88
2
1659 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 2: Cuộc sống thôn quê


Lý Minh Phương, hai mươi hai tuổi, luôn tự hào mình là một cô bé ngoan giỏi nữ công gia chánh, giờ đây đang đứng chống nạnh trong một căn bếp xập xệ, mái lợp lá dừa, bốn bề vách đất.


Cô vừa thành công nấu xong một nồi cơm mà theo đánh giá của ông bà ta chính là "trên sống dưới khê, bốn bề nhão nhoét". 


Mặc dù ông bà nội của cô là kiểu người truyền thống, vẫn hay dùng bếp củi nấu cơm, nhưng cô cũng chỉ biết nấu trên lý thuyết, còn thực hành thì bây giờ cũng là lần đầu tiên. 


Cũng may vì sợ hỏng cơm nên cô đã nấu một nồi thật lớn, vét hết những phần có thể ăn được ra thì cũng vừa đủ ba chén cơm. Cô thật thông minh!


Mẹ kế mà biết cô lãng phí gạo như thế này chắc chắn sẽ cầm chổi đuổi cô qua mấy cái làng luôn mất!


Sau khi nấu cơm là nấu đồ ăn, nhà Tấm thật ra cũng không nghèo lắm, nếu mà nghèo sao cha Tấm có thể cưới đến hai vợ cho được. Nên bữa ăn bình thường vẫn xem như có cá có thịt, tất nhiên có hay không cũng chẳng đến lượt Tấm ăn rồi. 


Bạn Phương của chúng ta sau một hồi hì hục nhóm bếp nấu ăn đã ngộ ra một chân lý " không ăn trực tiếp được thì ta ăn vụng". Ví thế mỗi phần đồ ăn cô đều để lại một chút trong cái chén con. Sau đó bưng mâm cơm đã soạn sẵn lên cho mẹ con Cám. Còn mình xuống bếp ăn vụng.


Ăn uống no say rồi cô mới nhớ ra, hình như có con cá bống ngoài giếng đang đợi mình thì phải. Thế là cô vét hết chỗ cơm thừa đem ra ngoài giếng.


Nhìn chằm chằm vào con cá bống đang đớp lấy đớp để mấy hạt cơm, trong lòng cảm thán, quả nhiên là cá bống thần, cô nhét nó trong giỏ khô, xóc lên xóc xuống như xóc bầu cua mà nó vẫn có thể sống khoẻ như vậy. Là cá thường thì đã phơi trắng bụng từ mấy kiếp rồi.


Phương nhìn con cá bé xíu kia, lại suy nghĩ, rốt cuộc mẹ kế và Cám đã ăn con cá này kiểu gì, bé như thế, chẳng lẽ mẹ cắn đầu con cắn đuôi sao??


Phương cứ ngồi bần thần ngoài giếng như vậy một lúc lâu. Mãi sau mới đứng lên đi vào nhà, vừa bước vào cửa đã nghe cái giọng lanh lảnh điêu ngoa của mẹ kế: 


"Con Tấm, mày vừa đi đâu về, còn không đi giặt quần áo đi à, mày muốn tao với con Cám mặc quần áo dơ phải không?". 


Phương không khỏi cảm thán, hoá ra cái giọng chanh chua của Cám là do di truyền, nhưng hình như di truyền không hết, nên so với mẹ kế vẫn là ở một đẳng cấp hoàn toàn khác.


Phương đau đầu, vốn chẳng phải người biết chịu nhục, nhưng cô cũng không thể chửi hay đánh mẹ kế được, cô có khi phải sống ở đây một thời gian dài. Ở cái xứ mà một bà hàng xóm bằng mười cái camera này, nếu cô dám manh động thì đừng nói cả làng này biết, có khi cả nước đều biết không chừng.


Sức mạnh quần chúng rất đáng sợ, nhất là tội bất hiếu. 


Cô trừng mắt nhìn đất, trong lòng nguyền rủa mười tám đời tổ tông của bà già này, sau đó mới đi ra sân sau giặt đồ.


Tôi ko đánh bà, chẳng lẽ tôi không có cách khác trị bà hay sao? 


Tối hôm đó, Phương bắt được ba con gián bự trong góc nhà đem thả vào mùng của bà mẹ kế. Vì đang mùa mưa nên gián biết bay. Ba con gián, bay loạn xạ trong mùng không tìm thấy lối ra, làm mẹ kế cả đêm gào thét như bị ma nhập. 


Còn Phương đã kiếm được hai cái nùi dẻ nhỏ bịt tai, vui sướng ôm chăn ngủ ngon lành cả đêm.


Cô không sợ mẹ kế chửi cô, vì bà ta luôn không cho cô lại gần giường mình, chắc là bà ấy giấu bảo tàng trong đó, nên giường bà ta có gián hay không, không phải là vấn đề mà Phương phải quan tâm.


Quả nhiên, sáng hôm sau, dù hậm hực  nhưng mẹ kế cũng không dám nói gì Phương, gián thì ở đâu chẳng có, bây giờ bảo cô thả gián vào giường của bà thì ai tin, không có bằng chứng mà bà gào lên như thế, hàng xóm láng giềng lại chả có đề tài mà nói xấu bà sao!


...


Sáng hôm nay cô phải làm một nhiệm vụ vô cùng gian khổ, chẻ củi.


Cô đây ngay cả chặt gà còn không biết chặt, bây giờ bảo cô chẻ củi, chẻ kiểu một nhát bổ ngay giữa thân củi ấy, thì chẻ bằng niềm tin hay sao.


Phương thật sự chỉ muốn ôm mặt mà hét lớn: ông đây không làm gì sai, vì sao đám thần tiên mấy người trêu đùa ông đây thế. Vì sao người ta xuyên không không phú thì quý, còn ông đây xuyên thì vừa nghèo vừa bần, bây giờ còn phải làm công việc đòi hỏi kỹ thuật cao như chẻ củi. Chẻ củi là việc con gái làm hay sao hả, nhìn cái rựa này này, cũng phải hơn hai ký, còn phải giơ lên phang xuống trúng mục tiêu nữa. Ôi trời ơi là trời.


Sau khi hò hét chín chín tám mốt lần ở trong lòng. Phương quyết định...mặc kệ số phận, nhắm mắt chẻ củi. Thành quả tất nhiên không nói cũng biết, xiêu xiêu vẹo vẹo, cái dày cái mỏng, nhưng có còn hơn không.


Điều an ủi duy nhất của Phương chính là, cái thân thể của Tấm vì quen làm việc nặng nên tay chân đều có cơ bắp, cơ thể dẻo dai khoẻ mạnh, cô chẻ một hơi hơn ba mươi khúc gỗ mà không thấy đau vai, chứng tỏ cơ thể này rất khoẻ, vậy đánh người không thành vấn đề rồi! 


Thứ lỗi cho cô có bản tính bạo lực từ trong trứng nước, nếu ai mà ngay từ nhỏ đã được nhìn ông chú nhà mình đánh nhau nhiều hơn ăn cơm thì cũng sẽ như cô mà thôi. Nhưng Phương là người biết điều, cô không hay đánh người, chỉ khi nào người ta đánh cô cô mới phản kháng, lý do đầu tiên là cô ghét đau, lý do thứ hai chính là ghét phiền phức. 


Cuộc sống cứ như thế trôi qua được một tháng, cô cũng dần quen với nhịp sống thôn quê, lâu lâu đi chợ cô còn vẫy tay chào hỏi mọi người. 


Mẹ kế cũng không làm gì cô, chỉ sai cô làm việc vặt.


Cám thì lúc đầu còn chọc ngoáy cô vài câu, bị cô chọc ngoáy lại mấy lần, cuối cùng hậm hực bỏ đi. 


Cô không ghét Cám, Cám chỉ là trẻ con, nó bốc đồng và điêu ngoa do được mẹ nó nuông chiều thôi. Nhưng cô cũng không thích nó: trẻ con đồng nghĩa với phiền phức.


Mà cô, thì ghét phiền phức.


Cá bống cô nuôi đã phát triển với tốc độ của máy bay tên lửa, một tháng trước cô mang về nó còn bé bằng ngón út, bây giờ nó đã to bằng ba ngón tay, nuôi thêm một tháng nữa có khi nó bằng bàn tay không chừng. Lúc đó mà đem thịt thì ...


Bốp!!


Tự tát mình một cái, cô thầm mắng: mày bị sét đánh đến điên rồi, cá thần mà cũng dám ăn, không sợ cá nó hiện hồn về bóp cổ mày sao?. Nhưng tiếc thật, con cá to thế mà để mẹ con Cám ăn mảnh một mình! 


Đừng hỏi vì sao Phương không trân trọng con cá này, cô vẫn luôn nghĩ, cô sẽ không lấy nhà vua, làm hoàng hậu gì đó không phải mục tiêu sống của cô. 


Không nói đến vấn đề cô chưa từng gặp vua, chẳng lẽ mới gặp có một lần lại đồng ý để người ta rước mình về nhà, đưa mình lên giường sao?


Mà cho dù có yêu từ cái nhìn đầu tiên thì sao, cô có thể chịu được kiếp chồng chung à, có thể chịu nổi lễ nghi của hoàng cung sao?


Cô cảm thấy, vua vốn chẳng yêu thương Tấm nhiều lắm, nếu Tấm không làm rơi hài khiến vua nhặt được, nếu Tấm không mặc một bộ đồ lộng lẫy đứng trước mặt vua, liệu vua có bao giờ ngoảnh lại nhìn nàng, bằng chứng là khi Tấm chết, Cám cứ thế mà thuận lợi vào cung thay thế Tấm đó thôi.


Phương nghĩ mãi không ra, rốt cuộc cũng là vua một nước, vì sao lại dở hơi đến mức chọn vợ qua một chiếc hài cơ chứ, nếu chủ nhân chiếc hài đó không phải cô Tấm xinh đẹp mà là một Thị Nở xấu xí thì sao, chẳng lẽ vua cũng cưới luôn à???


Nên mặc kệ, ai muốn ăn con cá này thì ăn đi, dù sao bán cũng chẳng được bao nhiêu tiền, đợi mẹ con Cám ăn xong vứt xương cô nhặt lại là được, mớ quần áo và con ngựa trong đống xương này bán mới có giá trị. Thời buổi bây giờ, có tiền mới là chân lý.


Tác giả muốn nói: cầu bình luận, cầu bình luận, các độc giả hãy tích cực góp ý để mình có thể hoàn thành bộ truyện này nhé!!

Cám ơn tất cả mọi người !!!