Chương 1: Mười Ba Người
Đây là đâu vậy?
Trước mặt Thụy Vũ là cảnh tượng hàng chục người đàn ông cao gầy thấp béo khác nhau đang ngồi trên khán đài, tay cầm những biển số và bắt đầu ra giá cho “món hàng” đang bị nhốt trong một cái lồng mạ vàng. Ai nấy đều xuýt xoa rằng, “món hàng” đó xinh đẹp đến mức những những “món hàng” được mang ra trước đó đều bị lưu mờ.
Thụy Vũ cũng là một trong những người ngồi trên khán đài đó, và “món hãng” cũng đang nhìn chằm chằm vào gã với ánh mắt mong chờ.
Gã nghiến chặt răng mình, ước gì bản thân có thể ra một giá nào đó để cứu lấy người con gái bị nhốt trong lồng kia…
Đột nhiên chiếc điện thoại đặt ở đầu giường của Thụy Vũ reo lên, đánh thức gã khỏi cơn ác mộng dang dở ban nãy. Điện thoại im bặt rồi lại kêu lên, sau hai, ba hồi chuông, cuối cùng gã cũng bắt máy, nhưng không nói gì cả.
Khoảng vài giây sau, đầu dây bên kia vang lên một giọng đàn ông đầm như tiếng đại phong cầm vang lên: “Xin chào, anh có phải Thụy Vũ không?”
Thụy Vũ bắt đầu hứng thú với người đàn ông ở đầu dây bên kia. Nhưng gã vẫn giữ im lặng như muốn thử sự kiên nhẫn của anh ta.
Con mèo mà Thụy Vũ nuôi thấy con sen của mình thức rồi liền chạy đến đòi ăn. Nó kêu gào như đã bị bỏ đói suốt mấy ngày liền. Thấy vậy, gã kiền nhìn lên đồng hồ xem đã mấy giờ rồi.
Đồng hồ mới điểm sáu giờ mười tám phút sáng, chẳng biết con mèo này háu ăn đến mức nào mà trễ một tí đã làm ra cái trò khó coi như vậy. Nhưng có ai lại đi so đo với một con mèo chứ?
Thụy Vũ mở tủ lấy túi hạt dành cho mèo, rồi đổ ra bát cho nó ăn, nhưng con mèo làm giá, ngoảnh mặt đi không thèm nhìn bữa sáng tạm bợ của mình. Nó mà biết nói chắc sẽ đòi ăn pate, súp thưởng đủ thứ; nhưng con sen của nó dễ gì chiều theo như vậy.
Đầu dây bên kia hắng giọng như muốn yêu cầu Thụy Vũ tập trung vào cuộc đối thoại, rồi nói: “Tôi sẽ vào thẳng vấn đề, tôi muốn sử dụng tuổi thọ của mình để nhận được sự bảo vệ từ anh!”
Đó là một lời đề nghị vô cùng hấp dẫn, ngắn gọn, đi thẳng vào mục đích của cuộc trò chuyện. Là một trong những kiểu khách hàng mà Thụy Vũ vô cùng yêu thích kể từ khi hành nghề trao đổi vận mệnh.
Con mèo ngay lập tức bị gạt sang một bên, gã ngồi xuống ghế làm việc và bắt đầu trao đổi một cách nghiêm túc. Thụy Vũ bật cười nhẹ và niềm nở mở lời: “Xin hỏi quý ngài đây muốn trao đổi với tôi qua điện thoại hay trực tiếp!”
Từ “quý ngài” thốt ra từ miệng gã có chút châm chọc đến người đàn ông đầu dây bên kia. Bởi nếu không có sự giới thiệu hoặc tự gã tìm đến, rất ít người biết được sự tồn tại của gã. Đối phương chắc chắn có vòng quan hệ rất rộng lớn, đủ để biết được một sự tồn tại đối nghịch với quy luật tự nhiên như Thụy Vũ. Hoặc là đã dính líu với thế giới mà những con người sống trong thời đại công nghệ hóa, hiện đại hóa không bao giờ tin vào.
Một khách hàng không có bất cứ thông tin nào từ trước giống như một chiếc hố sâu không biết nhảy xuống là mất mạng hay mở ra một kho báu đổi đời đối với Thụy Vũ là một thách thức nhỏ. Từ những quy tắc làm việc đã được hình thành từ lâu, gã không thể cho phép bản thân tỏ ra thiếu hiểu biết ở những lí do khó thành thật của khách hàng. Vì vậy nên gã không thể đặt hoàn toàn thành ý của mình lên người khách hàng tự tìm đến này.
Nhưng người đàn ông kia không quá để ý đến thái độ của Thụy Vũ. Trong một giao dịch đôi bên cùng có lợi, anh ta biết rõ bản thân không cần thiết phải hạ vị thế của bản thân xuống để đạt được mục đích của bản thân.
“Cho tôi xin địa chỉ của anh!”
Sau một hồi trao đổi sơ, Thụy Vũ đã xác định được người đàn ông đó tên là Trần Khánh, vị trí cũng gần với cửa hàng của gã, rất thuận tiện để trao đổi trực tiếp.
“Trao đổi sinh mạng để nhận được sự bảo vệ sao?”
Gã cười khẩy rồi một vệt sáng ngay lập tức xuất hiện để đi thu thập một ít thông tin.
Mãi đến khi trời chập tối người đàn ông tên Trần Khánh đó mới đến. Có vẻ anh ta là người bận rộn, tuy không nói nghề nghiệp của bản thân, nhưng Thụy Vũ đoán người đàn ông lái ô tô, mặc vest đen, đầu tóc chải chuốt gọn gàng, tay cầm một cái túi da đang ngồi trước mặt mình là một doanh nhân.
Hai người đã trao đổi thông tin cá nhân qua điện thoại nên bước chào hỏi nhanh chóng được lướt qua.
Trần Khánh uống một ngụm trà, bắt đầu trình bày sơ tình hình gia đình: “Ba tôi tên Viễn, là một doanh nhân thành đạt, đương nhiên là chúng tôi cũng theo nghiệp của ông. Nhưng khoảng mấy năm gần đây, cụ thể hơn là sau khi hội dị giáo gì đó ở núi U Sơn bị phát giác thì ba tôi bắt đầu có những biểu hiện kì lạ.”
Đoạn, anh ta ngả người ra tựa vào ghế, giống như đang trút bỏ hết gánh nặng trong lòng và bắt đầu tâm sự với một người bạn. Trần Khánh tiếp tục câu chuyện, mở đầu là một tiếng thở dài thườn thượt: “Ông ấy rời bỏ gia đình và dọn đến một căn nhà ở ngoại ô, nếu tôi nhớ không nhầm thì đã hơn sáu năm, năm nay là năm thứ bảy. Mỗi năm chúng tôi đều nhận được một tin nhắn từ ông ấy, bảo rằng chúng tôi hãy đến căn nhà đó và dùng bữa tối cùng ông. Nhưng khi đến lại chẳng ai thấy ba tôi đâu, chỉ có một chiếc bàn đầy ắp đồ ăn nên dần dà ít người đến hơn. Kì lạ là những người không đến đều gặp nạn mà qua đời không lâu sau đó. Vậy nên lần này tôi muốn nhờ anh bảo vệ cho tôi, nhưng mục đích chính là để điều tra xem ông ấy đang có ý định gì.”
“Từ sau vụ án dị giáo à?”
“Phải!”
“Đã có bao nhiêu người chết rồi!”
“Mười sáu!” Trần Khánh không hề do dự mà nói ra con số này.
“Theo lời của anh nói thì đây là một bữa tiệc gia đình, vậy thì sao tôi có thể đi theo và bảo vệ anh được?”
Trần Khánh như biết Thụy Vũ sẽ hỏi câu này nên đáp lại ngay lập tức: “Không sao, trong tin nhắn không yêu cầu chúng tôi đi một mình, cũng không cụ thể là phải người thân mới được xuất hiện, năm ngoái anh trai tôi còn mang cả luật sư riêng của ảnh theo nhưng chẳng có gì xảy ra cả!”
Câu nói này đã phơi bày không ít tình hình hiện tại của gia đình Trần Khánh.
“Vậy năm nay có bao nhiêu người được mời đến!”
“Nếu như anh đồng ý bảo vệ tôi thì tổng cộng là mười hai người!”
Trần Khánh dường như biết rất rõ danh sách những người sẽ đến, thường khi nhận được câu hỏi về dự đoán số lượng người ta sẽ trả lời khoảng hoặc không chắc, nhưng anh ta lại nói như đinh đóng cột.
Điều này nằm trong dự liệu của Thụy Vũ.
Gã ngay lập tức ra giá: “Ba mươi lăm năm tuổi thọ, có thể thương lượng!”
“Không cần thương lượng, tôi đồng ý!”
Đây là thái độ mà Thụy Vũ không thể đoán trước được. Bao nhiêu nét ngạc nhiên đều được thể hiện hết lên mặt, nhưng vì tính chuyên nghiệp của bản thân, gã không thể đào sâu thêm vào lí do của khách hàng.
Bản hợp đồng được viết và kí tên bằng máu được thiết lập. Thụy Vũ nhìn Trần Khánh ung dung kí kết với mình mà không hoài nghi về năng lực của kẻ giao dịch tuổi thọ trước mặt mà khó hiểu. Rốt cuộc người nên nghi ngờ đối phương là gã hay anh ta.
Vẻ mặt của Trần Vũ vô cùng bình thản, như thể chỉ cần chờ một chút nữa thôi bao nhiêu tảng đá đè trong lòng đều được bỏ xuống.
“Ngày hôm đó tôi sẽ đến đón anh!”
Thụy Vũ cũng không hỏi thêm gì mà để anh ta ra về. Tay sai đắc lực của gã là vệt sáng cũng đã quay trở lại, mang đến không ít thông tin hữu ích cho gã, đủ để gã cảm thấy lần giao dịch này có thể bản thân sẽ không chịu thiệt.
Gã nở ra một nụ cười không thể nào công nghiệp hơn trước gương mà thầm thì với chính bản thân: “Gia đình này quả nhiên rất thú vị!”
Đúng ngay chạng vạng ngày được hẹn, Trần Khánh đã lái xe của mình đến gặp Thụy Vũ. Lần này anh ta không đến một mình mà chở theo một cô gái.
Cô ta mặc một chiếc áo croptop màu trắng phối với quần jean, tóc đã nhuộm thành màu vàng ánh kim, trông vô cũng năng động trẻ trung. Nhưng gương mặt thì đậm nét xéo sắc, ngông cuồng, không có chút tôn trọng nào dành cho vị khách được mời là Thụy Vũ.
Nhìn gương mặt thân quen đó khiến cho đầu óc Thụy Vũ có chút thổn thức, nhưng gã không biểu hiện ra bên ngoài, mà chỉ chào hỏi vô cùng chừng mực.
Trong lòng gã hiểu rõ là cô gái này chỉ có gương mặt giống chứ không phải người đó.
Sau một hồi giới thiệu trên xe, gã biết được tên cô gái đó là Kiều An, em gái cùng cha khác mẹ với Trần Khánh. Nhưng gã không để tâm lắm đến mối quan hệ của gia đình này nên cũng không thắc mắc gì.
“Kiều An, anh trai này tên là Thụy Vũ, em có thấy cửa hàng đồ cổ ban nãy không? Anh Vũ đây là chủ cửa hàng đó, được anh nhờ đến xem mấy bức tranh ba mình chứ không phải luật sư gì đó như em càm ràm nãy giờ đâu!”
Sau khi nghe xong Kiều An vô cùng tức giận là quát lớn lên: “Đến anh cũng bắt đầu dòm ngó mớ tài sản dơ bẩn của ông ta rồi à?”
Thụy Vũ nhìn cô một cái rồi quay mặt đi. Quả nhiên là không giống với người con gái kia.
Đường từ cửa hàng đồ cổ đến ngoại ô mất hơn hai giờ. Khi đến họ nhận ra mình là tốp cuối cùng trong bữa tối hôm nay.
Ngoài dự đoán một chút là hôm nay có mười ba người xuất hiện, không phải mười hai.
Thụy Vũ có lẽ là người dư thừa ra trong bữa tối này.
Chẳng ai quan tâm cả, cũng chẳng có màn hỏi han đến người thân lâu ngày mới tụ tập đông đủ, cũng chẳng ai giới thiệu ai với nhau. Có lẽ trong căn phòng khách này, chỉ có Thụy Vũ là gương mặt xa lạ đối với họ.
Gã cũng nắm sơ tình hình gia đình này rồi nên cũng chẳng mảy may để ý đến đám người nhìn đời qua tờ polime ấy. Chỉ lặng lẽ đi theo Trần Khánh, anh ta đi đến đâu, gã theo đến đó.
Một người đàn ông trông thấy Thụy Vũ lạ mặt liền giở giọng bỡn cợt: “Kiều An, người này là bạn trai mày sao? Hơi già đó em ơi!”
Nghe vậy, Kiều An cũng không vừa mà đáp lại: “Là người giám định mấy thứ đồ linh tinh của ông già anh Khánh mời đến!”
“Mấy bức tranh giả đó à?”
Theo điều tra của Thụy Vũ, người này là anh cả năm ngoái mang theo luật sư trong lời của Trần Khánh – Trần Vĩ, người duy nhất thể hiện rõ ý định tranh giành tài sản của ông Viễn.
Mà mấy người cái miệng nhanh hơn cái đầu thường không được hoan nghênh lắm.
Nói đến gia đình này có lẽ Thụy Vũ mới biết gần đây, nhưng người tên Trần Vĩ thì gã nhớ rõ. Trước đây anh ta và một vài tên công tử bột từng dính vào một vụ lùm xùm với một cô ca sĩ phòng trà, cũng đụng đến một người quen của gã nên ấn tượng vô cùng sâu đậm.
Nhắc đến mấy tranh giả, quả thật xung quanh căn nhà đều là tranh với tranh. Nhưng chẳng khó để nhận ra, toàn bộ số tranh này đều là hàng sao chép từ những bức họa vô cùng nổi tiếng của danh họa Leonardo Da Vinci.
Thụy Vũ đứng trước một mảng tường rộng lớn, trống trải, nhìn đăm đăm vào nó xong lại quay đi. Trần Khánh để ý thấy hành động đó nên lên tiếng: “Chỗ đó từng treo một bức tranh rất lớn, nhưng bị gỡ xuống rồi thì phải!”
Lúc này, khi tất cả mọi người đang tập trung lại một chỗ, Thụy Vũ đại diện cho góc nhìn khách quan nhất đó là người ngoài cuộc mở lời hỏi: “Không ai liên lạc được với ông Viễn sao không báo công an?”
Ngay lập tức mọi người im lặng, nhìn nhau, rồi lại nhìn vị khách lạ mặt ấy.
Vì Thụy Vũ là khách mà Trần Khánh mời đến, đương nhiên anh phải có trách nhiệm lên tiếng giải thích, anh ta ngượng ngùng mở lời: “Bởi vì ba tôi không thích!”
Bầu không khí lại trùng xuống một lần nữa, nên Trần Khánh đành phải nói rõ hơn một chút: “Ba tôi từng đi tù vì tội trốn thuế, thành ra ông ấy rất có thành kiến với công an. Cực đoan đến mức ông ấy sẵn sàng không nhìn mặt mấy đứa chúng tôi. Có lần con tôi từng chạy giỡn lung tung, lạc mất hai ngày trời đành phải báo công an, sau khi ba tôi biết chuyện tức giận đến mức không cho tôi bước vào cổng nhà tổ!”
Chuyện đó Thụy Vũ đương nhiên biết, cái quan trọng là nguyên nhân đi tù của ông Viễn vốn không phải trốn thuế, rõ ràng ông ta bị bắt vì một tội khác.
Sau khi thấy Thụy Vũ không hỏi gì nữa, cả gia đình này đồng loạt thở phào. Tiếng thở nhẹ nhõm này đã vạch trần nguyên nhân Trần Khánh phải nói dối Thụy Vũ, có lẽ đối với bọn họ, việc nhắc lại tội trạng của ông Viễn chính là đang bôi bác danh dự của họ. Hẳn là vì vậy nên không ai muốn nhắc lại.
Bàn ăn không biết từ bao giờ đã được chuẩn bị sẵn, đến cả bát canh còn đang nóng nghi ngút khiến cho mọi người đều có chung một suy nghĩ rằng ai đã vừa dọn lên bàn ăn này.
Trần Khánh, Kiều An và gã Thụy Vũ là những người đến sau cùng, đương nhiên không phải người chuẩn bị. Mà Trần Vĩ và luật sư của anh ta lại là những người đầu tiên đến đây, ai cũng nghi ngờ đến bọn họ.
Những ánh mắt nghi kị dồn về phía Trần Vĩ. Anh ta tất nhiên sẽ cảm nhận được những luồng ác ý đó nhưng với cái tính kiêu ngạo của mình, anh ta không quan tâm.
Trần Vĩ và luật sư của mình ngồi ở ghế thứ nhất và thứ hai. Người ngồi ở ghế thứ ba là Trần Anh con trai thứ hai của ông Viễn. Tiếp đó là ba người Thụy Vũ ghế thứ tư, Trần Khánh ghế thứ năm và Kiều An ghế thứ sáu. Những người còn lại đều tự động chọn chỗ ngồi cho mình.
Chẳng hiểu sao đoán là mười hai người sẽ đến, nhưng số ghế lại được chuẩn bị tới mười ba, rõ ràng người đứng sau bữa ăn này có thể biết được số người sẽ đến.
Dù đã ổn định vị trí nhưng những người trong gia đình đều nhìn cắm mặt vào điện thoại của mình. Có lẽ họ đang chờ một mệnh lệnh.
Vừa đúng chín giờ tối, đột nhiên màn hình điện thoại của tất cả thành viên trong gia đình đều nhận được một tin nhắn.
Trần Khánh đọc xong rồi đưa cho Thụy Vũ.
Nội dung tin nhắn rất đơn giản: “Hãy bắt đầu dùng bữa tối và ở lại đây một đêm. Có lẽ hôm nay mọi người sẽ nhìn thấy tôi!”
Kiều An khẽ nói: “Hơi lạ nhỉ?”
“Ừm! Đúng là lạ thật!”
Đồng loạt đều gật gù tán thành, tin nhắn hôm nay có chút kì lạ.
Trần Khánh lướt lên mấy tin nhắn từ những năm trước cho Thụy Vũ xem, đáng ra những thứ này anh phải đưa cho gã từ trước chứ không phải bây giờ.
Mọi năm tin nhắn chỉ vỏn vẹn năm chữ: “Chúc mọi người ngon miệng!”
Năm nay chẳng lẽ có gì để ông ta quan tâm đến mức xuất đầu lộ diện sau ngần ấy năm không chút tâm hơi à?
Người đầu tiên đụng vào thức ăn trên bàn là Trần Vĩ. Khác với dáng vẻ thiếu gia cao quý khoác trên mình, phong cách ăn uống của Trần Vĩ không khác nào mấy người đàn ông ăn to nói lớn mà mọi người trông thấy trên mạng.
Trần Khánh thì ăn không nhiều như vậy, anh ta chỉ ăn một chút súp cua được đặt gần mình rồi thôi. Kiều An dường như là đang giảm cân, vậy nên cũng ăn vô cùng ít.
Mà Thụy Vũ vốn không có tâm trạng để ăn uống, vậy nên gã chỉ ăn một vài lát bánh mì rồi thôi.
Đây chẳng giống như một bữa cơm truyền thống chút nào, những món trên bàn chẳng có món nào ăn nhập với món nào. Đến cả một chút cơm trắng cũng chẳng thấy đâu. Thụy Vũ nghi ngờ đây có đúng là bữa cơm gia đình trong lời Trần Khánh kể không.
Lúc ăn chẳng ai nói nhau câu nào, tất cả đều tập trung ăn.
Thụy Vũ lặng lẽ quan sát tất cả thái độ, biểu cảm của những người này. Trùng hợp là có một người cũng giống gã, không ăn uống nhiều mà tập trung nhìn.
Nếu gã nhớ không nhầm thì đó là người em họ xa của ông Viễn, tên là Liêm. Cũng chẳng nói năng gì nhiều nên xém chút nữa là gã đã quên mất sự tồn tại của người đàn ông ấy.
Sau khi tất cả ăn xong cũng đã gần mười giờ, đột nhiên Trần Vĩ đứng lên nói: “Lâu rồi cũng không đầy đủ như thế này, chúng ta chơi gì đó không?”
“Chơi gì bây giờ?” Trần Anh là người phản ứng lại nhanh nhất đối với lời của Trần Vĩ.
“Đi tìm trong nhà xem, chẳng lẽ ông già của chúng ta không có một bàn cờ hay một bộ bài tây sẵn trong nhà à?”