Chương 1: Sét đánh
Lý Minh Phương, hai mươi hai tuổi xanh, cuộc đời tươi sáng còn chưa kịp mở ra đã bị một tia sét đánh chết.
Chết thảm, không kịp trăn trối.
Vì sao à? Cô chết vì thiếu kiến thức sinh tồn trầm trọng!
Hôm đó cô cùng bạn bè đi cắm trại, chỗ cắm trại rất hợp lý, cả một vùng bằng phẳng như thế chỉ có độc một cái cây. Còn chưa kịp đóng lều mưa đã kéo tới, dữ dội như trút nước. Mọi người đành phải kiếm chỗ trú mưa, và vật hi sinh Phương là người chạy đến chỗ cái cây đầu tiên.
Đúng lúc sét đánh, hi sinh oanh liệt.
Bài học rút ra của chúng ta là "nên học tập tốt khoá sinh tồn nơi đồng hoang trước khi đi du lịch".
Sau đó ...
Sau đó cô không cảm thấy đau vì bị sét đánh, mà lại cảm thấy khó thở vì bị ngộp nước.
Cô cố gắng ngẩng đầu lên, liền phát hiện bản thân mình đang ngồi bệt ở mép ao, váy và chân dính đầy bùn, bên cạnh là một cái giỏ đang nằm lăn lóc.
Nhéo một cái, đau, hình như mình chưa chết.
Nhìn lại mình, cô đang mặc một bộ trang phục khá giống áo tứ thân cô hay thấy trong các lễ hội, chỉ khác là không có tà áo dài xẻ bốn.
Bộ đồ khá cũ, có chỗ bị rách, có chỗ bị sờn, còn chằng chịt vết vá, đúng chuẩn con nhà siêu nghèo điển hình của xã hội cũ.
Áo yếm nâu, áo ngoài xám, váy đen. Tổ hợp u ám nhưng đậm chất thôn quê.
Đây là xuyên không? Sau bao năm cô đọc truyện xuyên không, cuối cùng cũng xuyên thành công được một lần.
Ha ha ha.
Vui sao? Vui cái rắm, bà nội nó chứ, cô đâu cần xuyên không, cô yêu quý xã hội hiện đại, yêu quý Đảng và nhà nước, yêu cả công nghệ cao, còn có điện thoại bố cô mới mua cho còn chưa kịp khám phá hết, cứ thế mà xuyên không hay sao?
Bình tĩnh, phải bình tĩnh, đầu tiên phải xem mình là ai, đây là đâu đã. Nhìn vào trang phục là biết mình con nhà nghèo rồi này, nhìn quang cảnh là biết đồng quê rồi này, nhìn dung nhan là thấy ưa nhìn rồi này.
Theo mô típ của những truyện xuyên không kinh điển, thì thường có ba trường hợp xảy ra. Trường hợp thứ nhất, xuyên không vào trong sách. Trường hợp thứ hai, xuyên không vào lịch sử. Trường hợp còn lại, chính là xuyên không vào thế giới không có trong lịch sử.
Ngoài ra...
Ngoài ra cái gì cũng không biết! Nhìn mặt cũng đâu thể biết mình là ai, nhìn quang cảnh cũng đâu biết mình ở thời nào. Ông trời thật biết làm khó loài người yếu đuối như cô.
Chẳng phải người ta xuyên không sẽ có ký ức của thân chủ sao, còn cô thì hoàn toàn không có một cái gì cả!
Cô có ba cái sợ: sợ đói, sợ nghèo, sợ khổ. Hiện tại thì sao, cô là con nhà nghèo, mà nghèo thì sẽ đói, sẽ khổ.
Lý Minh Phương tức đến bật khóc.
"Vì sao con khóc?".
Ôi chao! Câu hỏi này giống mấy ông Bụt già trong truyện cổ tích hay hỏi thế nhỉ? Mới khóc một tí đã gặp ảo giác rồi!
Cô ngẩng đầu than thở.
" Vì sao con khóc?".
Câu hỏi vang lên lần nữa, nghe xa xôi như từ cõi trời. Cô quay ngoắt lại nhìn. Lập tức miệng mở to đến mức có thể nhét một quả trứng gà. Một ông lão, à không, một ông chú đầu trọc, râu và lông mày dài, da trắng hồng, cái đầu trọc bóng loáng như bôi mỡ, mặc một bộ đồ trắng, cầm một cây phất trần màu trắng, xung quanh bao phủ bởi luồng sáng mà dân gian người ta hay gọi là vầng hào quang của thần thánh. Đích thị giống y chang phiên bản Bụt trong truyện cổ tích, chỉ thiếu mỗi bộ tóc, à, còn thiếu cả nếp nhăn.
Đây chẳng lẽ là Bụt sao? Bụt bị trọc?
Cô đưa tay nâng cái cằm sắp rớt về chỗ cũ, khó khăn mở miệng: "Ông là Bụt sao?"
"Đúng vậy, ta là Bụt, vì sao con khóc?".
Câu hỏi đó lại vang lên, giọng điệu có một chút không kiên nhẫn.
Trong lòng Phương hoan hỉ, đây là Bụt đó, Bụt bằng xương bằng thịt, chạm vào được không nhỉ, chạm vào liệu có hỏng hay không?
Cô muốn trả lời, nhưng mà phải trả lời thế nào đây, nói là mình bị lão Thiên Lôi đánh về đây nên tức phát khóc sao, nếu nói thế liệu mình có bị cây phất trần kia vả vào mặt không, hay có khi ông Bụt này với Thiên Lôi là bạn thân, ông Bụt mách với Thiên Lôi, Thiên Lôi lại đánh cô thêm cái nữa, thế là toi.
Phải nói sao đây? Khoan đã, sao thấy cái mở đầu này quen quen thế nhỉ!
Cái ao này, cái giỏ đó, ông bụt kia. Ôi mẹ ơi! Tấm Cám sao, vậy cô là cô Tấm sao??
Ông Bụt nhìn mắt Phương đảo tròn mà mãi không trả lời, lập tức mất kiên nhẫn. Hỏi lại lần nữa: " Vì sao... "
Còn chưa dứt lời, Phương đã trả lời: " Bụt ơi, con bị em Cám lừa, lấy hết cá tôm, không được nhận yếm đỏ, con buồn nên con khóc!". Nói rồi lấy ống tay áo chấm lên hai con mắt đã khô queo.
"Con đừng khóc. Hãy nhìn vào trong giỏ xem còn sót lại cái gì không?"
Lời thoại chuẩn thế này, không còn nghi ngờ gì nữa, đích thị là Tấm Cám rồi!
Cô làm theo, thấy trong giỏ đúng thật là có một con cá bống bé tí teo như ngón tay út.
Cô ngẩng đầu nhìn Bụt hỏi: "Vì sao Bụt lại trọc?"
Vì sao lại hỏi Bụt trọc à? Vì đó là điều cô muốn biết. Dù sao tạo hình Bụt trọc đối với cô hoàn toàn mới lạ, vì trong ấn tượng của cô thì Bụt phải có mái tóc trắng thật dài chứ không phải cái đầu bóng loáng như Đường Tăng.
Còn vì sao lại không hỏi về con cá theo đúng kịch bản thì bạn Phương của chúng ta có một quan điểm: không hỏi những cái đã biết, tốn thời gian.
Ông Bụt vạn năm không đổi sắc kia bỗng nhiên cau mày, như thể bị đạp trúng chỗ đau, cả khuôn mặt đỏ lên như quả cà chua, tất nhiên là cái đầu cũng đỏ, râu ria gì đó muốn dựng ngược hết cả lên. Bụt nghiến răng kèn kẹt, gằn giọng mà trả lời cô:
"Con không tò mò con cá kia dùng để làm gì hay sao?".
Cô chưa kịp trả lời, Bụt đã nói tiếp: "Đem thả nó vào giếng nuôi, mỗi ngày mang cơm cho nó ăn, mỗi lần cho ăn con hãy đọc câu thần chú " Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm, cháo hoa nhà người", nó tự khắc sẽ chui lên ăn cơm của con".
Nói xong liền biến mất, chỉ còn dư lại lèo tèo vài vụn sáng như đom đóm tí hon.
Lý Minh Phương ngơ ngác, sao thế? Chuyện gì xảy ra? Câu hỏi của cô còn chưa được trả lời mà? Cứ thế mà đi à, sao bảo Bụt hiền hậu lắm mà, thế nào mà vừa nãy giống như sắp xiên cô một phát vậy?
Sau khi biết mình là Tấm, cô cảm thấy không biết mình nên hi vọng hay tuyệt vọng đây. Cái thân thế này không chỉ nghèo, mà còn vô cùng thảm!
Rõ ràng là nên tuyệt vọng rồi!
Cô phủi bùn dưới váy, lững thững đi về nhà, nhà ở đâu cô không biết, cũng không thể hỏi những người xung quanh được.Người ta sẽ đồn là cô bị té xuống ao nên quên cả đường về nhà mất.
Cũng may, lúc đó một con bé mặc một cái yếm đỏ chót mới toanh chạy đến chỗ cô, đây chắc chắn là Cám.
Sao cô lại biết ư? Đơn giản thôi, với cái khung cảnh này, câu truyện này, thời gian này, đứa duy nhất có cái yếm đỏ mới toanh ngoài cô em Cám ra thì còn ma nào nữa chứ.
Cám thật ra không xấu, mắt to miệng nhỏ, nhìn khá thanh tú, nó vừa chạy vừa gào lên:
"Chị Tấm, chị còn đứng đấy làm gì, mẹ gọi về nhà nấu cơm kìa".
Ôi chao! cái giọng điêu ngoa chua loét này, hoàn toàn không hợp với khuôn mặt chút nào.