bởi Nhật Lạc

15
10
2228 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1: Tôi là Vũ


Anh ấy và tôi vốn từng rất thân, hoặc đến mức hơn cả thân. Tôi từng thầm cảm tạ ông trời vì đã đem anh ấy đến bên tôi. Hàng tuần, vì không nén nổi sự mong ngóng, tôi thường tự động đến phòng Tập San, lẳng lặng trông thấy người con trai ấy đang cặm cụi in những tờ báo giấy. Và cũng chỉ dám âm thầm nhòm ở đó thôi, không dám gọi.

Vì tôi vốn thừa biết, anh sẽ nhận ra sự xuất hiện của mình, sẽ gọi vào để phụ giúp một tay. Anh vẫn luôn như vậy.

Và nay thì, không còn thế nữa.

"Anh đi mạnh giỏi, ở trên bển có vui cũng đừng quên em."

Anh không nói gì, mặt cúi xuống, tay buông thõng.

''Dù sự thực có tàn nhẫn như thế nào, dù anh đề cao nó. Em thì không, em mặc kệ nó, em vẫn..." - Tôi định thốt lên hai từ ấy, đã được nén chặt bao nhiêu năm nay, mưu cầu sự giải thoát.

"Chờ anh." - Và vẫn không thể nói ra.

Mùa thu năm ấy, dưới tán cây bàng xòe bóng, em bỏ lỡ anh, anh bỏ lỡ em.

Hai ta lạc mất nhau.

...

Tờ mờ sáng, đèn đường chưa tắt, trời lạnh thấu xương. Những con hải âu trắng từng đàn sải cánh bay ngang, đắm mình vào không khí se se lạnh của tiết trời tháng mười hai nơi miền biển. Phía xa xa, lấp ló một vạt tia nắng vàng ấm áp của bình minh sớm, chúng mỏng tang tựa những vệt xước dài trên làn mây sương. Đằng Đông, mặt trời thong dong, chậm rãi bay lên từ sâu trong lòng biển. Lấp ló một nửa mái đầu hói đỏ lừ bóng loáng, lơ lửng tròn trịa trước mắt như một ông cụ.

Bọn trẻ chúng tôi vẫn thường gọi đó là Ông Mặt Trời.

Phía xa xa, ẩn hiện trên mặt nước tịch mịch, một con thuyền nhỏ tí dập dềnh trên biển. Càng tiến gần đến đất liền, nó càng sôi nổi, nó cưỡi mình trên những con sóng bạc đầu, nó đua mình với những con cá vược, nó xé tan làn gió lạnh, vô tư lao về phía trước một cách hùng dũng lạ thường. Nối đuôi tiếp là một con thuyền, hai con thuyền, rồi ba con thuyền. Một hồi chuông dài chợt vang lên vồn vã, lay động biển cả, tiếng chuông ấy báo hiệu cho dân làng chài biết, đoàn thuyền đánh cá đã trở về.

Tôi mải mê ngắm khung cảnh bình minh miền biển mộc mạc, đơn sơ mà rất đỗi thơ mộng ấy. Thật yên bình, dễ chịu.

"Này, xuống đây coi, đừng đứng trên mũi thuyền nữa kẻo lộn cổ xuống nước là mặc xác cậu đấy. Cá có rỉa chết tôi cũng không cứu được đâu." - Đúng vậy, làm sao cứu được tại nhỏ làm gì biết bơi.

Tôi đu mình trên thanh sắt, tuột xuống chỗ boong tàu.

"Mì Hảo Hảo một trứng thơm nức mũi, ngồi xuống ăn luôn cho nóng." - Nhỏ day day ống quần tôi, đôi mắt lấp lánh sáng ngời như vớ được đồ gì quý giá.

Chỉ có một vắt mì tôm nhỏ, hai người ăn nữa nên nhanh hết lắm. Sáng nay tôi ăn bánh mì mua tối qua còn thừa nên chẳng thấy đói mấy, nhỏ mời mọc bắt ăn nên tôi nể nang ăn vài ba miếng qua loa thôi. Với cả nó gầy nhom như cái que củi khô, tôi mà ăn nữa chắc đến gần trưa đói ngất ra như mọi hôm thì tội nó lắm.

"Đâu ra mì thế?"

"Mua chứ đào đất ra à, tôi mặc cả mãi người ta mới chịu bán cho đấy." - Nhỏ tách đôi trái trứng lòng đào rồi để sang bát tôi một nửa, tôi không đành lòng bèn gắp nửa trứng đó bỏ lại vào bát nó.

Nó nhíu mày khó chịu, hỏi tôi không ăn hay chê nó nấu không ngon. Tôi cười cười bảo hôm nay đau bụng, ăn trứng bị ợ chua. Trông thành thật hết mức có thể vậy mà, nhỏ liếc xéo rồi lẩm bẩm bảo tôi nói xạo.  Xong sau đó, không có sau đó nữa vì nồi mì cùng trái trứng đã dắt tay nhau đoàn tụ trong dạ dày của nó rồi.

"Đi đâu vậy?" - Tôi nhíu mày hỏi.

"Đi rửa nồi chứ đi đâu nữa!"

"Tay bị làm sao kia?" - Tôi đảo mắt qua nhìn tay nó, một vài nốt đỏ, phồng rộp đóng vảy trong lòng bàn tay, nó cố nắm tay giấu giếm không cho tôi biết. Nhưng nó càng giấu thì tôi lại càng thấy rõ.

"Thì bị...bị bỏng, nấu bún cá phụ mẹ xong bị bỏng thôi chứ sao trăng gì. Xí, đeo găng tay vào là được mà." - Nhỏ tỏ ra lời hỏi han quan tâm của tôi là không cần thiết.

Con bé đá vào chân tôi một cái thật đau rồi chạy tót ra phía sau chiếc thuyền. Tôi xị mặt nằm ôm ống đồng. Chú Tuất từ dưới trèo lên, chú vác tôi trên vai và không quên gọi con gái chú.

"Con Hiên, con Hiên đâu rồi! Xuống thuyền đi học nhanh. Đến nơi rồi"

Từ lúc lên cấp 3 đến giờ, ngày nào tôi cùng nhỏ Hiên đều phải dậy từ tinh mơ mờ đất để đi học bên tận đô thị Cô Tô. Tiện đường mang thuyền đi đánh cá, chú Tuất ba con Hiên sẵn tiện kêu hai đứa lên thuyền đi sang đó cho nhanh, chứ đi bộ mấy năm liền thì chết khổ. Kể cả hồi trước học mầm non, tiểu học lên đến cấp 2 đều là chú Tuất lóc cóc đạp xe đạp chở hai đứa đi học.

Tính cả năm nay, tôi đã ở nhà chú Tuất, hoặc nói đúng ra là ba nuôi, được tròn mười năm năm. Chú là ba nuôi của tôi. Nghe cụ Mão kể tự dưng một ngày mưa gió bão bùng, chú trở về sau một tuần đi đánh vụ cá lớn trên biển, bộ quần áo mặc ướt sũng, tay bồng bế một đứa trẻ sơ sinh. Nhưng mà lúc ấy cô Hồng - vợ chú mới vừa sinh cái Hiên, cả nhà làm quần quật nuôi bốn miệng ăn đã khổ lắm rồi, giờ lại còn nhặt thêm một đứa về nữa thì chết đói mất.

Cụ bắt chú đem cho tôi đi, hoặc gửi vào chùa. Cụ không cho chú nuôi tôi, cụ than của rơi của vãi nhặt về thêm phiền, cụ không muốn tiếp tục sống trong cảnh đói hèn thêm một ngày nào nữa. Ngặt nỗi, cô Hồng không chịu, vợ chồng vốn hiếm muộn mãi mới đẻ được đứa con gái, nay mai không biết có chửa tiếp được nữa không. Cô trông tôi lúc ấy béo tròn, kháu khỉnh, trộm vía ít khóc dễ nuôi nên nài nỉ mãi chú Tuất mới chịu đi thuyết phục Cụ Mão cho phép hai người giữ tôi lại.

"Thế ngộ nhỡ hai sau nó lớn nó biết nó là con nuôi. Rồi khi lớn đủ lông đủ cánh, nó bỏ đi biệt tăm biệt tích mi có chịu được không?"

"Chỉ cần nó lớn lên khoẻ mạnh, hạnh phúc là con mãn nguyện lắm rồi."

Cụ ẵm đứa bé từ tay cô Hồng, nhìn vào đôi mắt đen lay láy của nó, lòng nặng trĩu.

"Cha bố tiên sư lũ chúng mày, cứ thích lo chuyện bao đồng." - Rồi cụ thơm má thằng cu, đoạn nói:

"Hoài Vũ, từ giờ thằng cu Vũ là cháu của cụ, không được đi đâu hết."

...

Tôi và Hiên lớn lên cùng nhau, tôi lớn hơn nó nên được phong chức anh trai còn con nhỏ bé hơn bị hạ xuống làm em gái. Hồi còn nhỏ nó quấn tôi như sam, nó quý tôi nhất nhà, luôn miệng gọi ríu rít anh trai. Từ đợt nghe cụ Mão kể chuyện không phải con ruột, nó càng chẳng tỏ ra ngạc nhiên mấy, sáng hôm sau liền nằng nặc đòi đổi cách xưng hô. Tôi không đồng ý, nó hờn, nó dỗi, nó phụng phịu ba ngày ba đêm. Ba mẹ vốn chiều chuộng cái Hiên, nó có tung hoàng cỡ nào cũng không nỡ to tiếng nạt nộ.

Ừ tôi không chấp, tôi miễn cưỡng gật đầu. Anh trai và em gái nay bỗng kết nghĩa bạn bè, nhỏ Hiên còn tỏ ra vô cùng thích thú, thích thú cái việc nhỏ không cho tôi làm anh trai nó nữa.

"Vì sao vậy?"

"V...ì vì không xứng chứ sao, anh trai phải hơn tuổi em gái, anh...à không cậu bằng tuổi tôi mà cớ gì lại làm anh trai tôi."

Tôi sinh ra nó trước tận mấy tháng liền, rõ là lớn hơn mấy tháng liền. Nhưng nhỏ nhiều chuyện lắm, kêu tháng không tính, bắt tính năm. Ừ thì năm, tôi không chấp, muốn gọi bằng gì thì gọi. Tôi không quan tâm.

Xuống bến phà, tôi dắt chiếc xe đạp xuống để chở Hiên. Nhỏ ngồi đằng sau bám chặt lấy yên xe, miệng ngâm nga giai điệu một bài hát nào đó mà tôi không biết. Xe chạy men theo con đường nhỏ lát đá hoa nâu, qua ba dãy phố, một phiên chợ, đi thẳng qua cầu. Trường học nằm ở khu đồi nhỏ, bao phủ bởi lớp cỏ xanh rờn, đến mùa lạnh hoa cải vàng đua nhau mọc từng khóm chi chít. Hai hàng cây phượng trụi lá xếp thẳng dẫn lối đến cổng, để chừa ra một khoảng đường nhỏ trải sỏi ở dưới. Tiếng sỏi vang lên lạo xạo, không ồn ào nhưng đủ khiến lòng người xôn xao.

Tôi kêu Hiên xuống xe để dắt bộ vì nhà trường không cho phi thẳng vào khuôn viên. Nãy mới để ý bộ đồ nó vừa mặc trên thuyền lúc nãy không phải bộ này. Hiện tại, con bé đang mặc áo dài trắng, tóc đằng sau tết đuôi sam, tóc mái rẽ ngang kẹp chiếc kíp hình hoa đồng tiền, chân đi đôi guốc của mẹ. Bình thường trong mắt tôi nó chỉ là một đứa em gái đành hanh, vụng về. Quanh năm mặc quần của bà, khoác áo của mẹ. Hình ảnh dịu dàng nữ tính này tôi nhìn không quen.

Hoặc nói đúng hơn trông nó lạ lắm.

Xinh hơn chăng?

"Anh xe đạp xanh, thẻ học sinh của anh đâu?" - Tôi chậm rãi dắt xe qua cổng, tay sờ sờ lên chiếc bọc thẻ đeo trên cổ, thẻ vẫn ở đây mà. Lòng thầm tự nhủ là một anh chàng xe đạp xanh lá nào đấy, chứ không phải anh chàng xe đạp xanh biển tôi đâu.

Lưng áo bị níu lại, như có ai kéo. Tôi thoáng ngoảnh đầu lại nhìn, một con bé tóc lởm chởm, da nâu bánh mật, thấp hơn tôi một cái đầu đứng sừng sững trước mặt. Là con Ngỗng, con nhỏ năm ngoái suýt chết đuối ngoài biển.

Con Ngỗng một mình mò ra chỗ đầy rẫy những tảng đá lớn để mò vỏ sò, xong nó trượt chân bị sóng cuốn đi mất. Hôm đó cũng chính là ngày tôi biết đến việc mình không phải con ruột. Sự buồn dâng cao, tôi đánh liều kéo cái thúng nhỏ ra biển, ngồi lênh đênh ngắm hoàng hôn một lúc. Và cũng kể vắn tắt luôn, tôi nhảy khỏi thúng, gồng mình lên bơi ra cứu nó, giành lại con bé từ tay thần biển.

"Anh mang bọc thẻ không mang thẻ thế mang làm gì, anh về nhà lấy đi."

Hôm qua tôi mang thẻ của mình với Hiên ra lau. Có dặn con nhỏ là có nhét vào thì nhét vào hộ tôi luôn, rồi sáng nay nó lấy cho một mình nó. Quên phần tôi.

"Tao quên mất."

"Thôi khỏi lấy đi, sắp trống rồi." - Con bé thở dài, rút chiếc bút được gài hờ bên vành tai, tay mở cuốn sổ ghi chép, tra đến dòng trống hàng thứ năm rồi ngước mắt lên nhìn.

"Tên? lớp? À khỏi tên, chỉ cần lớp thôi"

Con nhỏ biết tên tôi ư?

"Lớp 11A1."

"Chiều anh ở lại quét sân trường nhé, quét xong thì báo cáo giám thị rồi mới được về. Nhớ báo cáo không mai bị phạt quét thêm, lại mất công."

Tôi gật gù. Trong đầu nảy ra ý định trốn phạt, tối nay sinh nhật đứa bạn hàng xóm, bác gái sang nhà mời cả hai anh em tôi đến chia vui. Nhà nó mua nhiều đồ ăn ngon lắm, hoa quả rồi bánh kẹo toàn của hàng ngoại xịn. Bỏ lỡ cơ hội này, có lẽ sẽ hối tiếc cả đời mất.

"Ngỗng ơi, đi nộp danh sách lên phòng đoàn, nhanh kẻo lên muộn mất!"

"Đi liền!"

Dường như con bé đọc được suy nghĩ của tôi, trước khi chạy đi, còn ngoảnh lại nói thật to.

"Anh đừng có trốn nhé!"

Tôi bần thần một khắc rồi quay đầu dắt xe vào khu lán nhỏ.