bởi Mỹ Diệu

170
10
3605 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1: Trò đùa vui của xóm Mít


“Thành phố gì mà tòa nhà nhiều dữ mày ơi!”

“Ngốc vừa thôi mày à, đây là Hồ Chí Minh chứ không phải dưới quê mà làm gì với vẻ mặt lạ lùng thế."

“Cái con ni ngộ hen, người ta mới lên đây chứ có phải đã sống ở đây mô mà biết trên ni có nhiều tòa mô mà đẹp như vậy."

Ba đứa con gái lê lết trên khắp con đường này đến con đường khác như những bọn ngáo đang tưởng đi chu du khắp thiên hạ. Cả ba đứa chỉ có mỗi Loan là sống ở Sài Gòn, đất gốc hẳn nên mới không thấy lạ, còn con Hà với con My thì chúng nó từ ngoài miền Bắc vô, trong đó thì Hà là đứa gốc ở miền Trung do gia đình chạy loạn thời chiến mà bỏ vô Bắc nên giọng nó lâu lâu hơi lái tiếng miền Trung ấy. Tuy xuất xứ mỗi đứa không giống nhau, chúng tôi lại rất thân nhau, hiểu nhau từ ánh mắt tới lời nói. Cùng chung sống ở cái xứ nghèo, cùng nhau chơi đùa ở dưới đồng giữa trưa nắng, bắt những con cào cào rồi thi nhau bắn bi với lũ trai trong làng. Kể phải nói cái Hà tuy tính nó hiền lành, ít nói chứ nó lại bắn bi vô cùng giỏi, tôi nhờ nó mà lúc nào cũng được ăn bánh. Ngoài tài lẻ ấy, nó còn biết bao trò vui khác mà khiến tôi cứ nhớ như in trong lòng. Cũng nhờ nó mà tôi biết Loan, dần dần dà chúng tôi nói chuyện rồi kết bạn bè từ khi nào không hay?

Để mà kể lại tất cả những gì chúng tôi làm cùng nhau thì có khi phải mất mấy ngày trời, tôi mới kể hết được. Nhưng nếu tóm gọn, tôi lại nhớ như in chuyện ngày hôm đó. Khi tôi mới lên năm tuổi, thích nô đùa với đám con nít ở xóm Mít dưới làng, tuy tôi ở thị xã, nhưng vì sự ham chơi của mình, nên mỗi lần đi chơi cứ phải căn lúc má ngủ say thường sau khi má đi cày ruộng về. Lẻn ra cửa sau nhà, nháy mắt với ngoại một cái là chạy thoăn thoắt lên với tụi nó. Bất chấp má có mắng hay kêu lại thì tôi quyết không ngoảnh đầu. Bởi tôi biết, nếu làm vậy, chắc chắn chỉ có ăn đòn, thế nên tôi phải chạy thật nhanh để chơi thật lâu. Trong đám đó, tôi là My đứa ngô nghê nhất hỏi gì cũng đều không trả lời được (dù tôi đã được học chữ lỏm của thầy Bỉnh trong xóm). Thầy Bỉnh nổi tiếng vì có đứa con làm kế toán trên Sài Gòn, tôi nghe mấy cô bác chú trong làng khoe suốt. Tôi thì thuộc dạng con nhà không có được đầy đủ nên cứ mỗi lần thầy ê a chữ này chữ kia, tôi lại núp sau vườn chuối ở sân sau, lấy tàu lá chuối với viên gạch mà tập viết theo. Có lẽ cũng vì thế nhà thầy có cây chuối con mới nhú lên ở sau vườn rồi nó cũng dần dần vì tôi mà trụi lá… Tiếc thay! Sau bao năm cắp sách chăm chỉ nhưng những câu chúng nó kể và hỏi, đặc biệt câu hỏi của con Hà đều rất khó hiểu, không biết có phải kiểu đố mẹo hay không mà tôi lúc nào cũng đoán trật lất:

“Đố chúng mày biết con gì mà người ta đi ngang qua đều phải vỗ tay?"

Tôi nhíu mày, câu hỏi gì mà kỳ cục, cứ thấy vô lí làm sao. Dù thế nào, tôi cũng quyết hôm nay mình cũng phải đáp đúng câu hỏi của nó. Tôi không tin, mình thông minh như này, đều học đủ chữ thầy Bình dạy, làm được vài phép tính căn bản mà lại đi thua một con nhóc hay nói phét như Hà. Nghĩ một lát, tôi reo lên, sự hân hoan ấy là vì tôi biết tỏng đáp án của câu hỏi này là gì. Tôi đứng thẳng người, hai mắt trợn tròn nhìn Hà, dỏng dạc ra oai:

“Tao biết đó nghen mày. Con mà tối ngày kêu quạp quạp ngoài bờ sông kế nhà chú Tư chứ gì. Con vịt, thôi đừng đố nữa, dễ quá trời, này ai cũng biết nhá.”

Con Loan nghe thấy vậy gật đầu liên tục “ừ ừ cũng đúng ấy mày." Nó tin tưởng tôi, để đáp lại sự mong mỏi của nó, tôi nháy mắt ra hiệu. Nhưng chỉ vài phút sau, tự dưng nó cười há há, sau đó nó mắng tôi điên, tôi khùng, tôi dở vì tôi trả lời sai bét, chả có lí chút nào mà bày đặt. Tôi ngớ người, chả hiểu bữa nay nó theo phe ai mà lại bảo vậy. Tôi đứng lặng người, có một người bạn đồng đội, vừa mới ra oai giờ nó lại cười mình. Đặc biệt con đố câu hỏi nó còn cười dữ dội hơn, nó quay lưng ra sau bật từng tràng cười to. Nó cứ làm như mới có chuyện hài lắm vậy, giống hệt mỗi khi làng tôi có gánh xiếc về diễn, cứ nhìn thấy ông chú đó làm hề là lũ con nít nó cười lên cười xuống. Vẻ như nó biết tôi đoán sai, nó đâm ra khoái chí, nó nhảy lên rồi đi vòng tròn xung quanh tôi. Nó lườm tôi một cái, rồi nhìn về lũ trẻ đang ngồi dưới đất. Trời đã xế trưa, mọi người đang lần lượt đi ra đồng làm việc. Tôi giả vờ nhìn ra xa, cố vờ quên đi chuyện hồi nãy. Nhưng làm sao mà nguôi giận được chứ, ở nhà tôi chưa bị ai cười nhiều đến vậy, kể cả má tôi, mỗi khi trọc tôi đều bị tôi giận cho phải mua kẹo để an ủi tôi. Đột nhiên bữa nay, tôi ra chơi với chúng nó mà phải trốn má, vậy mà nỡ lòng nào tụi nó đối xử vậy. Tôi quát lên:

“Cười bà cha mày chứ cười. Bộ thấy tụi này không biết mà vui vậy sao. Đừng có tưởng bở, tao chẳng qua là nhường mày xíu thôi nhá! Lát tao xuống nhà anh Minh, ảnh sẽ nói cho tao biết ngay đáp án thôi.”

Anh Minh là học trò giỏi nhất của lớp thầy Bỉnh, tính toán không chỉ chính xác lại hay đọc sách, thường trả lời mọi câu hỏi mà thầy Bỉnh hỏi. Tôi ngưỡng mộ từ lâu, mến thầm định có dịp nào đó sẽ ghé qua nhà anh Minh chơi để hỏi ảnh vài bài toán. Hà thích anh Minh nhưng Hà ngại không dám nói chuyện với ảnh, tôi biết nên tôi mới cố tình nói ra để khè lại nó, coi như chữa được sự xấu hổ vừa nãy. Hà liền nói:

“Tụi mày ngu quá, con vịt nó đập cánh chứ có ai vỗ tay khi nhìn thấy nó đâu. Đã sai còn làm như đúng rồi, thua rồi nhé. Một bịch kẹo như mọi bữa.”

Vừa dứt lời nó quay sang quan sát hết đám trẻ một lượt rồi nói tiếng lớn:

“Trong đám này, tao thách đứa nào đoán được đó, cả làng này đứa nào đoán được thì tao tặng cho mấy viên bi màu xanh hôm qua mới lụm được ven ruộng xinh lắm.”

Nói xong nó cầm ra một cái túi màu xanh, có chỉ đỏ thêu tên của nó, ngoài ra còn thêu một con mèo mướp. Ở quê tôi đó là giống mèo ham ăn ham ngủ, chỉ thích nằm ườn ở dưới bóng râm của nhà, chẳng chịu bắt chuột, nhưng người ta lại thi nhau nuôi cho bằng được cái giống vô dụng ấy, đơn giản vì nó đẹp. Có lần tôi hỏi má tôi sao lại nuôi cái con ấy mà còn cho nó ăn nhiều hơn tôi. Má nghe tôi hỏi, gõ ba cái liền vào đầu của tôi, tôi tính giở lại thói cũ ra để mè nheo má mua cho mấy cây kẹo mút vì đã đánh tôi. Nhưng tôi chưa kịp tung chiêu đó ra, thì má bảo rằng:

“Nó tuy ăn xong nằm ngủ vô dụng nhưng được cái nghe lời chịu ngủ trưa ở nhà, ai như mày thứ con gái gì hở trưa nắng thấy tao ngủ cái là vọt chơi liền. Nuôi mày còn tốn cơm mà còn cãi cả tao. Nuôi nó, tao chửi nó, tao đánh nó, nó đâu có dám làm gì ngoài kêu meo meo."

Tôi giận má tím người, sinh tôi ra mà nỡ lòng nào coi con gái cưng của má không bằng một con mèo cơ chứ. Thế nên chỉ cần liếc sơ qua cái hình con mèo với bộ lông vàng lẫn trắng là tôi đã biết ngay nó là giống mèo gì. Thứ mèo mà tôi quyết không bao giờ nuôi một lần. 

Loan đập vai, thì thầm vào tai tôi:

“Mày nói xem nay nó lấy đâu ra thói tự tin dám cá vậy."

Suy nghĩ đắn đo một hồi, tôi với Loan mặc kệ, bỏ về vì biết rằng hai đứa sẽ không bao giờ đoán ra cái câu hỏi đó của con Hà. Trời thì nắng gắt, nắng dội từng trận vào tấm lưng, tưới tắm cho vụ mạ mới gieo sáng nay, làm ướt tấm áo của mẹ tôi, bác Chín cuối xóm, bác Năm ở ngay cây đa dưới chợ, khiến không khí trở nên ngột ngạt khó thở. Tôi tần ngần nhìn nắng trải khắp ruộng đồng quê tôi, rồi ngẩn ngơ thả mình trên những chuyến gió vô tình lướt qua rồi thoáng đi nhanh chóng. Tôi đi tìm tôi, tìm những câu hỏi mà lòng băn khoăn chưa được giải đáp. Tôi ngẩn người, ngơ ngác nhìn mẹ đang cày ở ruộng cách đó năm mẫu đang nhổ sạch cỏ dại, tưới nước cho những ngọn mạ mới đâm chồi. Màu xanh mơn man óng ánh lấp lánh bởi những hạt nước nhỏ trong veo, cũng có khi là mồ hôi mặn chát của người nông dân đang bán lưng cho trời đất để có được cái ăn mặc đầy đủ, con cái vui vẻ và gia đình hạnh phúc. Càng nhìn họ, tôi càng thấm đẫm một thứ tình cảm rất lạ. Một loại cảm xúc mà chỉ khi sống ở trong chính nơi mình được sinh ra, ngày ngày trông nó dần dần lớn lên, tôi mới thấu hiểu rõ. Tôi yêu quê hương, cái nơi xứ nghèo lênh đênh trên những mảnh ruộng khô cằn, cần phải tưới bằng thứ mồ hôi nặng nhọc và sự chăm chỉ của nông dân. Tôi ước gì sau này quê tôi phát đạt, giống như xóm Hường ở làng bên, người ta không cần phải thức khuya dậy sớm để ra đồng chăm lúa. Má tôi có thể ôm tôi ngủ nhiều hơn trước, tôi sẽ được nghe má ru cái điệu ru của người con Bắc Bộ, từng câu chữ từng câu hát thấm đượm vào tâm trí tôi.

Tôi và Loan ngồi trên đống rạ nhìn thẳng ra cánh đồng. Chúng tôi im lặng nhìn mọi thứ trôi qua như vậy rất lâu. Trời sập tối, lũ chuồn chuồn bay từng đàn đi về phía rặng tre, mặt trời nấp dần sau những căn nhà phía xa. Tôi với Loan thì thầm với nhau:

"Quê mình đẹp mày ha. Tao ước sau này tao cứ ở mãi đây không thôi. Dù nó có nghèo, tao vẫn cứ ở ở tới khi nào, tao chết đi thôi. Chết ở cái nơi mà tao từng được sinh ra rồi lớn lên. Mày biết không, tao thích nhiều thứ quê mình lắm. Tao thích những bông lúa vàng mỗi khi chín vụ, thích lũ cò trắng thi nhau chao liệng dài giữa trời. Tao còn thích cả việc cùng mày lớn lên và chơi những trò trẻ con ở đây. Tất cả, nhiều lắm, tao đều cứ nhớ như in trong lòng."

Loan cầm tay tôi, hai mắt nó nhắm nghiền lại:

"Hít một hơi thật sâu đi!"

Tôi hít một hơi dài, luồng gió thơm mùi rạ lẫn chút vị đất chảy mạnh vào trong lồng ngực. Tôi thở phào, cảm nhận sự yên bình mà nơi này mang lại. Tôi dựa vào Loan, mắt nhằm nghiền lại. 

"My ơi mày đâu rồi, có về nhà không thì bảo..."

Nghe tiếng từ xa, tôi giật mình tỉnh dậy, vỗ vai Loan. Trời đã tối đen như mực từ lúc nào, chúng tôi không biết mình đã thiếp đi từ bao giờ. Tôi phải về, Loan cũng vậy. Trước khi tạm biệt, tôi nảy ra một ý định.

"Chiều mai nhá. Tao tin là con Hà có thứ gì đó giấu tụi mình, chứ không làm sao nó có nhiều câu hỏi hóc búa vậy, tao là tao không chịu thua nó mãi đâu. Tao với mày theo dõi nó thử xem."

Chiều ngày mai, tôi với Loan hẹn nhau sau gốc đa cuối nhà chú Tư. Chúng tôi núp đằng sau để căn khi nó vừa đi chơi ở xóm Mít về sẽ đi theo nó xem nó giấu thứ bí mật kia ở đâu. Tuy tôi, Loan và nó chơi thân với nhau từ bé nhưng tính nó keo kiệt lắm, chả bao giờ chịu chia ai cái gì cả, mấy lần thua kèo trả lời câu hỏi của nó, chúng tôi mất hết những viên bi màu xanh, đỏ, vàng, rồi tới những thanh kẹo vừng, bánh này bánh kia. Chúng tôi tức lắm nhưng chưa biết làm sao nên bây giờ chúng tôi quyết định sẽ đi khai phá đáp án đằng sau bí mật của nó. Tôi đoán tất cả những gì nó đố chúng tôi cất trong một quyển sách, chỉ cần mở nó ra có thể tìm thấy câu trả lời, và dùng những câu hỏi ghi trong đó để đem đi đố người khác. Chúng tôi sẽ lẻn vô đó lúc nó ra về, sau đó lấy trộm quyển sách về nhà chép đại một câu nào trong đó rồi mai đố lại nó. Tôi cười thầm, loan hiểu ý cũng cười chung, hai đứa vui sướng chưa bao giờ hết khi nghĩ tới cảnh ngày mai kẻ mưu đoan kia sẽ bị bại trận dưới tay. Chúng tôi chờ má ngủ say khướt đi rồi bắt đầu co chân lên chạy, vẫn như mọi lần đều dựa vào ngoại năn nỉ. Ngoại nó với ngoại tôi là hai bạn thân lúc đi học, chưa kể nhà lại kế bên, thế nên nếu có vô tình mà bị đánh thì có người bảo kê. Chúng tôi an tâm đi tìm bí kíp mà không lo sợ gì cả.

“Loan ơi, mày núp kĩ vào, đứng vào đây nè kẻo nó phát hiện. Cây đa này to lắm hơn nữa nằm ngay lối thông đi của mọi người, thế nào nó cũng sẽ đi qua. Quan trọng nhất hôm nay là ngày nó ra câu đố chắc chắn sẽ quay về chỗ kho báu ấy.”

Hai đứa gật đầu, núp sau gốc cây đa. Chúng tôi thi thoảng đảo mắt ngó xem khi nào Hà đi ngang qua. Chờ hết một tiếng trôi qua, mấy bác nông dân nghỉ trưa cũng đã dậy ra đồng cày cuốc mà con Hà vẫn chưa đi qua lần nào. Loan hỏi tôi:

“Ê mày hay có khi hôm nay nó biết tao với mày sẽ phục kích nên trốn rồi."

“Tao đâu có nói chuyện này cho ai đâu, sao mà nó nghĩ được chuyện ấy chứ."

“Ê nó kìa im lặng suỵt."

Hà tung tăng chân này quấn với chân kia cứ từng bước nhảy trong vui sướng. Hình như hôm nay lại là ngày may mắn của nó, hay tay nó cầm hai bịch kẹo dừa bự, miệng ríu rít hát theo nhịp điệu bài Bắc kim thang:

"Bắc kim thang, cà ran bí rợt.... Cột qua kèo nẻ... Cột qua kèo rồi kèo qua cột. Ấy thế mà nay lại thắng..."

Nó cứ luyên thuyên hát nhưng lại hát sai, toàn bắt tôi núp trong gốc đa vừa lẩm nhẩm sửa lại cho đúng lời. Thi thoảng, nó đảo mắt nhìn xung quanh xem có ai đi sau nó không, sợ chúng nó căn lúc nó không để ý rồi chôm bịch kẹo? Nó đi về phía cuối làng, đi vào con hẻm nhỏ lách qua những bụi chuối. Tôi với Loan nhanh chân chạy theo, dọc đường cứ tạt đại vô bụi rơm hay cây chuối mọc cạnh sông để tránh bị phát hiện. Nó đi càng lúc càng nhanh, dường như nó biết chúng tôi đang đi theo sau nó nên cố tình cắt đuôi. Nó làm vậy đâm ra khiến chúng tôi tò mò thêm về sự tình đằng sau những câu đố. Đi mãi hết con đường nhỏ, nó quẹo ngay vào một căn nhà, đẩy cửa đi vào. Chúng tôi bị nó bỏ ngay ngoài, không biết cách nào để có thể vào trong được. Tình cờ, tôi phát hiện thấy một cây bưởi trong sân. Cành lá xum xuê, trĩu nặng và ngả ra phía ngoài đường. Tôi với Loan, một đứa đứng dưới đỡ đứa kia lên, chúng tôi định trèo qua tường bằng cách túm vào cành cây, rồi núp trong sân nhà quan sát xem con Hà nó làm gì. 

"Loan mày đỡ tao, tao trèo giỏi để tao lên trước."

Vừa dứt lời, tôi nhảy tót một cái lên tường rồi men theo cành cây leo xuống. Đứng ở bên kia bức tường, tôi nói nhỏ với Loan:

"Trong này nhiều con nít quá chừng, có vẻ như nhỏ tuổi hơn tao với mày."

Loan đứng ngoài cố gắng áp chặt tai để nghe rõ. Âm thanh to dần nhưng lại đôi chút bị ngắt quãng. Loan nó không leo vào trong cùng với tôi, nó dặn tôi:

"Mày căn khi nào tụi nó đi xa cái cổng thì kêu ú ú ú ú. Bốn chữ ú ấy nha, tao sẽ lẻn vào trong núp với mày."

Hà cùng đám nhỏ đứng hồi lâu, rồi chúng nó đi vào trong nhà."

Tôi liền kêu to

"Ú ú ù ú ù ...."

Loan kéo nhẹ cổng, luồn sát ngay bên trái rồi đi một mạch vào vườn, tới cạnh chỗ tôi. Nó liếc một cái, giận dữ bảo:

"Mày ú cái gì nhiều vậy, nó biết thì sao."

Tôi nhìn nó tỏ vẻ không hiểu:

"Mày chả bảo kêu ú nhiều vào để nghe cho rõ còn gì, tao nhớ là hơn mười lần ú mà, tao sợ nó biết nên tao kêu to luôn. Nó có phát giác cũng nghĩ là con chó nhà ai sủa, yên tâm còn lâu nó mới biết tao với mày núp ở đây."

Tôi với nó lần lượt di chuyển sát gần căn nhà, núp vào bức tường kế cạnh cửa sổ, lén mắt đưa nhìn vào trong. Căn nhà rỗng tuếch, trống trải chỉ có cái giường nằm góc phải. Tụi trẻ con cùng với con Hà nữa tổng cộng là gần mười mấy đứa đang nhìn nhau cười. Đang quan sát từng thứ thì bất chợt, Loan kêu lên:

“A đau quá, con muỗi mày."

“Tự dưng bảo tao con muỗi hả?”

“Điên tao bị muỗi đốt đau quá.”

Thật hên cho chúng tôi vì tụi nó nói chuyện vui vẻ quá, tiếng cười lấn át cả tiếng la của hai đứa. Tôi thở phào nhẹ nhõm dặn nó không được tự ý để lộ như vậy. Vài phút sau, tôi nhận ra, bảo với Loan:

"Đây hình như không phải nhà nó, tao trông thấy lạ lắm."

Tôi đến nhà Hà chơi từ hồi má nó còn sống. Năm đó nhà nó nghèo quá thiếu quần áo để mặc, mẹ tôi đi đồng về nghe bác Tỉnh trưởng thôn tới từng nhà thông báo, xóm Mít mất mùa, nhà ai nấy đều khổ không có gạo mà ăn. Mẹ tôi thấy thường, đi hỏi mấy nhà xung quanh xóm tôi để gom góp lại một ít, được cỡ khoảng hơn hai mươi kí gạo với mấy chục bộ quần áo cũ hơi sờn mang xuống tặng. Nghe má kể, tôi nằng nặc đòi đi theo cho bằng được, đâu cũng chỉ vì muốn được xóm Mít chơi. Cũng vì lần ấy, tôi biết Hà. Nó cao nhưng gầy nhom, sống chung với má và bà nội. Má nó bệnh, sức khỏe yếu kém, nó chỉ biết trông vào việc làm thuê ở dưới nhà cậu Năm, con ông ba Thịnh giàu nhất cái làng. Tôi có nghe bác Tỉnh kể qua, nhà ông ba Thịnh nổi tiếng nhiều tiền được các quan trên nương nhờ hay đến thăm, sống bằng cái nghề bán vải lụa. Tôi nào có ngờ, cái Hà nó chỉ hơn tôi một tuổi vậy mà nó lại đi làm thuê ở đó, chả vô tích sự như tôi, tối ngày lêu lỏng không xóm Mít thì quanh làng, quanh nhà mấy đứa trẻ con. Loan vỗ nhẹ vai hỏi tôi:

"Nếu không phải nhà nó thì nó tới đây làm gì? Chả có nhẽ?"