị đồ để khoe hay tặng các chị mà đã một năm rồi chưa gặp kể từ lúc đám cưới của chú Tuấn nó.

Ba tôi tính ít nói nên chỉ ngồi lặng lẽ xem thời sự trên TV, còn tôi thì phụ mẹ rửa chén bát trong bếp và không quên cảm ơn mẹ về chuyện lúc nãy. Xong xuôi, tôi lên phòng xem con gái mình chuẩn bị đồ đến đâu rồi để mà còn phụ và bảo con đi ngủ sớm, nhân tiện nhường bầu không khí cho đôi vợ chồng già dưới lầu tâm sự.

Vừa bước vào phòng con gái mình, đập vào mắt tôi là hình ảnh cuốn sách đầu tiên tôi viết “Cát Vàng Sóng Vỗ” bản viết tay, cuốn sách mang lại thành công vang dội cho tôi đến tận bây giờ, đang nằm trên tay của Hạ Thảo. Mỗi buổi tối, sau khi giúp con bé làm bài tập thì phần lớn thời gian còn lại của ngày tôi sẽ lên ý tưởng để sáng tác và trả lời email của bạn đọc cũng như bên nhà xuất bản, vì hôm nay là ngày đầu tiên con bé được nghỉ hè nên tôi sẽ nói chuyện với con một chút.

“Con thấy sách của ba viết thế nào?” Tôi hỏi.

“Ba ơi! Chị gái mặc đầm trắng, buộc ruy băng xanh trong tấm hình này là ai vậy ba?” Mắt con bé mở to và tôi có cảm giác nó đang phát sáng như cái cách mà chàng thủy thủ tìm thấy kho báu trên đảo hoang trong mấy bộ hoạt hình ba con tôi vẫn thường hay xem.

Tôi không nhận được câu trả lời, mà nhận được một câu hỏi ngoài dự kiến.

“Sao con có được tấm hình đó?” Tôi bối rối hỏi.

“Con thấy nó được kẹp trong cuốn sách này nè, hôm qua ba bỏ quên trong phòng con đó!” Con bé vừa nói, vừa cười như thể nhìn thấy ánh sáng bên trong đường hầm.

Tôi chưa kịp trả lời thì con gái tôi hỏi tiếp:

“Là mẹ phải không? Con biết đó là mẹ mà, vì con cũng có răng khểnh giống mẹ nè ba” Rồi chỉ chỉ vào chiếc răng khểnh mà nó tự hào.

“Thật là một sự trùng hợp đáng yêu phải không em? Hà Vy” Tôi tự hỏi mình.

“Ừ, đúng rồi con gái! Là mẹ con đó và cũng là tình yêu duy nhất của cuộc đời ba” Tôi xoa đầu Hạ Thảo mà trả lời cùng với nụ cười hạnh phúc khi nhớ đến thuở ban đầu của câu chuyện tình tôi.

“Ba kể con nghe ba gặp mẹ như thế nào được không ba? Bây giờ mẹ đang ở đâu? Mẹ sống có tốt không? Vì sao mẹ lại không ở chung với ba con mình và ông bà nội?”

Những câu hỏi của đứa con gái nhỏ bé cứ thế lấp đầy tâm trí tôi, quyết định cuối cùng của tôi là sẽ kể về chuyện tình của mình và Hà Vy để Hạ Thảo có cảm giác hạnh phúc khi được nghe về người “mẹ” mà nó vẫn luôn muốn gặp dù chỉ một lần. Riêng về xuất thân của con gái mình, thì tôi tuyệt nhiên im bặt.

Trần Ngọc Hạ Thảo là họ và tên của con gái tôi, tôi gặp được con bé vào những ngày tháng đau khổ nhất của cuộc đời mình năm 20 tuổi, sau khi tình yêu duy nhất của tôi rời đi mà không biết bao giờ mới gặp lại, tại nơi tôi vẫn hay ngắm hoàng hôn mỗi buổi chiều.

Tôi được gọi ba bằng những tiếng khóc dài của trẻ nhỏ, đi theo tiếng khóc, tiếng gọi của định mệnh, xuyên qua bụi cây, nằm trên bãi cỏ là một chiếc nôi bằng nhựa. Bên trong là một bé gái, một tiểu thiên sứ với đôi mắt mở to tròn như ngọc và sáng như sao trên trời.

Tiếng khóc ngừng lại khi tôi đến gần và tiếng cười cất lên, con không khóc nữa, thay vào đó con đã cười bằng giọng cười trong vắt làm rung động trái tim tôi. Con đã cười khi nhìn thấy tôi, nhìn thấy người thân của mình, người sẽ yêu thương con vô bờ bến.

Tôi đưa mắt nhìn quanh nhưng chẳng có ai cả, ngoại trừ tôi và vị thiên thần nhỏ này, tôi bế con lên tìm xem có thông tin gì không nhưng điều tôi nhìn thấy chỉ có dòng chữ “Xin hãy nhận nuôi đứa bé” viết nguệch ngoạc trông có vẻ người viết rất vội vàng.

Như có điều gì đó thôi thúc, tôi đưa con về nhà nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình di chuyển nhanh như thế này, vừa đến nhà thì cũng đúng lúc thằng Tuấn đang đứng trước cổng tính vào để rủ tôi lên thị xã mua ít đồ cho sạp hàng của nó.

“Ơ? Mày bồng con ai đấy?” Nó ngơ ngác hỏi.

“Mày vào nhà đi, tao gọi ba mẹ rồi nói sau” 

Trong phòng khách, đôi vợ chồng già và hai cậu thanh niên đang tập trung toàn bộ ánh nhìn vào đứa bé gái đang nằm trong nôi được đặt lên trên cái bàn tròn nhỏ ở giữa phòng.

“Nghe con nói thì ba hiểu rồi, bây giờ điều con cần làm là phải báo cho bác Sáu trưởng thôn để thông báo và tìm lại người thân cho đứa trẻ này” Ba tôi ôn tồn nói.

“Mẹ thấy ba con nói đúng đó, biết đâu mẹ của đứa nhỏ này nhất thời nghĩ không thông suốt nên mới làm vậy?” mẹ tôi nối tiếp lời của ba.

“Đi, tao đi với mày!” thằng Tuấn nói với giọng khẩn trương và lo lắng.

“Ừ...”

Một ngày, hai ngày, rồi một tuần trôi qua, từ làng trên đến xóm dưới không ai biết thông tin gì về đứa trẻ và đồng thời cũng không có ai đến để nhận lại nó cả.

“Giờ mày tính sao?” Tuấn hỏi.

“Anh nghĩ là mày nên cho ai đó nhận nuôi đi thôi!” anh Khang cũng tiếp lời.

“Không ai cả, em đã hỏi hết rồi” tôi trả lời trong tâm trạng rối bời.

Lúc ấy làm gì có trại trẻ mồ côi như bây giờ, đến bây giờ nghĩ lại thì đó có khi lại là một điều may mắn đối với tôi.

“Chắc em phải nhận nuôi thôi” Tôi trả lời với cảm giác mà lời nói không cách nào diễn tả được.

“Mày điên rồi!” Cả hai người bạn, hai người anh em của tôi đồng thanh nói.

Không biết vì lí do gì mà tôi đã quyết định như vậy, vì nỗi đau khi tình yêu của tôi rời đi quá lớn nên tôi muốn tìm một người để thương yêu xoa dịu nỗi đau sao? Không! Có lẽ là vì con đã cười vào lần đầu tiên con nhìn thấy tôi.

Tại nhà tôi lúc này:

“Không được! Con còn quá trẻ, chỉ mới 20 tuổi. Kinh tế không có đủ, sự nghiệp thì lại chưa thành, ba và mẹ không muốn con và đứa bé này phải chịu khổ” Mẹ tôi lo lắng nói.

“Sách của con chắc chắn sẽ được xuất bản, chắc chắn con sẽ là một nhà văn thành danh, con sẽ làm được, con sẽ lo được cho mình và đứa nhỏ!”

Phải, tôi sẽ làm được. Vì cuốn sách này không chỉ là nỗ lực của một mình tôi, mà còn có sự ủng hộ và giúp đỡ của em nữa.

Để củng cố cho lí luận của mình, tôi tiếp tục nói:

“Con sẽ giảm thời gian sáng tác để chăm sóc con bé, phụ giúp ba mẹ ngoài quán. Dù gì con cũng từng học qua nấu ăn, ba mẹ cũng đã thấy kĩ năng của con ở phương diện này rồi mà! Xin hãy tin con!”

Nhà tôi có một quán ăn nhỏ gần biển, chuyên phục vụ đồ ăn sáng và ăn trưa cho ngư dân, mơ ước của gia đình tôi là sẽ nâng cấp cái quán nhỏ này thành một cái nhà hàng. Nếu như không gặp Hà Vy thì có lẽ tôi đã là một đầu bếp ở cái vùng này.

“Nuôi một đứa bé không phải là một trò chơi!” Ba tôi nói hơi to tiếng.

Có đôi chút khó khăn, nhưng rồi ánh mắt đầy tự tin, trưởng thành và quyết tâm của tôi đã thay đổi sự nghi hoặc của song thân.

“Hạ Thảo, sẽ là tên của con gái con!”

Với tính cách của mình, một khi đã quyết định thì tôi sẽ làm đến cùng, vì thế mà tôi sẽ là người đặt tên và bắt đầu làm một người cha đúng nghĩa.

Hạ Thảo, đứa con gái của mùa hè tháng 7, tháng của những nỗi nhớ thương…. Và con còn được chào đón bởi những điệu nhảy của cây cỏ quê hương cùng ánh hoàng hôn tuyệt đẹp.